Suy Niệm Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (6:34-44)

34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn.36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”.37 Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?”38 Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá”.39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh.40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi.41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.42 Ai nấy đều ăn và được no nê.43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư.44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

Suy niệm 1:     Tin Mừng Mc 6:34-44

Thế giới ngày nay là một thế giới đáng thương! Một thế giới đói khát Lời chân lý – Lời sự thật và tình thương nuôi dưỡng tâm hồn. Thế nhưng, sự tự mãn, bon chen, dành dựt ắp đầy trong lòng đã khiến tinh thần con người bị ‘thương thực’ không còn khả năng tiếp nhận Lời. Lời Chúa vẫn có đó, vẫn còn đó, nhưng lại ‘rơi thõm’, mơ hồ trong một thế giới đầy những tiếng ồn ào của ‘động cơ’ vật chất, phô diễn đầy những bích chương quảng cáo hưởng thụ. Có người nói với tôi “lầm” khi tôi nói với họ về cách sống theo Lời Chúa, vì chẳng ai lại ‘dại gì’ sống như thế. Tôi trả lời họ “chân lý không thể lầm”, chỉ có “con người ta sống sai lầm” mà thôi.

Thiên Chúa là Tình Yêu, là Đấng ‘chạnh lòng thương xót’ và ta thấy Ngài là vị Mục tử nuôi chiên bằng suối nước trong và cỏ đồng xanh mỡ màng. Hình ảnh vị Thiên Chúa ấy được thể hiện rõ nét nơi Đức Giê-su trong trình thuật tin mừng hôm nay – Người “thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (c. 34)

Đám đông đi theo Đức Giê-su vì họ khát khao và say mê nghe Lời chân lý. Họ đi theo Người quên mọi khổ cực đường xa nhọc nhằn, quên cả trang bị những điều cơ bản cần thiết là lương thực cho bản thân. Tuy nhiên lòng nhiệt thành, sự say mê Lời của họ đã được đáp lại cân xứng quá lòng ước mong. Đức Giê-su không những dùng Lời để nuôi dưỡng tinh thần của họ, mà Ngài còn dùng lương thực để nuôi dưỡng thể xác đang đói khát của họ.

Chắc có lẽ đây là hình ảnh đáng thương của dân Israel thời bấy giờ. Những người đầu mục là các tư tế và các kinh sư, lẽ ra phải dạy dỗ dân thì lại lười biếng và chỉ lo tìm kiếm tư lợi như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên đó sao ? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các ngươi lại không lo chăn dắt : Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; Chiên bệnh tật các ngươi không chữa lành; Chiên bị thương các ngươi không băng bó; Chiên đi lạc các ngươi không đưa về; Chiên bị mất các ngươi không đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta vì thiếu mục tử chăn dắt nên biến thành mồi ngon cho dã thú, chúng chạy toán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,1-6)

Phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi 5000 người (chưa tính đàn bà và con trẻ) sau khi đã “dạy dỗ họ nhiều điều” của Đức Giê-su tiên trưng cho phép lạ Bí tích Thánh Thể Ngài thiết lập sau này. Ngày nay, Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô vẫn tiếp tục chăm nuôi chúng ta cách đặc biệt trong bàn tiệc Thánh lễ. Nơi Thánh lễ Người ban phát cho chúng ta Lời của Người như kim chỉ nam cho cuộc sống, đồng thời Người thiết đãi chúng ta chính Thánh Thể của Người làm sức mạnh nuôi dưỡng bồi bổ tâm linh và là lương thực cho cuộc sống đời đời. Khi tham dự Thánh lễ với tấm lòng thanh, khát khao tìm kiếm Lời Chúa và Thánh Thể của Người, Đức Giê-su sẽ ban cho ta thỏa mãn dư đầy để chúng ta tiếp tục nối dài hiến lễ của Người bằng cuộc sống của chính mình trong sứ vụ cứu độ con người.

