Suy niệm thứ Ba tuần I Mùa Vọng C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 10: 21-24)

21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.22 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
 

 Suy Niệm 1:

Tin Mừng Lc 10: 21-24

    “Con xưng tụng Cha vì đã dấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều ấy…”: Tôi cũng xưng tụng cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho tôi được đức tin, được biết Chúa. Nhiều người thông thái khôn ngoan hơn tôi đã không được những ơn này. Đức tin là một ơn ban chứ không phải là thành quả của công lao con người.

          Và rồi, ta thấy lời tán tụng của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay xác quyết tính cách nhưng không của đức tin. Chúa Giêsu cảm tạ Chúa Cha vì đã giấu không cho những hạng khôn ngoan thông thái biết những điều đó, tức là ơn đức tin, mà Ngài lại mạc khải cho những kẻ bé mọn, khiêm nhu.

          Ta cũng thấy khi nói đến hạng khôn ngoan thông thái hẳn Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến những Biệt phái và Luật sĩ, những người có học cao hiểu rộng. Chính cái mớ kiến thức về luật pháp và đạo giáo ấy khiến họ cho mình là người nắm giữ chân lý, là người đạo đức và có đức tin sâu sắc hơn người khác. Chúa Giêsu đã không ngừng lên án thái độ huênh hoang tự đắc ấy.

          Chúa Giêsu đến trần gian để thực hiện điều Thiên Chúa đã hứa từ xưa. Đó là đem ơn cứu độ cho con người (Tt 2,11). Chúa Giêsu đi khắp các thành, các làng để kêu gọi dân chúng sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).

          Trước lời rao giảng của Đức Giêsu, nhóm Pharisêu và các kinh sư đã khước từ, còn những người bé mọn lại đón nhận. Giới lãnh đạo Do thái cậy vào sự hiểu biết của mình nên khép lòng trước lời mời gọi của Chúa Giêsu và từ khước Ngài. Đối lại, những người bé mọn với đầy sự tín thác, khiêm tốn nên đã mở rộng cõi lòng đón nhận Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu hoan hỷ cảm tạ Chúa Cha về ơn phúc trọng đại mà Cha đã dành cho những người đơn sơ chân thành.        

          “Những người bé mọn” mà Chúa Cha tuyển chọn để mặc khải là chính các môn đệ ; và chính khi chúng ta biết khiêm tốn trở thành môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta sẽ là “những kẻ bé mọn” mà Chúa Cha ưa thích. Bởi vì, chính Đức Giêsu cũng trở nên “bé mọn” ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong mầu nhiệm Thương Khó ; và Chúa Cha nói về Người : “Đây là Con ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người”.

          Chọn những người đơn sơ, thất học làm môn đệ, Chúa Giêsu còn kết thân với những kẻ bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng trong nước Ngài không có sự phân biệt đối xử, không nhất thiết là người thông thái mới có thể trở thành môn đệ của Ngài. Để thuộc về nước Ngài, để trở nên môn đệ Ngài, điều kiện thiết yếu là trở nên bé mọn, khiêm tốn, trút bỏ lối suy nghĩ hẹp hòi của mình.

          Đức Giêsu đều nói về mặc khải (trái với mặc khải là dấu kín) và hệ quả của mặc khải : “Cha đã dấu kín…, nhưng lại mặc khải… ” ; “và những kẻ Người Con muốn mặc khải cho” ; “phúc thay mắt nào được thấy”, “muốn nghe điều anh em nghe”. Nhưng Chúa Cha và Người Con mặc khải những gì, để cho các môn đệ, là “những người bé mọn” thấy và nghe ? Điều các môn đệ thấy và nghe là chính Đức Giêsu : Đức Giêsu là mặc khải của Chúa Cha và cũng chính Đức Giêsu mặc khải về Chúa Cha cho những người bé mọn.

          Sống đơn sơ là bước căn bản để gặp được Thiên Chúa, Đấng là nguồn bình an và hạnh phúc. Do vậy, người Kitô hữu được mời gọi sống đơn sơ khiêm tốn với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Sống khiêm tốn trước nhan Chúa như người con đến với Cha trong sự phó thác và tin tưởng trọn vẹn, như người con với tâm nguyện duy nhất là yêu mến Cha và quyết sống đẹp lòng Ngài. Sống đơn sơ với tha nhân qua việc thể hiện sự gần gũi và chân thành với mọi người. Và sống đơn sơ với bản thân khi rèn luyện để có lương tâm ngay chính và tâm hồn trong sạch. Có như thế, ta sẽ luôn sống trong ơn nghĩa Chúa. Vì quả thật, Thiên Chúa chẳng bỏ rơi những ai khiêm tốn cậy trông nơi Ngài (Tv 9,11).

