Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca ( Lc 18,9-14)
9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Ta đã bước vào ngày cuối tuần thứ III Mùa chay, lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, canh tân đổi mới đời sống của bản thân và gia đình vẫn khẩn thiết được gửi đến từng người trong chúng ta từ linh mục đến tu sĩ và giáo dân. Việc sám hối trở về là việc của mọi người, tuy nhiên có nhiều người trong chúng ta vẫn chưa có một quyết định thay đổi cụ thể nào, lý do vì họ không nhận ra những sai lầm thiếu sót của mình, là vì họ làm sai mà cứ cho là đúng, họ để cho sự kiêu căng tự mãn che khuất nên không thể nhìn thấy rõ thực chất tình trạng con người của mình.
Khi cầu nguyện là đặt cả con người của mình trong mối tương giao thân mật với Thiên Chúa. Cần biết rõ thân phận của mình vốn yếu đuối mỏng dòn, dễ sa ngã trước những cám dỗ của danh vọng, tiền tài, lạc thú mà làm những điều mất lòng Thiên Chúa, xúc phạm đến danh thánh Người và xúc phạm đến nhân phẩm những kẻ đang sống chung quanh; Vì thế, phải khiêm hạ và chân thành trước Thiên Chúa toàn năng, Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, để nhận ra những sai trái trong việc mình làm mà xin lỗi Ngài.
Tin mừng thánh Matthêo nhắc đến hai người cùng lên đền thờ để cầu nguyện, nhưng thái độ và tâm tình thì hoàn toàn khác nhau. Người Pharisêu thì “đứng thẳng”, tạ ơn Chúa vì những thành tích mà mình đạt được : “ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi “. Còn “người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội “. Tâm thế của hai người hoàn toàn khác nhau. Chúa Giêsu đã kết luận rằng : người thu thuế ” ra về được khỏi tội, còn người kia thì không “. Khẳng định ấy của Chúa thật khiến nhiều người bỡ ngỡ. Nếu xét cho kĩ, thì chúng ta có thể hiểu rằng : Người Pharisêu không được đẹp lòng Chúa vì ông ta kiêu ngạo ” tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác “. Còn người thu thuế thì thất vọng về bản thân và nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng khiêm cung tín thác của người thu thuế đã làm hài lòng Thiên Chúa.
Sự kiêu căng tự mãn nó cũng che khuất con mắt của người biệt phái hôm nay, anh ta lên đền thờ với tư thế hiên ngang tự đắc, anh nghĩ rằng các thành tích anh đã làm khiến cho Thiên Chúa phải “nể” anh và mắc nợ anh. Thực sự người biệt phái này không hề cầu nguyện, mà anh đang làm một bản báo cáo thành tích của chính mình và kể lể công trạng trước mắt Chúa: Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười thu nhập hằng ngày. Việc làm ấy quá tốt, vượt trên cả luật lệ quy định về ăn chay, thế nhưng, anh ăn chay không phải để đền tội hy sinh, cũng không phải để chuẩn bị đón Đấng Mesia như ý nghĩa ban đầu của nó, mà anh ăn chay và giữ luật chỉ để cho thấy anh hơn người khác. Chính vì thế, ngay từ lời mở đầu anh đã có ý so sánh mình với người khác: Lạy Chúa tôi tạ ơn Chúa vì tôi không như bao kẻ khác, tham lam bất chính, ngoại tình hay như tên thu thuế kia.
Không chỉ so sánh công trạng của mình với ngưới khác, nhưng anh còn tỏ vẻ khinh miệt người thu thuế kia, và cứ như anh đã nói, thì có thể thấy anh coi nhưng người khác là những người tội lỗi và phạm những cái tội mà anh không hề phạm, chứng tỏ anh tốt hơn họ rất nhiều, anh thầm muốn nói điều đó qua lời cầu của mình.
Trong khi đó, người thu thuế nhận ra tình trạng khốn khổ tội nghiệp tội lỗi bất xứng của mình, anh không dám ngửa mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực cầu nguyện với lòng sám hối chân thành: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Anh không dám kể lể gì, vì anh thấy mình chẳng có công trạng gì, anh đã nhìn thấy sự thiếu sót khiếm khuyết và tội lỗi của mình, anh biết rằng vì nghề nghiệp, vì cuộc sống mà anh đã phải làm một cái nghề bị xã hội đương thời kết án là ô uế tội lỗi, vì anh đã thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người và vì sự cuốn hút của đồng tiền khiến anh cũng không thể cầm lòng được.
Chính vì ý thức và nhìn thấy thực trạng con người của mình trước mặt Chúa và trước mặt mọi người, nên anh chỉ còn biết kêu xin lòng thương xót và sư tha thứ của Thiên Chúa.
Về phía Thiên Chúa, Ngài chỉ chờ đợi có như thế Ngài chỉ mong muốn không phải là những thành tích dài dòng, không phải là những báo cáo tổng kết, mà là một “tấm lòng tan nát khiêm cung”, tan nát vì hối hận, vì thấy rằng mình đã làm tổn thương đến tình yêu của Thiên Chúa là Cha, khiêm cung vì nhìn thấy mình hoàn toàn bất xứng đáng bị trừng phạt hơn là được khoan dung, khiêm cung để nhìn thấy được tình yêu và lòng quảng đại tha thứ của Chúa. Thiên Chúa muốn và chờ đợi thái độ như thế, và vì thế, câu chuyện cho thấy Chúa Giêsu tuyên bố:Người thu thuế khi trở về thì được tha thứ và nên công chính, còn người biệt phái thì không.
Sự công chính là ân huệ Thiên Chúa chỉ ban cho những ai trung thành tuân giữ lề luật trong tinh thần khiêm hạ và yêu mến thánh danh Ngài.Trong cuộc sống hôm nay, đôi lúc chúng ta cũng giống như người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn, tự đánh bóng thành quả những việc lành, đạo đức trong cuộc sống, và coi như là “tấm vé” đảm bảo được vào Nước Trời, dù chúng rất nhỏ nhoi. Thiếu lòng khiêm hạ chân thành, chúng ta dễ dàng đề cao chính mình và coi thường người khác; bởi đó là lằn ranh phân biệt giữa người công chính và kẻ tội lỗi, bất toàn.
Trong thực tế cuộc sống, ta thấy con người thường hay nâng mình lên, đặt mình làm trung tâm. Mỗi người Kitô hữu chúng ta khó có thể thoát khỏi não trạng ấy. Chúng ta thường tự mãn với những việc đạo đức mình đã làm và không cần tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa nữa. Lúc đó, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không được đẹp lòng Chúa. Để lời cầu nguyện được Chúa thương chấp nhận, chúng ta hãy khiêm hạ đặt mình trước mặt Chúa và nài xin lòng thương xót của Chúa.
Huệ Minh