Suy Niệm Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên B

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 14: 22-36)

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến”. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu tôi”. Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?”. Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.

Suy niệm 1

Cuộc sống có muôn vàn lý do khiến ta sợ hãi như: thất nghiệp, nghèo túng, bệnh tật, rủi ro, chết chóc, v.v.

Có những nỗi sợ giúp ta sống tốt hơn, chẳng hạn: sợ hỏa ngục nên không dám phạm tội. Nhưng trong nhiều trường hợp, nỗi sợ làm tê liệt mọi khả năng, khiến người sợ hãi không thực hiện được những việc mà nếu bình tĩnh, họ đã có thể hoàn thành tốt.

Các tông đồ dù đã bỏ mọi sự để theo làm môn đệ Chúa Giêsu, vẫn không tránh khỏi sự hoảng sợ khi gặp hiểm nguy. Đêm tối cùng với gió ngược và sóng lớn càng khiến các tông đồ tăng thêm nỗi sợ.

Giữa lúc phải vật lộn cùng biển cả, cùng bóng đêm trong nỗi sợ hãi, thì bỗng dưng lại thấy một bóng người đi trên mặt nước y như đi trên đất liền. Điều khủng khiếp hơn nữa, đó là bóng người ấy càng lúc càng tiến gần. Chỉ có thể là bóng ma mà thôi (?). Tất cả cùng hoảng hốt như nhau, cùng la lên: “Ma đấy!“.

Trong lời trấn an “cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”, dường như Chúa Giêsu có phần cảm thông cho nỗi sợ của các môn đệ mình. Riêng tông đồ Phêrô, không biết do quá tin vào Thầy, hay do nghe tiếng Thầy thì đã lấy lại bình tĩnh và yên tâm, hay chỉ vì nông nổi, bồng bột, lại vội cầu xin: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”? Nghĩ sao thì làm vậy. Sau khi được Chúa khuyến khích “cứ đến!”, thánh Phêrô đã rời thuyền, đặt chân trên mặt nước và bước đi.

Ngoài Chúa, không ai có thể đi trên mặt nước bằng đôi chân trần, vậy mà thánh Phêrô đã thực hiện được điều đó. Nhưng chỉ trong chốc lát, nỗi nghi nan đã xâm chiếm tâm hồn ông. Sự nghi nan đã bắt đầu nhấn chìm ông. Quá sợ hãi, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”. Một lần nữa, Chúa ra ta  không chỉ để cứu khỏi biển dữ, mà còn kéo ông ra khỏi nghi nan, trao cho ông lòng tin.

Từ câu chuyện Tin Mừng, chúng ta nhìn ra thực tế đời người. Ta nhận ra, nhiều lúc muốn đi xa, muốn vượt lên, muốn bỏ lại phía sau những nhỏ nhen, những tầm thường, đòi ta phải “vượt biển“, nghĩa là phải vững để đứng trên những cheo leo, những thách thức trong đời.

Có lúc đại dương phẳng lặng như mặt nước hồ thu, nhưng nhiều khi thét gào tựa mãnh thú. Cuộc đời mỗi người giống như chiếc thuyền mỏng manh đang vượt biển trần gian để tiến về quê hương vĩnh cửu, nên không tránh khỏi những cơn giông bão là muôn vàn khó khăn và bất trắc.

Đối diện sóng gió cuộc đời, có người nửa tin nửa ngờ; có người chối bỏ Thiên Chúa; có người xin Chúa giải quyết cho mình hết đau khổ; có người can đảm đối đầu với đau khổ để thêm tin tưởng và phó thác trong tay Chúa; có người dùng chính đau khổ như phương thế cần thiết để tháp nhập vào thánh giá Chúa mà mang ơn cứu độ đời đời cho mình, cho muôn người, v.v.

Chúng ta hãy chọn thái độ của người sống đức tin, để dù thương đau hay hạnh phúc, chúng ta vẫn vững vàng nhìn về phía Chúa và tin tưởng Chúa luôn để mắt nhìn xem, che chở những ai cậy trông nơi Ngài.

Hãy luôn nhớ lời Đấng Cứu Chuộc đã từng hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b), để không nao núng trước gió bão cuộc đời; không lạc xa vòng tay của Chúa; không rời bỏ đức tin, nhưng luôn thưa lên “xin vâng” như Đức Maria xin vâng suốt cuộc đời của Mẹ.

