Suy Niệm Mùng 1 Tết – Lời Chúc Đầu Năm

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthêu (Mt 6: 25-34)
 
25 Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.30Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!31Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
 Suy Niệm: 
TIN TƯỞNG BƯỚC VÀO NĂM MỚI CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH
 
Văn hóa Việt Nam có lẽ khác biệt và đặc biệt với văn hóa thế giới nhất là về Lễ – Tết.

Trong Phụng Vụ chung của Giáo Hội, ta không tìm thấy phụng vụ Thánh Lễ cho ngày Tết nhưng rồi với Giáo Hội Việt Nam lại có 3 ngày đặc biệt cho những ngày đầu năm mới. 3 ngày này làm nổi bật mối tương quan căn bản của đời sống con người và 3 chiều kích của  thời gian.

Ngày mùng 1 Tết, hướng lên Trời, hướng đến tương lai và chúng ta xin ơn bình an.

Ngày mùng 2, nhớ đến ông bà tổ tiên, nghĩ đến cuộc sống trong tương quan với mọi người và nhìn quá khứ.

Ngày mùng 3, thánh hóa công ăn việc làm là nói đến mối tương quan của con người với vũ trụ, thiên nhiên, nhìn vào hiện tại.

Ngày hôm nay, mùng 1, chúng ta dâng lên Chúa ngày đầu năm mới, hướng về Trời và nhìn tương lai.

Đứng trước thềm năm mới, biết bao nhiêu âu lo của cuộc đời vì ai ai cũng muốn biết đến tương lai.

Có dịp đi qua các chùa như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi … ta thấy lúc nào cũng có mấy người ngồi ở vệ đường chào bán Tử Vi trọn bộ hay xem tuổi xem ngày, xem giờ … Đặc biệt hơn nữa là những ngày đầu năm mới thì những quyển sách đó càng bán nhiều hơn.

Là người Kitô hữu, là người có niềm tin vào Thiên Chúa thì chắc có lẽ những quyển tử vi, những quyển đoán số, đoán vận mạng đó như là những tờ giấy lộn. Đơn giản là bởi vì chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào sự quan phòng của Ngài.

Dựa vào Lời, ta thấy bài đọc thứ nhất cho thấy khi tạo dựng nên các thụ tạo (vũ trụ, con người, thời gian, lịch sử, v.v…) Thiên Chúa đã mặc cho chúng một nội dung, một ý nghĩa và một cùng đích, là cho chúng được chia sẻ và tham phần vào sự sống tình yêu vĩnh hằng của Ngài, được nên giống như Ngài và được hạnh phúc như Ngài; thế nhưng, với tự do, với sự xúi dục của tà thần, và với thói kiêu căng, con người nhiều lúc đã làm méo mó đi những ý nghĩa và những cùng đích ban đầu đó, vì thế, dẫn đưa con người vào con đường lầm lạc, đánh mất căn tính nguyên thủy của mình; Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người chính là để dẫn đưa tất cả mọi thụ tạo, đặc biệt con người, trở về lại với tình trạng nguyên thủy đó, tức là những tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa-Tạo Hóa, với tha nhân và với chính bản thân mình, như được phản ảnh, trước tiên, trong St 1, 14-18: ở đây, cho thấy trước khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người một môi trường sống đầy đủ và tốt đẹp, và với những “vốn liếng” dồi dào đó con người hoàn toàn có dư điều kiện để tồn tại và để sống hạnh phúc.

Và rồi ta thấy thời gian là của Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài quản lý, sở hữu được thời gian. Do đó thời gian là quà tặng cao quý, riêng chỉ có Thiên Chúa ban cho loài người. Thời gian vô cùng cần thiết cho hết mọi loại người, nếu không có thời gian chẳng ai muốn nghĩ đến làm việc gì. Nhưng nhờ có thời gian với ơn Chúa trợ giúp, ta có thể thêm tuổi, thêm khôn ngoan, thêm ân sủng trước mặt Chúa và người ta, giống Chúa Giêsu (Lc 2,52).

