Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 18: 21-35)
1 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.”27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao! “29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.”30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? “34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
SUY NIỆM
Chúng ta thường câu nệ rằng: “Tôi sẽ không tha thứ chừng nào hắn chưa nói lời xin lỗi”. Nhưng làm như vậy chỉ khiến chúng ta phải ôm nỗi hận trong khoảng thời gian dài mà rốt cục chỉ có mình khổ. Và như thế, chúng ta để cho sự bình yên của mình nằm trong tay kẻ khác.
Một nghiên cứu tại Đại học Hope ở Michigan, Mỹ, đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ hình dung kế hoạch trả thù những người làm đau mình. Nhưng sức ép sẽ giảm đi rất nhiều khi họ mường tượng đến cảnh tha thứ cho những người phạm lỗi. Các nhà khoa học tại Đại học Stanford cũng tìm thấy những ai biết thứ tha sẽ có các cơn giận dữ và triệu chứng stress ít hơn rất nhiều so với những người giữ mãi mối hận.
Điều đó cho thấy rằng, tha thứ là một điều cần thiết và quan trọng trong đời sống của con người. Biết tha thứ cho những người làm ta đau đớn sẽ mang lại một cảm giác yên bình mà ta không thể có được khi ôm riết lấy mối hận thù. Ngoài ra, tha thứ còn làm ta khoẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hơn nữa, tha thứ còn mang một tầm mức quan trọng hơn, vì nó là “điều kiện tiên quyết để được thứ tha”, để được ơn cứu độ. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến điều này rất nhiều lần. Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng “tha thứ” cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải “tha cho anh chị em” những lỗi lầm ít ỏi họ xúc phạm đến ta.
Cũng vậy, khi dạy chúng ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu bắt chúng ta phải hứa “tha” cho anh chị em khi xin Chúa tha thứ lỗi lầm của chúng ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Mátthêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con biết tha thứ là điều khó thực hiện, đặc biệt là khi phải tha cho những người xúc phạm đến chúng con, nhưng tha thứ lại là điều kiện để chúng con được Chúa thứ tha. Xin cho chúng con luôn cố gắng sống tha thứ mỗi ngày để đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
THA THỨ LUÔN LUÔN
Câu chuyện nước trời là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Món nợ ân sủng, nợ tình yêu mà ta lãnh nhận từ Thiên Chúa làm sao có thể trả nổi. Từ khi thành hình bào thai trong lòng mẹ ta đã mắc nợ rồi – một món nợ tình, nợ ân. Mười ngàn nén vàng là bao nhiêu! Một trăm quan tiền là bao nhiêu! Thế nhưng cuộc sống con người vẫn mãi ích kỷ, so đo tính toán, bởi vì lòng người chai đá không cảm được ân tình Thiên Chúa, không biết xót thương anh em.
Sống trong xã hội ngày nay, dường như người ta cho rằng lòng tha thứ là một sự yếu kém, ủy mị, nhu nhược! Ðã có biết bao thảm họa, bi kịch diễn ra mỗi ngày chỉ vì sự trả thù, “ăn miếng trả miếng”. Dường như đó là “lẽ công bằng” của cuộc đời? Là “đấu tranh sinh tồn”? Thực không dễ dàng gì để thực hiện mệnh lệnh tha thứ này.
Thật thế, để trở thành môn đệ Ðức Giêsu, chúng ta phải tha thứ, phải “chín bỏ làm mười”; vì đó là một trong những điều tất yếu làm nên đời sống Kitô giáo; vì đó là điều ta phải thực thi trước khi cầu nguyện “xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc lỗi với chúng con”. Nói cách khác, nếu chúng ta cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho mình thế nào, thì chúng ta phải biết tha thứ cho người khác như vậy.
Vâng, từ khi là bào thai ta đã mắc nợ; nợ cưu mang chín tháng với bao trìu mến yêu thương ấp ủ Thiên Chúa chuyển trao qua mẹ cha. Mở mắt chào đời, mối ân tình bao bọc vây quanh còn lớn hơn nữa; Bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa vẫn tiếp tục nâng bước đời sống con người: cả bầu vũ trụ vạn vật như những đầy tớ siêng năng, cần mẫn phục vụ, tặng ban cho ta tinh hoa đất trời, tinh hoa con người cho ta được lớn lên thành người, thành con Thiên Chúa. Món nợ ta mang là món nợ tình nên chỉ có thể trả được bằng nghĩa yêu thương. Thiên Chúa đã muốn như thế, vì Ngài đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài có tự do, lý trí và có trái tim yêu. Nhưng tình Chúa mênh mang là thế, còn tình người cho biếu được bao nhiêu?!
