Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 12: 46-50)
46 Khi Đức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”.48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
SUY NIỆM 1
Chúa Giêsu khi đến trong trần gian, Người cũng giống như mọi người đều có cha và mẹ. Đây là gia đình trần thế của Chúa Giêsu. Như vậy Chúa Giêsu không bao giờ lãnh đạm hay coi nhẹ mối dây liên hệ gia đình tự nhiên của mình.
Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay kể lại anh em của Chúa Giêsu cùng đi với Đức Mẹ, tìm cách gặp Chúa Giêsu, lúc này có người thưa Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Sau đó Chúa Giêsu nói: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Khi Chúa Giêsu nói như thế là Người đã thiết lập và mong muốn mọi người đi vào mối dây liên hệ thiêng liêng với Chúa. Mối liên hệ trong gia đình thiêng liêng của Chúa luôn cao quí hơn mối quan hệ gia đình tự nhiên.
Những người luật sĩ và Pharisêu trong mắt nhìn của Chúa Giêsu, phần nhiều đó là những kẻ cứng lòng tin, họ không đón nhận và vâng phục lời của Chúa Cha. Chúa Giêsu đã nhiều lần khiển trách họ: Chúa gọi là thế hệ gian ác, thế hệ cứng lòng tin. Vì thế, những người này sẽ không thuộc gia đình của Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu khi nói: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”, nghĩa là Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Chúa, hãy can đảm gia nhập vào gia đình thiêng liêng của Người, bằng mối dây liên kết là sự đón nhận, vâng phục và thi hành ý của Chúa Cha, theo gương của Chúa Giêsu khi Người nói: “Này con xin đến để thi hành Thánh ý Chúa Cha”.
Đức Maria trở nên Mẹ của Chúa Giêsu – Thiên Chúa làm người, nhờ sự vâng phục của Mẹ. Đức Maria được Đức Giêsu giới thiệu đây là người mẹ có phúc, bởi vì Mẹ luôn lắng nghe, suy niệm và sống lời Chúa. Vì thế, Đức Maria được nhìn nhận là người đức tin, là mẹ của những kẻ tin.
Xin Đức Mẹ giúp cho chúng con luôn sẵn sàng đón nhận, suy gẫm và sống lời Chúa cách trung thực. Nhờ vậy, được cùng Mẹ chúng con sẽ trở nên thành viên trong gia đình thiêng liêng của Đức Giêsu, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời đời. Amen.
Tin Mừng Thánh Matthêu (Mt 12: 46-50)
Chúa Giê-su vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, đã buộc mình phải rời xa tương quan ruột thịt tự nhiên và hạn hẹp, để gắn bó thiết thân hơn với sứ vụ, và gắn chặt mối tương quan nhân loại bao quát hơn. Có lẽ trong nhận thức của không ít người, khi dấn thân phục vụ cho đồng loại, dường như họ nghĩ là sẽ bị mất mác thua thiệt điều gì đó, nhưng Chúa Giê-su muốn cho mọi người, và nhất là những người môn đệ của Người thấy rằng: họ không mất mà được gấp trăm là “mẹ là anh em” của Chúa.
Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.
Ta thấy với và trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Trang Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Đức Maria đã tôn thờ Thiên Chúa trong Đền Thờ bằng tinh thần và chân lý. Nhờ lời cầu nguyện và những ước ao nồng nhiệt của Mẹ, Mẹ đã làm cho Đấng Messia mau đến. Nhưng chúng ta tôn thờ Ngài thực sự hiện diện trên các bàn thờ của chúng ta; chúng ta không gọi Ngài từ xa như Đức Maria đã làm. Ngài ở ngay giữa chúng ta; Ngài luôn luôn ở với chúng ta. Chúng ta hãy noi gương đời sống ẩn khuất cô tịch lặng thinh của Mẹ Thánh chúng ta.
Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giêrônimô, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.
Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, đó chính là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Augustinô: “Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người”.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Khi Mẹ Maria liều lĩnh chấp nhận vâng nghe Lời Sứ Thần truyền, và chấp nhận gắn bó với Chúa Giê-su, Mẹ đã từng bước nhận ra Mẹ không chỉ là Mẹ duy nhất của Chúa Giê-su theo huyết nhục, mà Mẹ còn có mối tương quan thân thiết gắn bó đặc biệt với nhóm 12, mà còn quan trọng hơn với gia đình nhân loại.
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Cứ ngỡ câu trả lời sẽ rất rõ ràng và dễ dàng: là Đức Maria và các anh em họ Đức Giêsu đang đứng ở vòng ngoài. Thế nhưng, đáp án Đức Giêsu đưa ra thật bất ngờ khiến ai nấy ngỡ ngàng: người thân của Ngài là tất cả những ai thi hành ý muốn của Cha trên trời. Chắc chắn Đức Giêsu không coi nhẹ quan hệ, tình nghĩa theo huyết thống. Ngài muốn ta vượt lên trên gia đình thân thiết theo nghĩa thông thường, để mở rộng lòng đón nhận một quan hệ, tình nghĩa thiêng liêng: quan hệ, tình nghĩa của những người con cái trong gia đình của Thiên Chúa. Trong đại gia đình ấy, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ trở nên giống người Anh Cả Giêsu, Đấng luôn vâng phục và vuông tròn thực hiện thánh ý Chúa Cha.
Khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi người chắc chắn sẽ tăng thêm nhận thức về bản thân là những phần tử trong mối dây liên kết và tương quan trong đức tin, đức cậy và đức mến đối với đồng loại và đối với Thiên Chúa. Không ai trong thế giới này từ cổ chí kim có liên hệ huyết nhục nhân loại với Đức Giêsu; nhưng đã có rất nhiều người và chắc chắn sẽ còn có nhiều người sẽ gắn bó còn hơn ruột thịt và dám sống chết với Người, vì họ biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Cha trên trời (Mt 12,50).
Huệ Minh