Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 11: 37-41)
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi vào bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng: “Tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa”. Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén dĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.
Suy niệm: Tin Mừng Lc 11: 37-41 Bỏ đi lối sống hình thức
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại một người Pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa. Vừa vào nhà, Chúa Giêsu “liền vào bàn ăn”: nghĩa là Ngài không rửa tay trước. Nhóm Pharisêu coi các nghi thức thanh tẩy rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý, nhằm tẩy xóa những ô uế mà ta có thể vô tình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi. Trong câu chuyện này, không phải Chúa Giêsu quên, mà đó là lập trường cố hữu của Ngài (x. 11,14-29). Dĩ nhiên người pharisêu ấy ngạc nhiên và thầm khó chịu trong lòng.
Việc rửa tay trước khi dùng bữa là một nghi thức, là một nếp sống theo truyền thống chứ không phải là một giới răn bắt buộc. Ðây là một nghi thức tự nó không có tính cách bắt buộc tuyệt đối. Nhưng những người biệt phái đã có thái độ câu nệ vào đó một cách thái quá, đến độ dùng nó như là một mẫu mực để phán xét giá trị của một người. Chúa Giêsu không để mình phải lệ thuộc vào một nghi thức bề ngoài này, và đối với Ngài, tâm hồn trong sạch, tuân giữ luật Chúa là điều quan trọng hơn. Chúa Giêsu đã trách thái độ giả hình của người Pharisiêu: “Các ngươi lo rửa tay, rửa chén dĩa cho sạch, mà không lo thanh luyện tâm hồn trong sạch, để tâm hồn mình đầy sự gian ác, mánh mung”.
Như thế, tương quan của Chúa Giêsu với những người Pharisêu không quá căng thẳng như chúng ta tưởng ; hơn nữa, mời nhau đến dùng bữa tại nhà, là dấu chỉ của một sự thân thiện đặc biệt. Tuy nhiên, cứ mỗi lần như thế, Chúa Giêsu lại mạc khải sự “khác biệt thần linh” của ngài đối với những người Pharisêu và qua họ, đối với chúng ta và với cả loài người.
Ta thấy qua việc này Chúa Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những quy định về nghi thức; bên trong là lòng đạo đức thật. Nhóm Pharisêu chỉ chú trọng tới cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.
Ông Pharisêu thật có lý khi lấy làm lạ, vì Chúa Giêsu không rửa tay trước bữa ăn. Đó không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng rửa tay còn là một nghi thức thanh tẩy. Phải thanh tẩy, hay nói rộng hơn, phải chuẩn bị mình, cả bên trong lẫn bên ngoài, trước khi dùng bữa, bởi vì bữa ăn là ân huệ Thiên Chúa ban. Cũng giống như nghi thức sám hối khi chúng ta bắt đầu cử hành Thánh Lễ, và cũng giống như nghi thức rửa tay của linh mục trước khi bước vào nghi thức truyền phép.
Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.
Ta thấy người Do thái đã vượt xa chúng ta trong việc nhận ra ơn huệ Thiên Chúa, vì đối với họ, bàn ăn đời thường là “bàn thánh”, và bữa ăn hằng ngày cũng là một ơn huệ trọng đại Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa và được hiện tại hóa mỗi ngày (St 1, 29 ; Tv 136, 25). Do đó cần phải được thanh tầy trước khi dùng bữa. Hành vi chuẩn bị mình để đón nhận ơn huệ Thiên Chúa ban, là bữa ăn hằng ngày, quả thật là một hành vi vừa đẹp, vừa đúng và vừa hay.
Thật thế, cũng giống như chúng ta cử hành các nghi thức, với thời gian, các nghi thức đánh mất đi ý nghĩa đích thực, và chỉ còn là hình thức bên ngoài. Tệ hại hơn nữa, người ta còn nghĩ rằng nghi thức này làm cho người ta tự động, như ma thuật, trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa ! Chúa Giêsu không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài : “Nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.
Lời nói và đời sống của một số người Biệt phái giống như lời ngôn sứ Isaia nói : “Dân này kính Ta trên môi trên miệng, nhưng lòng họ lại xa Ta” (Is 29,13) hay như một số Thánh Vịnh đã viết : “Miệng thì chúc phúc cầu an, mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.” (62, 5); “Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người” (78,36). Đức Kitô không chấp nhận lối sống đó. Ngài muốn có sự hài hòa giữa cái bên ngoài với cái bên trong. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau.
“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” Nhiều khi ta lo chăm chút dáng vẻ đạo đức bên ngoài mà bên trong vẫn bị rỗng tuếch. Nhưng ngược lại cái bên trong tốt sẽ tác động, thổ lộ, diễn tả ra bên ngoài. Nét mặt tươi vui, hiếu hòa là dấu chỉ tâm hồn trong sạch, sự thanh thoát, lòng yêu mến từ bên trong phát ra. Lòng bác ái vị tha bên ngoài còn nói lên sự trong sạch từ bên trong.
Thiên Chúa biết sự kiêu căng, sự tham lam và hung ác của con người. Ngài khuyên con người hãy sống “hiền lành và khiêm tốn” (Mt 11, 29) để không có hành vị xấu làm hại tha nhân. Cần loại trừ chúng để không dẫn đến tội như hãm hại, giết người… Đi xa hơn nữa, Ngài kêu gọi : “Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”. Để “bố thí” những lời nói, việc làm đầy tình thương, điều trước tiên, mọi người phải học nơi Chúa những điều tốt, rồi đem chúng ra thực hành.
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.
Huệ Minh