Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 7: 6.12-14)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con. Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy. Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang, là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.
SUY NIỆM 1
Của Thánh là những phẩm vật được dâng cúng vào đền thờ theo luật Cựu Ước dạy. Qua hình ảnh này, Chúa muốn dạy chúng ta tôn trọng những gì thuộc về sự linh thánh, cao siêu. Không nên nói, không được trao cho những người không có khả năng tiếp thu, kẻo vì không hiểu biết mà người ta xúc phạm, khinh thường.
“Của Thánh” không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp, nhưng chúng ta còn phải hiểu theo nghĩa rộng lớn hơn. Những ơn huệ Chúa ban, chúng ta phải dùng cho đúng với sự thiện hảo của ơn huệ đó. Thời giờ, khả năng, sức khỏe Chúa ban, ta không nên phí phạm, hoặc dùng vào những chuyện vô bổ, làm mất phẩm giá con người. Nếu chúng ta dùng sai, chính những ân huệ đó sẽ thành lời kết án chúng ta.
“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Khi dạy chúng ta lời này, Chúa Giêsu đã tóm tắt tất cả đạo lý Ngài dạy chúng ta về bổn phận đối vơi tha nhân. Đây chính là luật vàng để cho mỗi người chúng ta qui chiếu về mà xét lại tâm tình, cách cư xử của chúng ta, xem đúng hay sai. Không chỉ tiêu cực như: “Đừng làm cho người ta điều mình không thích người ta làm cho mình”, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống tích cực hơn: “Hãy làm cho người ta ..”.
Cách sống tích cực này phát xuất từ tình yêu Chúa đã xử với chúng ta. Những gì tốt cho chúng ta, Chúa đã làm tất cả, dù phải chịu những đau khổ. Để sống được cách tích cực này, mỗi người chúng ta được mời gọi: “Hãy qua cửa hẹp mà vào..”. Một lối sống mà căn cứ vào việc mình được thỏa mãn làm tiêu chuẩn, thì không còn khả năng sống cho người khác.
Cửa hẹp mỗi ngày chúng ta đi qua, là những kỷ luật mà bất cứ ai cũng cần phải giữ, để chế ngự bản năng thấp kém của “tính con” trong mỗi người. Với người Kitô hữu, cửa hẹp là những lề luật Chúa ban, là Tin Mừng Chúa dạy, để giúp chúng ta làm chủ được bản thân mà phụng sự chân lý, phục vụ sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết quí trọng ơn Chúa, để làm cho chúng con được giàu có ơn phúc trước mặt Chúa. Xin giúp chúng con biết can đảm đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Khuôn vàng thước ngọc mà Chúa Giêsu đã đề ra trong bài suy niệm Tin Mừng hôm nay cũng giống như phương châm mà Đức Khổng Tử đã dạy các môn sinh của ông: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người ta. Đức Khổng cũng nói một câu khác có tính cách tích cực hơn: “Kỷ dục lập nhi lập nhân; kỷ dục đạt nhi đạt nhân” nghĩa là mình muốn làm gì hay được gì thì cũng muốn, làm như vậy cho người ta.
Người môn đệ của Chúa Giêsu trong mọi tình huống phải luôn vượt qua thế gian lẽ thường tình để đi bước trước, để trở nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo (Mt 5, 48).
Dẫu rằng có sự tương đồng tuyệt vời về tư tưởng của những vị thánh hiền, nhưng lập luận của Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay dường như tóm gọn, tích cực và hoàn hảo hơn tất cả những gì Thánh hiền trước đó đã nói “Những gì anh em muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7, 12)
“Cho” và “nhận” là hai hành động gắn liền với con người. Cuộc sống là chuỗi sâu kết những đón nhận và cho đi mỗi ngày. Không ai sống mà không nhận lãnh điều gì cũng như không ai keo kiệt đến nỗi chưa từng cho ai cái gì. “Cho” và “nhận” đặt chúng ta vào mối tương quan với người khác. Người nhận càng nhiều, khi ý thức được nó, sẽ thấy mình quá hạnh phúc vì được yêu. Người hay cho đi, theo thời gian, sẽ làm cho đời sống của mình được lớn lên và phong phú trong tương quan liên đới với tha nhân. Thánh Phaolô Tông đồ đã nói “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Phải chăng Chúa Giêsu muốn dạy về sự sòng phẳng trong cuộc sống “bánh ít trao đi, bánh qui trao lại” hoặc “có qua có lại mới toại lòng nhau”? Lời dạy của Tin Mừng hôm nay vượt xa nhiều bài học đắc nhân tâm của việc xã giao, bài học đó là: nghịch lý của việc cho – nhận. Nếu bạn muốn cái gì đó, thì hãy cho nó đi. Nghe ra thì nghịch lý! Hãy nhìn ngắm kinh nghiệm của người nông dân, muốn có nhiều thóc gạo, ông ta phải không ngừng gieo vãi hạt lúa xuống đất. Cũng vậy muốn được thương yêu, hãy gieo yêu thương cho người khác, hãy lấp đầy lòng trắc ẩn cho người khác, thì lòng sẽ tràn ngập cảm giác được thương yêu.
