Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (9, 28-36)
28Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a”. Ông không biết mình đang nói gì. 34Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. 36Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, ta được mừng kỷ niệm biến cố Hiển Dung. Biến cố này diễn ra sáu ngày sau khi Chúa loan báo về cuộc tử nạn và sự phục sinh của Ngài. Các môn đệ và ngay cả những người môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Gioan và Giacôbê, không thể hiểu và không muốn chấp nhận cuộc tử nạn của Ngài. Cho các ông chứng kiến sự hiển dung, Chúa Giêsu muốn lặp lại dưới một hình thức khác lời loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Lần này Ngài muốn xác quyết với các ông rằng để đi vào vinh quang Phục Sinh cần phải đi qua bóng tối của sự chết.
Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Kinh Thánh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng nhìn thấy được thiên tính của Chúa Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ. một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo họ về sự vinh hiển và sự thống khổ của Ngài liên hệ mật thiết với nhau một cách chặt chẽ.
Ba người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã ngây ngất khi chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng ánh sáng phục sinh ấy chỉ kéo dài trong giây lát; bóng đêm đã trở lại, nhìn chung quanh, họ thấy lại Chúa Giêsu cũng như mọi người và nhất là như một tên tử tội đang tiến ra pháp trường. Nhưng chắc chắn ánh sáng phục sinh ấy đang chiếu rọi trong tâm hồn các ông.
Chúa Giêsu đem ông Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng đi với ngài lên trên một núi cao, tại đó Ngài biến đổi dung nhan trước sự ngỡ ngàng của các ông. Sự chiếu sáng rạng ngời của Ngài phát xuất từ thần tính của Ngài. Bằng việc tỏ hiện vinh quang của mình, Ngài nhằm củng cố lòng tin của cả ba môn đệ đi theo Ngài và chuẩn bị cho họ đối diện với những thử thách sắp tới, bằng cách ban cho họ nếm hưởng trước vinh quang và niềm vui thần linh qua những đau khổ trong đời sống của người môn đệ. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi Chúa hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp lễ lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.
Ta hãy mặc lấy tâm tình của các môn đệ để hiểu hết lời nói này của ông Phêrô: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều…”. Có người hiểu lời này của ông Phêrô là: “rất may, có chúng con ở đây để phục vụ các Ngài…”. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu, đó đơn giản là lời diễn tả “ơn an ủi thiêng liêng”, diễn tả niềm hạnh phúc khôn tả được chiêm ngắm vĩnh cửu; và ông Phêrô muốn duy trì hạnh phúc này mãi mãi, bằng cách dựng lều cho các vị. “Lều” là biểu tượng của sự an nghỉ cánh chung. Và đối với ông Phê-rô, cánh chung là đây!
Ta rất dễ bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những cái ngoạn mục, những cái vượt ra ngoài ranh giới thông thường. Trong Tin Mừng chúng ta thấy ông Phêrô, sau khi được thấy mặt Thầy chiếu sáng như mặt trời và áo Thầy trở nên trắng như ánh sáng, rồi Thầy lại còn đàm đạo cùng Môsê và Elia, đã vội vàng đề nghị: Chúng con được ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy muốn, chúng con xin làm ba lều, một thầy Thầy, một cho Môsê và một cho Elia. Nhưng hiện tại vẫn phải là con đường xuống núi, tiếp tục tiến về Giêrusalem, đối diện với cái chết. Hiện tại chưa phải là lúc dừng lại trong vinh quang. Cuộc sống vẫn phải là cuộc hành trình của niềm tin, của sự gắn bó với Chúa Giêsu, dù rằng Ngài đang tiến đến thập giá. Vinh quang chỉ có thể đến ngang qua đau khổ.
Dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ được hiểu như trên, chúng ta được mời gọi đọc lại và nhận ra cuộc đời chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ”, như kinh nghiệm thiêng liêng của hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24, 13-35), tuy đầy thăng trầm, tội lỗi và bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, nhưng hướng tới Mầu Nhiệm Vượt Qua và được Mầu Nhiệm Vượt Qua hoàn tất, như thánh sử Gioan mong ước: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 31). Chính khi nhận ra hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta hướng tới và được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Kitô, đó sẽ là lúc chúng ta sẽ có được kinh nghiệm chiêm ngắm Dung Nhan chói ngời của Đức Kitô.