Mọi của cải ta có thể tích trữ được, nhưng thời gian không ai tích trữ được, cũng không ai níu kéo thời gian lại được. Do đó ta chỉ có thể giữ được thời gian bằng cách làm việc lành theo Lời Chúa dạy và do sức lực Chúa ban để tôn vinh Thiên Chúa (1Pr 4,11). Có thế, vào giờ phút tận cùng đời ta, khi đến trả lẽ với Chúa về những ơn Chúa ban, ta mới có thể thưa: “Ngày đó con đã làm việc này, tháng nọ con đã chu toàn việc Chúa trao, năm nay con đang khởi sự công việc thì Chúa gọi con”. Đó là thái độ của đầy tớ khôn ngoan luôn tỉnh thức, bất ngờ chủ trở về, ông sẽ đặt nó vào bàn ăn và qua lại hầu hạ ( Lc 12,35-38).

Có lẽ ít nhiều gì trong chúng ta cũng có người nghĩ ngợi: “Tại sao Giáo hội lại chọn đọc bài Tin Mừng này vào ngày đầu năm mới? Ngày cầu bình an?” Trong tâm tình sâu lắng thiêng liêng của thời khắc chuyển giao năm mới này, Giáo hội là mẹ cũng muốn dạy con cái mình những bài học hữu ích. Và như vậy, ta cũng nên đặt thêm một vài câu hỏi: Tại sao lại phải cầu bình an trước tiên ngay trong ngày đầu năm mới? Điều gì đem lại bình an? Điều gì làm mất bình an? Lời Chúa hôm nay có giúp gì cho việc giải quyết những vấn nạn này không?

Suy tư, nghiền ngẫm ta thấy Lời Chúa hôm nay sẽ giúp cho mỗi người tìm được bình an. Vì bình an là gốc của mọi điều tốt lành khác. Có bình an con người sẽ có được những thứ khác. “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”
Chúa lưy ý chúng ta rằng dù ăn gì, uống gì và làm gì thì cũng vẫn cần có một ưu tiên tuyệt đối đó là: Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều khác Chúa sẽ ban cho. Tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính có nghĩa là lo tìm kiếm và làm giàu trước mặt Thiên Chúa; đừng chỉ làm giàu của cải vật chất, nhà cửa xe cộ mà để mình nghèo nàn công phúc trước mặt Chúa.

Nhiều người cầu nguyện đầu năm cho gia đình mình thịnh vượng vật chất, mà quên cầu xin cho mình và gia đình được giàu có thịnh vượng trước mặt Thiên Chúa. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là làm nhiều việc lành và công phúc, việc lành ở đây chính là những việc tông đồ, bác ái, là công việc phục Chúa và phục vụ anh em. Làm giàu trước mặt Chúa còn là những việc hy sinh thầm lặng, hy sinh tiền của, thời giờ, sức khỏe cho Chúa. Những công việc cụ thể như thế sẽ làm cho chúng ta trở nên giàu có, thịnh vượng trước mặt Thiên Chúa.

Chúng ta là những người đã dám tin vào vào quyền năng và ân sủng của Chúa, chúng ta phải có một lối sống và cách hành xử khác, dám để cho Lời Chúa hướng dẫn vì “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.” Không phải ỉ nại vào sự quan phòng của Chúa, nhưng là cộng tác với Chúa, và khi đã nỗ lực hết sức để cộng tác với Chúa, thì tin tưởng Chúa sẽ chúc lành.

