Suy Niệm Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên B

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 7: 11-17)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà góa kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo và rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi người thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó. Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.
Suy niệm
Tin Mừng Lc 7: 11-17

Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.

Trang Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến phép lạ được thực hiện do tình thương của Chúa. Trước cảnh bà góa đang đau đớn vì cái chết của đứa con trai duy nhất, “Chúa chạnh lòng thương,” cho anh sống lại và “trao anh ta cho bà mẹ.” “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” để đem sự sống cho dân mình, không chỉ sự sống lại của thân xác thể lý, nhưng cả sự sống thần thiêng của Thiên Chúa. Sự sống đời đời ấy không phải nơi thế giới bên kia, nhưng đã bắt đầu ngay hôm nay.

Ta thấy Tin Mừng ghi lại biến cố Chúa Giêsu phục sinh người con trai bà góa thành Nain, để minh chứng Ngài là Đấng Messia, là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Phép lạ này phát xuất từ con tim yêu thương của Chúa Giêsu. Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp chữa lành. Ngài cứu giúp chỉ vì Ngài động lòng trắc ẩn, động lòng thương trước những khổ đau của con người. Khổ đau lớn nhất trên đời là mất đi người thân trong gia đình. Người thân đây lại là người con trai duy nhất của người mẹ góa. Nỗi đau của bà mẹ góa thật là to lớn. Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước cảnh mẹ goá con côi, tre già khóc măng non. Chúa Giêsu cứu sống người con trai để đem lại cho bà niềm vui hy vọng cho cuộc sống: “Chúa Giêsu trao anh ta cho bà mẹ”.

Người góa phụ, như một “đứa con thinh lặng”, chẳng thốt lên một lời nào. Bà không cầu xin được giúp đỡ; tác giả không nói rằng bà góa ấy có lòng tin vào Chúa Giêsu, hay bà đã đi theo Người, hoặc là bà đã nghe biết về Chúa Giêsu và quyền năng của Người. Chẳng có yêu cầu trông mong nào đối với phép lạ ấy. Không, đây là một câu chuyện về sự khó khăn túng thiếu của con người.

Thế nhưng, điều đó chưa phải là đã kết thúc, như người ta vẫn nói: “nhìn vậy chứ không phải vậy” (hoặc tất cả những chứng cứ chưa nói lên được điều gì). Cái chết không phải là kết thúc câu chuyện bà góa và của cả chúng ta nữa. Bởi lẽ, Chúa Giêsu đã đến và trông thấy nhu cầu của con cái Chúa đang lặng thầm. Người cho đứa con trai của bà góa được sống lại, và hơn thế nữa, Người còn cho bà góa cũng được sống lại. Nỗi đau buồn hiện tại của bà đã được cất khỏi, bà lại có niềm hy vọng vào tương lai 

Trong cảnh tang thương đó, bà đau buồn khóc lóc thảm thiết, đến nỗi rất đông dân thành đã đi tiễn biệt con của bà, thì Chúa Giêsu cũng xuất hiện đứng bên quan tài. Với quyền năng của Thiên Chúa đầy lòng thương xót những người cùng khổ như bà góa này, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người, Chúa Giêsu đã mủi lòng thương, khẽ an ủi bà : “Bà đừng khóc nữa”, rồi sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Chúa Giêsu nói : “Này người thanh niên, ta bảo anh : Hãy chỗi dậy” ! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng thấy chạnh lòng thương đối với bà góa có một người con trai mới chết đem đi chôn. Chúa Giêsu hiểu thấu tâm trạng của bà : mất chồng, mất người con nâng đỡ mình trong tuổi già, thiếu người bênh vực, sống cô đơn… Tuy không ai xin Ngài làm phép lạ cứu sống đứa con ấy, nhưng chính Ngài đã ra tay, Ngài khuyên bà đừng khóc nữa, truyền cho người thanh niên chỗi dậy và trao anh ta cho mẹ nó.

Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết.

Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: “Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá”. Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.

Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.

Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, nhất là khi gặp buồn đau, khó khăn, tai ương hoạn nạn, đau yếu bệnh tật… như trường hợp bà mẹ góa thành Nain. Chúa Giêsu an ủi bà “đừng khóc nữa”. Ngài đã làm cho con bà sống lại và trao cho bà. Niềm vui sướng trở lại với bà. Người Kitô hữu không được chán nản, ngã lòng trước những đắng cay cuộc đời, vì Thiên Chúa là người Cha luôn ở với chúng ta, giúp đỡ, an ủi chúng ta.

Sự kiện con trai bà góa thành Na-im được Ngài cho sống lại là hình bóng báo trước biến có vô cùng lớn lao hơn. Biến cố đó là cốt lõi của đạo, là trung tâm điểm của Kitô giáo. Đó là nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu mà tất cả cúng ta được giải thoát khỏi cái chết muôn đời.

Qua phép lạ này, noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy học để biết thông cảm với mọi người, chúng ta không thể dửng dưng trước những đau khổ của con người, vì qua phép Rửa tội, chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã thâm hiểu chân lý này khi ngài khuyên nhủ tín hữu Rôma : “Anh em hãy vui củng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12, 15), vì trong một thân thể, bất cứ một chi thể nào cũng có tương quan đến chi thể khác.

Huệ Minh