Qua phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu trước khi tỏ hiện quyền năng mình là Con Thiên Chúa, Ngài đã chứng tỏ mình là một con người hoàn hảo với một nhân cách sung mãn. Thật vậy, ai cũng có thể nhìn thấy đám đông nhưng mấy ai nhận thấy nỗi khốn cùng của họ? Hoặc giả cũng có người nhận thấy nhưng lại đành lòng ngoảnh mặt làm ngơ. Chúa Giêsu đã nhận thấy, và chạnh lòng thương; và còn hơn thế, Ngài mời gọi các môn đệ đồng cảm và cộng tác với Ngài để cất đi nỗi khốn cùng của đoàn dân “bơ vơ như chiên không người chăn dắt” đó.

Ân sủng và quyền năng Thiên Chúa vẫn dư dật. Tuy nhiên, Ngài vẫn muốn sự cộng tác của con người, một sự cộng tác dù nhỏ nhoi cũng đủ để cho Ngài thực hiện những điều kỳ diệu. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé sẵn sàng cho đi không giữ lại cho riêng mình cộng với sự thiện chí tìm kiếm của các môn đệ, Đức Giê-su đã nuôi đủ hơn ‘mười ngàn’ nhân khẩu một cách mĩ mãn dư dật.

Với ân huệ bánh hằng ngày, Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, chúng ta nhận ra sự sống mỗi ngày của chúng ta là ơn huệ Chúa ban và chúng ta được mời gọi dâng lại cho Chúa «tất cả» với tâm tình biết ơn và ca tụng, dâng lại tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái «tất cả» của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như «năm cái bánh và hai con cá», nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể: «năm chiếc bánh và hai con cá», là chính con người chúng ta, đã trở thành chính Chúa; tương tự như bánh là «hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người» nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành «Bánh Trường Sinh» nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc «bánh đời tôi», đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa, cho nhiều người.

Vì vậy, những người dám tiếp nhận Lời chân lý, dám tin vào Lời là những người dám “đi vào một cuộc phiêu lưu”, can đảm chấp nhận lội ngược dòng, dám chịu những thua thiệt mất mát, dám đón nhận những hy sinh và thậm chí bách hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, như những người say mê theo Đức Giê-su để nghe lời Người, họ sẽ được thỏa mãn dư dật gấp trăm về ân sủng của Thiên Chúa luôn mở rộng để ban phát cho những kẻ tìm kiếm Người. Bởi vì họ sẽ được Chúa chăm nuôi cả tinh thần lẫn thể chất.

Vì thế, như giếng nước được khơi nguồn, càng kín múc nước ra càng trong mãi, Chúa muốn mỗi người chúng ta biết cộng tác với Người trong sự thiện chí biết quan tâm, chia sẻ và cho đi bằng hết khả năng của mình có – dù khả năng đó thật nhỏ nhoi và hạn hẹp – Chúa sẽ thực hiện những việc lạ lùng và lớn lao. Đời sống là quà tặng và ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, chúng ta đã được lãnh nhận cách nhưng không thì chúng ta cũng phải biết cho đi cách nhưng không. Có thế, phép lạ ‘hóa bánh’ của Đức Giê-su mới mãi được nhân rộng nhờ thiện chí chuyển trao Lời và chia sẻ ‘bánh’ của chúng ta cho thế giới còn nhiều ‘đói khát’ này.

 Huệ Minh

Noel Quession – Chú Giải

Bài đọc I : 1 Ga 4,7-10

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau. 

Cả một chương trình Giáo Hội.

Cả một chương trình cho các gia đình chúng ta cho môi trường sống và làm việc của chúng ta.

Cả một chương trình cho nhân loại.

Ta gợi ra trong trí nhớ mọi môi trường, quanh tôi hay trong thế giới, nơi còn thiếu tình thương. Và tôi cầu nguyện cho tình yêu triển nở.

Vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Hễ ai yêu thương, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Bản văn có điều thâm sâu khôn dò
.
Phải im lặng mà nghe, lập lại, cố diễn tả với mình bằng từ ngữ của chúng ta.

Mọi người yêu thương đều như một chút gì của Thiên Chúa, một miếng tình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu !

Mọi hành vi yêu thương bởi Thiên Chúa mà ra bắt nguồn từ lòng Thiên Chúa.

