Suy Niệm Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6: 60-69)

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá, ai nghe cho được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện đó, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Những lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống, nhưng trong các ngươi có một số người không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những người không tin, và kẻ nào sẽ nộp Ngươi. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: “Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bầy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm muời hai rằng: “Cả các con nữa, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa với Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa”.

SUY NIỆM 1

Bối cảnh của Tin Mừng hôm nay là biến cố nhiều người Do Thái đã vấp ngã vì không thể đón nhận mặc khải về tình thương hiến mình của Chúa qua diễm từ về bánh hằng sống. Chúa đã muốn mặc khải về việc lập bí tích Thánh Thể để trao ban cho họ chính Thịt và Máu của Chúa, làm của ăn nuôi sống xác hồn, để có sự sống trường sinh. Nhưng người Do Thái cảm thấy chói tai và đã khước từ Chúa. Nhân cơ hội ấy, Chúa Giêsu đã chất vấn các môn đệ của Chúa “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”. Nói đúng hơn Chúa hỏi các muôn đệ có muốn chọn Chúa như sự sống vĩnh hằng hay chối từ Chúa.

Người Do Thái xưa đã không đón nhận được những mặc khải của Chúa là vì họ không biết mở lòng để đón nhận Chúa. Họ chỉ nhìn vào thực tại tự nhiên của con người mà xét đoán. Đối với họ, Chúa Giêsu chỉ là một con người bình thường như bao người khác, sinh ra và lớn lên trong một gia đình “con bác thợ mộc”. Một gia cảnh không lấy gì là đáng chú ý. Do vậy, dù Chúa có làm điều gì đó lớn lao, vĩ đại cũng không được họ hoàn toàn đón nhận. Do đó, họ đánh mất cơ hội được trở nên môn đệ của Chúa.

Được trở nên môn đệ của Chúa nhờ bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta còn được Chúa nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể, để chúng ta mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn như Chúa hằng mong mỏi. Nhưng nhiều khi chúng ta lại không muốn chọn lựa nguồn sinh lực quí giá ấy. Chính cuộc sống hằng ngày của nhiều Kitô hữu hôm nay đã nói lên điều ấy. Người ta chỉ còn muốn đón nhận Chúa một lần một tuần vào các ngày Chúa Nhật. Như thế, người ta không thích chọn cho mình nguồn sự sống thần thiêng mà Chúa ban cho qua bí tích Thánh Thể.

      Lạy Chúa Giêsu, thật vô phúc cho chúng con nếu khi từ chối chọn lựa nguồn lương thực quí giá là chính Mình và Máu Chúa; hay chỉ thích chọn lựa cho mình những lương thực rẻ tiền của con người. Nếu có chọn lựa như thế, cuộc sống chúng con sẽ không có sức sống của Chúa; sẽ phải khổ đau và yếu đuối. Xin Chúa ban ơn hoán cải và tha thứ cho chúng con; xin cũng giúp chúng con không ngừng siêng năng đón rước Mình Máu thánh Chúa, như lương thiêng trường tồn. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Tin Mừng Ga 6: 60-69

Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh từ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn mà còn dư lại mười hai thúng đầy, dân chúng bị choáng ngợp, họ muốn tôn Chúa lên làm vua. Họ phản ứng như thế do sự phấn khích và cũng là để mong được Chúa đáp ứng những nhu cầu thường ngày. Chúa Giêsu biết điều đó, và để tránh những hiểu lầm, Chúa đã lánh đi một nơi khác.

Ta thấy Thánh Gioan thuật lại : “họ lên thuyền đi Capharnaum tìm Ngài”. Họ gặp lại Chúa trong bầu khí thanh thản hơn, Chúa muốn hướng họ đến một điều gì mới mẻ hơn chứ không phải chỉ dừng lại ở những thứ họ đang tìm kiếm. Chúa giải thích cho họ, không phải là : con người phải làm gì để Thiên Chúa ban cho mình những thứ vật chất thường ngày, mà là : Thiên Chúa đang làm gì trong đời sống con người, những công việc Thiên Chúa làm là để đưa con người đến được với ơn cứu độ.