          Đức Giêsu là mặc khải lớn nhất của Chúa Cha và Chúa Cha là mặc khải lớn nhất của Đức Giêsu cho các môn đệ, là “những người bé mọn”. Vì thế, được “thấy và nghe” Người là một mối phúc. Phúc cho các môn đệ đang vây quanh Đức Giêsu, và cũng phúc cho chúng ta hôm nay, bởi vì chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày nhận ra, lắng nghe, hiểu biết, yêu mến và đi theo Người. Bởi vì, Người hiện diện và lên tiếng trong sáng tạo, trong lịch sử nhân loại và lịch sử đời tôi, và một cách trọn vẹn nơi Lời Kinh Thánh, Bánh Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

          Quả thực, người có đức tin không còn nhìn, suy nghĩ, lý luận bằng cái nhìn ích kỷ, hẹp hòi của mình, mà bằng cái nhìn của Thiên Chúa, nhờ đó họ tìm được ánh sáng và hy vọng ngay trong cuộc sống tăm tối, cảm nhận được sức mạnh trong những mất mát, thua thiệt, nhận ra được lẽ khôn ngoan ngay trong những gì mà thế gian cho là điên dại.

          Người có đức tin sẽ sống và yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, yêu đến độ tha thứ cho kẻ thù của mình, yêu đến độ hy sinh chính mạng sống mình.

          Niềm vui của Thiên Chúa là những kẻ bé mọn được biết Ngài. Nói cách khác, đối tượng của mặc khải là những người bé mọn. Đó là quyết ý của Chúa Cha. Chỉ họ mới là người được đón nhận mạc khải, bởi họ đã khiêm nhường lắng nghe và đón nhận lời loan báo của Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Chúa Giêsu đã ngợi khen, và làm đẹp lòng Chúa Cha khi công bố Tin mừng cho kẻ bé mọn. Toàn bộ sứ mạng của Ngài ở trần gian là thực hiện ước muốn ấy. Ngài đã vui mừng làm tròn sứ mạng được giao phó. Đồng thời, Ngài cũng chia sẻ và mời gọi các môn đệ tham gia vào sứ mạng mạc khải Thiên Chúa cho những người bé mọn. Các môn đệ ngay khi ấy đã lên đường loan báo Tin mừng và vui mừng trở về trình bày những hoa trái thu lượm được.

          Muốn đón nhận ơn Chúa, cũng như muốn hiểu biết Thiên Chúa hơn thì chúng ta phải trở nên những kẻ bé mọn, phải ý thức mình còn kém. Và bé mọn thực sự, khiêm tốn thực sự là phải biết đón nhận, đón nhận không những từ nơi Chúa, mà còn phải từ anh em của mình nữa.

Huệ Minh
 
Suy Niệm 2:          Tin mừng Lc 10: 21-24
Thánh Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi, ở phía bắc thủ đô Rôma và qua đời cũng tại đây ngày 3.10.1226.  Cha ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ rất giầu có; mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức, hiếm có.

 Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên cậu mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gôthiê đi Briênnơ đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.
          Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe thấy tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát!” Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại ba ngôi nguyện đường cạnh Assisi. Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24.2.1208, đang buổi lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng… Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy…” (Mt 10,10). Phanxicô đã nhận ra tiếng gọi của Chúa, từ nay quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Tự (Mt 19,21; Lc 9,1-6 ; Mt 16,24). Phanxicô vừa đi rao giảng Tin Mừng vừa khất thực.
 Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng.

Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.

Phanxicô muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong sự khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ. Chính vì thế mà Ngài hết lòng yêu thương những người nghèo khó, nhất là những bệnh nhân mà ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Năm 1220, vì những khó khăn nội bộ của Hội Dòng do một số anh em cấp tiến gây ra, Phanxicô phải bỏ dở cuộc truyền giáo cho người Hồi giáo để trở lại nước Ý. Những anh em này muốn sửa đổi lý tưởng nghèo khó thuở ban đầu. Đây chẳng khác gì một cuộc tử đạo đặc biệt đối với Ngài. Vì quá đau khổ cho nên năm 1224, Phanxicô xin rút lui về ẩn mình tại núi Laverna. Nơi đây, ngài được Chúa in năm dấu thánh của Chúa trên chân tay và cạnh sườn của Ngài. Phanxicô đã sống một cuộc tử đạo này trong hai năm trời. Các vết thương luôn rỉ máu rất đau đớn nhưng còn đau đớn hơn nữa khi phải chứng kiến cảnh một số anh em càng ngày càng sống xa lý tưởng ban đầu đang diễn ra.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, “Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần.” Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.Ngài qua đời vào ngày 3-10-1226. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.

