Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Chay B

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 5: 17-19)

17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

SUY NIỆM

Trong một sáng tác của mình, cha Anthony de Mello viết một câu chuyện như sau: Một ông vua nọ rất trác táng, suốt ngày chỉ lo nhậu nhẹt và lao vào những cuộc ăn chơi trụy lạc, chẳng lo gì cho dân. Khuôn mặt của ông lúc nào cũng đỏ gay và sặc sụa mùi rượu.

Một hôm, nhà vua cưỡi ngựa đi dạo ngoài kinh thành. Ông gặp một tu sĩ già với áo quần cũ kỹ, còn khuôn mặt thì nhợt nhạt xanh xao. Nhà vua dừng lại và trịch thượng chào vị tu sĩ bằng giọng mỉa mai: “Xin chào ông tu sĩ già. Nhìn áo quần lếch thếch và gương mặt cáu bẩn của ông, tôi thấy ông chẳng khác gì một con heo”.

Vị tu sĩ cúi đầu lắng nghe, gương mặt bình thản, chẳng tỏ vẻ khó chịu chút nào. Một lát sau, vị tu sĩ ngẩng đầu lên, nhìn chăm chú vào đức vua và đáp lễ: “Thần xin cám ơn bệ hạ, còn thần, thần nhìn khuôn mặt đức vua trông giống như một vị thánh”.

Nhà vua kinh ngạc hỏi lại: “Ta miệt thị ngươi, ngươi không buồn cũng chẳng giận, còn khen ta có khuôn mặt giống một vị thánh, tại sao thế?”. Vị tu sĩ điềm nhiên trả lời: “Tâu đức vua, một con người sống với trái tim và tâm hồn của loài heo, thì nhìn ai cũng giống heo. Ngược lại, một con người có tâm hồn và trái tim của một ông thánh, sẽ thấy mọi người giống các vị thánh…”

Luật cơ bản nhất, quan trọng nhất trong đời sống con người là luật bác ái. Mọi thể hiện của việc giữ luật không đặt đức bác ái làm nền tảng, thì hành động giữ luật có khi trở nên tàn nhẫn, có khi chỉ là một thứ phương tiện để loại trừ đồng loại quanh mình.

Những người biệt phái, nhất là các luật sĩ, vốn là những người trung thành với lề luật. Họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng phía sau sự trung thành ấy hàm chứa thái độ tự mãn chính mình và soi mói tha nhân.

Tự mãn: Họ cho rằng, trung thành với lề luật là đương nhiên trở nên người công chính. Và như vậy, chỉ có họ là công chính, là người thuộc về Thiên Chúa, người được Thiên Chúa yêu thương.

Soi mói: Họ nhìn những ai không tuân giữ luật lệ theo kiểu của họ bằng cặp mắt khinh dễ, miệt thị. Và vì mang sẵn một não trạng tự tôn về mình, họ luôn dò xét người bên cạnh, thậm chí lên án và loại trừ anh chị em xung quanh.

Ý nghĩa của lề luật và tinh thần giữ luật mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải là con đường dẫn người ta đến tình yêu, đến hiệp thông và đỡ nâng nhau.

Vì thế, sự bất cập trong lề luật mà những luật sĩ trong đạo Do Thái thể hiện, đòi phải được kiện toàn. Chúa Giêsu là Đấng làm cho lề luật được hoàn bị. Người muốn chúng ta hiểu rằng, chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể giữ trọn vẹn lề luật và nên công chính. Chính trong ơn Chúa, mà con người phải yêu thương nhau, phải đón nhận và hy sinh cho nhau. Dù là luật nào đi nữa, họ phải luôn nêu cao tinh thần bác ái.

Chúa Giêsu mặc cho tinh thần giữ luật chiếc áo của tình yêu, để từ nay, ai biết giữ luật, người đó phải biết yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của mọi lề luật.

Trong câu chuyện bên trên, với thái độ điềm tỉnh nhưng cương quyết, vị tu sĩ già đã dạy ông vua hóng hách bài học của sự yêu thương và tôn trọng người đối diện với mình.