Vậy ta có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong :

-Tình yêu của một người mẹ thương con … một người con yêu mến cha mẹ …

-Tình yêu của hôn phu yêu hôn thê … của người chồng yêu vợ mình.

– Tình yêu của một người tận tụy với bạn hữu của mình trong công việc.

– Tình yêu của một công nhân lấy nghề nghiệp của mình phục vụ đồng lương.

Chính Thiên Chúa là nguồn mọi sự đó.

Và nguồn cho tôi trong cuộc sống ?

Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là : Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Người mà chúng ta được cứu sống”.

Thiên Chúa không dừng lại ở điều đại cương, trong những tuyên ngôn đẹp. Thiên Chúa đã tỏ lộ, cụ thể, chứng minh tình yêu Người. Thiên Chúa đã “nhập thể” tình yêu Người. Người đã ban Con Một mình cho thế gian. Chính giữa Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian. Người là Con Một được trao ban. Duy nhất. Được ban. Không giữ cho mình được ban.

Còn tôi ?

Vì tình yêu tôi có thể nhận gì ?

Tôi tỏ bày cách cụ thể tình yêu của tôi thế nào ?

Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta.

Thánh Gioan luôn nhấn mạnh sáng kiến này của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã không chờ đợi chúng ta. Người đã khởi xướng việc yêu thương chúng ta, cả trước khi biết rõ chúng ta có đáp lại tình yêu này hay không. Kinh nghiệm về tội lỗi, có hơi lạ lùng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều đó : tôi nhận biết rằng họ được mong chờ, được yêu thương, ngay lúc con người không nghĩ đến Thiên Chúa và không yêu Người… Thiên Chúa vẫn không ngừng nghĩ tới và yêu thương họ !

Tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không hoàn toàn, Chúa không mong đáp trả gì. Nhưng lạy Chúa, con sẽ cố gắng đáp trả tình yêu ấy như thế nào ?

Và Người đã sai Con Một người đến hy sinh đền thay vì tội lỗi chúng ta.

Tình yêu Thiên Chúa không phải để mà vui cười. Đây là một tình yêu “đến đổ máu”. Người hiến mình vì chúng ta. Chúa Giêsu là hy tế vì tội lỗi tôi, Chúa Giêsu hiến mình vì tôi. Vì Người đã yêu tôi đến mức đó. Đến nỗi có thể từ bỏ chính sự sống mình “để tôi được sống”.

Còn tôi ?

Bài đọc II : Mc 6,34-44

Chúng ta tiếp tục đón nhận những “dấu la” mà Chúa Giêsu thực hiện cho chúng ta.

Khi ấy Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên “không người chăn giữ”.

Động lòng thương xót.

Lạy Chúa, dừng lại để chiêm ngưỡng tâm tình đó trong trái tim Chúa. Chúa đã để mình cảm động, xốn xang. Chúa đã tỏ lòng trắc ẩn. Những hiện tượng của đoàn lũ đông đảo khiến Chúa không thể thản nhiên. Chúa không tránh thoát đám đông. Khi một khối người tụ tập ở đâu, điều đó có nghĩa họ đang muốn một điều gì, đang chờ đợi một cái gì.

Và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều.

Dạy dỗ. Giáo dục. Khích lệ. Mang đến những giá trị mới. Nhiều điều (=lâu), không phải là đi nhanh. Lâu, bởi vì đó là việc dạy dỗ quan trọng ! Đó là chìa khóa khai mở cho nhiều điều sau này. Tế sự phàm tục, thờ sự tôn giáo. Biết một nghề. Đủ khả năng thích ứng với mọi việc của con người. và hiểu biết những sự việc của Thiên Chúa : đó vai trò chính cốt của khoa huấn giáo. Trước hết, Chúa Giêsu đã là nhà giáo huấn : là Đấng dạy dỗ, là Đấng “mở tai” nghe những sự việc của Thiên Chúa.

Các ngươi hãy cho họ ăn đi.

Đó là của ăn tinh thần và tâm hồn, cũng là của ăn đầu tiên. Và lời Chúa là “của ăn”.