Hãy luôn luôn nhớ lời của thánh Phaolô mà tin tưởng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35-37).

Lạy Chúa, “Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời. Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng con cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng con, tới khi Ngài xót thương chút phận” (Tv 122, 1-2). Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy Niệm 2:

Tin Mừng Mt 14: 22-36

Nhiều lần lần nhiều lúc ta thấy Tin Mừng nói đến sự nhút nhát lo sợ của các môn đệ của Chúa Giêsu: sợ không có đủ bánh ăn, sợ người Do Thái…

Với Tin Mừng hôm nay, ta thấy Thánh Matthêu thuật lại rằng: “Sau khi dân chúng được ăn no nê, Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núiriêng một mình mà cầu nguyện. Và trời đã tối nhưng ta thấy Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả cây số, bị sóng đánh vì ngược gió”.

Và ta thấy Chúa hiện đến trấn an các ông: “Chính Thầy đây đừng sợ” Phêrô vẫn chưa thực sự vững tin: khi đi trên mặt nước đến với Chúa, vừa gặp cơn gió thổi ông đã đâm ra hốt hoảng và kêu cứu. Chúa lại nắm lấy tay ông và trách ông kém lòng tin. Chúa đã cho các ông thấy rõ quyền năng của Chúa để củng cố đức tin nơi các ông để rồi sau này chính các ông sẽ mạnh dạn làm chứng đức tin cho mọi người.

Đang đi giữa biển thì cuồng phong nổi lên như muốn nhận chìm con thuyền nhỏ khiến các môn đệ vô cùng hoảng sợ, trong khi đó Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh cầu nguyện như không có chuyện gì xảy ra. Vốn là những ngư dân đầy kinh nghiệm trên Biển Hồ,các môn đệ thuộc từng con sóng,biết được chỗ nào nước sâu có nhiều cá. Vì thế dù có ra giữa biển, các ông vẫn tự tin lướt sóng.

Thế nhưng khi phải đối diện với cơn sóng gió ập đến bất ngờ, các ông không có cách chi chèo chống và hoảng sợ la lên.Chúa Giêsu đã để sóng gió nổi lên như muốn thử thách đức tin yếu kém của các ông. Thái độ hoài nghi đã làm con mắt các môn đệ trở nên mờ tối khiến các ông không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa. Các ông chỉ còn nhìn thấy bóng ma của sự tối tăm và chết chóc.

Khi nghe các môn đệ cầu cứu, Chúa Giêsu đã đi trên mặt biển đến trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Sau đó Chúa Giêsu truyền cho ông Phêrô đi trên mặt nước mà đến với Người. Mặc dù vậy, ông Phêrô vẫn hoảng sợ kêu cứu đến nỗi Chúa Giêsu phải đưa tay ra nắm lấy ông.Qua biến cố này, Chúa Giêsu biểu lộ cho các môn đệ thấy quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa khiến mọi thế lực trần gian phải khuất phục, đồng thời Người cũng cho các ông biết sự yếu đuối của loài người.

Sau khi sóng yên biển lặng, mọi người trong thuyền đều phải bái phục Chúa Giêsu và tuyên xưng: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu có sứ mạng quan trọng là đến trần gian để cứu chuộc nhân loại. Vì thế khi Chúa Giêsu vừa vào tới đất liền, dân chúng tuôn đến đem theo tất cả những người đau ốm đểđược chữa lành.

Đứng trước cơn sóng biển bất ngờ, Phêrô tỏ ra hoảng sợ nhưng ông đã có được một kinh nghiệm quý báu, đó là nhận biết mình yếu đuối và tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Khi mặc lấy thân phận con người, Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối của loài người, trong đó có Phêrô. Người không bỏ rơi Phêrô nhưng muốn ông thức tỉnh để ông đừng cậy dựa vào sức mình, đừng hoảng sợ mà đánh mất niềm tin. Chúa Giêsu luôn xuất hiện và cứu Phêrô vào những phút cuối cùng nguy hiểm nhất.

Kinh nghiệm của Phêrô cũng là kinh nghiệm cho mỗi người chúng ta. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi các môn đệ, Người vẫn hiện diện bên cạnh để giáo huấn và nâng đỡ đức tin cho các ông. Chúa Giêsu đã đưa tay ra nắm lấy tay Phêrô như người cha luôn nắm chặt bàn tay của đứa con nhỏ.Thiên Chúa không chơi trò cút bắt, đôi lúc Người để cho chúng ta mất tất cả không còn chỗ nào bám víu, lúc đó chúng ta mới biết cậy dựa vào Thiên Chúa.

