Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 7: 6.12-14)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con. Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy. Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang, là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.
Con người ta thường thích và muốn rất nhiều điều cho bản thân mình. Người ta dễ dàng sống ích kỷ, và lòng báo thù….cánh cửa của ơn cứu độ mở ra cho những ai chấp nhận buớc đi trong con đường hẹp của lòng quảng đại, biết tiết chế bản thân và sống biết nghĩ đến người khác. Hy sinh cho nhau những điều tốt đẹp như chính bản thân mình mong muốn người khác làm cho mình. Gieo tình thương thì sẽ gặt thương mến, gieo bình an sẽ gặp bình an.
Theo lẽ thường, ai cũng yêu bản thân mình và muốn người khác dành cho mình những điều tốt đẹp, chứ không muốn bị bạc đãi hay bị xúc phạm. Chúa Giêsu biến ước muốn chính đáng đó của con người thành một động cơ tích cực cho lòng nhân ái:Làm cho người ta những gì muốn họ làm cho mình. Giáo huấn này của Chúa Giêsu thách đố chúng ta từ bỏ cái tôi ích kỷ, thậm chí chấp nhận cả những mất mát, thiệt thòi có khi rất chính đáng và lớn lao. Điều này không bao giờ dễ, nhưng nếu chúng ta dám, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui và niềm an bình sâu thẳm trong tâm hồn.
“Cho” và “nhận” là hai hành động gắn liền với con người. Cuộc sống là chuỗi sâu kết những đón nhận và cho đi mỗi ngày. Không ai sống mà không nhận lãnh điều gì cũng như không ai keo kiệt đến nỗi chưa từng cho ai cái gì. “Cho” và “nhận” đặt chúng ta vào mối tương quan với người khác. Người nhận càng nhiều, khi ý thức được nó, sẽ thấy mình quá hạnh phúc vì được yêu. Người hay cho đi, theo thời gian, sẽ làm cho đời sống của mình được lớn lên và phong phú trong tương quan liên đới với tha nhân.
Hẳn ta còn nhớ Thánh Phaolô Tông đồ đã nói “cho thì có phúc hơn là nhận” (x.Cv 20, 35). Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi “những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12). Thực tế, chúng ta đã nhận được rất nhiều điều tốt lành, cao quý từ lòng quảng đại của người khác, nhưng lại dễ keo kiệt, ích kỷ, không cho anh chị em mình những của tốt của lành, thậm chí gây đau khổ cho họ bằng điều xấu.
Động lực để người Kitô hữu có thể “cho nhiều” chính là tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương ban sự sống cho con người. Đặc biệt, Ngài đã trao ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Trong Người Con ấy chúng ta lãnh nhận sự sống thần linh qua hy tế Thánh giá và Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ mỗi ngày.
Vàkhi ta ý thức được mình đã đón nhận muôn hồng ân từ Chúa thúc đẩy chúng ta thông hiệp với anh chị em mình để cho họ thật nhiều điều tốt lành. Khởi đi từ những người thân thiết và quan trọng trong cuộc đời đến những người ta gặp gỡ hằng ngày. Điều tốt ấy thật đơn giản, đó là lời cầu nguyện, lời hỏi thăm, nụ cười, sự giúp đỡ, lời dạy bảo hay chia sẻ, những bông hoa, món quà nhỏ trong dịp lễ hay ngày kỷ niệm đặc biệt… Khi thực hiện được như vậy là chúng ta đang sống đức ái Kitô giáo theo lời dạy của Chúa: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Khuôn vàng thước ngọc mà Chúa Giêsu đã đề ra trong bài suy niệm Tin Mừng hôm nay cũng giống như phương châm mà Đức Khổng Tử đã dạy các môn sinh của ông: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người ta. Đức Khổng cũng nói một câu khác có tính cách tích cực hơn: “Kỷ dục lập nhi lập nhân; kỷ dục đạt nhi đạt nhân” nghĩa là mình muốn làm gì hay được gì thì cũng muốn, làm như vậy cho người ta.
Trong xã hội hôm nay, chủ nghĩa cá nhân, trào lưu hưởng thụ… đang càng đẩy ta sâu hơn vào mối bận tâm trau chuốt cung phụng bản thân, đồng thời lãnh đạm, vô tâm trước nỗi đau của bao anh chị em xung quanh đời mình. Cuộc sống là một tấm gương phản chiếu. Nếu ta dám trao cho nhau những điều tốt đẹp, thì ta sẽ nhận lại từ cuộc sống những điều tốt đẹp.
Người môn đệ của Chúa Giêsu trong mọi tình huống phải luôn vượt qua thế gian lẽ thường tình để đi bước trước, để trở nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo (Mt 5, 48). Là con một Cha, anh chị em một nhà nghĩa là biết lắng nghe tiếng nói của người khác đang thổn thức, đang thì thầm, rên xiết…trong từng ngày sống.
Thật vậy, nếu mỗi người muốn được sự chia sẻ thông cảm của người khác, thì chính mình hãy biết sống gieo tin yêu thông cảm với người khác. Nếu mỗi người muốn người khác đối xử công bằng với chính mình thì hãy sống và xây dựng công bình với người khác. Nếu mỗi người không muốn người khác cau có với mình, thì hãy luôn mang bộ mặt vui tươi phấn khởi đến với người khác. Thật vậy, đời sẽ thay đổi khi ta thay đổi.
Huệ Minh