Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (1:18-24)
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
Suy niệm
Tin Mừng Mt 1:18-24 Lặng Thầm Như Giuse
Để có thể ở giữa loài người, Ngài đã muốn có sự cộng tác của con người. Đức Maria là người đầu tiên và gương mẫu của việc thực hiện kế hoạch Emmanuel. Đứng trước kế hoạch hoàn toàn trái ngược với hoài bão và mơ ước của mình, Người đã tự xoá bỏ mình và cúi đầu vâng phục. Thánh Giuse cũng vậy, sau khi đã được giải thích cho biết về kế hoạch thần linh, Người cũng đã sẵn lòng quên mình để cho ý định của Thiên Chúa được hoàn tất. Chính việc tự xoá mình và hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa đã làm cho tình yêu của các ngài sung mãn và đạt đến mức thiên giới mà không cần quan hệ giới tình.
Trong chương trình của Thiên Chúa tình thương, thánh Giuse đã được mời gọi trở nên người cha trên trần gian của Ngôi Lời Nhập Thể, (nơi ngài) được phản chiếu một cách đặc biệt tình phụ tử của Thiên Chúa. Nên khi chúng ta tôn kính thánh nhân là chúng ta ca khen chúc tụng Thiên Chúa : “Trong ngày lễ kính thánh Giuse chúng con cùng tung hô, chúc tụng và ca ngợi Cha” (Kinh Tiền Tụng Thánh Giuse). Đây là điều đẹp lòng Thiên Chúa, lời nguyện khác có đoạn “ Vào lúc bình minh của thời đại mới, Chúa đã trao cho thánh Giuse bảo vệ các Mầu Nhiệm Cứu Độ, xin cho Hội Thánh Chúa luôn luôn nhớ lời cầu bầu của thánh nhân …”.
Xét về nguồn gốc, thánh Giuse đích thực thuộc dòng dõi Đavit, hậu duệ của vua Đavit. Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong dòng dõi này để ứng nghiệm lời các tiên tri đã báo trước: “Này đây đã tới ngày Ta gây cho Đavit một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm Vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan thực hiện công lý và công bình trên đất nước”. Hoặc ở một chỗ khác: “Chúa sẽ tạo lập cho Đavit một nhà. Nhà của Người và triều đại của Người sẽ vững chắc đến muôn đời. Ngôi báu của Người sẽ vững bền mãi mãi”.
Giuse bị đặt trước sự kiện một con trẻ được cưu mang bởi một nữ đồng trinh. Đức Maria, vị hôn thê của ông, được chọn làm Mẹ theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mẹ được chọn đi vào đường lối khác thường. Thái độ của Mẹ thế nào?
Thái độ của người công chính ra sao? Không phải thứ công chính giữ theo luật pháp, cũng không theo ý niệm loài người của Maria. Công chính đây theo nghĩa riêng của Kinh thánh là hợp với thánh ý Thiên Chúa. Giuse công chính vì ông kính trọng công trình của Thiên Chúa và thực thi vai trò Thiên Chúa xếp đặt cho ông. Trong khi thánh Giuse chuẩn bị cho Maria hoàn toàn tự do theo đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa đã se định, thì Thiên Chúa đã làm cho ông khám phá ra rằng ông cũng giữ một vai trò thiết yếu đối với xã hội là bảo lãnh cho Đức Giêsu thuộc gia hệ ông.
Thật vậy, chính nhờ ông, Đức Giêsu thuộc dòng Đavít. Ông đã làm tròn vai trò đó khi nhận Maria làm vợ, đồng thời bảo đảm cho con trẻ sắp sinh ra có cha trước luật pháp. Nhờ thế Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch đã định cho Đấng Cứu thế thuộc con dòng Đavít.
Tuy nhiên, hậu duệ của Đavit không phải chỉ có một mình Giuse nhưng đã có hàng trăm hàng ngàn hậu duệ ấy Giuse đã được chọn làm dưỡng tử của Con Thiên Chúa, vì Ngài quảng đại và bao dung.
Một gia đình sống đời vợ chồng ai lại chẳng mơ ước đến chuyện chung chăn gối, thế mà Giuse lại ký kết hôn ước với một người đã thề hứa suốt đời không biết đến người Nam. Và rồi người Nữ mà Ngài hết lòng yêu mến và quí trọng ấy bỗng dưng lại mang thai. Nàng là người đức hạnh đoan trang sao lại bụng mang dạ chửa cách lén lút?