Trong nỗi cô đơn và đau khổ do bệnh hoạn, ngài chỉ muốn hoàn tất ý định của Thiên Chúa cho đến khi “Bạn Chết” của ngài đến kết thúc cuộc đời vào ngày 3.10.1226.

Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16.7.1228. 

Thánh Phanxicô Assisi là một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội bởi ngài sống sát với phúc âm.

Thánh Phanxicô Assisi trở nên nghèo hèn chỉ vì ngài muốn giống Đức Kitô. Ngài yêu quý thiên nhiên vì đó là một công trình mỹ miều của Thiên Chúa. Ngài hãm mình phạt xác để có thể hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa. Sự khó nghèo của ngài đi đôi với sự khiêm tốn, mà nhờ đó ngài hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ để dẫn vào tâm điểm của đời sống tâm linh của ngài: sống đời sống phúc âm, đã được tóm lược nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu và được tỏ lộ cách tuyệt hảo nơi bí tích Thánh Thể.

Thánh Phanxicô được mời gọi tiến tới một sự trần trụi tối thượng, một sự nghèo khó triệt để. Một sự nghèo khó không chỉ liên quan đến của cải vật chất, nhưng đụng chạm đến bản chất thâm sâu nơi con người. Thánh Phanxicô tin tưởng lời Chúa. Và với đức tin của người nghèo, ngài trao phó hoàn toàn Hội Dòng cũng như bản thân trong bàn tay Thiên Chúa (Lạy Chúa con, Lạy Chúa con, Chúa là ai? Và con là ai?) Yêu và yêu nhiều đều chưa đủ. Phải học trở nên nghèo khó trong tình yêu, nhất là trong tình yêu. Không chiếm hữu sự gì. Không chiếm hữu người nào. Bấy giờ, tình yêu mới đạt tới đỉnh trọn lành.

Thánh Phanxicô đã sống khó nghèo tuyệt đối. Ngài muốn bắt chước Chúa, muốn noi gương đức Mẹ để sống cuộc đời khó nghèo. Do đó, Ngài đã kéo mọi người, kéo mọi vật, mọi thụ tạo lại gần Thiên Chúa. Ngài đã gọi nhân đức nghèo là” Bà Chúa nghèo”, Ngài đã gọi Mặt Trời là Anh Mặt Trời, Mặt Trăng là chị Mặt Trăng, thần chết là chị chết vv…Ngài muốn nói lên một thực tế là tất cả đều do Tình Yêu của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, mọi sự, mọi vật, mọi loài, kể cả con người đều hòa quyện nơi Tình Yêu của Chúa và như thế, tất cả đều trở nên bài ca tình yêu muôn thuở, cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.

Những kẻ bé mọn ta có thể gặp họ ở khắp nơi. Đó là những con người ít được học hành. Những người chẳng có địa vị cao trong xã hội, những người không thành đạt mấy trong cuộc đời, những người sống khiêm tốn. Họ có được sự nhạy bén để mở lòng ra đón nhận những sự thuộc về Chúa, một sự nhạy bén mà những người khác không có.

Nhưng những kẻ bé mọn của Phúc Âm cũng có thể là những người khôn ngoan và thông thái chân thật. Tuy nhiên không phải bất cứ người khôn ngoan thông thái nào cũng là chân thật cả. Mà chỉ có những ai không vênh vang kiêu hãnh về sự hiểu biết và khôn ngoan của mình mới là những người khôn ngoan thông thái chân thật. Chỉ có những người ấy mới có được tâm hồn của những kẻ bé mọn vậy.

          Ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu.

Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Dưới sự soi sáng Chúa, thánh Phanxico Assisi mà chúng ta mừng kính hôm nay đã chọn cuộc đời hèn mọn khó nghèo để loan báo tình yêu Thiên Chúa và phục vụ mọi người trong tinh thần đơn sơ, khiêm tốn.

Huệ Minh