Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 19: 23-30)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào nước Trời”. Thầy còn bảo các con rằng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Trời”. Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?”. Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”. Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: “Này đây, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”. Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên tòa vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.
Suy niệm 1
Thánh Piô X có tên là Giuse Sarto, sinh năm 1835 tại làng Riese, miền Vénétia nước Ý. Thánh Piô X rất thông minh, cần mẫn và sáng trí . Ngài học tiểu chủng viện Pađua và thụ phong linh mục vào năm 1858.
Thánh nhân đã làm cha phó giáo xứ Tomholo, rồi chánh xứ Salzanô, và được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo Triều Roma. Vì là một người có tài, có đức, nên Ngài được Đức Thánh Cha phong làm Giám Mục địa phận Mantoue vào năm 1884. Thánh nhân đã chu toàn trách nhiệm chủ chăn, chuyên lo đào tạo hàng giáo sĩ, thương yêu,lưu tâm đến người nghèo và để ý tới phụng vụ.
Với những cố gắng phục vụ Giáo Hội, lo lắng cho tha nhân, năm 1893, thánh nhân được phong làm Hồng Y, Giáo Chủ Venise Thiên Chúa đã tuyển lựa Ngài cách đặc biệt để lèo lái Giáo Hội của Chúa, nên sau khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIII qua đời, Ngài được bầu lên chức vụ tối cao của Giáo Hội vào ngày 4 tháng 8 năm 1903. Ngài đã cố gắng chối từ nhưng như lời Chúa nói:” Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả anh em được lâu bền”(Ga 15, 16 ).
Trên ngai Giáo Hoàng, Ngài vẫn sống đơn sơ, khiêm nhượng, khó nghèo. Thánh nhân bảo vệ đức, củng cố đức tin cho mọi người, lên án, chống lại phái duy tâm, tiếp xúc với các nhóm ly giáo, đặt nền tảng vững chắc cho giới tu sĩ, soạn thảo cuốn giáo luật, khuyến khích lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể, việc siêng năng rước lễ và việc ban cho trẻ em rước lễ sớm hơn thường lệ.
Lời của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay gây sốc không những cho người nghe lúc bấy giờ (các môn đệ vô cùng sửng sốt) mà gây sốc cho rất nhiều người trong mọi thời đại: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (c. 24). Đồng thời ngược lại, Chúa lại hứa ban thưởng gấp trăm cả đời này lẫn đời sau cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Người.
Như người ta hay nói: có tiền mua tiên cũng được. Tiền bạc của cải có vẻ đem lại chỗ dựa vững chắc cho chủ nhân, chính vì thế người ta thích thu tích của cải một cách vô độ (Lc 12, 21). Của cải làm chúng ta phải bận tâm: “Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21), kho tàng dưới đất sẽ giữ tim ta dưới đất. Ham mê của cải có thể bóp nghẹt hạt giống lời Chúa trong tim ta (Mt 13, 22).
Nó làm chúng ta dễ trở nên nô lệ: “Anh em không thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia… Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24). Như thế nó có khả năng đẩy Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu. Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân, và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.
Tiền của có sức hút và mê hoặc con người – ‘Đồng tiền đi liền khúc ruột’ – do đó, để có thể làm chủ được nó, con người không được khinh suất, nhưng rất cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bởi thế mà Đức Giêsu đã nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” (c. 26) Với sự hướng dẫn và ơn Chúa ban, con người sẽ biết cách sử dụng tiền của để mưu cầu lợi ích cho mình và cho tha nhân, giúp phát triển xã hội ngày càng tươi đẹp, lành mạnh và phong phú.
Của cải có sức thu hút và mê hoặc lòng người, bởi vì dường như nó có thể đáp ứng mọi nhu cầu và đời sống hưởng thụ của con người. Chẳng vậy mà người đời có câu: “có tiền mua tiên cũng được”, hay “tiền là tiên là phật…” Người có nhiều tiền của được gọi là người giàu. Theo quan niệm của người Do-thái cũng như quan niệm của nhiều người thì đó là những người được phúc.
