Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 2: 41-51)
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
Suy Niệm Thứ Ba Tuần II Mùa Chay C – Thánh Giuse – Bạn Thanh Khiết Đức Maria.
Quả thế, nếu đức tin của Mẹ Maria được thể hiện bằng sự khiêm tốn và vâng phục để Thiên Chúa thực hiện mầu nhiệm nhập thể: “Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như Lời sứ thần truyền. Xin hãy thành sự trong tôi, như Lời Ngài đã phán”, thì Thánh Giuse âm thầm không nói gì, không trả lời gì, mà Ngài chỉ làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà: ‘Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần’. Điều Thánh Giuse đã làm là một câu trả lời “vâng phục” bằng “đức tin” hùng hồn nhất (Rm 1,5; 16,26; 2Cr 10,5-6).
Nhìn vào cuộc đời thánh Giuse, ta thấy Ngài thể hiện niềm tin tôn giáo qua việc tuân hành lề luật được ban hành dưới thời Môsê. Luật là kim chỉ nam đời sống, luật cao trọng hơn cả bạc vàng, luật quý giá hơn những lời tinh hoa, luật nên như ánh sáng soi đường công chính. Sự công chính của một người được đánh giá xếp hạng tuỳ vào sự tuân giữ lề luật này. Luật lệ với những quy định rạch ròi, càng tuân thủ khít khao bao nhiêu, càng được đánh giá ở mức độ cao trên đàng công chính bấy nhiêu. Nhưng bước vào chương trình của Thiên Chúa, Giuse được mời gọi phải lên đường ra khỏi ý riêng vốn được luật lệ khuôn định để đến với thánh ý Chúa, đón nhận và tuân hành.
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã đón nhận và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa là đón nhận nhau, và cả hai cùng đón nhận Phôi Thai Đấng Cứu Thế bằng một đức tin. Từ đó, làm thành một cộng đoàn mới của Thiên Chúa, trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Việc thánh Giuse đón Đức Maria về làm vợ trong lúc Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế, quả là một gương đức tin hùng hồn vào Thiên Chúa quyền năng: Thiên Chúa chọn cho Giuse một người vợ. Thiên Chúa chọn cho Maria một người chồng. Thiên Chúa chọn cho Đấng Cứu Thế những người làm Cha Mẹ. Vì quả thực, nếu để tự Giuse chọn, có lẽ Giuse không chọn Maria, vì ngại những tiếng đời dị nghị. Nhưng việc ấy không xảy ra theo ý của Giuse, mà đã xảy ra ngược lại theo ý của Thiên Chúa.
Thánh Giuse là con người của niềm tin và phó thác, một người được chia sẻ để hiểu biết Mầu Nhiệm của Thiên Chúa. Thánh nhân là con người thinh lặng. Nhưng được Thiên Chúa chọn làm Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ và được trao phó việc chăm sóc con Thiên Chúa, như một người cha.
Sự vâng phục của thánh Giuse trước thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa cũng như lời thưa “fiát” của Đức Maria đã phần nào thấm nhập vào đời sống kinh nguyện và lời rao giảng của Đức Giêsu sau này. Chúa Giêsu đã từng có một quyết định thể hiện sự vâng phục triệt để thánh ý Chúa Cha trong lúc Ngài đau khổ, cảm thấy bị xao xuyến, bị bỏ rơi trong Vườn dầu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”(Mt 26, 40). Thư Do thái cũng đã diễn tả rất hay sự vâng phục của Chúa Giêsu: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Ngài cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 6, 8).
Cuộc sống của thánh nhân là cả một cuộc đời âm thầm, khiêm nhượng. Ngài đã tận tụy gìn giữ gia đình Nagiarét mà Chúa trao phó cho Ngài coi sóc, trông nom. Sự tận tụy hy sinh của Ngài còn được thể hiện qua việc lo lắng cho Đức Mẹ lúc nở nhuỵ khai hoa, khi trốn sang Ai Cập, lúc trở về Nagiaret… Ở đâu và trong hoàn cảnh nào, Ngài cũng lấy đức tin để soi chiếu vào mọi suy nghĩ, hành động và việc làm của mình.
Một niềm tin được cắm rễ sâu trong việc lắng nghe vâng phục ý Chúa, đã không chỉ làm sáng danh gia đạo, nhưng còn góp phần rất nhiều vào việc hình thành nhân cách của Chúa Giêsu, và giúp Chúa Giêsu thực hiện và hoàn tất sứ mạng cứu thế, đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao với tất cả lòng tin, sự hiền lành và khiêm nhượng.
Hình ảnh người con mà đức tin cho biết là “Con Thiên Chúa” trong gia đình, có thể nói là yếu tố quan trọng vào bậc nhất trong việc hình thành đức cậy trông nơi Thánh Giuse. Người “con làm việc của Cha trên trời” và “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan” là hoa trái của đức cậy trông mà Thánh Giuse đã miệt mài ký thác.
Thánh Giuse trong cách sống công bằng, chấp nhận cuộc sống đơn nghèo của mình để sẻ chia. Có thể thấy trong đời sống tự nguyện nghèo khó, một tâm hồn đã tôi luyện khỏi những ích kỷ, cái tôi, biện luận cho lối sống gây bất công. Cội rễ của bất công nằm trong tâm khảm của mỗi người khi “muốn ở trên và đối kháng với người khác” (Sứ Điệp Mùa Chay 2010, Benedicto XVI). Đón nhận tự nguyện đời sống nghèo khó để cùng với người nghèo khó xây dựng đời sống bảo vệ cho phẩm giá cao quý của con người, đó là chứng nhân cho công bằng giữa những bất công.
Điều quan trọng nhất là nên nhớ trong mọi tình huống của cuộc đời, chúng ta hãy chạy đến cùng thánh cả Giuse để van xin Ngài cứu giúp, nâng đỡ, chở che và bảo vệ, giúp chúng ta vượt mọi gian nguy của cuộc đời, thoát khỏi những cảm bẫy của thời đại.
Trong sách Sáng Thế có kể chuyện Tổ Phụ Giuse trong hoàn cảnh đói khổ mất mùa của toàn dân, nhà vua Ai-cập đã bảo với thần dân của mình: ”Hãy đến với ông Giuse, người dạy sao, hãy làm như vậy”. Và từ đó, “hằng ngày ông Giuse đã mở công lẫm để phân phát thực phẩm cho dân”.Hôm nay, chúng ta cũng nhìn nhận hình ảnh Tổ Phụ ấy nơi Thánh Cả Giuse để đến với Ngài. Thiên Chúa như thể muốn nhắc bảo chúng ta: ”Hãy đến với Thánh Giuse, Người dạy sao hãy làm như vậy”.
Thánh Têrêxa thành Avila đã tâm sự: “Chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng Thánh Cả Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bầu của Vị Thánh Cả vinh phúc này”.
Thánh nữ tha thiết mời gọi tất cả những ai không tin hoặc chưa tin, hãy thử mà cậy nhờ, hãy thử cầu khẩn Thánh Cả Giuse vinh hiển, thì đoan chắc không có ơn nào mà ngài lại từ chối ! Hãy tin và tín thác vào Ngài.
Huệ Minh