Suy Niệm Thứ Ba Tuần Thánh B

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 13: 21-33.36-38)

Khi ấy, Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ, tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố : “Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân, không biết Người nói về ai? Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng người sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai, là người đó“. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con ông Simon Iscariô.

Ăn miếng bánh xong rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với Giuđa: “Con tính làm gì thì làm mau đi“. Nhưng những người đang ngồi ăn, không ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng rằng hắn giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa cho Người được vinh hiển. Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Dothái: nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được, nay Thầy cũng nói với các con như vậy“. Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.  Phêrô thưa lại: “Tại sao con không thể theo Thầy ngay bây giờ được, con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”.  Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống con vì Thầy ư? Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.

SUY NIỆM 1

“Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối”.

Giuđa ra đi giữa bóng đêm. Theo ngôn ngữ của Gioan thì bóng đêm đồng loã với tội ác. Xưa cũng như nay bao nhiêu cuộc hội họp để toan tính những hành vi hắc ám phần lớn diễn ra về đêm: nương theo đêm tối, những tên hành nghề trộm cướp mới mạnh tay hành động; những cuộc vui chơi trác táng, bài bạc, những mối tình vụng trộm… cũng thường xảy ra vào đêm

Dưới ngòi bút của Gioan, ánh sáng và bóng tối mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Ở đây bóng tối được sử dụng để diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Giuđa.

Bóng đêm đã ngự trị khi con người chủ ý quay lưng lại với Chúa Giêsu.

Bóng đêm đã xâm chiếm tâm hồn khi con người nghe theo sự xúi giục của sự dữ hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa.

Bóng đêm đã giữ phần thắng khi hận thù, gian tham bóp chết sức mạnh của tình yêu.

Bóng đêm đã xâm chiếm cõi lòng khi con người khước từ tình yêu Thiên Chúa.

Trước khi Giuđa đứng dậy bỏ bàn tiệc thân hữu để đi vào bóng đêm, Chúa Giêsu đã dùng mọi phương thế để cảnh tỉnh ông:

Trước tiên là lời tiên báo công khai: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: một trong các ngươi sẽ nộp Ta”. Giuđa giả điếc làm ngơ như không thấy lời cảnh tỉnh ấy.

Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy không chút rung động, đến độ thánh Gioan diễn tả hậu quả trái ngược: “Ăn miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y”.

Sau cùng, Chúa Giêsu gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng qua câu nói: “Người tính làm gì, thì làm mau đi”, câu này ngụ ý rằng âm mưu của người, Ta đã biết. Làm sao môn đệ lại có thể âm mưu phản Thày . Tuy nhiên, những lời nói và cử chỉ thân tình ấy đã không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi.

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng tuy không rõ ràng như trường hợp của Giuđa thế nhưng phải thừa nhận rằng ít nhiều gì cũng đã có lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước những cảnh giác của Chúa. Mỗi người chúng ta đều biết rất rõ điều đó. Chúng ta hãy thành thật xin Chúa tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán dạy rằng: Ta không đến để luận phạt, nhưng đến để cứu sống, xin giúp chúng con biết thành thật nhìn nhận tội lỗi của con để được Chúa thương tha thứ. Xin đừng để chúng con mù quáng và cố chấp phủ nhận những tội lỗi, yếu hèn của chúng con, vì đó chính là con đường ngắn nhất dẫn đưa đến sự tiêu diệt của bản thân chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của mùa chay, trong những giờ phút thánh thiêng của mầu nhiệm vượt qua; Cùng nhau sống và tái hiện mầu nhiệm sự thương khó của Đức Giêsu trong nhiệm cục cứu độ; Chiêm ngắm tình yêu, lòng nhân từ, bao dung, nhẫn nại của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi khuôn mặt của Đấng cứu thế – Một tình yêu vô bờ không bao giờ ngơi nghỉ trước tội lỗi, sự yếu đuối và bất trung của con người. Trang thuật Tin mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm chỉ một chút thôi, nhưng cũng quá đủ để ta có thể vững tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Khi ấy “Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (c. 21) Cũng như một con người, đứng trước tội lỗi, bất trung, sự phản bội, sự đau khổ, nhục hình, cái chết, tâm hồn Đức Giêsu thực sự xao xuyến buồn rầu. Cái buồn thâm sâu rúng động của một tình yêu dâng hiến bị chối từ, bị phản bội.

