Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20: 24-29)
Bấy giờ trong mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không ở cùng với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy những vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy, hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
1. Tô-ma, biệt danh “Đi-đy-mô”:
Theo tiếng A-ram, “Đi-đy-mô” có nghĩa là “sinh đôi”, là một trong nhóm Mười Hai Tông Đồ đã được Chúa Giê-su chọn lựa, huấn luyện và sai đi (Lc 6,12-19).
Theo truyền thuyết, sau này Tô-ma đi truyền giáo bên An-độ và được tử đạo ở đấy. Mừng kính thánh Tô-ma hôm nay là kỷ niệm ngày di hài cốt của thánh nhân về Ơ-đét-sơ bên Mê-sô-pô-ta-mi-a (bên Thổ Nhĩ Kỳ). Người ta nhìn nhận hài cốt thánh nhân đã hiện diện tại đây từ năm 232.
2. Tô-ma, vị Tông Đồ đa nghi:
Người ta thấy Tô-ma có óc đa nghi khi ngài đối thoại với Chúa Giê-su sau bữa tiệc ly. Chúa Giê-su vừa tuyên bố cho các Tông Đồ “… và Thầy đi đâu, anh em biết đường rồi” (Ga 14,1-4), thì Tô-ma ngắt lời Chúa và hỏi ngay: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được con đường?”. Chúa Giê-su trả lời: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,5-6).
Chúa Giê-su trả lời như vậy để giải thích cho Tô-ma biết rằng:
- Con không biết đường sao, Tô-ma? Thầy là Đường đây.
- Con là người đa nghi! Thầy là Sự Thật đây.
- Con chỉ nghĩ đến cái chết, Thầy là Sự Sống đây. Và đã có lần Tô-ma nói với các bạn: “cả chúng ta nữa hãy đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,15).
- Con không biết nhà Cha thì hãy đi qua Thầy.
3. Tô-ma, vị Tông Đồ cứng lòng tin:
Chúng ta thấy sự cứng lòng tin của Tô-ma vào ngày thứ nhất trong tuần Phục Sinh. Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết.
– Người hiện ra cho Ma-ri-a Mác-đa-la.
– Người hiện ra cho nhiều môn đệ.
– Người hiện ra cho các Tông Đồ, trừ Giu-đa vì ông đã chết và Tô-ma vắng mặt.
Nhưng tám ngày sau, khi Tô-ma được thấy Chúa tỏ tường thì ngài đã bày tỏ đức tin thật trọn vẹn đến nỗi lời tuyên tín của Tô-ma đã trở thành lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh: “Lạy Chúa con, lạy Thiên-Chúa của con” (Ga 20,28).
Lời tuyên xưng của Tô-ma:
- “Lạy Chúa con”: là lời tuyên xưng bằng kinh nghiệm, vì thấy Chúa bằng mắt xác thịt.
- “Lạy Thiên-Chúa của con”:là lời tuyên xưng bằng đức tin, vì thấy Thiên Tính của Chúa bằng đức tin.
– Câu chuyện về Tô-ma, chúng ta ai cũng biết; và khi muốn chế nhạo ai, nhiều khi chúng ta bảo họ cứng lòng tin như Tô-ma! Nhưng thật sự, Tô-ma vẫn là một vị Tông Đồ đáng kính phục, vì sự cứng lòng tin của ông lại là mối lợi cho chúng ta những thế hệ sống sau khi Chúa đã phục sinh. “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29) đã chứng minh điều đó.
– Ông Tô-ma nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16). Đây là một câu nói tận hiến: biểu lộ một sự can đảm dấn thân trước những đe dọa và nguy hiểm. Mẫu gương này khích lệ và thôi thúc người Tông Đồ phải biết tận hiến đời mình cho Chúa cách trọn vẹn để sẵn sàng chấp nhận mọi gian nguy, thiệt thòi, mất mát và nguy hiểm trên bước đường phụng sự Thiên-Chúa và phục vụ đồng loại.
– Tô-ma “không ở với các ông khi Đức Giê Su hiện đến” (Ga 20,24):
Khi Chúa Giê-su hiện ra lần thứ nhất với các Tông Đồ vào ngày thứ nhất trong tuần phục sinh, Tô-ma đã vắng mặt. Vì thế Tô-ma đã mất cơ hội gặp Chúa Phục Sinh, mất dịp thấy sự thật và sự sống.
- Tên con đường ngắn ngủi của cuộc đời, chúng ta đã đánh mất quá nhiều cơ hội để tin, để hy vọng và để lớn lên trong Chúa.
