Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 2: 23-28)
23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!”25 Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế”.
27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát”.
Suy niệm: Tin mừng Mc 2:23-28
Qua các trang Tin Mừng, ta thường bắt gặp những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái. Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện nhóm người biệt phái tranh luận với Chúa khi họ phản đối các môn đệ của Ngài ngắt một vài bông lúa để ăn trong ngày Sabbat, ngày nghỉ của người Do Thái.
Ta thấy theo quy định luật thì trong ngày này, người ta không được phép làm việc, dù những việc rất nhỏ. Thực ra, nguyên nhân chính xuất phát từ tính ghen tương hay nghi ngờ, thói hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của họ. Về phía mình, Chúa Giêsu nhắc họ chú trọng đến tinh thần của lề luật. Luật là nhằm phục vụ con người: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người”. Ngài còn tỏ ra cho họ thấy quyền năng của Ngài: “Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.
Triết gia Schopenhauer khi nói về luật pháp của con người, ông đã ví von như sau: “Luật pháp cũng giống như một mạng nhện, những con ong gấu thì vượt qua một cách dễ dàng, những thứ ruồi nhặng thì kẹt lại”. Ðây là một sự thật đau lòng mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày trên khắp thế giới: những con ong gấu, tức những người làm ra luật, những kẻ có quyền thế trong tay, thường chiu qua những kẽ hở của luật pháp một cách dễ dàng; thế lực của đồng tiền, vây cánh, ô dù, giúp họ luôn đứng trên luật pháp mà chính họ lập ra.
Vào thời Chúa Giêsu không có chuyện ô dù, nhưng có một hạng người tự cho mình có quyền lập ra luật, bắt người khác giữ luật, còn mình thì không muốn lay thử một ngón tay. Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của một cuộc đối đầu triền miên giữa Chúa và hạng người này, tức là nhóm Biệt phái về vấn đề luật pháp. Chúa Giêsu không phải là một người vô kỷ luật. Ngài sinh ra khi cha mẹ Ngài tuân theo lệnh kiểm tra dân số do Hoàng đế La mã ban hành; sau này Ngài vẫn đóng thuế như bất cứ một công dân của Ðế quốc nào. Trong lãnh vực tôn giáo Ngài tuân giữ lề luật của Môsê. Ngài cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ vì là con trai đầu lòng, hằng năm lên Yêrusalem để mừng lễ, mỗi ngày hưu lễ Ngài cũng đến Hội đường.
Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật là gì nếu không phải là mặc cho nó linh hồn là tình yêu; không có tình yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến tình yêu là nói đến con người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con người sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại với sự sống và tình yêu, đều là những luật lệ bất công. Trong Thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” ban hành năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ và can đảm chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống của con người, như luật cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.
Là một xã hội, Giáo Hội cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của Giáo Hội được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu thương. Ăn chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến đời sống hôn nhân, tất cả đều qui về một luật duy nhất là để giúp các tín hữu sống tôn trọng và yêu thương con người. Như thế, người Kitô hữu chỉ có một giới răn để tuân giữ, đó là giới răn yêu thương, và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất để tuân giữ lề luật, đó là tình yêu thương.
Ngày sabát, được phép làm gì, bị cấm làm gì: đó là nội dung nhiều cuộc tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu và biệt phái. Giới lãnh đạo Do Thái Giáo đã đặt ra tới 39 qui định tỉ mỉ liên quan đến việc giữ ngày sabát, trói buộc con người vào luật đến độ có thể nói chết vì luật; Chúa Giêsu lại muốn con người sống nhờ luật: nếu khi nào luật ngăn cản sự sống thì luật đó không còn giá trị! Trong Cựu Ước, người Do Thái đã cởi trói luật hưu lễ, tự vệ để sống còn (1Mcb 2, 29-44).