Nhưng của ăn thân xác là điều kiện cho mọi sinh hoạt thiêng liêng. Cần săn sóc đến thân xác : công việc tầm thường của biết bao người trên mặt đất này. Biết bao là nghề nghiệp, như nghề nghiệp chân tay, được tổ chức để giúp con người sống thoải mái qua ngày. Công việc của người nhà quê. Công việc của bà nội trợ. Công việc của rất nhiều người làm nghề này nghề khác, trực tiếp hay gián tiếp, đều “cho ăn”, cho phép “Kiếm cơm bánh” dành cho một gia đình.

Một khối người khổng lồ đang làm việc trên hành tinh chúng ta, để có miếng ăn. Thiên Chúa chúc phúc cho họ. Người muốn họ thành công, muốn họ được sống. Chúa Giêsu yêu cầu ta thông phần vào công tác : “Các ngươi hãy cho họ ăn đi”.

Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống, làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi.

Chúa Giêsu đã nắm trong tay một “đoàn chiên không người chăn”, một khối người lộn xộn, đáng thương hại. Giờ đây, đám đông này trở nên một đám “dân tộc trật tự tốt”, một nhóm người được tổ chức, một cộng đoàn. Rõ ràng, Marcô nhấn mạnh đến việc tổ chức cộng đoàn. Ngày nay vẫn còn là một trong những vai trò của thừa tác viên Giáo Hội. Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho các thừa tác viên Giáo Hội của Chúa. Con cầu xin Chúa cho các Kitô hữu mỗi ngày thêm hiểu biết rằng : họ không thể sống trong tình trạng vô danh không đáng kể trong khối người quá thụ động, nhưng họ cần trở nên những phần tử tích cực của một dân sống động, ở đó những tương quan giữa người với người được thiết lập.

Ngày nay, vẫn còn giữ trong các phần chính yếu của cuộc tập họp Thánh Thể : phụng vụ Lời (Ngài dạy dỗ họ nhiều điều), phụng vụ bánh … chung quanh vị Mục Tử duy nhất. Phải, phép lạ này là một dấu chỉ, một biểu tượng của Giáo Hội, hôm nay vẫn còn tiếp tục việc mà Chúa Giêsu đã làm.

Chúa Giêsu cầm lấy bánh … ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ.

Rõ ràng ở đây muốn ám chỉ Thánh Thể. Bởi vì, tại bữa tiệc ly Chúa cũng đã diễn tả tuần tự theo những cử chỉ này.

“Đọc lời chúc tụng” (“eulogein” tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nói tốt”). “Chúc tụng Chúa vì Chúa đã ban cho con bánh này”. Đó là nghi thức Do Thái dùng để thánh hóa bữa ăn. Là một người Do Thái chân chính, Chúa Giêsu luôn thánh hóa mọi cử chỉ Người thể hiện, bằng một lời chúc tụng, bằng một kinh nghiệm. Tất cả đời sống của tôi có là dịp để chúc tụng Thiên Chúa không ?

Giáo phận Nha Trang – Chú Giải
Mc 6,34 -44 // Mt 14,13 -21

Xem lại CN18 TN A, Lc 9,10 -17

CN19 TN B Ga 6,1- 13 ; thứ Sáu tuần 2 TN thứ Hai tuần 17 TN

“Phép lạ hóa bánh ra nhiều “

hoàn cảnh :

Sau khi đi thực tập truyền giáo trở về, với nhiều thành công, khiến cho dân chúng kéo đến với Chúa rất đông, các Tông Đồ vâng nghe lời Chúa xuống thuyền đi lánh riêngra một nơi hoang vắng.Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy dân chúng rất đông thì chạnh lòng thương xót và người đã chăm sóc họnhư người mục tử chăm sóc đàn chiên.

Ý CHÍNH :

Bài tin mừng hôm nayghi lại phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất để tỏ bày vai trò mục tử của Đức Giêsu đối với dân Người.

