Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 6: 7-15)
7 “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:”Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,10 triều đại Cha mau đến,ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;12 xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng thacho những người có lỗi với chúng con;13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em
Trong các trình thuật Tin Mừng và cả cuộc đời Chúa Giêsu, ta thấy Chúa Giêsu luôn nêu gương mẫu cầu nguyện. Ngài xa tránh đám đông dân chúng để cầu nguyện. Chúa cầu nguyện mỗi khi có chuyện gì quan trọng, chẳng hạn trước khi lựa chọn các môn đệ, trước khi lập Bí tích Thánh Thể. Chúa cầu nguyện ở vườn cây dầu. Chúa cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Chúa cầu nguyện cho các môn đệ của Chúa.
Nhiều lần nhiều lúc ta thấy Chúa nói cần phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Chúa đã đề ra những cách thức phải cầu nguyện làm sao: cầu nguyện nơi kín đáo, cầu nguyện khiêm nhường, cầu nguyện với lòng tin, cầu nguyện chung nhau hai ba người họp lại. Bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng ta một điểm nữa khi cầu nguyện là “chớ có lải nhải nhiều lời như dân ngoại.” Sở dĩ Chúa đưa ví dụ này ra là vì các thầy Biệt phái đã làm sai mục đích việc cầu nguyện, và họ gán cho việc cầu nguyện có một giá trị như cái máy, hễ đọc lên là được ơn, không kể gì đến nội tâm cõi lòng. Nhưng Chúa nhấn mạnh đến tâm hồn.
Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm trong khi cầu nguyện.
Cầu nguyện nói lên một mối tương giao giữa Thiên Chúa và con cái Ngài, cho nên không phải xin xỏ mới là cầu nguyện hay mới là tương giao với Chúa. Một đứa con trong gia đình, dù không xin gì nhưng vẫn có một tình nghĩa đậm đà, và cha mẹ vẫn chuẩn bị những thứ cần cho tương lai của chúng. Thiên Chúa Cha trên trời há lại không hơn thế ư? Một vị thánh đã nói, khi thấy chúng ta cần điều gì thì chính Thiên Chúa làm chúng ta cảm động nhớ tới điều đó. Như vậy thì việc chúng ta cầu nguyện lại bắt đầu từ chính Thiên Chúa chứ không từ chúng ta đâu.
Vậy thì đối với cầu nguyện vắn hay dài không phải là vấn đề. Quan trọng là ở chỗ đối tượng của việc cầu nguyện. Cầu nguyện với ai? Nếu như chúng ta cầu nguyện với một cái xác chết vô tri vô giác thì chúng ta không thể được trả lời, dù thời gian có cả năm cũng chẳng ích lợi gì. Vậy đối tượng của lời cầu xin phải là chính Thiên Chúa toàn năng hằng sống vĩnh cửu…
Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”. Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.
Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4 lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.
Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu để lại là một mạc khải về Chúa Cha. Thiên Chúa của chúng ta không là Thiên Chúa xa vời hay nghiêm nghị, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, thân mật đến độ chúng ta có thể gọi Ngài là Cha với tất cả trìu mến như một em bé gọi cha mình.
Tỏ lộ cho cho chúng ta một Thiên Chúa như người cha yêu thương, Chúa Giêsu cũng tỏ lộ chính chúng ta là ai. Phẩm giá của con người chính là được làm con Thiên Chúa, và bởi vì là con của cùng một cha, nên chúng ta là anh em với nhau. Tình Cha con (chiều dọc) và tình em (chiều ngang) được Chúa Giêsu mạc khải cách hài hòa qua kinh lạy Cha.
Đặc biệt trong mối tương quan chiều ngang đối với anh em. Chúa Giêsu đã đặc biệt nhấn mạnh trong lời kinh: “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Mt 6, 12).
Khi chúng ta có lỗi với Chúa. Chúng ta thường đến với Bí tích Hòa Giải để xin ơn tha thứ. Thế nhưng, khi chúng ta có lỗi với anh em, hay anh em xúc phạm đến mình, chúng ta khó có thể tha thứ. Cũng chính vì thế mã xã hội hôm nay hận thù gia tăng, đưa đến tình trạng trả thù, giết người. Trong gia đình, vợ chồng không thể tha thứ cho nhau đưa đến tình trạng đổ vỡ, ly thân ly dị. Anh chị em ruột không thể tha thứ cho nhau, coi nhau như người dưng nước lã.
Ta hãy xin Chúa cho ta mỗi lần đọc lên lời kinh Lạy Cha nhắc nhở cho chúng con về lòng nhân từ của Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở cho chúng con đều kiện để hưởng sự tha thứ: càng tha thứ cho người khác, chúng con càng được Chúa thứ tha.
Huệ Minh