Cầu xin bình an trong năm mới, là cầu xin cho chúng ta cảm nghiệm những hồng ân Thiên Chúa ban cách nhưng không. Cầu xin bình an trong năm mới là cầu xin cho có lòng tin vào bàn tay Chúa quan phòng. Cầu xin bình an trong năm mới là cầu xin cho biết lượng giá và tìm kiếm những điều chính yếu, tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

Dù thế nào đi chăng nữa tôi vẫn tin rằng Chúa yêu thương tôi, chở che tôi.Vậy từng giây hiện tại ta sống đẹp, cộng lại thành phút hiện tại đẹp ; từng phút hiện tại đẹp góp nên từng giờ hiện tại đẹp; từng giờ hiện tại đẹp tạo nên ngày hiện tại đẹp ; mỗi ngày hiện tại đẹp đan kết thành một đời sống đẹp. 
 
Huệ Minh

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM
Tết đến, lời chúc đầu năm mang nhiều ý nghĩa, và là biểu trưng thiêng liêng cho tình cảm giữa con người với nhau. Tết mang đến những gì mới mẻ, trẻ trung, sức sống, cho nên ai cũng muốn chúc Tết và được chúc Tết.
Ngày thường gặp nhau “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Người Việt lấy ứng xử nhân nghĩa ở đời làm thước đo văn hóa nên chào hỏi trở thành nghi lễ trong xã giao, và nó trở thành nét đẹp văn hóa đời thường. Lời chúc đầu năm thiêng liêng là lời hay ý đẹp dành tặng cho nhau.Thi sĩ Bùi Nghiệp có bài thơ “Chúc Tết” ngũ phúc lâm môn.
 

Chẳng có món gì mừng tuổi nhau
Gọi là năm mới tết thêm màu
Thôi thì mượn chữ người xưa cũ
Mến chúc xuân này ngũ phúc sâu
Phước ngập gia đình lẫn tổ gia
Niềm vui trên dưới sống chan hòa
Ân tình nghĩa thiết luôn đằm thắm
Vắng mặt gần lòng chẳng có xa

Lộc nảy mầm tươi kết tựu thành
Xum xuê cành lá trổ vươn xanh
Đơm hoa kết trái mau thông đạt
Phấn khởi tiền tài lợi tức nhanh

Thọ với đất trời tựa núi sông
Tuổi già dù đến cứ ung dung
Bên đàn con cháu đông vui đủ
Ríu rít xum xuê cội bách tùng

Khang an tráng kiện tháng ngày vui
Gân cốt bền dai dạo chợ đời
Thời tiết bốn mùa xem nhẹ hẫng
Nắng mưa nóng lạnh chuyện thường thôi

Ninh tĩnh bình yên dưới mái nhà
Khó khăn trắc trở đẩy lùi xa
An cư lạc nghiệp thuyền xuôi mái
Gia tộc luôn vui sống thuận hòa

Ngũ phúc lâm môn đón quý thần
Cận kề gia tộc suốt hằng năm
Đầu xuân mến chúc chư bằng hữu
Vạn sự hanh thông phúc đức tràn…

