Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca ( Lc 18,9-14)
9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Suy Niệm Tin Mừng Lc 18:9-14
Thời gian trôi qua thật nhanh ! Mới hôm nao mà hôm nay chúng ta đã bước vào cuối tuần thứ III Mùa chay. Ngày cuối của tuần III Mùa Chay này ta bắt gặp lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, canh tân đổi mới đời sống của bản thân và gia đình vẫn khẩn thiết được gửi đến từng người trong chúng ta từ linh mục đến tu sĩ và giáo dân.
Việc sám hối trở về là việc của mọi người, tuy nhiên có nhiều người trong chúng ta vẫn chưa có một quyết định thay đổi cụ thể nào, lý do vì họ không nhận ra những sai lầm thiếu sót của mình, là vì họ làm sai mà cứ cho là đúng, họ để cho sự kiêu căng tự mãn che khuất nên không thể nhìn thấy rõ thực chất tình trạng con người của mình.
Theo quan niệm người ta vào thời bấy giờ, người thu thuế thì bị khinh khi, và họ không thể nào tự mình thưa chuyện với Thiên Chúa bởi vì họ là những kẻ ô uế. Trong câu chuyện dụ ngôn, Người Biệt Phái cảm tạ Chúa vì ông ta tốt lành hơn những kẻ khác.
Lời cầu nguyện của ông ta không có gì khác hơn là một lời tự khen ngợi mình, lời đề cao các phẩm hạnh của mình và khinh miệt đối với kẻ khác và đối với người thu thuế. Người thu thuế thậm chí không dám ngước mắt lên, nhưng ông ta đấm ngực và nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!” Ông ta tự đặt vào vị trí của mình, là vị trí của ông ta đứng trước mặt Thiên Chúa.
Tự cho mình là người công chính. Chúa Giêsu đã nêu lên bài học của dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế là: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Sự kiêu căng tự mãn nó cũng che khuất con mắt của người biệt phái hôm nay, anh ta lên đền thờ với tư thế hiên ngang tự đắc, anh nghĩ rằng các thành tích anh đã làm khiến cho Thiên Chúa phải “nể” anh và mắc nợ anh. Thực sự người biệt phái này không hề cầu nguyện, mà anh đang làm một bản báo cáo thành tích của chính mình và kể lể công trạng trước mắt Chúa: Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười thu nhập hằng ngày.
Việc làm ấy quá tốt, vượt trên cả luật lệ quy định về ăn chay, thế nhưng, anh ăn chay không phải để đền tội hy sinh, cũng không phải để chuẩn bị đón Đấng Mesia như ý nghĩa ban đầu của nó, mà anh ăn chay và giữ luật chỉ để cho thấy anh hơn người khác. Chính vì thế, ngay từ lời mở đầu anh đã có ý so sánh mình với người khác: Lạy Chúa tôi tạ ơn Chúa vì tôi không như bao kẻ khác, tham lam bất chính, ngoại tình hay như tên thu thuế kia.
Tạ ơn Chúa về những việc tốt mà chúng ta làm thì không có gì sai trái. Chỉ sai trái khi chúng ta khoe mình là công chính nhờ những hành động tốt và những nhân đức của bản thân. Tệ hơn nữa là chúng ta lại giống như người Pharisêu đã làm trong lúc cầu nguyện, tự cho mình hơn những người khác và xem thường họ. Tất cả những công việc tốt lành của chúng ta cũng đều do Chúa hơn là do chúng ta. Chính Thiên Chúa hoạt động nơi ước muốn cũng như nơi thành quả của chúng ta. Thế nên, chúng ta không thể khoe khoang về bất cứ điều gì. Nơi con người chỉ có tội lỗi mà thôi.
Không chỉ so sánh công trạng của mình với ngưới khác, nhưng anh còn tỏ vẻ khinh miệt người thu thuế kia, và cứ như anh đã nói, thì có thể thấy anh coi nhưng người khác là những người tội lỗi và phạm những cái tội mà anh không hề phạm, chứng tỏ anh tốt hơn họ rất nhiều, anh thầm muốn nói điều đó qua lời cầu của mình.
