Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (10: 28-31)
28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.
Tin mừng thuật lại cho chúng ta cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu. Những hành động và lời nói của Chúa khiến chúng ta hâm mộ nhưng đôi khi cũng làm cho chúng ta bất ngờ vì khác hẳn với lối sống thông thường của thế gian. Trong khi các chính khách luôn tìm cho mình những trợ thủ tài giỏi để củng cố địa vị, giữ vững thế lực, Chúa Giêsu lại chọn những người chất phác, đơn sơ.
Ta thấy trong lúc cả thế giới quay cuồng cuốn theo khoa học kỹ thuật để ngày càng giàu hơn, Chúa Giêsu dạy sống nghèo để trọn lành. Giữa những lúc con người muốn có được tất cả, thỏa mãn các đam mê, Chúa Giêsu nói hãy bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Với sức mạnh của lý trí, con người muốn vươn cao lên trên mọi thứ và thống trị lẫn nhau, Chúa Giêsu bảo người làm lớn phải là người phục vụ.
Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện gay go để theo Ngài: sẵn sàng từ bỏ gia đình, bạn hữu, địa vị, và cả mạng sống. Từ bỏ hết mọi của cải riêng tư: ‘Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được’ (Lc 14, 33). Một điều chắc chắn: đi theo Chúa hoàn toàn, trung thành với Ngài thì chúng ta sẽ được cứu độ.
Cần làm rõ điều này là Đức Giêsu không đòi hỏi mọi người một sự từ bỏ tận căn. Ngài không đòi điều bất khả thi. Thế nên Ngài mời gọi mỗi người chúng ta cùng đi trên đường của Ngài. Sự từ bỏ lớn lao nhất đối với mọi người là tất cả chúng ta được mời gọi để yêu Ngài trên hết mọi sự. Nghĩ đến sự đau khổ và thập giá Đức Kitô, chúng ta nài xin Thánh Thần ban cho ta tình yêu đã nâng Chúa Giêsu lên thập giá và hoàn tất hy lễ. Hãy cầu xin cho được sẵn sàng trung thành theo Chúa cho đến cùng.
Bỏ mọi sự là điều kiện phải có để đi theo Chúa, chứ không phải công trạng của người môn đệ để có quyền đòi hỏi Chúa phải đáp đền. Như nhựa cây chỉ dâng cao một khi các cành cây đã được cắt tỉa bớt và cây chỉ sống được nếu các dây leo ký sinh không làm nó tắc nghẽn, thì đối với người môn đệ cũng thế, những hy sinh và từ bỏ phải được thực hiện liên lỉ, không phải một lần là đủ, nhưng từng giây từng phút để lòng mến Chúa và các linh hồn được dâng cao và đời tông đồ được rõ nghĩa.
Ta thấy việc hy sinh và từ bỏ mọi sự nơi người môn đệ chỉ trọn vẹn ý nghĩa một khi chúng làm cho người môn đệ trở nên giống Chúa Giêsu trên thập giá. Bởi, khi bị tước lột hết mọi sự, ngay cả hơi thở sau cùng, Chúa Giêsu mới thốt lên được lời mà cuộc đời Ngài muốn diễn tả: “Mọi sự đã hoàn tất.” Thực vậy, thánh ý của Chúa Cha được Chúa Giê-su hoàn thành trong hy tế thánh giá của Ngài.
Như hai mặt của cuộc sống, Chúa Giêsu thẳng thắn không úp mở, và rõ ràng khẳng định cho các môn đệ hay những người đi theo Chúa là họ sẽ đương đầu với một thực tế của sự từ bỏ và bước theo Chúa là: sự bách bớ, chống đối, ngược đãi, vác thập giá…đồng thời những người dám từ bỏ theo Chúa sẽ có cảm nghiệm thực thế sự từ bỏ của họ không thể sánh bằng những gì họ được lại: “gấp trăm” ngay ở đời này. Chắc chắn đây không phải là số lượng đếm được…mà là một cảm nhận của sự được trao ban, sự cảm nhận của việc được bù đắp và tình thương an bài lo liệu của Cha trong mọi sự. Sự sắp xếp và lo liệu của Cha nhiều khi còn quá sự suy nghĩ và mong ước hay cầu xin của mỗi người.
Có lẽ những người bước theo Chúa đều có cảm nghiệm sâu sắc về chân lý mà Chúa Giêsu đã kinh qua này. Một khi họ từ bỏ gia đình bé nhỏ, và môi trường hạn hẹp của họ…để theo Chúa Giêsu, họ có gia một gia đình lớn hơn, đông anh chị em hơn trong cùng một đức tin là cùng một Cha. Bất cứ nơi đâu họ phục vụ, nơi đó là nhà và là những anh chị em của họ. Cảm nhận về thế giới quan được mở ra, không hạn hẹp trong “cái tôi” mà là cái của “chúng ta”.
Chúa Giêsu cũng hứa ban phần thưởng cho ai bỏ mọi sự theo Ngài. Khác một điều là phần thưởng của Ngài vừa ở đời này vừa ở đời sau, là niềm vui tinh thần vô hạn nhưng cũng kèm theo bị ngược đãi bách hại. Và dĩ nhiên, phần thưởng lớn nhất, vượt xa mọi phần thưởng là chính Ngài.
Chúa bảo đảm rằng họ đã bỏ những gì thì họ sẽ nhận lại gấp trăm ngay ở đời này, cộng thêm sự bắt bớ ngược đãi và được sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Có lẽ khi thánh sử Maccô viết những dòng này thì các môn đệ của Chúa đang bị bách hại, nhưng không vì thế mà họ nản lòng thoái lui, vì biết rằng mình sẽ được sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Chẳng ai đi theo Chúa mà lại đưa ra điều kiện để mặc cả với Người, vì thật ra tất cả những gì là của tôi, thuộc về tôi, ngay cả sự sống, sự hiện hữu của tôi đều là quà tặng Chúa ban cho tôi theo sự rộng rãi và lòng thương xót của Người. Vì thế, nếu có dâng cho Chúa tất cả thì cũng đâu có gì là to tát mà phải ồn ào. Lòng thương xót của Chúa thì bao la gấp bội so với lòng chân thành và quảng đại của chúng ta.
Bước theo Thầy Giêsu đồng nghĩa với việc chấp nhận đi ngược lại với thói quen của thế gian, là chấp nhận “lội ngược dòng”. Giữa một cuộc sống đầy ganh đua, đòi hỏi con người không ngừng cạnh tranh, nhằm đạt được vị trí cao, người môn đệ Chúa phải sẵn sàng chọn chỗ rốt hết. Giữa những nẻo đường quyền lực, danh vọng và lạc thú, người tín hữu trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu chọn con đường mang tên phục vụ, hy sinh. Đây không phải là một chọn lựa dễ dàng nhưng là một chọn lựa đẹp và ý nghĩa, làm cho chúng ta nên giống Chúa, giúp chữa lành và hoá giải biết bao tranh chấp, thù hận, đau thương và mang lại cho con người bình an ơn cứu độ.
Huệ Minh