Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Gio-an (Ga 1:43-51)
43 Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.”44Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? ” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem! “47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! “50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Suy Niệm: Tin Mừng Ga 1: 43-51
Ta thấy hành trình sống cũng như truyền giáo của Thầy Chí Thánh Giêsu không phải lúc nào cũng được suôn sẻ hay thuận buồm xuôi gió. Không ít lần Ngài phải đối diện với những con người không mấy thiện cảm với mình. Câu chuyện Đức Giêsu gặp gỡ Nathanael hôm nay chính là bài học cho chúng ta hôm nay trên hành trình theo Chúa.
Trang Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa chọn Philipphê đi theo Người và qua ông, Chúa gọi thêm Nathanael nữa. Ơn gọi theo Chúa là một hành trình, các môn đệ được đến và ở lại với Ngài, với thời gian họ sẽ khám phá ra Chúa Giêsu là vị tôn sư tốt lành để dấn bước theo Ngài. Cũng như các môn đệ khác, Philipphê đã cảm nghiệm về Chúa, từ đó ông dấn bước theo Chúa và giới thiệu Chúa cho Nathanael. Nathanael cảm thấy bất ngờ, bởi “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?”.
Ta thấy có thể lời giới thiệu của Philipphê chưa đủ sức mạnh lôi cuốn, nên ông phải nại đến ơn Chúa “Cứ đến mà xem”. Khi gặp được Chúa cũng như được đối thoại với Chúa, Nathanaen đã thay đổi cách nhìn và tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa “chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”. Từ cái nhìn đức tin này, Nathanael đã dấn thân trọn vẹn và trở thành khí cụ để Chúa sử dụng cho sứ mạng của Ngài.
Thiên Chúa chọn gọi các ngôn sứ và nói với các ông qua thị kiến, giấc mơ. Nhưng khi Đấng Emmanuel – Lời đã làm người thì tiếng gọi của Thiên Chúa không còn qua giấc mơ hay thị kiến mà là qua con người. Người được Chúa gọi thì cảm nghiệm được niềm vui cứu độ nên đáp trả bằng cách lên đường, loan báo niềm vui cho người khác. Khi được Đức Giêsu mời gọi “anh hãy theo tôi”, Philiphê đã vui đến nỗi khi gặp Nathanael ông phải giới thiệu ngay về Đức Giêsu.
Nhưng Nathanael đã cứng lòng và nghi hoặc: “Từ Nazareth, làm chi có cái gì hay được?” (1, 46). Philiphê không bỏ cuộc, ông nói một cách xác tín: “Đến mà xem!”. Philiphê đã làm xong nhiệm vụ của mình là giới thiệu và đưa người khác đến gặp Đức Giêsu phần còn lại là việc của Chúa. Hẳn đó cũng chính là điều mà bất cứ ai khi loan báo Tin Mừng cũng trải nghiệm.
Nathanael đã cảm phục Chúa, đi theo Chúa vì thấy rằng Chúa biết về đời tư của ông, Chúa nói: “Ta đã thấy ngươi dưới bóng cây vả” (c. 48). Đấy là một sự hiểu biết của một vị Thiên Chúa dành riêng cho đời ông. Trước khi ông đến gặp Chúa, Chúa đã biết ông ngồi dưới gốc cây vả. Chúa biết ông là một người “Công chính ngay thật” (c. 47). Đó là hai cái biết, Nathanael ngạc nhiên hỏi lại Chúa: “Bởi đâu mà Ngài biết được vậy?” (c. 48) Chúa quả quyết thêm: “Trước khi Philiphê gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi dưới gốc cây vả” (c. 48).