Có mâu thuẫn không giữa những điều Chúa nói? Chẳng phải nếu Chúa ban cho họ gấp bội ở đời này thì họ lại trở thành người giàu hay sao, và khi ấy phải chăng họ lại trở thành những kẻ khó vào nước trời? Thực ra, mấu chốt của vấn đề là tinh thần từ bỏ; người có tinh thần từ bỏ không bị ràng buộc bởi của cải, hay nói khác đi, họ không bị của cải vật chất cản trở bước đường làm người môn đệ, nhưng biết dùng nó như phương tiện Chúa ban để sống theo ý Chúa. Vì thế, họ có thể là người rất giàu có về của cải nhưng luôn coi nó là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban mà sống trong tinh thần tri ân, cảm tạ và luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi không tính toán.
Đối với Chúa, không phải có nhiều của cải là được vào Nước Trời. Của cải vật chất rất cần cho sự sống đời này nhưng có thể là một cản trở rất lớn cho sự sống đời đời. Chúa không hứa điều gì cho những người không chịu từ bỏ của cải nhưng Người hứa phần thưởng cho những ai biết từ bỏ mọi sự mà đi theo Người: “Họ sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”.
Đã hẳn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải sống nghèo nàn mạt rệp. Vì cái nghèo cho thấy sự tồn tại của điều ác. Nó chỉ cho chúng ta biết xã hội, môi trường chúng ta sống vẫn còn đó sự bành chướng của ích kỷ; vẫn còn đó những con người không biết chia sẻ, chỉ biết vun đắp cho chính mình, thiếu vắng tinh thần quảng đại sẵn sàng cho đi của một tình yêu vị tha.
Hơn nữa, sự nghèo túng, bần hàn, khốn cùng như ‘sự dữ hiện hình’ làm cho con người không còn nhân phẩm, sống không ra người và đó không phải là điều Thiên Chúa muốn; vì khi tạo dựng vũ trụ, con người, chẳng phải Thiên Chúa đã chúc phúc và ra lệnh cho nó sinh sôi và phát triển phong phú hay sao? Và Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô khi đến cứu độ trần gian Ngài đã đến với thân phận nghèo hèn khốn cùng của con người là để cứu vớt, nâng họ lên khỏi vực sâu của bần cùng tội lỗi cho họ trở nên ‘giàu có’ vì được làm con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sự giàu có lại khiến con người dễ xa rời Thiên Chúa bởi mê lầm, tự mãn. Mê lầm vì nghĩ rằng của cải là cứu cánh có thể thỏa mãn tất cả, đem lại sung sướng và hạnh phúc – tiền có thể làm cho họ đạt được danh vọng, vinh quang và mọi thú vui ở đời – bởi thế mà ‘có tiền mua tiên cũng được’; và cũng từ đó dẫn đến tự mãn không cần Thiên Chúa, và tồi tệ hơn nữa là họ có thể quay lưng lại với Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể đạt được những ước muốn bất chính của mình. Vì vậy mà Đức Giê-su nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được” (Lc 16,13). Vì tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, hữu dụng, nhưng ngược lại nó sẽ là ông chủ xấu xa, độc ác.
Cuối bài Tin mừng, chúng ta thấy một câu có vẻ không ăn nhập gì lắm, nhưng thực ra là một ý hướng chủ đạo dẫn dắt bản văn: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (c. 30) Những kẻ ‘đứng chót’ ở đây – Đức Giêsu muốn nói đến những con người ‘nghèo’ của Tin mừng – những người sống khiêm tốn, chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào thế lực của giàu sang vinh hoa phú quí; họ là những kẻ được Thiên Chúa yêu thương, bênh vực và là những ‘người lớn’ trong nước trời (Lời kinh Magnificat). Bởi vì họ lấy Chúa là sức mạnh, là gia nghiệp của đời mình. Họ là những người khôn ngoan biết tích lũy kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể đục khoét hơn là tìm kiếm của cải phù vân (x. Lc 12,33); họ hiểu ý nghĩa và vị trí của tiền của, biến nó thành phương tiện để thi hành ý Chúa chứ không coi nó là mục đích của cuộc đời. Vì thế, họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và nước trời sẽ là phần thưởng của họ. (c. 28. 29).