Những ngày đầu năm, lời chúc trước tiên là dành cho người thân ruột thịt trong gia đình dòng tộc. Đêm 30 Tết, tham dự thánh lễ tất niên, gia đình đoàn viên, cả nhà quây quần nói chuyện tâm tình, ôn lại buồn vui được mất của năm qua đón chờ giao thừa. Thắp nến sáng lung linh trên bàn thờ, đốt nén nhang thơm tỏa ngát. Chuông nhà thờ ngân vang đúng lúc giao thừa. Mọi người dâng lời kinh hạt đầu năm mới, sau đó vui vẻ chúc mừng nhau. Con cháu chúc ông bà cha mẹ, anh chị chúc mừng em, ba mẹ chúc con cái, ông bà chúc con cháu. Lòng ai cũng nao nao thời khắc giao thừa vui vầy trang trọng, gần gũi thiêng liêng ấm áp tình thân.Sáng Mồng Một, thánh lễ Minh niên, đến nhà thờ gặp nhau ai cũng rôm rã lời chúc mừng năm mới. Cha xứ chúc cộng đoàn, mọi người chúc mừng nhau những lời tốt đẹp. Những ngày tết đến thăm nhau, gia chủ mời ly trà ly rượu thân tình và cầu chúc những lời hay nhất: ơn thánh dồi dào, sức khỏe bình an, hạnh phúc thành đạt, làm ăn tấn tới. Hàng xóm thân quen, người này đến thăm người kia, rộn ràng vui vẻ, nén nhang thắp trên bàn thờ gia tiên, ly rượu đầu xuân mời nhau thân thiết, nói chuyện đầu năm nụ cười tươi nở. Đơn sơ mà ấm áp, thăm nhau chúc nhau mấy ngày xuân được xem như nghiã cử ở đời thật đáng quý đáng trân trọng. Tiếng Việt vốn phong phú nên lời chúc Tết cũng muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc và không sáo ngữ. Ai cũng chọn lọc câu chữ tinh tế để người nghe cảm thấy vui lòng tin tưởng. Lời chúc làm cho tâm hồn cảm thấy thăng hoa hạnh phúc, niềm vui dâng tràn. Gặp nhau đầu năm mới, lời chúc Tết bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ngày thường giận nhau ghét nhau thế nào đi nữa, nhưng Tết đến Xuân về mọi lời chúc đều trở nên chan hòa trân trọng tràn ngập yêu thương gắn bó mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ. Lời chúc đầu năm trở thành văn hóa thẩm mỹ mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Đối với người Kitô hữu, lời chúc Tết hay nhất, mang đến hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn chính là Lời Chúa trong sách Dân Số: “Đức Chúa phán với ông Môsê: Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này :Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!

Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!

Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 22-27).

Chúa Giêsu không chúc theo kiểu thế gian. Khi Chúa Giáng Sinh, các thiên thần đã chúc bình an cho người thiện tâm. Khi Phục Sinh, Chúa cũng chúc bình an cho các môn đệ trung thành. Bài giảng trên núi “Tám mối phúc thật” là Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu chúc phúc cho những thân phận nhỏ bé, bị thua thiệt hay bị áp bức đáng thương, cùng những tâm hồn biết hướng về Chúa, về tha nhân.
  
Chúa Giêsu không chúc “phú quý thọ khang ninh” mà chúc phúc Nước Trời cho những ai có tâm hồn nghèo khó, không nô lệ tiền bạc vật chất hay tiện nghi, những người bé mọn, yếu đuối, oan ức, đau buồn, khóc lóc. Khi có tấm lòng thanh thoát, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa gieo vào, bén rễ và sinh hoa kết trái, là phúc trường sinh sau này.

Năm Mậu Tuất, Mùa Xuân vừa về thì Mùa Chay vừa đến đúng 29 Tết. “Vui năm Mậu Tuất, hãy chân thật hoà giải; Mùa Chay hoán cải, lòng rộng trải yêu thương”. Mừng Xuân và vui Tết nhưng phải luôn nhớ “mình là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Vì thế người tín hữu luôn tâm niệm lời Chúa dặn dò: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia (nghĩa là của cải vật chất), Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

Sẽ không mong là an khang thịnh vượng, là công thành danh toại, là buôn may bán đắt, là vạn sự như ý, là… là… Nhưng chỉ cần tâm nguyện là một năm mới trong tình thương của Chúa, một năm mới bình an, một năm mới theo thánh ý Chúa, một năm mới thuộc về Chúa. Niềm hạnh phúc của một tâm hồn trong sạch và có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cầu chúc cho nhau trong năm mới Mậu Tuất này.

Lạy Chúa, mỗi lần Tết đến, chúng con dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và ước ao cho tất cả cầu chúc ấy trở nên hiện thực trong năm mới. Giờ đây, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng con biết rằng Chúa là khởi nguyên và cùng đích của mọi phúc lành. Chúng con xin đặt đất nước chúng con, gia đình, bạn bè thân hữu, và tất cả anh chị em chúng con dưới sự bảo trợ của danh Chúa trong năm mới này. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.

Lạy Chúa, khi chúng con chúc lành cho nhau, xin hướng lòng chúng con về Chúa và thưa lên: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em!
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An