Trong khi đó, người thu thuế nhận ra tình trạng khốn khổ tội nghiệp tội lỗi bất xứng của mình, anh không dám ngửa mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực cầu nguyện với lòng sám hối chân thành: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Anh không dám kể lể gì, vì anh thấy mình chẳng có công trạng gì, anh đã nhìn thấy sự thiếu sót khiếm khuyết và tội lỗi của mình, anh biết rằng vì nghề nghiệp, vì cuộc sống mà anh đã phải làm một cái nghề bị xã hội đương thời kết án là ô uế tội lỗi, vì anh đã thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người và vì sự cuốn hút của đồng tiền khiến anh cũng không thể cầm lòng được. Chính vì ý thức và nhìn thấy thực trạng con người của mình trước mặt Chúa và trước mặt mọi người, nên anh chỉ còn biết kêu xin lòng thương xót và sư tha thứ của Thiên Chúa.
Về phía Thiên Chúa, Ngài chỉ chờ đợi có như thế Ngài chỉ mong muốn không phải là những thành tích dài dòng, không phải là những báo cáo tổng kết, mà là một “tấm lòng tan nát khiêm cung”, tan nát vì hối hận, vì thấy rằng mình đã làm tổn thương đến tình yêu của Thiên Chúa là Cha, khiêm cung vì nhìn thấy mình hoàn toàn bất xứng đáng bị trừng phạt hơn là được khoan dung, khiêm cung để nhìn thấy được tình yêu và lòng quảng đại tha thứ của Chúa. Thiên Chúa muốn và chờ đợi thái độ như thế, và vì thế, câu chuyện cho thấy Chúa Giêsu tuyên bố: Người thu thuế khi trở về thì được tha thứ và nên công chính, còn người biệt phái thì không.
Đối với Chúa, kẻ ra về được nên công chính, nghĩa là trong một mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, không phải là người Biệt Phái, mà lại là người thu thuế. Chúa Giêsu làm đảo lộn mọi thứ. Điều chắc chắn rằng các giới chức tôn giáo của thời ấy đã không hài lòng với sự ứng dụng mà Chúa đã cấu tạo trong dụ ngôn.
Có thể chúng ta chưa sám hối, chưa thay đổi là vì chúng ta cũng giống người biệt phái kia chăng? Chúng ta không nhìn thấy tội lỗi của mình mà chỉ nhìn thấy những thành tích, có khi chúng ta cũng kể lể với Chúa rằng: tôi vẫn đi nhà thờ vẫn đi lễ, vẫn đọc kinh, vẫn đóng góp dâng cúng chỗ này chỗ khác, nên không thấy được khuyết điểm của mình, chúng ta ngủ mê trong một vài thói quen đạo đức vô hồn, hình thức bên ngoài mà không có chiều sâu và không có tâm tình yêu mến, hoặc chúng ta đến với Chúa không phải với thái độ của người con, của người cần sự tha thứ, cẩn được yêu thương đổi mới, nên chúng ta không được tha thứ và chưa được đổi mới.
Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu đã mật thiết gắn bó với sự kiện cụ thể của đời sống và với các quyết định mà Người phải làm. Để trung thành với chương trình của Chúa Cha, Người đã tìm cách gặp gỡ riêng với Ngài để lắng nghe lời Ngài. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh.
Chúa Giêsu đã làm như bất kỳ người Do Thái sùng đạo khác và Người thuộc lòng chúng. Thậm chí Chúa Giêsu đã thành công trong việc sáng tác bài Thánh Vịnh của riêng mình. Đó là Kinh Lạy Cha. Cả cuộc đời của Chúa là lời cầu nguyện thường trực: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm!” (Ga 5, 19, 30). Đối với Người có thể ứng dụng với những gì Thánh Vịnh đã nói: “Phần con, con chỉ biết cầu nguyện!” (Tv 109, 4).
Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều và, được nhấn mạnh để cho dân chúng và các môn đệ của Người sẽ làm như vậy, bởi vì từ sự hiệp nhất với Thiên Chúa phát sinh ra chân lý và người ta có thể khám phá và tìm được chính mình, trong mọi thực tế và lòng khiêm tốn.
Huệ Minh