Trong đời sống ơn gọi của chúng ta, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, và phải nói mạnh hơn, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới “ngọn núi cao” biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể ca tụng và tạ ơn Chúa, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần biết bao, cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên ngọn núi cao.
Mừng Kính Lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung hàng năm, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm và sống ý nghĩa của sự cần thiết ‘Hiển dung’ và ‘biến đổi’ cuộc sống hàng ngày của chúng ta nơi dương thế. Nghĩa là, Chúa thách đố chúng ta ‘biến hình’ để rồi được ‘hiển dung’ với Chúa trên Núi Thánh. Ước chi mỗi người chúng ta luôn biết cố gắng thanh luyện và biến đổi đời sống của chúng ta nên tươi tốt và đẹp đẽ hơn trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời trút bỏ mọi cồng kềnh và lỉnh kỉnh vô ích hầu chúng ta có thể nhẹ nhõm bước đi và lên đến đỉnh Núi Thánh trên Nước Chúa Vĩnh Hằng.
Huệ Minh
Suy Niệm: Thời Trung cổ, một tín hữu kitô nọ lên đường đi hành hương đến một nhà thờ được xem là cổ kính nhất trong nước của mình. Sau vài ngày đi đường, người đó lạc vào trong một vùng núi đá nắng cháy khô cằn và hiểm trở. Ông ta thấy ở đó những người thợ đục đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn vuông vắn.
Người khách hành hương đi mon men đến gần một người thợ. Mồ hôi chảy đầm đìa trên tấm thân gầy của người thợ đục đá khiến cho người khách hành hương càng thương cảm. Nhưng khi người khách hỏi truyện, người thợ đục đá liền trả lời một cách nhát gừng : “Ông không thấy tôi đang lao nhọc vất vả hay sao mà còn hỏi ?”
Người khách tìm đến một người thứ hai. Người nầy lại càng có dáng vẻ mệt nhọc hơn. Được hỏi tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ nầy chỉ trả lời : “Người ta thuê tôi làm việc. Tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà tôi đổ mồ hôi xót con mắt là để có cơm bánh cho vợ con tôi mà thôi, còn công trình xây dựng gì thì tôi không cần biết !”
Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi, ông lại gặp một người thợ đục đá khác, người nầy cũng có dáng vẻ mệt nhọc và tiều tụy không kém những người kia. Nhưng nhìn vào ánh mắt của người thợ đục đá nầy, khách hành hương thấy toát lên một vẻ thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Tiến lại, người khách lên tiếng hỏi :
– Ông đang làm gì đó ?
Người đàn o6ngài mĩm cười và hãnh diện đáp :
– Ông không biết sao ? Tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường.
Nói rồi người thợ đục đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng nơi đó người khách nhận ra một công trình đang được thi công, từng viên đá đang được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của ngôi thánh đường.
Anh chị em thân mến,
Biết được ý nghĩa của cuộc sống là điều quan trọng nhất đối với con người. Nếu không biết tại sao mình sống, sống mà không biết sống để làm gì, sống mà không biết đi về đâu là điều bất hạnh hơn cả. Cuộc sống của chúng ta có lẽ cũng giống như những người thợ đục đá để góp phần vào công trình xây dựng một ngôi thánh đường. Những nỗi vất vả lao nhọc, chán nản, buồn tẻ dệt nên đời thường của mỗi người chúng ta nhiều lúc che khuất hướng đi và ý nghĩa của cuộc đời. Những mất mát, thất bại và khổ đau lại càng làm cho chúng ta choáng ngợp, hụt hẫng giữa giòng đời.
Chúa Giêsu đã đến trong trần gian để giúp chúng ta nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống và sống một cách sung mãn cuộc sống tại thế nầy. Ngài đã sống trọn từng thực tế của kiếp sống con người. Ngài đón nhận tất cả mọi biến cố trong cuộc sống nhu hồng 6an của Thiên Chúa. Cả đến đau khổ và cái chết Chúa Giêsu cũng đón nhận để xuyên qua đó con người có thể nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống.