- Mỗi lần chúng ta biếng nhác cầu nguyện, chúng ta bỏ lỡ sự hiện diện của Chúa, ơn tha thứ của Chúa và đón nhận tình thương cứu độ của Chúa: phải chăng vì bỏ lỡ cơ hội như thế mà đức tin của chúng ta bị giảm yếu, vì lòng đạo đức bị khô cằn, đời sống đạo bị trì trệ!
Tô-ma đã thấy Thầy mình sống lại nhờ kinh nghiệm khả giác, nhưng Tô-ma đã thấy Thầy mình là Thiên-Chúa nhờ con mắt đức tin. Chính nhờ việc thấy Chúa bằng đức tin như vậy, Tô-ma đã gội rửa được tính nghi ngờ để thực sự tin vào Chúa và dấn thân cách trọn vẹn cho Chúa bằng công việc Tông Đồ của mình.
Nguyện xin thánh Tô-ma Tông Đồ cầu thay nguyện giúp chúng ta, biết dùng con mắt đức tin để một đàng nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi cuộc sống, trong cộng đoàn và trong mọi biến cố đang xảy ra chung quanh mình; đàng khác biết nhiệt tình rao giảng bằng đời sống chứng tá về Chúa Phục Sinh trong sứ vụ Tông Đồ và truyền giáo.
– “Phúc thay những người không thấy mà tin”:
Dù không được may mắn sống đồng thời với Chúa để thấy Chúa làm phép lạ và nghe lời Chúa giảng dạy, nhưng chúng ta lại là người có phúc vì được thấy Chúa bằng niềm tin của mình, nhờ đó chúng ta có thể thấy và sống với Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi việc.
Suy Niệm
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20: 24-29)
Đối với chúng ta, phần đông tín hữu Việt Nam, danh xưng Tôma khơi gợi về một thái độ, thái độ “cứng lòng tin”. Tuy nhiên, thánh Tôma đưa ra một điều kiện với đức tin, ngài đòi được sờ mó đến bằng chứng là những vết thương; được chạm đến cạnh xườn của Chúa, thánh nhân mới tin.
Khi Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”, thì lúc đó thiếu Tôma, nên Tôma không tin, ông nói rằng “nếu tôi không thấy, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, Chúa hiện ra cho các tông đồ, trong đó có cả Tôma, Chúa nói với ông, “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin”. Thấy Chúa Phục Sinh, diện đối diện, Tôma chỉ còn biết sụp lạy mà thưa rằng “Lạy Thiên Chúa của con”.
Đó là một lời tuyên xưng, một lời khẩn cầu, ‘Chúa ơi, con kém tin quá, xin Chúa thương xót con’.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay có thể được xem như là biểu tượng cho hành trình thiêng liêng của chúng ta. Cuộc đời chúng ta nếu không có Chúa sẽ “trở lại đường xưa lối cũ” của mê lầm tội lỗi. Không có Chúa mọi nỗ lực cố gắng về đường thiêng liêng trở thành luống công vô ích; nếu vắng bóng Chúa thì tất cả chỉ là “dã tràng xe cát biển đông”.
Tôma đã không tin lời chứng của các môn đệ rằng Chúa Giêsu đã sống lại qua việc Ngài hiện ra với họ. Đức tin của cộng đoàn các môn đệ, những người bạn thân thiết đã cùng ông theo Chúa nhiều năm tháng, không giúp ông tin vào sự sống lại của Chúa. Ông khẳng định mình chỉ có thể tin nếu chính ông được gặp Chúa hiện ra, để xác nhận rằng đó chính là Chúa Giêsu thật qua các vết thương của Ngài. Tuy nhiên, khi Chúa hiện ra với ông, Tôma đã không cần thực hiện việc ‘xác nhận’ đó nhưng vẫn tin Chúa đã thực sự sống lại.
“Sự hồ nghi của Tôma” là điều mà không ít Kitô hữu ngày nay đang gặp phải, đặc biệt là các bạn trẻ phải rời xa gia đình, xa cộng đoàn giáo xứ thân quen để bước vào môi trường học tập, làm việc mới, nơi có những chủ trương, lối sống, học thuyết dễ khiến đức tin của họ bị chao đảo.
Khi đó, họ cũng có cùng tâm trạng với thánh Tôma khi xưa, đó là cảm thấy đức tin của cộng đoàn mà mình đã và đang sống chung không giúp gì cho họ trong việc tìm lại niềm xác tín vào Chúa. Có thể họ vẫn đi lễ, vẫn tham dự các cử hành phụng vụ cùng với cộng đoàn, nhưng lại cảm thấy lạc lõng giữa những người đang sốt sắng cầu nguyện, ca ngợi Chúa. Cái họ cần là một cảm nghiệm cá vị với Chúa.
