Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12: 13-17)
Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, nhưng giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?”. Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: “Sao các ngươi lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền”. Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: “Hình và ký hiệu này là của ai?”. Họ thưa: “Của Cêsarê”. Người liền bảo họ: “Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa”. Và họ rất đổi kinh ngạc về Người.
SUY NIỆM:
Với Tin mừng hôm nay, thiết tưởng chúng ta không cần phải nói nhiều về cái bẫy mà Pha-ri-sêu và nhóm Hê-rô-đê đưa ra nhằm hại Đức Giê-su và sự tuyệt vời trong cách thức Đức Giê-su vượt bẫy như thế nào, mà chúng ta sẽ cùng suy gẫm về giáo huấn của Đức Giê-su dạy chúng ta phải sống như thế nào cho đúng hợp ý Thiên Chúa.
Thời Chúa Giê-su, nước Do-thái bị đế quốc Rô-ma đô hộ; người Do-thái phải nộp thuế cho chính quyền Rô-ma bằng đồng tiền lưu hành có hình và hiệu của Xê-da, tên chung để gọi hoàng đế Rô-ma. Người Do-thái phản đối, cách công khai hoặc ngấm ngầm việc đóng thuế cho ngoại bang. Lợi dụng tình thế đó, nhóm Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê, vốn kình địch với nhau, đã cấu kết để giăng ra cái bẫy nhằm hại Chúa Giê-su. Họ hỏi Ngài: Có phải nộp thuế cho Xê-da không? – Nếu nói không, Ngài sẽ bị cho là phản loạn, chống lại hoàng đế; còn nói có, thì hẳn Ngài không tránh khỏi sự la ó của dân chúng – đường nào Ngài cũng bị sập cái bẫy hai tròng này! Chúa Giê-su không bận tâm đến câu hỏi có-hay-không này: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Ngài đặt họ trước đòi hỏi phải phân định: cái gì thuộc về Thiên Chúa, cái gì thuộc về Xê-da, và từ đó nhìn nhận chủ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên muôn vật muôn người.
Với cái nhìn của họ, Chúa Giêsu là nhà cách mạng thuộc dòng tộc Ðavít, chắc hẳn Ngài sẽ bảo họ không nộp thuế cho César, và thế là sa bẫy họ, lúc đó, họ sẽ có lý do để bắt bớ, giải nộp và giết Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì là nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của César, Ngài nói tiếp: “Của César, trả về César; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.
Nói cách khác, một khi đã được hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của César, thì có bổn phận đền đáp cho César; nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài. Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của của quyền bính trần thế: “Của César, trả về César”, nhưng Ngài thêm: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Chúa nhắc nhở rằng quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa.
“Của Xê-da trả cho Xê-da”. Xê-da – Hoàng đế La-mã – vị vua ‘bách chiến bách thắng’ ở đây có thể nói là biểu tượng cho sức mạnh, sự giàu sang, và quyền uy phù phiếm của trần tục. Xê-da đã qua đi cũng đồng nghĩa với việc mọi sức mạnh, vinh quang, giàu sang phú quí vật chất rồi cũng sẽ qua đi, bởi vì ‘phù vân nối tiếp phù vân, trần gian hết thảy chỉ là phù vân’ (x. Gv…).
Tuy nhiên, Chúa cho phép tất cả những phù vân đó được có giá trị và tồn tại khi nó qui về Thiên Chúa trong đức ái. Khi Đức Giê-su nói “của Xê-da trả về cho Xê-da” thì mặc nhiên Ngài đã xác định thế quyền và những cơ cấu tổ chức xã hội có vị trí của nó trong sinh hoạt đời sống con người, và con người sống trong tổ chức xã hội nào thì có quyền lợi và bổn phận đối với xã hội mình đang sống, miễn là nó không đi ngược với đường lối của Thiên Chúa.