Thiên Chúa không bao giờ từ chối lời cầu xin của chúng ta bởi chúng ta là đối tượng được Người yêu thương và cứu chuộc. Tình yêu Thiên Chúa có sức mạnh kỳ diệu, mạnh hơn sự chết, cao hơn những suy tưởng và sâu hơn những yếu đuối của loài người. Nói như thánh Gioan tông đồ “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại một tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi” (1 Ga 4, 18). Chúa Giêsu đã yêu chúng ta bằng một tình yêu nhưng không, Ngài gánh lấy mọi tội lỗi và chịu chết để đem ơn cứu độ cho chúng ta. Nếu thực sự yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa,cho dù hoàn cảnh nào chúng ta không bao giờ sợ hãi thất vọng.

Đã bao lần trong đời sống chúng ta từ chối tình yêu Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta từ chối cái “nắm tay” của Người. Chúng ta tự mãn nghĩ mình có đủ tài năng chèo chống con thuyền của cuộc đời mình bằng tiền bạc vật chất, bằng sức mạnh của thế gian để rồi bị trượt ngã thảm thương. Chúng ta tự quyết định con đường tương lai và vận mệnh đời mình mà không cần đến sự trợ giúp của Chúa. Chúng ta không phải là thiên thần để bước đi theo Chúa một cách thanh thoát. Chúng ta bước đi bằng đôi chân nặng nề của đam mê tội lỗi khiến đôi chân ấy cứ lún sâu xuống và muốn ngã quỵ. Chúng ta không dám tin tưởng để cho Chúa dẫn dắt mà chỉ lo bám vào thế lực của con người, ngó ngác trông đợi mong tìm vào một nhánh cây khô mục ruỗng. Chúng ta không nhìn lên phía trước để tiến bước mà cứ nhìn xuống vực sâu, nhìn vào dòng nước cuồn cuộn để rồi sợ hãi khốn khổ.

Tội lỗi, yếu đuối vốn là bản tính của loài người. Vì thế Thiên Chúa hằng trợ giúp chúng ta bằng những lời giáo huấn, bằng ân sủng thiêng liêng qua các bí tích. Điều quan trọng là chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận mình yếu đuối và luôn cần đến lòng thương xót của Chúa. Nói như thánh Phaolô tông đồ, chỉ khi nhận biết mình yếu đuối, chúng ta mới chấp nhận để cho quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động. Thiên Chúa luôn ban ơn cần thiết và vừa đủ để chúng ta thắng vượt mọi sự yếu đuối “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9).

Nhân loại và Giáo Hội hôm nay cũng đang đối mặt với nhiều sóng gió của thế lực trần gian, nhiều tư tưởng sai lạc khiến niềm tin chao đảo. Người tín hữu đang phải gánh chịu những bất công xã hội,sự hận thù chia rẽ, luân lý đạo đức xuống dốc.

Thực tiễn, ta thấy đời sống các gia đình đang gặp nhiều khủng hoảng khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt. Chúng ta đang phải đối diện với nhiều nỗi sợ hãi: sợ thiếu ăn thiếu mặc, sợ già, sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi…và trên hết mọi nỗi sợ đó là sợ chết. Ước gì ta biết đặt trọn niềm tin cậy nơi Thiên Chúa để được giải thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi. Ước gì chúng ta trung thành sống theo những giá trị của Tin Mừng để tìm thấy nguồn sự sống và hạnh phúc đích thực.

Và rồi ta thưa với Chúa rằng đường đời của ta không phải lúc nào cũng bằng phẳng, chiếc thuyền đời con không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, xin Chúa cho ta biết tin tưởng Chúa luôn hiện diện và đồng hành để ta an tâm tiến bước.

Quả thế, có nhiều lúc ta cũng chao đảo bởi những khó khăn thử thách, và ta xin Chúa hãy giang rộng cánh tay của Chúa để ta nắm giữ. Xin Chúa hãy nắm lấy tay của ta, tay ta trong tay Chúa dù biển đời có sóng gió thì thuyền đời ta vẫn về tới bến bờ bình an.

Huệ Minh