Suy Niệm Thứ Ba Tuần V Thường Niên C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 7: 1-13)

1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.3Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận;4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? “6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,còn lòng chúng thì lại xa Ta.7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”9 Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!11 Còn các ông, các ông lại bảo: “Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “co-ban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa” rồi,12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa! “
 

SUY NIỆM          Tin Mừng Mc 7: 1-13

          Qua trang Tin Mừng hôm nay ta thấy câu trả lời quá xác đáng của Chúa Giêsu trước lời trách cứ của các Pharisêu và kinh sư về việc môn đệ Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa.

          Chúa Giêsu là người Do Thái thì Ngài cũng là người tuân giữ các luật cách nhiệm nhặt và chỉn chu. Nhưng cách giữ luật của Chúa Giêsu và của nhóm Pharisiêu hoàn toàn khác nhau. Họ giữ luật vì nệ luật, mang nặng tính hình thức, họ lệ thuộc vào luật cách mù quáng, cách giữ luật của họ không giải thoát họ khỏi cái tôi ích kỷ, khoe khoang, so bì, tính toán… Đối với Chúa Giêsu, luật là con đường giải thoát con người khỏi sự ti tiện, đê hèn, nhất là giải thoát con người khỏi tội lỗi và dẫn con người đến gần Thiên chúa và giúp con người sống hạnh phúc hơn.

          Nên Chúa Giêsu không nhân nhượng đối với người Pharisêu và nhóm kinh sư. Ngài luôn nặng lời nhằm thức tỉnh họ. Từ việc rửa tay, họ biến thành luật của tiền nhân. Nên Chúa Giêsu đã thẳng thắn vạch trần cho họ thấy: “bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.

          Thật vậy, sứ điệp cốt yếu nhất ta lại nằm ở câu trích sách Isaia mà Chúa Giêsu dùng lại: dân này tôn kính Ta bằng môi miệng. Lời này vừa như để tố cáo cách khôn ngoan mà thẳng thắn những kẻ tự cho mình là công chính qua việc giữ luật thật tỉ mỉ ; mà cũng vừa như thể trách móc dân chúng và những ai đã nhẹ dạ cả tin đi theo thói đạo đức giả của những người lãnh đạo thiếu hẳn một tấm chân tình và lòng kính sợ Thiên Chúa thật sự.

          Cách thế giữ đạo của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dân tộc có khác nhau tuỳ theo nhân cách tính, tâm tính, lòng đạo của mỗi người. Thêm vào đó cách giáo dục trong gia đình, cách dạy giáo lý tại nhà thờ hoặc văn hoá mà người ta chịu ảnh hưởng, nhất là từ tuổi thơ ấu, thiếu niên cũng có ảnh hưởng đến việc giữ đạo của mỗi cá nhân.

          Ngày hôm nay, người Kitô hữu cũng đang bị cám dỗ tôn thờ Thiên Chúa cách hình thức, giả tạo còn lòng trí thì ở xa Ngài; bị cám dỗ bằng lòng với việc giữ đạo cách tối thiểu chỉ để lương tâm yên ổn… Do đó, lời khiển trách của tiên tri Isaia năm xưa: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta” (Mc 7,6; Is 29,13) vẫn còn giá trị. Chúa Giêsu mời gọi ta tôn thờ Thiên Chúa cách chân thực, tận đáy lòng. Sự thờ phượng đích thực đòi buộc ta chọn giáo huấn của Đức Kitô làm kim chỉ nam hướng dẫn cuộc sống mình. Dù nhiều khi, việc chọn lựa này đòi hỏi bản thân phải chịu hy sinh và lội ngược dòng. Nhưng khi nỗ lực yêu mến và sống Lời Chúa, ta đang trở nên người môn đệ chân chính của Ngài. Đồng thời, ta cần đón tiếp Chúa Giêsu vào trong cuộc đời mình. Ngài sẽ thanh tẩy cõi lòng, tâm tư và tình cảm của chúng ta nên thánh thiện, tinh tuyền, xứng đáng thờ phượng Thiên Chúa (Rm 12, 1).

          Con người chỉ nhìn bên ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn thấu tận bên trong. Đối với Thiên Chúa những gì xảy ra trong tâm hồn mới đáng kể, và đó là điều đáng kể nhất đối với Chúa.

          Thật sự chúng ta không thể bào chữa nhưng phải khiêm nhường nhìn nhận thái độ của người pharisiêu đôi khi cũng ẩn núp trong con người chúng ta.

          Nhiều khi chúng ta cũng dựa vào sự bên ngoài  để đánh giá sự tốt lành của người khác.  Đó là một  điều rất nguy hiểm. Người Mỹ có câu: không thể đánh giá trị quyển sách do cái bìa. Việt Nam ta thì có câu: “Xấu vỏ đỏ lòng.”

          Một cuốn sách bên ngoài có thể cũ, nhưng câu chuyện được viết ở trong có thể là câu chuyện hay nhất. Cũng vậy,  c hỉ xét đoán con người theo dáng điệu bên ngoài rất dễ lầm lạc. Có thể một tâm hồn bên ngoài coi tầm thường nhưng bên trong chất chứa đầy sự tốt lành.

          Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả… thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả…. Những thứ ấy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm, quả, hoa, nến, nhang, đèn giả… mức độ “giả” còn tinh vi nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu: trông thật hóa “dỏm”; trông xịn hoá “xoàng.” Vì thế mới có kẻ dở khóc dở cưòi.

          Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách trong Mt 23,13-29. Và thánh Gioan đã lật tẩy:

          “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,4);

          “Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, ngưòi ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ trông thấy” (Ga 4,20).

          Khi nghe lời Chúa Giêsu quở trách người Pharisêu và nhóm kinh sư, cách nào đó chúng ta cũng bị chất vấn. Bởi vì trong cuộc sống, có biết bao lần tôi và bạn cũng tìm đi tìm những điều vô bổ, không mang giá trị Tin Mừng, có lúc chúng ta cũng chuộng hình thức hơn là những điều tốt lành sâu kín bên trong.Chúng ta mong được mọi người chú ý đến những thành công bên ngoài hơn là những hy sinh, dấn thân…Vì thế, chúng ta cần phải có đời sống cầu nguyện, xin cho chúng ta có một cuộc sống thân tình, thân mật với chúa để làm thế nào trái tim của chúng ta gần với Chúa?

          Chúng ta được mời gọi  đừng chỉ là người Kitô hữu bên ngoài,  đừng chỉ là Kitô hữu vào Chúa Nhật, rồi những ngày khác khi về nhà, về gia đình, về sở làm, chúng ta không có Chúa, không có tinh thần của Chúa trong tâm hồn. Xin Chúa Mẹ giúp chúng ta trở nên giống Chúa hơn trong đời sống thường ngày. Xin Tình yêu Chúa tuôn chảy trong đời sống và trong công việc làm của chúng ta

          Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.

 Huệ Minh