TÌM HIỂU : 

“Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương…” :

Đức Giêsu chạnh lòng thương đám đông dân chúng vì họ giống như đàn chiênkhông có mục tử chăn dắt. Người chăm sóc dân chúng bằng lời rao giảng : Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

35 -42 “và bấy giờ đã khá muộn…” Người chăm sóc họ bằng của ăn phần xác qua phép lạ hóa bánh ra nhiều . Câu chuyện Đức Giêsu chăm sóc dân chúng ở đây , chúng ta nhận thấy rằng :nơi Đức Giêsu , ứng nghiệm những lời Cựu Ước tiên báo về những kì công của Thiên Chúa do Đấng Cứu Thế thực hiện :

n Bánh hóa nhiều gợi lại Man-na trong sa mạc (Xh 16 ; Đn 8,3 -16; Tv 77, 24-25; St 16,20-26 )

Đông đảo quần chúng tụ họp chung quanh Đức Giêsu , tượng trưng cho cộng đòan Dân mới đứng trước Đức Giêsu là Mục Tử , là Ngôn Sứ và Mê-si-a của thời cánh chung ( Mc 6,41-42 ; 14,22 ). Đức Giêsu dọn cho dân bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể; Người dạy dỗ họ và nuôi sống họ. Ngày nay Hối Thánh cũng lập lại việc đó trong thánh lễ.

Nhóm Mười Hai, sau khi được tham dự sứ mạng rao giảng , cũng được tham dự vào công việc nuôi dưỡng đàn chiên (6,37-40 )

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Trong tâm tình và bầu khí mừng Chúa Hiển Linh, Phụng vụ muốn cho người Ki Tô hữu chúng ta suy niệm bài Tin Mừng hôm nay để một lần nữa , xác tín vào chúa Giêsu là Mục tử tốt lành mà nhờ đó biết gắn bó với Hội Thánh trong đời sống đạo hằng ngày để được săn sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ.

2. Chúa chạnh lòng thương đám đông dân chúng . Người Kitô Hữu năng dừng lại để chiêm ngưỡng tâm tình đó trong trái tim Chúa : Chúa đã để mình cảm đông , xốn xang, trắc ẩn, Những hiện tượng đòan lũ d8ông đảo như chiên không người chăn, khiến Chúa không thể lãnh đạm thờ ơ ! Trong trách nhiệm truyền Gíao, chúng ta có được tâm tình đó khi nhìn ra hòan cảnh xã hội chung quanh không ?

3. “Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”: Dạy dỗ,giáo dục , khích lệ và mang đến những giá trị tinh thần mới:Đó là trách nhiệm của người tông đồ của chúa.

4. ” Anh em hãy cho họ ăn đi “: Chúa truyền cho các tông đồ phải chăm sóc dân về của ăn vất chất. Người tông đồ có trách nhiệm phải chăm sóc tha nhân về của ăn phần hồn: sự thánh thiện ; của ăn tinh thần : Đời sống nhân bản ; của ăn thểxác : cơm ăn áo mặc và mọi nhu cầu của con người . Nhưng phục vụ các nhu cầu tự nhiên chỉ là phương tiện đáp ưng nhu cầu tâm linh; vì việc Chúa hóa bánh ra nhiều là dấu chỉ loan báo về bánh hằng sống là bí tích thánh thể.

5. Các tông đồ đã xin Chúa giải tán dân chúng vì trời đã muộn ; điều này nói lên sự bất lực của con người, vì thế cần đến quyền năng của chúa cứu giúp . người tông đồ phải tự nhận ra những hữu bạn và bất lực của mình để khơi dậy lòng tin và lòng cậy trông vào quyền năng của Chúa.

6. Các tông đồ dâng chúa năm chiếc bánh : số lượng nhỏ bé sánh với nhu cầu của năm ngàn người .Nhưng Chúa cần con người biết dâng phần nhỏ mọn cũa mình cho Chúa để Người biến thành việc lớn trong chương trình của người.

7. ” Ai nấy đều được ăn no và còn dư được mười hai thúng đầy” : Ơn Chúa ban cho hết mọi người, và mọi người đều được thỏa mãn,và ơn chúa ban thì tràn trề dư đầy. Điều này khích lệ chúng ta dù là ai., trong hoàn cảnh nào đi nữa, cũng đều có thể đón nhận ơn cứa giúp của Chúa; miễn sao biết tin nhận và vâng phục chúa thôi.

HTMV Khóa 10 – Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn