Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (6:16-21)
16 Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ,17 rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông.18 Biển động, vì gió thổi mạnh.19 Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ.20 Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!”21 Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.
Suy Niệm: Trang Tin Mừng hôm nay kể lại nỗi khiếp sợ của các môn đệ Chúa Giêsu trong chuyến vượt biển giữa đêm mưa bão. Khi không có Chúa, nỗi sợ hãi bao trùm toàn bộ con thuyền của các môn đệ. Các ông sợ mọi thứ, đến nỗi thấy Chúa đến lại tưởng là ma. Nhưng rồi, chỉ một lời trấn an khi Chúa Giêsu đến cùng các ông: “Thầy đây, đừng sợ!”, mọi nỗi sợ hãi cùng với cơn bão liền tan biến mất và con thuyền được cập bến bình an.
Câu chuyện này tiếp liền theo phép lạ hóa bánh ra nhiều muốn dạy cho các môn đệ biết rằng Chúa Giêsu chẳng những có thể ban lương thực cho dân chúng ăn, mà còn ban sức mạnh tinh thần và sự che chở an toàn cho các môn đệ.
Trong Thánh kinh, câu “Đừng sợ” được nói 365 lần. Tức là đủ để chúng ta nhắc lại mỗi ngày trong suốt một năm.
Ta thấy một trong những yếu tố dẫn đến thất bại, đó là sợ hãi, thiếu tin tưởng. Chỉ một thoáng bối rối hiện trên nét mặt cũng đủ để đối thủ chiếm được ưu thế. Tin mừng hôm nay cũng nói đến sự sợ hãi bối rối nơi các tông đồ. Có lẽ chẳng phải do tình cờ mà các thánh sử đặt phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt biển liền sau phép lạ bánh hóa nhiều. Cả hai phép lạ đều có chung một chủ đề là quyền năng của Chúa Giêsu trên thiên nhiên và trên những vật vô tri giác, và trước mỗi phép lạ các môn đệ đều bị đẩy vào tình trạng lo sợ. Thương xót đoàn dân theo Ngài. Chúa Giêsu bảo các môn đệ kiếm bánh cho họ ăn, nhưng giữa nơi hoang địa làm sao có đủ bánh cho chừng ấy người.
Sau đó Ngài lại giục các ông sang bờ bên kia trước, trong khi Ngài ở lại giải tán dân, và rồi thuyền các ông gặp cơn bão táp. Làm như thế, không phải Chúa có ý bỏ rơi các ông, nhưng chỉ muốn các ông có cơ hội củng cố niềm tin. “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Ngài vẫn ở gần và quan tâm đến các ông. Ngài cũng muốn dạy họ một lúc hai điều: con người rất yếu ớt mỏng dòn, con người cần có Chúa che chở.
Trong cuộc sống, rất nhiều khi chúng ta cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ mặc cho bão táp xô đẩy. Thật ra Ngài vẫn có đó. Ngài ban cho chúng ta lý trí tự do, ý chí và ân sủng để có thể lướt qua sóng gió cuộc đời. Có thể đến khi thuyền cập bến chúng ta mới được đối diện với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà cho rằng Ngài vắng mặt, bởi vì Ngài thấy trước những gì sẽ xảy ra và những gì Ngài sẽ làm.
Là người ai cũng có nỗi sợ. Sợ đêm tối. Sợ cô đơn. Sợ thất bại.. . Nỗi sợ nào cũng làm cho con người hoang mang, cũng làm cho con người bị hạn chế trong công việc.
Các môn đệ Chúa Giêsu cũng thường sợ. Họ sợ mất Thầy. Họ sợ bị chống đối. Họ sợ sự dữ. Thế nên, Chúa luôn mời gọi các ông: “đừng sợ”. Đừng sợ vì Chúa luôn ở cùng họ. Đừng sợ vì Chúa đã thắng thế gian. Chúa cũng trách họ, vì họ thiếu lòng tin nên mới sợ: ” Sao các ngươi sợ? không có đức tin sao?”. Thì ra sợ hãi có nguyên nhân là không có lòng tin vào Chúa quyền năng. Thiếu đức tin vào Chúa nên con người mới sợ. Thiếu đức tin nên khi gặp một chút gian nan con người đã hoài nghi về sự hiện diện của Chúa.
Sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời hôm nay rất quan trọng. Đó là điều kiện để chúng ta sống đức tin; bởi sau khi được dưỡng nuôi bằng bánh hằng sống, sau một kinh nghiệm đức tin mạnh mẽ, chúng ta lại ra đi với tâm trạng lo âu, hầu bắt tay vào cuộc sống chẳng mấy sáng sủa chút nào. Nhất là đứng trước các sự kiện mới sảy ra trên khắp thế giới, động đất, sóng thần, tai nạn, gió lốc, chiến tranh, đã làm biết bao nhiêu người chết nhanh đến nỗi họ không kịp nghĩ là mình sẽ chết nhanh như vậy…v.v. biết bao nhiêu khó khăn chồng chất, cơm áo, gạo tiền, xăng dầu lên giá, mọi thứ đều tăng giá nhưng lương tháng và lương tâm thì không tăng, lúc đó Chúa ở đâu?
Bấy giờ những câu hỏi cứ vang lên; vì sao Chúa Giêsu lại không đến với chúng ta? Vì sao Ngài không đồng hành với chúng ta? Câu trả lời; cần phải biết là có những lúc Chúa muốn chúng ta phải đi một mình mới thấy được con người bất toàn và yếu đuối của mình để luôn biết cậy trông vào Chúa, đức tin của chúng ta không san bằng được mọi khó khăn, bão táp, không xóa đi được mọi cạm bẫy, gian nan.
Tại sao Chúa không cùng đi với các môn đệ, phải chăng Chúa muốn thử lòng, và tập cho môn đệ biết can đảm đương đầu với sóng gió thiêng liêng sau này bằng cách ý thức rằng, Chúa luôn săn sóc họ. Kinh Thánh nói Chúa ngủ, nhưng trái tim Người vẫn thức.
Sự kiện này cũng lưu ý chúng ta: đời ta là cuộc vượt trùng dương để về cùng Thiên Chúa vì Chúa là hạnh phúc là vinh quang duy nhất cho ta, và cho mọi người, cũng như trùng dương luôn có sóng gió, thì trần gian này cũng đầy dẫy cạm bẫy còn nguy hiểm hơn sóng gió giữa trùng dương, vì một đàng quỷ dữ là kẻ thù truyền kiếp đối với ta, hai là thế gian với bao thói hư tật xấu nhằm lôi cuốn chúng ta vào các tệ đoan tai hại nhất, xác thịt ta bao giờ cũng xu hướng về những sự chóng qua, và thoả mãn thú tính.
“Thầy đây, đừng sợ”. Hãy đến với Chúa qua Bí tích Thánh Thể để rước Ngài vào tâm hồn cuộc sống thì sẽ được an ủi và bình an. Như xưa, sự hiện diện trong bữa tiệc của Chúa tại Cana, giúp xua tan mọi thất vọng của đôi tân hôn khi đang tiệc thì hết rượu, sự hiện diện của Chúa nơi gia đình Betania, đã biến nỗi buồn chết chóc thành niềm vui sự sống lại của Lazaro. Chắc chắn sự hiện diện của Chúa nơi cuộc đời chúng ta, cũng sẽ giúp xua tan mọi sợ hãi và chán nản trong cuộc đời, nhất là giúp chúng ta luôn vững tin vào Chúa vì Ngài không bỏ chúng ta, để tiến bước mạnh mẽ trên con đường sống chứng nhân cho Ngài.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi hiện diện giữa loài người, Như thế, có thể kết luận rằng nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa để có thể tin nhận mạc khải của Chúa về Bí Tích Thánh Thể, về Bánh Hằng Sống. Hai việc này luôn đi đôi với nhau: tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thì sẽ tin nhận bí tích Thánh Thể. Ngược lại, nếu không tin Chúa Gêsu Kitô là Thiên Chúa thì cũng không thể tin vào Thánh Thể, và nếu không tin vào Thánh Thể thì cũng không tin vững mạnh vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Chúa Phục Sinh đang hiện diện cách nhiệm mầu ở giữa cuộc đời này và Ngài cũng đang nói với mỗi người chúng ta: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Bạn và tôi có dám tin vào sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa ở giữa chúng ta như dân Chúa xưa, như các môn đệ xưa hay không?
Sở dĩ đời ta vẫn còn băn khoăn, lo lắng, sợ hãi đủ điều giữa biển đời sóng gió này là vì ta chưa dám phó thác cách tuyệt đối vận mạng ta ở trong tay Chúa!
Trong cuộc sống, rất nhiều khi người kitô hữu chúng ta cảm thấy như bị Thiên Chuá bỏ mặc cho bão táp xô đẩy. thật ra Ngài vẫn có đó. Ngài ban cho chúng ta lý trí tự do, ý chí và ân sủng để có thể lướt qua sống gió cuộc đời. có thể đến khi thuyền cập bến chúng ta mới được đối diện với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà cho rằng Ngài vắng mặt, bởi vì Ngài thấy trước những gì sẽ xảy ra và những gì Ngài sẽ làm.
Con thuyền của các môn đệ khi xưa giúp ta liên tưởng đến cuộc sống mỗi người hôm nay. Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy tin tưởng, phó thác trọn vẹn cuộc đời cho Chúa. Một khi đã tìm gặp được Chúa trong đời sống cầu nguyện, cho dù cuộc sống có gặp bao nhiêu sóng gió bão bùng, ta vẫn luôn bình an vì tin rằng Chúa luôn yêu thương và chăm sóc cuộc đời ta từng giây phút. Dẫu lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, hãy luôn nhớ rằng Chúa vẫn đang bước đến, Người sẽ đạp đầu cơn sóng dữ mà đưa con thuyền cuộc đời ta cập bến an bình. Có Chúa hiện diện trong đời, chúng ta sẽ không còn sợ hãi lần mò trong đêm tối, thay vào đó là những bước chân bình an trong Ánh Sáng Phục Sinh của Chúa soi đường.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn thắng vượt nỗi sợ hãi bằng đức tin trung kiên vào Chúa. Dù cuộc sống có những khó khăn, những gian nguy, thử thách nhưng luôn tin vào quyền năng Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua. Xin Chúa luôn củng cố đức tin còn yếu kém nơi chúng ta.
Huệ Minh