Trong cuộc sống trần thế, có biết bao điều cám dỗ làm ta sống xa Chúa như của cải vật chất, thú vui trần gian. Thái độ của chúng ta thế nào? Chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ hay còn để tâm trí vướng bận với những điều trên? Chỉ khi chúng ta biết từ bỏ và sống theo lời Chúa dạy thì mới hi vọng đón nhận vinh phúc Nước Trời mà Người đã hứa ban.
Sự giàu sang đích thực không nằm trong của cải chúng ta nắm trong tay mà chính là ở những gì chúng ta chia sẻ và trao ban cho tha nhân. Sự nghèo khó đích thực cũng không phải là sự thiếu thốn của cải vật chất, mà chính là tấm lòng trong sạch luôn hướng mở đến những giá trị Tin mừng.
Huệ Minh
Suy Niệm 2
Thánh Bênađô, qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1153 tại Claivaux, phong thánh năm 1174 và được tuyên bố là tiến sỹ Hội thánh năm 1830, đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên một phần lớn thế kỷ XII mà người ta mệnh danh cách chính đáng là “thời kỳ thánh Bernard “. Vì thánh nhân thực sự là một trong những nhân vật chính của phương Tây Kitô giáo và mãi tới nay, vẫn thuộc số những vị thánh được yêu mến nhất.
Bênađô người Clairvaux sinh năm 1090 tại Fontaine-lès-Dijon, trong một gia đình lãnh chúa quyền quí. Thân phụ, ông Tescelin, là lãnh chúa Fontaine hiệp sỹ của quận công Bourgogne và thân mẫu, phu nhân Alets de Montbard, có nhiều con và con thánh. Bà Aleth sẽ được tôn phong là chân phước. Hai mươi ba tuổi, Bênađô quyết định trở thành tu sỹ dòng Xi-tô lúc ấy đang dưới quyền điều khiển của thánh Etienne Harding tu viện trưởng. Bề trên tu viện đang buồn bã vì thiếu thỉnh sinh tu dòng thì Bênađô tới, kéo theo ba mươi thanh niên quí tộc, trong đó một số là anh em. Ông bố và các anh em khác sẽ tiếp theo sau..
Sau ba năm tu tại Xi-tô, năm 1115, Bênađô được sai đến làm tu viện trưởng, thành lập dòng tại Clairvaux và sẽ làm bề trên tại đó cho đến lúc chết. Người chăm chú cuộc đời trong chiêm niệm nhưng đồng thời cũng chuyên tâm giảng thuyết và hoạt động, bương chải khắp các nẻo đường nước Pháp, nước Đức và nước Ý, giảng rao về an bình, nhưng cũng tuyên truyền cho cuộc thập tự sinh thứ hai (Véjelay 1146) theo yêu cầu của Đức giáo hoàng Eugène III từng là tu sỹ Clairvaux.
Suốt thời làm tu viện trưởng, thánh Bênađô chỉ chuyên trách về toàn dòng Xitô và đã thành lập sáu mươi tám nhà dòng mới. Cùng thời gian đó, trên hầu khắp châu Au xuất hiện nhiều nhà dòng mới, đến nỗi năm 1153 khi thánh nhân qua đời, đã có tới ba trăm bốn mươi ba nhà. Vậy nên người ta có lý khi gọi Người là vị sáng lập thứ hai Dòng Xitô.
Trang Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện thực tế về Nước Trời Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, đó là nội dung chính của công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng thấy những thái độ đáp trả khác nhau của mỗi người khi nghe Tin Mừng này. Người thanh niên trong Tin Mừng cũng là hình ảnh của chúng ta trong đời sống thường ngày hôm nay.
