Suy Niệm Thứ Ba Tuần II Phục Sinh B

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gioan (Ga 3: 7-15)
Khi ấy, Đức Giêu nói với ông Nicôđêmô rằng: Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?”10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi.12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?”13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Suy niệm 1Tình yêu hôn nhân được cụ thể hoá qua sự hiện diện của một sinh linh mới; và khi nhìn thấy đứa con chào đời niềm vui của cha mẹ dâng trào, vì tình yêu họ trao cho nhau không chỉ là những cảm xúc mông lung, nhưng nó đã được kết tinh để mang lại một hiện hữu mới, một hiện hữu in đậm bóng dáng của họ. Vâng, tình yêu là thế đó, nó không như gió thoảng đến rồi đi, không như giọt sương ban mai có đó rồi mất đó, trái lại tình yêu thể hiện tình dài lâu qua sự hiện diện của sự sống mới được gọi là người con.

Thế nhưng, cho dẫu tình yêu giữa hai người có sâu đậm đến mấy, họ cũng chỉ mang lại một sự hiện diện mang tính dài lâu đó cũng chỉ là tạm bợ, bởi những gì bắt nguồn từ thụ tạo đều chẳng thể vững bền. Là bụi đất, cha mẹ cũng chỉ có thể sản sinh ra những người con mang lấy bản chất của cha mẹ, cũng mỏng dòn và mong manh như cuộc sống của cha mẹ, và rồi cũng sẽ trở về với bụi đất.

Tuy nhiên vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên Ngài không để con người ra hư không như bao thụ tạo khác, Ngài thực sự muốn con Ngài được chia sẻ sự sống vinh quang với Ngài. Ý muốn của Ngài đã bị Satan quấy phá qua việc nó xúi dục con người chống lại ý định của Thiên Chúa bằng sự hão huyền nó vẽ ra. Mặc dầu thế, Thiên Chúa không bao giờ bỏ ý định của Ngài, và Đức Kitô, Người Con yêu dấu, được Ngài sai đến trần gian để thực hiện một cuộc tạo dựng mới. Con người sẽ được trao ban sự sống mới không bằng chất thể bụi đất, nhưng bởi nước được tuôn trào từ cạnh sườn của Đức Kitô trên thập giá, nước đó được Thần Khí Chúa thánh hoá để những ai bước vào dòng nước đó sẽ được Thần Khí Chúa thanh tẩy, biến đổi thân xác bụi đất hư nát trở thành một thân xác của Đấng Phục Sinh, một thân xác không còn bị sự chết thống trị.

Điều đó xảy ra bởi nước chảy từ cạnh sườn của Đức Kitô là nước được kết tinh bởi một tình yêu vĩnh hằng, tình yêu của vị Thiên Chúa hằng sống. Thánh Gioan minh định: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, bởi đó Chúa Kitô, Người Con Một của Thiên Chúa, là quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Đây là quà tặng vô giá, vì qua đó con người nhận được sự sống. Cái chết của Chúa Kitô trên thập giá đã biểu lộ giá trị vô song của quà tặng này. Vâng, từ trên thập giá, Chúa Giêsu đã tuôn trào nước hằng sống qua cạnh sườn bị đâm thâu, vết đâm như đã khai mở nguồn tình yêu, để những ai bước vào đó sẽ được tái sinh để nhận một sự sống mới, sự sống đời đời.

Lạy Chúa, tình yêu Chúa dành cho chúng con thật kỳ diệu, từ bụi đất hư hèn, Chúa đã tái sinh chúng con trong dòng nước tình yêu được thể hiện qua cái chết trên thập giá. Xin cho chúng con khi đã được tái sinh thành con người mới luôn biết giữ gìn sự sống này, xin đừng để quỉ dữ một lần nữa cướp mất sự sống mà Chúa đã trao ban bằng chính cái chết của Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2

Trang Tin mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu nói: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (c.7)

Và như vậy, để có cuộc sống mới, con người phải thực hiện một cuộc vượt qua như hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận mục rữa để nhú lên mầm sống mới và sống một đời sống mới. Hay như để có thể sinh ra trong cuộc sống mới, chú gà con phải can đảm từ bỏ sự bảo bọc an toàn của vỏ trứng và quả trứng cần phải vỡ ra không còn là quả trứng nữa, khi đó chú gà con được tiếp cận một thế giới bao la rộng lớn hơn, phong phú, mới mẻ và tự do tự tại hơn bội phần.

Ông Nicôđêmô, trong trình thuật Tin mừng hôm nay, đã tìm đến với Chúa Giêsu với một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhượng và khao khát chân lý. Chúa Giêsu đã không phụ tấm lòng chân thành của ông khi Ngài hé mở cho ông thấy một phần những thực tại Nước Trời. Có đặt mình vào vị trí của Nicôđêmô, ta mới thấy rõ tâm hồn ông đẹp như thế nào! Đường đường là một bậc thầy trong dân, ông lén lút đến gặp Chúa Giêsu – một người thua kém ông xa về địa vị xã hội – để được “thụ giáo”. Đã vậy, Người này trong khi giảng giải lại hay thêm vào những câu khó nghe đại loại như: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao?” (Ga 3,10) Đấy là chưa kể những hệ luỵ tồi tệ sẽ xảy đến nếu như cuộc gặp gỡ này bị phanh phui.