Không gì đau đớn cho bằng bị người thân yêu phản bội. Điều đó giúp ta hiểu nỗi lòng của Chúa Giêsu, Ngài đã xao xuyến khi phải đối diện với sự thật phũ phàng : sự phản bội. Thật xót xa khi thầy trò đang sống trong khung cảnh ấm cúng thân thương, những giây phút ngắn ngủi bên nhau trước giờ chia ly, mà phải nói lên sự thật : một trong anh em sẽ là kẻ nộp thầy ! Và sau đó lại phải tuyên bố với Phêrô: Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần!

Phêrô và Giuđa đều là những tông đồ được Chúa Giêsu thương yêu cách đặc biệt : được giao cho chức vụ Quản lý và được chọn làm Tông đồ trưởng. Nhưng cả hai đã lợi dụng chính tình thương, sự tin tưởng của Thầy để phản bội : sự tham lam và lòng tự mãn. Tiền bạc đã làm mờ mắt lương tri của Giuđa; lòng kiêu hãnh đã khiến Phêrô mất cảnh giác, không thấy được sự bất toàn yếu đuối của chính mình, thiếu lòng cậy trông vào Chúa để rồi sẽ sa ngã cách thảm thương.

Đau khổ và bẽ bàng trước lòng người sao quá chai cứng, trí người sao quá cằn khô, tâm người sao quá phù du. Đôi tay cứu thế vươn ra, dang rộng, nhưng con người lại trốn chạy theo những gọi mời giả trá. Hơn nữa, những  môn đệ đã cùng Người gắn bó, cùng chung chia thâm tình cuộc sống bao tháng ngày, được Người dạy dỗ cách đặc biệt rồi cũng sẽ phản bội – không phải chỉ riêng Giuđa, nhưng là hầu như tất cả sẽ chối và phản bội (Giuđa rắp tâm bán thầy, Phêrô môn đệ thân tín sẽ chối thầy, các môn đệ khác sẽ bỏ trốn) đã làm cõi lòng Người rối bời tan nát. Thế nhưng, dẫu nỗi sầu nhức nhối con tim, Đức Giêsu vẫn ở đó, bày tỏ tình yêu trong bữa ăn sau cùng…

Lúc Giuđa nhận mẩu bánh, quỉ nhập vào lòng ông. Thật khủng khiếp khi tiếng gọi của tình yêu thương biến thành động lực của lòng ghen ghét. Đó là việc ma quỉ có thể làm. Nó có thể lấy những điều đẹp đẽ đáng yêu nhất để bẻ cong thành tay sai cho hỏa ngục. Nó có thể lấy tình yêu để biến thành dục vọng, lấy sự thánh khiết để biến thành kiêu ngạo, lấy kỷ luật để biến thành tàn ác gây đau đớn, lấy sự trìu mến biến thành sự dễ dãi gây tai hại. Chúng ta phải thận trọng cảnh giác để ma quỉ không thể lấy những điều đẹp đẽ, đáng yêu nhất để sử dụng cho những ý đồ riêng của nó.

Tuy trái tim tình yêu của Người quá đau khổ và tan nát, nhưng ý chí vững vàng không lay chuyển vâng theo thánh ý và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, dẫu rằng có phải chết, vì Người biết đó là lúc mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa được tôn vinh: Khi Giuđa đi rồi, Ðức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người, (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người”.