Trong xã hội, nhất là trong xã hội hiện tại. giá trị con người được đánh giá qua đia vị, danh vọng. Nói đúng hơn, lương bỗng ai cao, người đó có giá trị. Họ trở thành đại gia và được mọi người kính nể.
Đức Giêsu gặp một học trò hiếu học, thao thức mơ mộng tiến đức đến hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Mừng mừng vì anh này nhận biết và tín nhiệm mình, Đức Giêsu tỏ vẻ ngạc nhiên. Mới hỏi qua Ngài đã nghe anh trả bài thật suôn sẻ, anh cũng “tốt lành” từ bé ! Anh thảo hiếu với cha mẹ, không làm hại ai, không lấy gì của ai (công bằng tuyệt đối), nói gì đến giết người với cả ngoại tình ?
Đức Giêsu đòi hỏi thêm : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Đi bán rồi cho ? để nên trọn lành và theo làm môn đệ của Ngài? Nghe cái điều kiện cực kỳ khó khăn này, anh giật mình thất vọng ngán ngẩm và chạy…mất dép : “người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” Anh thì buồn rầu bỏ đi, còn Đức Giêsu thì buồn rầu nhìn theo bóng anh, mất khách!
Thật thế, cái sung sướng của anh là có nhiều của cải, bây giờ an thân rồi thì “phú quý sinh lễ nghĩa” thôi, chứ muốn tiến đức mà phải bỏ toàn bộ cái anh có, anh đang yêu thích ôm chặt lấy mà đem chia cho người khác thì còn gì để mà vui sướng vinh thân? Gia tài sản nghiệp hạnh phúc của anh chứ phải đâu chuyện đùa ? Làm sao anh lại dại dột mà vứt đi để theo làm môn đệ Ngài được ? anh không thể…Vậy mà muốn theo Đức Giêsu thì phải bỏ, phải quên, phải coi thường, phải sống như không có những thứ đó, mới thanh thoát lòng mà bước theo Ngài. Bước theo Ngài là sẵn sàng chia sẻ cho anh em những gì mình có mà không tiếc xót.
“Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”. Một câu hỏi xuất sắc, có giá trị đã nói lên điều anh thao thức đi tìm, đó là “ sự sống đời đời”. Anh đã hỏi về điều tốt, điều lành không phải thêm giàu sang, phú quí, nhưng để có sự sống đời đời. Sống trên đời này mà lòng anh đã mơ ước, nghĩ về đời sau. Nhưng Chúa Giêsu đã đưa anh tới cốt lõi vấn đề: “ Sao anh lại hỏi tôi về điều lành, điều tốt ? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi.” (c.17).
Nói đến đây, Ngài bỏ lửng. Ngài chẳng chỉ rõ ai là Đấng tốt lành hoặc giải thích thêm Đấng Tốt lành ở điểm nào. Chúng ta có thể nghĩ như vậy. Nhưng thực ra, người Do Thái nào cũng biết chỉ có Thiên Chúa là Đấng Tốt lành và điều tốt lành lành là chỉ được tìm kiếm nơi một mình Ngài mà thôi. Anh đang hỏi về điều tốt, vậy anh nghĩ gì vế Ngài. Ngài đặt vấn đề và gợi ý cho anh suy nghĩ.
Sau đó Ngài giúp anh trở về các giới luật mà theo đạo Do Thái là đủ tiêu chuẫn vào Nước Trời: “ Nếu anh muốn vào cõi sống hãy giữ các điều răn”. Và Ngài dẫn chứng một “lô” luật Môsê, những điều phải làm và những điều cấm làm, đã trích trong sách Xuất Hành chương 20 và Đệ Nhị Luật chương 5.