Theo luật Do Thái, Giuse có thể tố cáo người Nữ ấy trước Hội Trường Do Thái để nàng bị ném đá vì tội ngoại tình. Nhưng do tấm lòng bao dung ngài đã không làm thế. Ngài chỉ muốn âm thầm rút lui, không cãi vã to tiếng. Ngài tôn trọng nàng, ngài muốn để mặc cho nàng tự phân xử.
Ðang khi định tâm như vậy thì Thiên Chúa đã ra tay can thiệp, vì ngần ấy diễn tiến cũng đủ để cho Giuse làm dưỡng tử của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Lời của sứ thần đã soi sáng giải đáp thắc mắc bấy lâu đang dày vò tâm hồn Giuse. Hơn thế nữa, sứ thần đã trao cho Giuse nhiệm vụ đặt tên cho con trẻ mới sinh. Với người Do Thái chỉ có người cha là người có quyền tối hậu trong việc đặt tên cho đứa trẻ, dù cho bà con thân thuộc có muốn gì đi nữa khi chưa có ý kiến của người cha thì việc đặt tên cũng không mang lại giá trị gì.
Vì yêu Maria nên Giuse không muốn làm hại bạn mình. Ngài đã chọn con đường rút lui trong âm thầm, một giải pháp thua thiệt cho bản thân vì sẽ mang tiếng là “sở khanh”. Một quyết định can đảm nói lên tình yêu và tấm lòng quảng đại của Ngài. Giuse đúng thật là người công chính. Nơi Thánh Giuse, “sự công chính nội tâm” trùng với “tình yêu”. Tình yêu dâng hiến luôn hướng về người khác, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và đựơc hạnh phúc hơn. Chấp nhận chịu thiệt thòi để người yêu được thuận lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc. Sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người mình yêu khi có lầm lỗi. Giuse đã yêu Maria bằng tình yêu dâng hiến như thế.
Thánh Giuse đã đi trong đêm tối im lặng. Ngài đi trong sự im lặng của Đức Maria, người bạn yêu quý. Trước những mầu nhiệm cao cả, Đức Maria đã lặng thinh không nói. Ngài đi trong sự im lặng của Đức Giêsu. Thiên Chúa làm người vẫn là một mầu nhiệm ẩn dấu và Đức Giêsu không hề hé lộ thân phận. Ngài đi trong sự im lặng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp nói với Ngài. Chỉ có vài lần. Mà chỉ là những tiếng vọng mô hồ, giữa đêm khuya, trong giấc ngủ. Vẫn là ngôn ngữ của im lặng. Im lặng đáng sợ. Nhất là khi phải đối đầu với nguy hiểm, với nghi ngờ, với những vấn đề hệ trọng của đời sống. Im lặng khó hiểu khi những gì thân thiết nhất trong đời lại trở nên bí ẩn, cách xa. Im lặng nguy hiểm. Nó có thể đốn ngã thân cổ thụ, làm chao đảo những niềm tin vững mạnh nhất. Ngài đi trong im lặng của chính mình. Trong cả bốn Phúc Âm, không thấy ghi lại lời nói nào của thánh Giuse. Ngài bước đi trong âm thầm lặng lẽ.
Thánh Giuse đã đi trong đêm tối lãng quên. Ngài bị lãng quên trong làng quê nhỏ bé, trong thân phận nghèo hèn của bác thợ mộc. Người ta không bao giờ nhắc đến Ngài. Nếu có nhắc đến, cũng chỉ để chê bai, dè bỉu, để hạ thấp thân phận của Đức Giêsu: “Giêsu con của bác Giuse thợ mộc tầm thường ấy mà. Có làm gì nên chuyện”. Ngài bị lãng quên vì luôn luôn ở phía sau, luôn luôn chìm trong bóng tối.
Giuse là một người mở lòng đón nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Thiên thần giải thích cho Giuse biết “người sinh bởi Đức Maria là do Chúa Thánh Thần”, theo lời ngôn sứ phán xưa: “Này đây: Trinh nữ sẽ thụ thai”, và Giuse sẵn sàng tiếp nhận những ý định của Chúa, những ý định vượt quá những giới hạn của loài người.
Giuse như là một con người đích thực sống đức tin. Đức tin liên kết với sự công chính và cầu nguyện, đó là thái độ phù hợp để gặp Đấng Emmanuel. Tin có nghĩa là sống trong lịch sử mở lòng đón nhận sáng kiến của Thiên Chúa, đón nhận sức mạnh sáng tạo của lời Người.
Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho anh em Gia trưởng soi. Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thánh ý của Thiên Chúa, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.
Huệ Minh