Lời khẩn cầu của Tôma là lời khẩn cầu Chúa thương xót, cũng là lời khẩn cầu của từng người chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giàu lòng thương xót, và đã yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13,1). Chính vết thương nơi Thánh Tâm Chúa trên Thánh Giá là ấn tín của tình yêu vô biên và vô điều kiện, là nơi tuôn trào Máu và Nước trường sinh, là Nguồn Mạch Lòng Thương Xót.
Tình thương của Đức Giêsu Phục Sinh nơi biến cố hiện ra với Tôma. Có thể nói, việc Tôma không được chứng kiến việc Đức Giêsu hiện ra lần thứ nhất với 10 Tông đồ kia là lỗi của ông. Vậy mà Tôma còn thách thức Đức Giêsu. Dầu vậy, vì tình thương của Đức Giêsu Phục Sinh đã không trách Tôma, trái lại Ngài “chiều” theo sự thách thức của ông.
Tám ngày sau đó, Ngài đã hiện ra để đáp ứng nhu cầu của Tôma, và cách nào đó để củng cố đức tin cho ông và nhiều người qua mọi thế hệ. Cho nên, Thánh Grêgôriô Cả mới nói: “Không phải tình cờ, nhưng Chúa đã an bài xảy ra như vậy. Lòng từ bi cao cả của Người đã hành động một cách tuyệt vời, để nhờ người môn đệ hoài nghi ấy sờ vào các thương tích nơi thân thể Thầy mình, mà vết thương cứng lòng tin ở nơi ta được chữa khỏi. Sự cứng lòng tin của Tôma còn giúp ích cho lòng tin của ta hơn là đức tin của các Tông đồ khác.”
Chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và thực hiện lời của Người. Bởi vì có Chúa thì mọi công lao vất vả của chúng ta sẽ được ban thưởng như mẻ cá ắp đầy lạ lùng. “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).
Khi xưa, Chúa đã đáp ứng “yêu cầu” chính đáng này của thánh Tôma, nhưng Ngài không hiện ra với một mình ông, nhưng là với cộng đoàn các môn đệ có Tôma ở đó. Điều này có nghĩa là hành trình tìm kiếm niềm xác tín cá nhân không thể tách rời khỏi cộng đoàn, nhưng phải được thực hiện trong cộng đoàn và nhờ sự trợ giúp của cộng đoàn.
Ngày nay, có lẽ Chúa sẽ không hiện ra cách tỏ tường với mỗi cá nhân để đáp lại mọi yêu cầu phải nhìn thấy Chúa thì mới tin vào Ngài, nhưng Chúa chắc chắn cho ta gặp được Ngài qua những gương sáng sống đức tin ngay trong chính cộng đoàn: đó có thể là một cụ già ít học, lọm khọm chống gậy đến nhà thờ mỗi ngày dù trời mưa gió; hay đó cũng có thể là một người đồng trang lứa, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức để làm việc bác ái.
Nhờ cảm nhận được tình thương của Đức Giêsu Phục Sinh, Thánh Tôma đã đi khắp nơi để loan bái Tin mừng, làm chứng về sự chết và sự phục sinh của Thầy mình. Tương truyền rằng, khi đi rao giảng Tin mừng ở Ấn độ, Ngài chịu chết tử đạo ở đó.
Cuộc đời của mỗi người chúng ta được dệt nên bằng một những chuỗi ngày của vui buồn sướng khổ lẫn lộn. Hành trình đức tin của mỗi người có lẽ cũng không ít chông gai sỏi đá. Có lúc cũng như Tôma, chúng ta bắt Chúa phải ra tay can thiệp thì tôi mới tin. Hãy là một Tôma mới, khi cảm nghiệm sâu sa về tình thương của Chúa, mỗi người chúng ta hãy can đảm thể hiện niềm tin của mình, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Sẵn sàng đón nhận những hy sinh thử thách kể cả mạng sống, để minh chứng tình yêu của mình vào Chúa Phục sinh.
Như thánh Tô-ma, chúng ta hãy có lòng ước ao mạnh mẽ “thấy” Chúa để đi theo Người một cách cụ thể ; và xin cho chúng ta vượt qua bình diện thấy thể lí, để có thể nhận ra Đức Giê-su Ki-tô, là Đức Chúa Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ sáng tạo, sự sống, cuộc đời, ơn gọi, Lời Chúa, Thánh Thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời của chúng ta.
Huệ Minh