Chúng ta cần sống tinh thần luật như thái độ khôn ngoan của vị tu sĩ trong câu truyện, đừng nhìn người khác bằng cặp mắt chỉ thích đánh giá, thích soi mói, khinh thị như các luật sĩ trong Tin Mừng, hay như nhân vật nhà vua trong câu chuyện.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi ánh mắt của con để con nhìn anh chị em thân thiện. Xin biến đổi môi miệng con để con nói những lời yêu thương dịu dàng. Xin biến đổi tai con, để con vẫn vui khi phải đón nhận những lời khó nghe. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng, tươi tắn, luôn luôn nở nụ cười thân thiện, cảm thông. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Luật Yêu Thương

Nhìn vào xã hội chúng ta đang sống cũng có biết bao nhiêu thứ luật lệ. Thật vậy, luật lệ được đặt ra nhằm đảm bảo cũng như phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người. Nhưng ngày nay cũng có những điều luật phá vỡ tình người, làm băng hoại đạo đức và đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa như: cho phép ly dị, phá thai, hay chấp nhận hôn nhân đồng tính…

Giáo hội không đồng tình với những đạo luật này. Là những người Kitô hữu, chúng ta có chọn đứng về phía Giáo Hội? Chúng ta có thấy những luật lệ của Giáo hội làm mất sự tự do của chúng ta chăng? Luật giữ ngày Chúa nhật hay luật hôn nhân Công giáo có làm mất đi sự thoải mái của chúng ta trong cuộc sống không? Thái độ của chúng ta trong việc thực thi những điều luật này như thế nào?

Luật Môsê và lời các ngôn sứ là những điều cốt yếu trong Thánh Kinh, nhằm biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa, đó là những điều rất cao cả và quan trọng, là thước đo lòng yêu mến của con người đối với Thiên Chúa, là tiêu chuẩn của sự thánh thiện, là con đường đi tới ơn cứu độ. Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu làm sáng tỏ những chiều kích ấy, và Ngài làm cho nó nên trọn hảo, có ý nghĩa chân thực đúng thánh ý Thiên Chúa hơn. Nhờ đó, chúng ta tuân giữ giới luật của Thiên Chúa có giá trị mới mẻ đúng Tin Mừng hơn.

Luật mà Chúa Giê-su đề cập ở đây là Luật của Thiên Chúa ban cho Mô-sê trên núi Si-nai, là Mười Điều Răn. Luật này tóm gọn luật luân lý tự nhiên được Thiên Chúa đặt để trong lương tâm mỗi người, vì thế, Luật này có giá trị muôn thuở, tuyệt đối và đòi buộc tất cả mọi người. Mọi xáo trộn trong các mối tương quan đều do không tuân giữ Luật này. Người Do Thái tưởng Chúa Giê-su đến loan báo một Thiên Chúa nào khác và một thứ luật xa lạ. Nhưng không, Thiên Chúa mà Giê-su loan báo là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp và Lề Luật Ngài kiện toàn là Lề Luật Thiên Chúa ban.

Đối với Ngài, điều cốt yếu để sống Luật Chúa trọn hảo là thi hành Luật với tình yêu, vì tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn: mến Chúa, yêu người (Mt 22,40). Nơi Chúa Giê-su, tình mến Chúa và yêu người được diễn tả trọn hảo. Ngài là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và là tình yêu của con người phải có dành cho Thiên Chúa. Nếu tình yêu là chìa khóa kiện toàn Luật, thì Luật đã được kiện toàn trong Chúa Giê-su.

Hẳn ta còn nhớ Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bải bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bải bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Lời nói ấy Chúa Giêsu có ý biểu lộ mối tương quan và lập trường của Ngài đối với toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước.

Thiên Chúa của chúng ta không phải là con người bảo thủ, cứng nhắc, Ngài cũng không chủ trương cách mạng, thay đổi tất cả nhưng là kiện toàn. Chúa Giêsu đem lề luật đến chỗ thập toàn, đạt được ý nghĩa tròn đầy, đích thực và cánh chung, đúng ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói: “Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo…” như vậy, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là người lập luật cao hơn Môsê, và Ngài đưa luật về sự tinh tuyền nguyên thủy với những yêu sách trước tiên nơi lòng dạ chính trực của con người. Chúa Giêsu đưa ra vài sự kiện điển hình: Ngài không chỉ kết án tội sát nhân, mà còn những tình cảm trong lòng dẫn đến tội sát nhân, có mức độ tăng dần như nóng giận rồi mắng nhiếc, chửa rủa và án phạt tương ứng tăng dần từ địa phương đến Thượng Hội Đồng, và đến lửa hỏa ngục.