Do đó, mọi nghĩa vụ và quyền lợi mà các cơ chế tổ chức, xã hội, con người đặt ra đều tốt đẹp, có ý nghĩa khi nó nhằm phát triển xã hội, xây dựng con người và làm cho thế giới tốt đẹp. Vì vậy mà đối với Giáo hội, mọi hình thức trốn thuế hay thâm lạm của công… đều lỗi đức công bằng và là hành vi tội lỗi. Bởi vì con người đã hưởng quyền lợi từ các cơ chế tổ chức thì cũng có bổn phận và nghĩa vụ phải đóng góp, xây dựng nó là lẽ đương nhiên của cuộc sống.
“Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Như đã nói: Có gì dưới gầm trời này mà không thuộc về Thiên Chúa. Vì thế cuộc đời con người là một cuộc hành trình tìm kiếm và đi về với Thiên Chúa. Con người với linh hồn, thể chất, tài năng, sức khỏe, và những điều kiện vật chất như tiền bạc, của cải, những ân huệ thiêng liêng của linh hồn, những ân huệ tự nhiên phong phú của vũ trụ, môi trường sống… tất cả là để phục vụ hạnh phúc con người, và con người có bổn phận phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa để đáp lại muôn ngàn hồng ân Chúa đã thương ban bằng cả cuộc sống mình. Vì vậy, con người không nên, không được phép chạy theo, tôn thờ sức mạnh, quyền lực, của cải và coi nó là mục đích cuộc đời mình, hay phục vụ cơ chế chỉ vì cơ chế, nhưng biết dùng nó như phương tiện để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
“Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”, khi nói điều này, Đức Giê-su còn có ý minh định con người đừng đem chính trị xen vào tôn giáo, cũng đừng hạ tôn giáo xuống thành những tổ chức chính trị trần tục; Nhưng như tâm linh hướng dẫn hành vi con người, tinh thần đạo đức tôn giáo do ánh sáng của Lời Thiên Chúa sẽ giúp con người có những hành động đúng khi thi hành chính trị.
Ngoài ra giáo huấn “của Xê-da trả cho Xê-da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” cũng dạy chúng ta biết thực hiện đức công bằng trong cuộc sống; không xâm phạm quyền lợi cũng như của cải của tha nhân; đồng thời biết sống yêu thương và tôn trọng những giá trị của nhau, biết trau dồi và phát huy khả năng riêng của mình. Vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người – mỗi người có một giá trị riêng biệt; nhưng như Ba Ngôi là một, Thiên Chúa sáng tạo chúng ta khác nhau, là để chúng ta cần đến nhau, bổ túc cho nhau, tạo nên sự hiệp nhất và cùng nhau xây dựng cuộc sống phong phú và hạnh phúc.
Và rồi ta thấy cuộc đời có biết bao chia rẽ, bất công và xung đột là bởi chúng con chưa thấm nhuần chân lý Chúa dạy “của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Có khi vì thủ lợi, chúng ta còn trốn tránh nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng xã hội; đồng thời mặt khác chúng ta lại biển thủ ăn cắp của Chúa, kể cả linh hồn của chúng ta để phục vụ cho Xê-da. Xin Thần Khí Chúa soi sáng trí lòng, để trong cuộc sống chúng ta biết minh định hầu sống tốt đạo đẹp đời, đồng thời cùng nắm tay nhau tiến về nhà Cha trên trời, nơi chúng ta được hoàn toàn thuộc về Chúa và thuộc về nhau trong hạnh phúc.
Người Ki-tô hữu khi tin nhận, tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa của mình, là chủ tể của trời đất vạn vật, thì mặc nhiên công nhận chủ quyền của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Bởi đó, trong vũ trụ, dưới gầm trời này có gì mà không thuộc về Thiên Chúa. Vậy nên trong tất cả mọi sự, con người phải qui về Thiên Chúa là nguồn cội của mình, hầu thực hiện ý định yêu thương của Người khi tạo thành thế giới.
Huệ Minh