Động lực để người Kitô hữu có thể “cho nhiều” chính là tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương ban sự sống cho con người. Đặc biệt, Ngài đã trao ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Trong Người Con ấy chúng ta lãnh nhận sự sống thần linh qua hy tế Thánh giá và Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ mỗi ngày. Ý thức được mình đã đón nhận muôn hồng ân từ Chúa thúc đẩy chúng ta thông hiệp với anh chị em mình để cho họ thật nhiều điều tốt lành.
Khởi đi từ những người thân thiết và quan trọng trong cuộc đời đến những người ta gặp gỡ hằng ngày. Điều tốt ấy thật đơn giản, đó là lời cầu nguyện, lời hỏi thăm, nụ cười, sự giúp đỡ, lời dạy bảo hay chia sẻ, những bông hoa, món quà nhỏ trong dịp lễ hay ngày kỷ niệm đặc biệt… Khi thực hiện được như vậy là chúng ta đang sống đức ái Kitô giáo theo lời dạy của Chúa: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Là con một Cha, anh chị em một nhà nghĩa là biết lắng nghe tiếng nói của người khác đang thổn thức, đang thì thầm, rên xiết…trong từng ngày sống. Nếu mỗi người muốn được sự chia sẻ thông cảm của người khác, thì chính mình hãy biết sống gieo tin yêu thông cảm với người khác. Nếu mỗi người muốn người khác đối xử công bằng với chính mình thì hãy sống và xây dựng công bình với người khác. Nếu mỗi người không muốn người khác cau có với mình, thì hãy luôn mang bộ mặt vui tươi phấn khởi đến với người khác. Thật vậy, đời sẽ thay đổi khi ta thay đổi.
Con người ta thường thích và muốn rất nhiều điều cho bản thân mình. Người ta dễ dàng sống ích kỷ, và lòng báo thù….cánh cửa của ơn cứu độ mở ra cho những ai chấp nhận buớc đi trong con đường hẹp của lòng quảng đại, biết tiết chế bản thân và sống biết nghĩ đến người khác. Hy sinh cho nhau những điều tốt đẹp như chính bản thân mình mong muốn người khác làm cho mình. Gieo tình thương thì sẽ gặt thương mến, gieo bình an sẽ gặp bình an.
Là anh em còn do cùng liên kết với nhau trong một vận mệnh. Là anh em nghĩa là biết lắng nghe tiếng nói của người khác đang thổn thức, đang thầm thì. Là anh em nghĩa là biết trợ gíup người đang thiếu thốn. Là anh em có nghĩa là cảm thấy hạnh phúc khi người khác được hạnh phúc, vui khi thấy người khác vui, và liên đới trong những lúc được êm xuôi cũng như lúc gặp trở ngại.
Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc để xử sự trong cuộc sống : “Những gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì anh em hãy làm cho người ta như vậy”. Nếu mỗi người muốn người khác đối xử công bằng với chính mình thì hãy sống công bình với người khác. Nếu mỗi người muốn người khác cư xử quảng đại với mình, thì hãy sống quảng đại với người khác như vậy. Nếu mỗi người không muốn người khác cau có với mình, thì hãy luôn mang bộ mặt của sự vui tươi phấn khởi đến với người khác.
Trang Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi “những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Thực tế, chúng ta đã nhận được rất nhiều điều tốt lành, cao quý từ lòng quảng đại của người khác, nhưng lại dễ keo kiệt, ích kỷ, không cho anh chị em mình những của tốt của lành, thậm chí gây đau khổ cho họ bằng điều xấu.
Huệ Minh
SUY NIỆM 3
“Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta”. Đây là khuôn vàng thước ngọc để ta thi hành đức ái theo thánh ý Chúa.
Thật vậy, chẳng ai muốn điều xấu đến với mình bao giờ. Vì thế, không có lẽ gì lại mong muốn điều xấu đến với anh chị em mình. Chỉ có ai nuôi lòng hận thù, hay vì ích kỷ thì mới làm điều bất chính cho tha nhân và muốn điều tốt cho riêng mình mà thôi.
Hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra kim chỉ nam cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta là: hãy muốn và làm điều tốt cho tha nhân trước khi thi hành điều tốt cho chính mình. Phải quên đi bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân trước. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em và hãy đối xử với họ như chính mình muốn được đối xử khi ở địa vị của họ.
Lời Chúa hôm nay không chỉ kêu mời chúng ta “hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình” mà Ngài muốn chúng ta đi xa hơn nữa là hãy cư xử với tha nhân tốt hơn là họ đáng được cư xử. Không chỉ “yêu tha nhân như chính mình” mà hãy “yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta”. Đó là yêu vô điều kiện, yêu đến mức hy sinh cả mạng sống.
Khi yêu như thế, ấy là lúc chúng ta đang đi trên con đường hẹp, con đường của hy sinh, từ bỏ, của yêu thương, quảng đại và vô vị lợi. Sẵn sàng từ bỏ con đường thênh thang là con đường của kiêu ngạo, ích kỷ, nhỏ nhen, trục lợi cho cá nhân mình.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng con con đường về trời. Con đường đó là hy sinh, yêu thương và bác ái vô vị lợi.
Xin cho chúng con biết chọn con đường hẹp ấy để tiến bước trên hành trình sứ vụ của chúng con. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển