Suy Niệm Thứ Ba Tuần V Mùa Chay B

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 8: 21-30)

Khi ấy Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”. Người Do thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói: Nơi Ta đi các ông không thể tới được”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới, còn Ta, Ta bởi trời cao; các ông thuộc về thế gian này, còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”. Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai? Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thủy đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”. Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai, Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta;  Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

SUY NIỆM 1

Dù cùng một gia đình, hai người có hai lưu tâm khác nhau thì dễ nảy sinh cảnh “ông nói gà, bà hiểu vịt”, hoặc “đồng sàng, dị mộng”.

Khi ta không có lòng mến Chúa, thiếu vắng niềm tin, chắc chắn cũng xảy ra cảnh như thế. Phúc Âm hôm nay đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chúa Giêsu nói Người về quê trời vinh phúc, những kẻ tội lỗi sẽ không theo Người về trời được, nếu không tin nơi Người, không chấp nhận Người là Đấng xóa tội trần gian, Người Do Thái lại nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao?” Vì sao chúng ta lại thường không thích làm việc lành, việc đạo đức? Vì tâm tình, trí khôn ta thích những gì thuộc hạ giới.  Ai thuộc về trời cao, ai tin và theo Chúa Giêsu, người đó mới có thể yêu mến những sự thuộc về trời.

Xét lại lòng mình, cách cư xử của mỗi người chúng ta trong một ngày thôi, chúng ta sẽ biết mình đang thuộc về trời hay bởi đất. Âm thanh, tín hiệu của trời gởi cho đất đã hơn hai ngàn năm, mà chúng ta còn chấp nhất nhau, tranh giành, lên án nhau, những tâm tình đó, không thể bởi trời cao được.

“Nếu không tin tôi… các ông sẽ mang tội mình mà chết”, tin không phải là một ý nghĩ, suy tưởng. Tin là một sự sống. Sự sống thì tăng trưởng hay thoái hóa. Không tăng là thoái. Không thể có tình trạng hôm nay cũng bằng hôm qua. Mỗi giây phút phải có sự phát triển, nếu không là suy vong. Một người nghiện rượu, bác sĩ nói nếu anh không bỏ rượu thì mạng sống lâm nguy. Anh ta biết điều đó, nhưng có ích gì, nếu mỗi ngày anh ta không hành động theo lời khuyến cáo của bác sĩ. Tin vào Chúa, nhưng có ích gì, nếu mỗi ngày ta không thực hiện lời Chúa dạy, ta “sẽ mang tội mình mà chết”.

Lạy Chúa, chúng con thường được nghe cảnh báo “đức tin không hành động là đức tin chết”. Hôm nay Chúa cũng cảnh báo chúng con: “nếu không tin tôi, các ngươi sẽ mang tội mình mà chết”. Xin giúp mỗi người chúng con biết lấy việc làm mà nói lên lòng tin. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

 
SUY NIỆM 2

Qua trang sách Dân Số hôm nay, khi nhìn lên con rắn đồng được Môsê giương cao trong sa mạc, dân Chúa đã nhận ra tội lỗi của mình. Họ đã quên ơn giải thoát, đã phàn nàn trách móc và bất trung thất tín, muốn bỏ Chúa để trở về đời sống cũ. Chính tội lỗi, như nọc độc rắn lửa, đã gây ra cho con người biết bao đau khổ và sự chết. Cũng vậy, chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá là dịp để ta nhìn lại con người tội lỗi của mình mà đấm ngực, cúi đầu mà than khóc tội.

Ta thấy mình có khi đặt điều vu khống những người ta ghen ghét như các kinh sư và Pharisêu thuở xưa. Đã biết bao lần ta cũng như Philatô rửa tay làm ngơ trước nhu cầu của những người đau khổ. Ta gặp thấy mình nơi đám đông dân chúng, dễ dàng xuôi theo dư luận xã hội mà chối từ chân lý. Ta gặp thấy mình nơi những người môn đệ, bỏ Thầy chạy trốn ngay từ những cơn thử thách đầu tiên. Ta nhận ra mỗi lần phạm tội chính là mỗi lần ta đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.

Tin vào Đức Giêsu là hoàn toàn tín thác, cậy dựa và làm theo lời Ngài. Như vậy tin cũng là chấp nhận từ bỏ liên tục để vác Thập giá theo Chúa. “Ai muốn theo ta phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo” (Lc 9,23).

Và rồi ta thấy thái độ từ bỏ như Abraham đã từ bỏ quê cha đất tổ với những hào lũy vững chắc;  từ bỏ mẹ cha, anh em, những người thân thuộc với tất cả những gì là bảo đảm cho cuộc sống an toàn cố định của ông để dấn thân vào cuộc một cuộc phiêu lưu theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Thậm chí ông còn sẵn sàng dâng hiến bảo vật thiêng liêng cao quí của lòng ông là đứa con trai duy nhất trong niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng trung tín. Và ông đã trở thành ‘người cha đông con’, thành tổ phụ của dòng dõi những kẻ tin.

Chúa Giêsu nói việc ra đi của mình và nói rằng sẽ đi đến nơi mà người Biệt Phái không thể tới được.  “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông”.  Họ sẽ đi tìm Chúa Giêsu, nhưng sẽ không tìm thấy Người, bởi vì họ không biết Người và sẽ đi tìm Người với các tiêu chuẩn sai lệch.  Họ sống trong tội lỗi và sẽ chết trong tội lỗi.  Sống trong tội lỗi là sống xa rời Thiên Chúa.  Họ tưởng tượng Thiên Chúa theo một cách nào đó, nhưng Thiên Chúa thì khác với những gì họ tưởng tượng.  Đây là lý do mà họ không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.  Người Biệt Phái không hiểu những điều Chúa Giêsu muốn nói và họ hiểu mọi việc hoàn toàn theo nghĩa đen:  “Ông ta sắp tự vẫn hay sao?”