Quả thực, trong ánh sáng hiển dung của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi để nhận ra ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Tin Mừng lễ Chúa Hiển Dung hôm nay cho chúng ta thấy : ngay sau khi các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, thì trước mắt các ông hình ảnh một Đấng Cứu Thế oai hùng lẫm liệt theo như các ông quan niệm, bắt đầu tan biến để hiện ra một Đấng Cứu Thế đau khổ, bị đày đọa, bị khai trừ, bị giết chết. Hình ảnh đó thật là khó hiểu đối với các ông. Vì thế, chẳng lạ gì, Phêrô đã lên tiếng khuyên can Thầy đừng đi theo con đường đau khổ đó làm gì ! Rồi giờ đây, trong lúc ngây ngất chiêm ngưỡng dung nhan sáng chói rực rỡ của Thầy, thì lại cũng chính Phêrô đã dám đề nghị cắm lều ở lại luôn trên núi nầy, vì ở đây sướng quá, khỏi phải đi qua con đường đau khổ mà ông đã khuyên can Thầy. Nhưng đến lúc mở mắt ra, ông chỉ còn thấy một mình Thầy trên đỉnh núi. Ánh sáng rực rỡ đã biến mất. Và Thầy còn giục các ông xuống núi, đi về Giêrusalem để Thầy chịu tử nạn như Thầy đã báo trước. Thế là Phêrô đã vỡ mộng ! Chính trong giờ phút hiển dung rực rỡ vừa rồi, ông Môisê và Êlia cũng đã xuất hiện để đàm đạo với Chúa Giêsu về “cái chết” mà Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem, và Chúa Cha cũng đã xác nhận : “Đây là Con Ta yêu dấu, anh em hãy nghe lời Ngài”. Lời đó là để công nhận, để tán thành bước đường vượt qua đau thương của Chúa Giêsu. Vì thế, mấy Thầy trò lại xuống núi. Và rồi đây Phêrô cũng như các môn đệ khác phải đi theo sau Thầy, qua con đường đau khổ mới đến vinh quang.
Thưa anh chị em,
Đau khổ và sự chết tự nó không phải là một giá trị. Thiên Chúa không tạo ra sự dữ để đày đọa con người. Do tội lỗi của mình, con người đã tạo ra đau khổ cho chính mình. Nhưng Thiên Chúa quyền năng và khôn ngoan đã biến đau khổ và sự chết thành nguồn ơn cứu thoát cho con người. Qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, cũng như mọi khổ đau, thất bại trong cuộc sống không phải là ngõ cụt mà là nẻo đường dẫn đến vinh quang và sự sống. Đó là cái nhìn mới mẻ mà Chúa Giêsu hiển dung đã soi sáng cho chúng ta. Từ nay chúng ta được mời gọi đón nhận tất cả mọi biến cố trong cuộc sống như hồng ân của Thiên Chúa và như dịp may được cộng tác vào công trình cứu chuộc và tái tạo của Ngài.
Như thế, vinh quang của Chúa hiển dung hôm nay chưa phải là vinh quang trọn vẹn của Thiên Chúa. Đó chỉ là một thoáng vinh quang báo trước vinh quang của ngày phục sinh mà thôi. Cũng vậy, trên núi Chúa hiển dung chưa phải là nơi định cư vĩnh viễn của những người đi theo Chúa Giêsu. Đừng để mình rơi vào cơn cám dỗ của Phêrô : đừng vội cắm lều ! Vì đây chỉ là nơi dừng chân để lấy sức tiến về Trời Mới Đất Mới. Trong cuộc hành trình về vĩnh cửu có những bóng mát cho đời và chúng ta được phép dừng chân lấy sức để rồi lại tiếp tục ra đi. Nếu cắm lều ở lại, sẽ chẳng bao giờ tới đích.
Anh chị em thân mến,
Sống mà không biết tại sao mình sống, sống mà không biết sống để làm gì, sống mà không biết mình sẽ đi về đâu, đó là điều bất hạnh nhất. Chúa hiển dung hôm nay đã soi sáng cho chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Ngài là ánh sáng, trong ánh sáng ấy chúng ta thấy ý nghĩa của cuộc sống. Trong cuộc hành trình gian khổ trên trần thế, hãy cứ tin tưởng, vì đã có Chúa Giêsu vừa là người chỉ đạo, vừa là người bạn đồng hành của chúng ta. Vẫn biết rằng con đường Ngài dẫn chúng ta đi là con đường hẹp, đường thập giá, nhưng lại chính là đường sự sống, đường ánh sáng và “những đau khổ đời nầy không đáng là gì so với vinh quang dành để cho chúng ta mai sau trên trời”. (Rm 8,18)
Lm Phanxico Lê Văn Nhạc