Khi nói đến tội ngoại tình, Ngài nói: Ai nhìn người nữ mà có lòng thèm muốn thì đã phạm tội rồi. Ngài còn đi đến mức dứt khoát: “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi phạm tội thì hãy múc nó đi, nếu là tay, là chân thì hãy chặt nó đi”. Chúa cũng phân định luật yêu thương là luật cao hơn mọi luật khác. Do đó chúng ta thấy có một sự nối tiếp và nên trọn từ Cựu Ước sang Tân Ước.

Nhờ đó luật đem lại lợi ích tối đa cho chúng ta là những người tuân giữ luật cách trọn vẹn như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong luật cũng sẽ không qua đi cho đến khi mọi sự được hoàn thành”, tức là đến lúc Chúa Giêsu thiết lập một trật tự mới. Chúa Giêsu còn đặt để cho luật có một giá trị siêu nhiên: “Ai giữ và dạy người khác như thế, là người lớn trong nước trời”.

Giữ và dạy bằng chính cuộc sống của mình, giữ trọn là giữ cả trong cuộc sống và việc làm, giữ các điều lớn, và điều nhỏ cũng không được bỏ qua, giữ luật và tập các nhân đức nữa. Giữ với tinh thần mới mẻ là đặc quyền ưu tiên cho thái độ nội tâm, giữ luật Tân Ước vượt qua Cựu Ước sâu xa khi người Kitô hữu đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa, chứ không phải là cái nhìn của con người.

Làm một người Kitô hữu, chúng ta phải sống trọn vẹn tinh thần của luật Tin Mừng, để làm chứng cho nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, và diễn đạt thánh ý Thiên Chúa qua chính đời sống của mình như là con người của Nước Trời. Khi chúng ta giữ luật Tin Mừng cách trọn hảo đầy đủ, chúng ta làm chứng cách hùng hồn hiệu quả và giá trị của Tin Mừng, chúng ta được trở nên hoàn thiện, nói lên lý tưởng và cùng đích cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải tuân giữ luật Chúa với lòng yêu mến Chúa và tôn trọng luật, vì đó là thánh ý của Chúa. Chúng ta giữ luật không chỉ với mục đích thánh hóa bản thân, mà còn mang ý hướng tông đồ là nêu gương và dạy cho người khác bằng chính đời sống của mình. Trong tâm tình và ý hướng của mùa chay, chúng ta duyệt xét và chỉnh đốn cách giữ luật và tâm tình giữ luật của chúng ta, để chúng ta chỉnh đốn lại hầu đạt được con người mới, con người của Tin Mừng, con người của ơn cứu độ.

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa đã khẳng định một cách rõ ràng rằng Ngài đến không phải để hủy bỏ nhưng để kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đến dạy cho con người biết tình yêu là giá trị và quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Chỉ khi có tình yêu thì lề luật mới làm cho con người cảm thấy tự do đích thực. Ngài dạy chúng ta biết giữ luật không phải vì bổn phận nhưng là vì lòng mến. Chúng ta phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở thành công dân Nước Trời.

Ta sẽ chu toàn các giới răn chỉ khi chúng ta vâng giữ bằng tình yêu, vì Chúa Giêsu đã tóm gọn lề luật này cho chúng ta trong lệnh truyền: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi và phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 30-31).

Với tất cả những điều đó, hãy nhớ rằng kiện toàn các giới răn bằng việc tuân giữ với lòng yêu mến, chứ không phải vì sợ bị trừng phạt và hướng dẫn người khác tuân giữ các giới răn với lòng mến. Khi đó, bạn sẽ được gọi là người lớn nhất trong Nước Trời.

Huệ Minh