Sự chân thành của Nicôđêmô làm ta nhớ lại trình thuật truyền tin cho Đức Maria. Đứng trước một tin động trời là mình sẽ có thai, Đức Maria đã đơn sơ hỏi sứ thần Gabriel rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34) Và với tâm hồn chân thành đó, sứ thần đã giảng giải cho Đức Maria biết mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Cũng vậy, nếu lòng ta thực sự khát khao chân lý, Chúa sẽ chẳng để ta phải thất vọng bao giờ.

Con người khi được sinh ra bởi Thần Khí, với sự chăm bẵm của Thần Khí, của ơn trên con người được thoát khỏi vỏ bọc qui kỷ, chấp nhận chết đi cho cái tôi còn nhiều đam mê, ích kỷ, huênh hoang tự đắc…; chết đi những thói hư tật xấu của con người cũ. “Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (c. 8) Con người sống theo Thần Khí, sẽ thoát khỏi những ràng buộc của đam mê, vật chất, và tự do trong việc sống thi hành thánh ý của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trả lời là nhờ tác động của Thánh Linh “Gió muốn thổi đâu thì thổi…mọi kẻ sinh bởi Thánh Linh cũng vậy” và nhờ tin vào Chúa Giêsu “không ai lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời” (Ga 3,13).

“Tái sinh là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình”. (Mỗi ngày một tin vui)

Tái sinh chẳng khác gì một qui luật đòi buộc con người phải thoát ra khỏi con người cũ của mình. Không chịu thoát ra, nghĩa là không đi vào con đường tự hủy thì không thể có việc tái sinh.

Tái sinh là ra khỏi chính mình, cởi bỏ con người cũ và cởi mở để Chúa Thánh Linh tác động và biến đổi thành con người mới. Sự Tái sinh có tác động làm thay đổi bản chất của mỗi con người. Tái sinh không thể hiểu là trở vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa, hoặc hai ba lần nữa… như cách hiểu của Nicôđem. Bởi vì: những gì thuộc về xác thịt là xác thịt, nên dầu có sinh ra đến bao nhiêu lần cũng hoàn toàn xác thịt, không thuộc về thần khí.

Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi người lần thứ nhất trong lòng mẹ. Đây là sự khởi đầu của cuộc sống đơn thần được di truyền từ Ađam và Evà – sự sống bất toàn và không vĩnh cửu. Một khi được sự tái sinh, mỗi người sẽ bắt đầu cuộc sống mớ i- cuộc sống sung mãn và đời đời. Những ai tin vào Chúa Giêsu thì được Ngài tái tạo nên con người mới.

Như Nêcôđêmô, chúng ta rất ngại phải từ bỏ những gì đã làm nên cách sống và nếp nghĩ của mình. Chúng ta cho rằng làm sao có thể thực hiện được (tái sinh). Như một bậc thầy Biệt phái, Nicôđêmô có cả một bề dày về cách suy nghĩ và cách sống của ông ta của các bậc lãnh đạo trong dân, và ông khó chấp nhận được sự thay đổi. Chúng ta cũng thường đóng khung con người, môi trường, hoàn cảnh theo quan điểm và cách sống của chúng ta và khó chấp nhận được sự khác biệt. Chúng ta phóng một tầm nhìn và loại ra tất cả những gì không thuộc tầm nhìn ấy. Do đó, chúng ta dễ dàng kết án những gì không hợp với mình.

Vì thế, chúng ta rất cần được Thần khí biến đổi trở nên con người mới. Để nhờ Thánh Thần, chúng ta được trở nên con người tự do tự tại, không còn những tâm lý đóng khung, nhỏ nhen, ghen tị, oán ghét, giận dữ, thù hận, chấp nhất… vốn làm trói buộc tâm linh, sự sống khô cằn và rắc gieo đau khổ. Nhờ Thánh Thần, và sống theo Thánh Thần, cuộc sống trở nên muôn phần phong phú, yêu thương, hiệp nhất trong đa dạng, luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu cấp bách của cuộc sống.

Vai trò của Chúa Thánh Linh rất lớn trong sự biến đổi và tái sinh của mỗi thụ tạo. Chúa Thánh Linh tựa như sự vô hình vô dạng của gió. Gió! không ai bắt nó trong tay được, nó không màu sắc, không có hình dạng, nhưng sức mạnh của gió rất phi thường. Sức mạnh của Thánh Linh cũng vậy, Chúa Thánh Linh sẽ âm thầm tác động và biến đổi tái tạo để mỗi người trở thành con người hoàn toàn mới, ví tựa sự biến hóa khác nhau rất xa giữa con sâu và con bướm, chỉ từ một con, nhưng trước và sau tái sinh.

Như vậy để được sự sống đời đời ngoài điều kiện được sinh lại bởi ơn trên nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, và rồi ta được mời gọi phải can đảm dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, qua việc chấp nhận những thử thách, gian nan, khốn khó ở đời này với lòng tin tưởng vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

Huệ Minh