Ngày hôm nay, người Kitô hữu bước theo Đức Kitô, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường hành trình đức tin, sẵn sàng từ bỏ tất cả vì chúng ta tin vào chân lý Người dạy : “Hạt lúa rơi xuống đất có chấp nhận bị mục nát đi mới trổ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24); Tin vào lời hứa của Người: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,  mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”  (Mc 10, 29-30)”

Chính Chúa Giêsu cũng đã tiên báo khi Chúa nói với người Do Thái: Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi hằng hữu, và biết Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dậy Tôi thế nào, thì Tôi làm như vậy. Đấng sai Tôi vẫn ở với Tôi, Người không để Tôi cô độc, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.

Cụm từ giương cao Con Người lên tức là khi người Do Thái nhờ tay chính quyền Rôma, đóng đinh Chúa Giêsu vào Thánh giá và dựng thánh giá lên, thì thân xác Đức Chúa Giêsu như bị giương lên cao. Và đó cũng là lúc Chúa Giêsu phải chịu những đau đớn kinh khủng nhất và chết cách tức tưởi như một tội nhân, thì vương quốc Satan sụp đổ tan tành, và người ngoại giáo đầu tiên được ơn xưng ra Ngài là con Thiên Chúa, là viên đại uý đạo binh Rôma, giám sát cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ông thấy Chúa đã chết một cách anh dũng, nhưng toả ra một tình thương không bến bờ, đã thốt lên: Quả thật người này là con Thiên Chúa (Mc 15, 34)

Thập giá của Đức Giêsu mãi mãi vẫn còn thách đố cách suy nghĩ và cách chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống. Sắp cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn thấy Đấng bị treo trên thập giá ấy là Thiên Chúa, để xác tín hơn về con đường cứu độ mà Người đã chọn. Con đường thập giá ấy cũng phải là con đường của chúng ta. Sự chọn lựa này càng không dễ trong thế giới hưởng thụ, buông thả ngày nay. Liên kết với Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh, những thập giá hằng ngày của chúng ta sẽ nở hoa sự sống bất diệt!

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi một lựa chọn là một sự từ bỏ: từ bỏ cái xấu để chọn cái tốt, từ bỏ cái tốt để chọn cái tốt hơn; và mỗi một từ bỏ là một hy sinh. Hy sinh là chấp nhận mất mát, thiệt thòi.

Có những hy sinh chỉ là vật chất bên ngoài như thời giờ, của cải, sức khỏe… nhưng cũng có những hy sinh đòi ta hy hiến cả cõi lòng mình, khiến cho ta đau đớn, vì đó là ‘đứa con yêu quí’ của lòng ta. Có những hy sinh vì cá nhân, có những hy sinh vì gia đình, vì tập thể… nhưng nói chung, hy sinh nào cũng mang đến sự phong nhiêu cho nhân loại. Người Kitô hữu đi trong cuộc hành trình đức tin là chấp nhận sống hy sinh từ bỏ; như Đức Kitô đã hiến mạng sống mình để đưa nhân loại về với Thiên Chúa, cùng đích của tình yêu và hạnh phúc.

Đức Giêsu đã hiến mình để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Không tin vào Đức Giêsu, từ chối sự sống Người mang lại, con người ôm lấy tội lỗi của mình mà chết. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh người Kitô hữu. Trong cuộc sống có thể chúng ta đã để cho óc bảo thủ, cố chấp, thiên kiến và lòng vị bóp chết đời sống đức tin. Có thể niềm tin của chúng ta chỉ còn là cái vỏ bên ngoài.

Điều quan trọng là nguồn gốc thần linh của Ngài không chỉ liên hệ đến Ngài mà đến cả sự tồn vong của mọi người chúng ta: có nhìn nhận và tin điều đó, chúng ta mới được cứu độ. Hơn nữa, nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu chỉ tỏ hiện rõ ràng nhất nơi biến cố thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.

Nơi thập giá Đức Giêsu, ta ngỡ ngàng nhận ra Thiên Chúa đã yêu ta bằng một tình yêu vô bờ bến, khi hiến ban chính Con Một đến nhập thể cứu đời. Nhìn lên thập giá, ta bắt gặp ánh mắt trìu mến của Thầy Chí Thánh đang thấu suốt tận thẳm sâu tâm hồn, cùng vòng tay dịu dàng ôm trọn thế trần tội lỗi. Ta lắng nghe môi miệng Người hằng cất lời tha thứ và hứa ban hạnh phúc Nước Trời. Người đã đón nhận, đã chiến đấu và chiến thắng hiển vinh trên chính sự chết. Quả thật, Người là Con Thiên Chúa toàn năng, là Đấng Hằng Hữu, là nguồn cội và cùng đích sự hiện hữu của chúng ta.

Chúng ta không tuyên bố, đả kích Đức Giêsu, nhưng cuộc sống của chúng ta đi ngược lại những điều Ngài dạy. Mùa chay, mùa chúng ta duyệt xét lại lòng mình để làm một cuộc sám hối tận căn.

Lời mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” của Đức Giêsu vẫn còn đó – và Tin mừng ở đây chính là Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ duy nhất. Xin tình yêu hy hiến của Đức Giêsu cuốn hút, lôi kéo chúng ta hướng lòng lên cao, nên mẫu gương giúp chúng ta sẵn sàng hy sinh sát tế mỗi ngày để gieo rắc yêu thương. Và chớ gì như Đức Giêsu, thánh ý Cha luôn là kim chỉ nam dẫn lối cuộc đời chúng ta.

Huệ Minh