Cũng thế, nếu trong ngày sabát bứt một gié lúa để ăn cho đỡ đói mà bị khép vào luật cấm gặt lúa trong ngày sabát, thì luật đó quả là khe khắt, phi nhân, phải loại bỏ đi. Luật kiêng việc xác ngày sabát phải hướng đến một chủ đích cao hơn, đó là trong ngày sabát, con người không bận tâm vào việc mưu sinh (tự nhiên), để dành trọn cho việc thờ phượng Chúa (siêu nhiên). Hội Thánh vẫn mời gọi con cái mình hướng đến chủ đích trên trong ngày của Chúa (Chúa nhật).
Thật đáng tiếc, ngày nay khi cuộc sống đầy đủ hơn, thì nhiều người chỉ nghĩ đến việc chăm lo sự sống thể lý (ăn, chơi) mà hờ hững chăm lo sự sống thiêng liêng! Đứng trước hiện tượng ngày càng có nhiều người dễ dàng bỏ lễ Chúa Nhật, bạn hãy cảnh tỉnh để sống thật ý nghĩa ngày của Chúa.
Lề luật của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng hay sự gò bó đối với con người. Nhưng lề luật của Ngài là một hồng ân cao quý, vì nó chứng tỏ và cho chúng ta thấy tình thương yêu của một vị Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, và tất cả đã kết dệt nên một hương vị của tình yêu. Thánh Phao-lô đã gọi “luật Chúa Kitô” là luật tình yêu, luật được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đem lại những hương vị bác ái và tự do, yêu thương và phục vụ trong Thần Khí. Tất cả lề luật của Giáo Hội được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và đó cũng chính là nền tảng đó là luật yêu thương. Trong thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” ban hành năm 1995, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu hãy mạnh mẽ và can đảm chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống con người như luật cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.
Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta hãy tuân giữ các Điều Răn của Chúa, vì điều này chứng minh lòng kính yêu của chúng ta và mang lại lợi ích cho chúng ta trong việc tuân giữ các Điều Răn. Thực tế cho thấy, nếu Chúa không ngăn cấm mà cứ để cho con người tự do trộm cướp, chiếm đoạt tài sản của người khác, giết người, hiếp dâm…thì nhân loại sẽ đi về đâu, xã hội con người còn tồn tại trong trật tự hay không? Có giới răn của Chúa, có luật pháp của xã hội mà vẫn còn tội ác vì hận thù ghen ghét, chém giết, cướp của, gian dâm đầy rẫy ở khắp nơi trên thế gian tục hóa.
Với trang Tin Mừng hôm nay, là lời nhắc nhở chân thành đối với những người lập ra luật trong xã hội, trong cộng đoàn tu trì, trong công ty hay trong gia đình…lập ra những điều luật nhằm làm triển nở và giúp thiện hảo cho đồng loại, hơn chỉ là gánh nặng đối với họ. Và lời Chúa hôm nay cũng là điểm soi sáng cho những ai thi hành luật, hãy sống căn tính tinh thần cốt lõi của luật là tình yêu thương nhân ái đối với anh em đồng loại.
Ngày nay, qua lối thực hành đạo của chúng ta, vẫn còn đó những người luôn coi việc giữ luật cách nghiêm ngặt, cứng ngắc là điều nên làm và họ luôn coi đây là chuẩn mực để được coi là đạo đức! Tuy nhiên, khi trở về với những lời giáo huấn và tinh thần của Đức Giêsu, nhất là những việc Ngài làm, thì hẳn chúng ta phải xem lại!
Quả thế, lời dạy của Chúa và chỉ dẫn của Giáo Hội rất cần thiết cho đời sống Kitô hữu vì giúp chúng ta sống theo thánh ý Chúa. Vì thế, dựa vào những khoản luật của Chúa để làm khổ người khác là đi ngược lại luật. Giữ lề luật Chúa mà làm chúng ta xa lánh Ngài thì không mang lại ơn ích gì. Điều cần thiết là phải tránh thái độ vụ luật và giữ những luật Chúa và Giáo Hội đúng với tinh thần mà Chúa muốn.
Huệ Minh