Khi nghe Chúa Giêsu nói về luật, anh nhanh nhảu đáp : Tưởng gì, chứ những điều ấy tôi đã giữ tốt, giữ trọn vẹn từ khi có trí khôn. Thật là một con người toàn vẹn cả đạo lẫn đời. Đây là mẫu gương mà nhiều người trong chúng ta mong ước. Xem như anh ta được cả phần xác lẫn phần hồn. Có lẽ khi trả lời Chúa Giêsu như vậy, lòng anh đã dâng trào niềm tự hãnh diện. Một bậc Thầy trong Israel đã nói lên những điều cẩn giữ, cần theo vẻ luật, anh ta không sai sót điều nào. Anh ta vẫn bám sát tư tưởng của Chúa Giêsu, đòi nằng nặc xem có còn điều gì mà anh thiếu sót không . “ …. tôi còn thiếu điều gì ?” (c. 20b).
Cuộc đối thoại đã đạt đến đỉnh điểm. Cái nút cần được tháo gỡ. Chúa Giêsu dẫn anh đến luật Môsê, đến các điều răn, một phần Ngài muốn khích lệ anh, phần khác Ngài muốn anh hiểu rằng: đó là điều căn bản anh đã giữ, bây giờ anh cần bước cao hơn, ngước lên cao mới đi tới cuộc sống đích thực. Sông luật là điều căn bản, nhưng để nên kiện toàn cần phải có lòng tin : “ Nếu anh muốn hoàn thiện, hãy bán tài sản đem cho người nghèo. Anh sẽ có kho tàng trên trời. Đến theo tôi” (c.21) . Đây là lệnh lên đường, lệnh dứt khoát triệt để. Đã đến lúc Chúa Giêsu muốn anh ta cắt bỏ mọi dây tơ vướng lòng.
Hơn nữa, có thể khi anh bán của cải là phần dư thừa và không cần thiết cho đời sống mai hậu, anh sẽ giúp một số người nghèo thoát cảnh bần cùng đói khổ; như thế anh góp phần xây dựng sự bình đẳng , lấp đầy hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo trong xã hội. Công việc của anh khiến cho nhiều thế giới này thêm vui tươi, con người xích lại gần nhau hơn, vũ trụ nở hoa tình đại đồng ấm áp.
Và rồi ta nghe thánh sử Matthêu kết luận : “Nghe lời đó, anh ta buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (c.22). Một câu kết luận ngắn gọn nhưng nói lên quan điểm của việc chọn lựa của anh thanh niên “ không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Lc 16,13).
Với Thiên Chúa anh có một khoảng cách. Anh chỉ đi đến đó và không muốn tiến xa hơn, không muốn nên hoàn thiện khi phải từ bỏ của cải mà anh đang bám víu, mà anh xem như là cứu cánh đời mình. Giờ đây của cải là “cái anh có”, anh đang biến nó thành “ cái là” của anh. Anh sẵn sằng khước từ lời mời cộng tác của Thiên Chúa, chỉ vì anh đã là nộ lệ cho của cải đời này.
Thái độ của người thanh niên cho thấy, của cải như một thứ keo dính đeo bám vào con người khiến họ không thể rời xa được “đồng tiền đi liền khúc ruột” là thế. Của cải tự nó không có gì là xấu, nhưng vì con người bị mê hoặc và tôn thờ nó như một thứ thần thánh, nó có sức lôi cuốn mãnh liệt, là vật cản vô hình khiến người ta không đến được với sự sống đời đời. Của cải có sức trói buộc khiến người ta mất ăn mất ngủ, mất cả mạng sống và linh hồn.
Có hai điều kiện để đạt đến sự sống đời đời là tuân giữ những lời Chúa dạy và từ bỏ mọi của cải vật chất trần gian. Thực hiện được hai điều kiện này quả là điều khó vì chúng ta còn mang thân phận yếu đuối. Chúng ta không đủ khiêm tốn và tin tưởng để trao phó cuộc đời cho Thiên Chúa lo liệu nên chỉ lo tìm sự bảo đảm nơi tiền bạc vật chất. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta bán đi tất cả và chỉ đi tìm Nước Thiên Chúa mà thôi.
Huệ Minh