Như chúng ta đã biết “Giờ” trong Tin mừng Gioan là lúc Đức Giêsu chịu khổ nạn và chết trên Thập tự giá để cứu độ con người, thế nhưng Người lại gọi đó là giờ “Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” Thật là lạ lùng phải không! Vì có ai trong chúng ta cho rằng khi mình bị bắt bớ, xỉ nhục, bị hại là điều tốt, điều lành, là vinh quang? Thường thì không, ngàn vạn lần không! Mà ngược lại chúng ta cho đó là những điều xúi quẩy, là “sao quả tạ chiếu.” Chúng ta làm mọi cách hết sức có thể để tránh nó. Chúng ta phản ứng bất bình để chống lại….

Vâng, vì đau khổ tự thân chẳng có gì tốt lành. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên những nét cong, Ngài có thể dùng đau khổ để làm ích cho chúng ta; vâng, nếu chúng ta biết lợi dụng đau khổ, thì đó là phương tiện để chúng ta huấn luyện mình, đó là lửa tinh luyện, loại đi những cặn bẩn và làm cho vàng thêm tinh ròng, thêm sáng hơn. Nói như thánh Phao-lô: “Vì danh Đức Ki-tô, tôi đành mất hết tất cả, tôi coi mọi sự như cỏ rác…” (x.Pl. 3,8); hay như các thánh Tử đạo: chấp nhận khổ hình để đạt triều thiên bất diệt; hoặc như các thánh coi những đau khổ, hy sinh , trái ý mà mình chịu vì yêu mến Chúa như những hạt ngọc, viên kim cương đính trên áo, gắn trên triều thiên của mình.

Bước theo Đức Giêsu là chấp nhận bước đi trên con đường của Ngài; dõi bước chân mình theo vết chân Người – là chấp nhận uống chén đắng với Người; chấp nhận nhục hình và hiến thân mình vì anh em. Nhưng cảm thông với thân phận con người, Đức Giêsu vẫn chấp nhận tiến trình chậm chạp của chúng ta, như Người đã nói với Phêrô: “Nơi Thầy đi, anh không thể theo đến được, nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (c. 36) Có thể chúng ta cũng sẽ nói rất hay như Phêrô: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (c.37). Tuy nhiên  Đức Giêsu biết rõ thiện chí và cũng biết rõ con người chúng ta là thế nào: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần. (c.38).

Và rồi chúng ta hãy đề cao cảnh giác trước những nguy hiểm của chức vụ mà chúng ta lãnh nhận, nó có thể biến chúng ta thành kẻ phản bội, nếu chúng ta không dùng những phương tiện ấy để phục vụ Chúa , phục vụ tha nhân mà chỉ lo vun quén cho bản thân.

Hãy khiêm tốn thấy được giới hạn của bản thân để trông cậy vào Chúa và nghe theo sự hướng dẫn của hội thánh, sự dạy dỗ của vị bề trên, sự góp ý của các bè bạn, nhất là luôn đặt mình sống trong ánh sáng của Lời Chúa để luôn biết tự kiểm xét mình, gạt bỏ đi những tăm tối của dục vọng của đam mê len lỏi phá hoại cả những công việc đạo đức nhất. Sống được như thế, chúng ta sẽ không làm cho Chúa phải đau lòng xao xuyến nữa, mà sẽ trở thành những môn đệ trung tín, vững bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, để cùng Ngài sống lại trong vinh quang.

Mỗi người chúng ta có thể nhìn lại hành trình theo Đức Kitô của mình; cũng như Phê-rô, chúng ta nói hay, tuyên bố hùng hồn, quyết tâm chắc chắn, nhưng khi gặp thử thách, bách hại chúng ta buông ‘vũ khí’ chuồn lẹ để ‘bảo vệ lấy thân’; hoặc chối Chúa bằng cuộc sống phản chứng của mình. Nhưng nếu có như thế, chúng ta cũng đừng bao giờ tuyệt vọng thôi tin vào tình yêu Thiên Chúa.

Thật vậy, khi chiêm ngắm tình yêu nhân từ, bao dung, quảng đại của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sám hối và canh tân cuộc sống của mình cho phù hợp với đường lối Tin mừng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta.

 Huệ Minh