Và ta thấy trang Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng câu hỏi các môn đệ đặt ra cho Chúa Giêsu: “Chớ thì ai là người lớn nhất trong Nước Trời”. Khởi đầu khá đột ngột này dễ gây khó khăn cho độc giả. Nhưng nếu bình tĩnh lại, độc giả sẽ không khó để tìm ra hai giả định cho bối cảnh của câu hỏi ấy rằng có lẽ bản văn trước đó đã kể lại sự tranh cãi về chuyện lớn nhỏ trong Nhóm Mười Hai; hoặc rất có thể đã có những ganh tị, ghen ghét trong cộng đoàn của Mát-thêu về chỗ đứng, vai trò của người này người kia
Cám dỗ về quyền lực là cám dỗ về danh vọng, địa vị, và chức quyền; để cá nhân mình được người khác trọng vọng, kính nể trong uy quyền nắm giữ. Đâu đâu người ta cũng thấy sự cạnh tranh, hơn thua, đến nỗi ai cũng muốn mình phải hơn người khác, và bắt buộc mình phải thắng người khác thì mới chịu.
Theo lẽ thường tình thì có ai lại không thích mình trở thành một “ai đó” khiến cho người khác phải kính trọng, và ngưỡng mộ chứ ?
Nhưng Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hiểu rằng tiêu chuẩn và giá trị của thế gian thì khác với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời; trật tự và địa vị ở trần thế khác xa với trật tự và địa vị trong Nước Trời. Đồng thời Người cũng dạy cho các môn đệ một bài học khiêm nhu tự hạ. Bởi chưng, điều khó khăn nhất không phải là chiến thắng người khác, mà là chiến thắng chính bản thân mình: thắng được tính ích kỷ, kiêu căng của mình; thắng được cái tôi và những dục vọng bất chính của mình… như thế mới thật là người bản lĩnh và “lớn nhất” vậy.
Trước hết, Chúa Giêsu khẳng định người lớn nhất trong Nước Trời không phải là người làm được chuyện nọ công kia, mà là trẻ thơ và những ai biết hoán cải để sống như trẻ thơ (c.4). Nghĩa là những người biết tự hạ, biết bằng lòng với những gì Chúa ban, biết đón nhận giới hạn bản thân để hân hoan lệ thuộc vào người khác…
Kế đến, Ngài dạy phải quý trọng phẩm giá của những kẻ bé mọn trong nhóm, trong cộng đoàn như người nghèo, người tội lỗi, người bất tài… Theo đó, ẩn trong dáng bề ngoài có vẻ hèn hạ, vô dụng, đáng khinh, đáng trách nơi một số người, ta vẫn phải tin rằng nơi các anh chị em này vẫn còn đền thờ Thiên Chúa cao cả và uy linh, vẫn còn phẩm cách của người con được dựng nên để phụng thờ Đấng tạo hóa là Cha mình.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người một vẻ khác nhau, chính sự khác biệt đó càng diễn tả quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa.Hình dáng bên ngoài của một người dù đẹp hay xấu, cao hay thấp, trắng hay đen…đối với Chúa không có gì là xấu. Điều quan trọng nằm ở tâm hồn và thái độ sống của mỗi người. Dù nhỏ bé xấu xí nghèo hèn đến đâu, con người đều có phẩm giá và nhân vị vì họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Và rồi khi nhận biết được điều này, chúng ta được mời gọi phải tôn trọng người khác với tất cả sự khác biệt của họ. Ông Gerandy, nhà tư tưởng người Mỹ đã từng nói: “Chúng ta cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau một chút để yêu thương nhau”. Chính sự khác biệt nơi mỗi người mà chúng ta được chia sẻ đắp đổi cho nhau, cùng cộng hưởng làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa.
Giá trị của cuộc sống không căn cứ trên số đo chiều cao của một người, chất lượng của cuộc sống không tính bằng sự hơn thua về nhan sắc hay hình thức bên ngoài nhưng dựa vào thái độ chúng ta đối xử với mọi người. Chúng ta không sống như một ốc đảo nhưng là sống cùng và sống với người khác. Chúng ta không thể tự thỏa mãn với chính mình nhưng luôn cần sự chia sẻ, nâng đỡ và an ủi của người khác. Người kiêu căng tự cho mình là đầy đủ nên Thiên Chúa không thể ban thêm điều gì, trái lại người khiêm tốn như một chiếc ly còn trống rỗng sẽ dễ dàng đón nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa.
Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa đặc biệt yêu thích người có tâm hồn khiêm tốn. Chúa sẽ không mạc khải cho những bậc khôn ngoan thông thái biết về mầu nhiệm Nước Trời nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải đón nhận người khác như đón nhận chính Chúa, vì “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13, 20).
Thế gian muốn có địa vị và quyền hành để bắt người khác phục vụ. Ngược lại, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải khiêm hạ và phục vụ nguời khác. Không chỉ phục vụ người có quyền cao chức trọng, mà còn phải phục vụ cả những nguời bé mọn thấp kém trong tinh thần trọng kính yêu thương thì mới có thể vào Nước Trời (Mt 18,10.12-14). Khi phục vụ mọi người trong tình yêu mến và tôn trọng phẩm giá của họ, thì mọi sự đều có thể. Tình thương yêu trong khiêm nhu phục vụ đã đảo lộn mọi biểu thức tự nhiên; từ nay bé mọn được trở nên cao trọng; tuy “một” vẫn quý và đáng giá y như “chín mươi chín”; ít ỏi được nhận chân như đa phần (Mt 18, 4.12-14).
Mỗi chúng ta cùng lắng lòng nhìn lại mình và khiêm tốn nhìn nhận vị trí, vai trò hiện nay của mình trong cộng đoàn. Ta cùng xét xem mình đã đón nhận vị trí ấy với thái độ nào, xem mình đã đối xử với các thành viên có vẻ thấp kém trong cộng đoàn thế nào,… Phần thưởng Nước Trời hẳn là hấp dẫn đó, hẳn là chính đáng và phải đạo đó, nhưng để đạt được Nước Trời, chắc chắn ta phải trở nên trẻ thơ. Sự trở nên này bao hàm một cuộc hoán cải, một nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để điều chỉnh lối sống, lối nghĩ hiện nay của ta.
Huệ Minh