Trước thái độ hoài nghi của Nathanael Đức Giêsu đã tỏ ra ân cần, trìu mến: “đây đích thực là một người Israel lòng dạ không có gì gian dối”(1,47). Đức Giêsu tỏ ra cao thượng khi khen Nathanael là một người trung thực. Người luôn quan tâm tới ông: “trước khi Philiphê gọi anh, lúc anh ở dưới cây vả tôi đã thấy anh rồi”(1, 48). Cách cư xử của Đức Giêsu đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Nathanael khiến ông liên tục từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi Ngài nói: “các anh sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người”(1, 51)
Sự ngay thẳng của Nathanael mời gọi chúng ta hãy có một tấm lòng trung thực ngay chính như ông khi học hỏi lời Chúa. Cùng đích chóp đỉnh của Tin Mừng, của lời Chúa là chính Chúa. Ta được mời gọi đừng và không nên cắt nghĩa lời Chúa theo tư lợi ích kỷ hay dục vọng của lòng mình. Lời Chúa luôn là khuôn vàng thước ngọc, là đèn soi bước chân đi, là lời hằng sống (Ga 6, 68). Như vậy đừng bao giờ làm bể thước đo đó, cũng đừng làm mờ bóng đèn đó, và tệ hơn nữa là tắt đèn đi gây bóng tối cho mình và người khác đang cần tới ánh sáng đó… để về với Thiên Chúa hằng sống.
Nathanael đã cảm nhận được niềm vui cứu độ: “chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”(1, 49) và ông tiếp tục loan báo ơn cứu độ cho mọi người mà ông gặp gỡ. Hẳn ông sẽ loan báo cách xác tín hơn ai hết bởi chính ông từ chỗ từ chối đến chỗ mở lòng mình ra đón nhận Thiên Chúa với sự tự do, nên ông cũng sẽ chờ đợi người khác kiên nhẫn hơn, với niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ có cách của Người.
Mỗi Kitô hữu chúng ta khi được mời gọi đến gặp gỡ Chúa qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, lòng chúng ta cũng trào tràn niềm vui và chúng ta sẽ mời gọi những người khác đến với Thiên Chúa. Thế nhưng, liệu chúng ta có cư xử cách cao thượng và có còn tỏ ra quan tâm đến người khác khi họ mãi cứng lòng, luôn hoài nghi về Tin Mừng mà chúng ta loan báo hay không?
Ơn gọi của người Kitô hữu cũng vậy. Hoặc là Chúa trực tiếp gọi chúng ta khi Chúa soi sáng lương tâm chúng ta; hoặc Chúa gọi chúng ta qua trung gian một người nào đó một linh mục, một người bạn, một người nghèo, đó là trường hợp những người ngoài Công Giáo xin trở lại… Hoặc là chúng ta xin đi theo Chúa, đó là trường hợp chúng ta sinh ra trong gia đình Công Giáo, xin Rửa Tội. Được gọi làm môn đệ của Chúa, người Kitô hữu được mời gọi sống theo gương Chúa Giêsu; nghĩa là không chỉ sống bằng cách giữ một ít việc đạo đức, nhưng đem Phúc Âm vào cuộc sống hằng ngày.
Là Kitô hữu chúng ta cũng mang trong mình sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người khác nhưng rồi ta không thể giới thiệu Chúa cho người khác nếu trong ta không có Chúa, bởi “không ai có thể cho cái mà họ không có”. Các môn đệ có Chúa khi đến và ở lại với Ngài.
Qua việc cử hành Phụng vụ, các Bí tích và nhất là Thánh lễ chúng ta được đến và ở lại với Chúa. Thế nhưng ta đã ý thức và trân trọng những giây phút ấy chưa? Chúa Giêsu là nơi Thiên Chúa và con người gặp nhau. Vì thế, lời giới thiệu của ta phải quy hướng về Chúa chứ không phải chính mình. Lời giới thiệu sẽ có sức thuyết phục khi lời nói phải đi đôi với hành động. Đồng thời, ta không nên ỷ lại vào sức riêng của mình, nhưng phải nại đến ơn Chúa như Philipphê đã giới thiệu Nathanael với Chúa năm xưa.
Huệ Minh