Mười ngàn nén vàng – một trăm quan tiền – một so sánh tuy rất sơ tạm nhưng cũng cho thấy một lên tới trời, một ở dưới đất. Nhưng tình vốn dĩ là cho không biếu không: “Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ” (c.27). Thiên Chúa đã tha thứ tội nợ cho chúng ta; và tình yêu vốn dĩ thể hiện cao nhất ở khả năng tha thứ. Nhờ Đức Giê-su Ki-tô chúng ta được tẩy sạch muôn vàn tội lỗi: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.” (Ep 1,7).
Ta nên nhớ rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (x. Rm 5,8). Thế có lý do nào miễn cho chúng ta xót thương người anh em? Thế nhưng có câu ‘tình đời bạc đen’. Con người vẫn cứ mê lầm lẩn quẩn trong vòng hỷ, nộ, ai, ái, ố, dục, cụ.
Và người ta cứ thích lấy cái rơm trong mắt người anh em hơn cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3 -4). Vì thế, chúng ta sẵn sàng tính sổ với anh em vì một món nợ nhỏ mà không hề mảy may nghĩ đến mình đã được tha một món nợ khổng lồ cách nhưng không. Tên đầy tớ trong dụ ngôn xem ra có vẻ bạc ác, phi lý; nhưng đó lại là thái độ của mỗi người chúng ta.
Dụ ngôn thật thâm thúy, có tính giáo dục cao, nó giống như vở bi hài kịch; nhưng thực tế trong cuộc sống, mấy ai nhận ra được mình đóng một vai diễn chính gây phẫn uất trong đó. Chúng ta sẵn sàng vung dao khi người anh em làm chúng ta xây xát. Chúng ta sẵn sàng đạp người anh em xuống bùn đen, khi họ lỡ làm lòng tự trọng cuả chúng ta bị tổn thương…. Chúng ta thích bắt bẻ người anh em những lỗi lầm mà chính chúng ta vẫn thường khi mắc phải. Và chúng ta thích ngồi chiếc ghế thẩm phán hơn là chiếc ghế của bị cáo.
Mùa chay, mùa của kiểm điểm, sám hối ăn năn. Mỗi người chúng ta ai cũng mong mình được Thiên Chúa tha thứ tội nợ. Ngài đã tha thứ tội nợ cho chúng ta, nhưng việc chúng ta tha thứ cho anh em mình là một hành động mở rộng tấm lòng để ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đổ vào tâm hồn chúng ta.
Tha thứ – một hành vi không dễ dàng – Chỉ khi nào có trái tim yêu đích thực người ta mới có thể tha thứ thực sự không tính toán. Hãy lặng thinh, nhìn lên chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh, tuy chịu nhục hình vẫn nói lời tha thứ cho kẻ giết mình, để xin Thiên Chúa hoán cải lòng chúng ta; xin Chúa “cất khỏi mình chúng ta quả tim chai đá và ban tặng cho chúng ta quả tim biết yêu thương” (x.Ed 36,26) để chúng ta có thể tha thứ như lời Thầy Giê-su đã dạy – tha bảy mười lần bảy, tha không giới hạn.
Chúa Giêsu truyền phải tha thứ lẫn cho nhau. Cũng như tình yêu, sự tha thứ này phải vô giới hạn. Chính nhờ vậy, con người trở thành hình ảnh của Thiên Chúa-Tình yêu (chứ không phải của Thiên Chúa-Thẩm phán), và nhờ đó được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, là hồng ân đặc biệt Thiên Chúa trao tặng trong trật tự tình yêu. Ðây cũng là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa mà Ðức Giêsu có sứ mạng tái lập nơi con người.
Một tấm lòng bao dung thật khó kiếm. Bởi thế, mời gọi sự tha thứ đến tận cùng, thánh Mathêu muốn vẽ lên hình ảnh Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Ân sủng Người vượt quá mọi ước tính và trí tưởng tượng. Nếu biết điều, con người phải có một thái độ hợp lý. Bài học hôm nay đòi con người phải có một cái nhìn sâu xa vào chính nguồn ân sủng của Thiên Chúa nơi chính mình. Không có đức tin, không thể biết tại sao phải tha thứ cho anh em. Tha thứ là một điều kiện cần thiết để không bị hụt mất những ân sủng lớn lao.
Huệ Minh