Thật vậy, Chúa muốn hướng họ, từ Manna trong hành trình về đất hứa, đến Bánh Hằng Sống là chính Thịt và Máu Chúa trên hành trình về Nước Trời, từ lương thực thiết yếu nuôi thân xác đời này đến lương thực thần linh cho sự sống đời đời; từ vật chất sang tinh thần, từ trần thế sang thiêng liêng, từ thực nghiệm sang lãnh vực đức tin luôn là một thách thức mà con người phải vượt qua nếu muốn gặp được Thiên Chúa.

Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay cho thấy, nhiều môn đệ Chúa Giêsu không thể đón nhận được những lời Chúa dạy khi Chúa nói với họ : “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”. Họ chưa thực sự mở lòng mình ra để có thể đón nhận được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện để cứu độ con người, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.(Lc 1,37).

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe nằm trong những đoạn cuối của chương 6. Chương 6 là chương mà ngày xưa đầy thách đố về niềm tin với người Do Thái, các môn đệ và ngay cả đối với chúng ta ngày nay. Thách đố này lên đến đỉnh điểm khi Chúa Giêsu khẳng định một cách mạnh mẽ: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi sẽ được sống muôn đời”. Chủ từ “ Con Người” nay được chuyển đổi và bộc lộ rõ rệt: Tôi… chính thịt và máu Tôi. Chúng ta hãy cùng với Thánh Gioan tông đồ bước vào kết thúc của bài diễn từ rao giảng về niềm tin vào chân lý này. Một kết thúc không mấy lạc quan nhưng đó lại là kết quả của một niềm tin trọn vẹn.

Mở đầu tang Tin Mừng, trong câu 60 thánh sử viết “Nghe rồi…”, nghiã là bài giảng về Bánh Hằng Sống đã kết thúc ở câu 58. Các môn đệ của Chúa Giêsu nghe xong “liền nói..”. Đây là một phản ứng tức thì như đã ủ ấp bấy lâu, nay chín mùi “ Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?”. Câu nghi vấn này cho thấy số lượng người phản ứng không nhỏ. Phần đông trong họ đang đứng trước thách đố niềm tin, một thách đố quá lớn dưới nhãn quan của họ. Họ chỉ thấy một Chúa Giêsu lịch sử đang đứng trước mắt họ mà thôi.

Chúa Giêsu hiểu được tâm trạng ấy của các môn đệ, Ngài bảo : Điều ấy các anh đã làm chướng ? Vậy sao chấp nhận được khi thấy Con Người được tôn vinh, được nhắc lên cõi trời cao, lên ngự bên hữu Chúa Cha ? (c. 61-62). Nghĩa là các ông không thể chấp nhận nổi thiên tính của Ngài : Con Thiên Chúa và là Ngôi Hai Thiên Chúa. “Lên nơi đã ở trước kia” nghĩa là Ngài đã có từ đời đời. Ngài vượt lên trên sự sống tự nhiên này. Ngài thuộc về thế giới vô hình, có cùng bản thể và cùng quyền năng với Chúa Cha – Đấng Tạo Thành và là Thiên Chúa của họ. “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.

Lời Thầy nói với anh em là thần khí và sự sống” (c.63). Đây là tầm quan trọng của Lời. Lời Ngài đem lại sự sống thần linh, sự sống siêu nhiên. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng biết  : lời của Ngài không được một số người đón nhận “ trong anh em có những kẻ không tin” (c.64). Họ không tin nên mới từ chối, thậm chí đã phản bội Ngài. Còn những ai đón nhận lời Ngài, thì không do cảm tính hay nỗ lực của con người nhưng bắt nguồn từ ơn thánh của Thiên Chúa “ Không ai đến được với Thầy, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (c.65).

Và rồi, xét cho bằng cùng, ta thấy chính Chúa Cha ban ơn và lôi kéo con người đến với Con Ngài, giúp họ hiểu và tin vào lời Con Ngài rao giảng. Qua câu nói này, các môn đệ như ngậm hiểu sự quan trọng về địa vị và vai trò của Đức Giê-su, vì những ai muốn đến với Chúa Giêsu, người ấy phải được Chúa Cha lôi kéo, ban ơn. Vì thế, người Do Thái đã hiểu lầm rằng : Chúa Giêsu là một con người mà dám xem mình ngang hàng với Thiên Chúa, thậm chí có vẻ cao hơn Chúa Cha nữa, nên nhiều môn đệ rút lui (c.66 ). Họ chối từ theo Ngài, chối từ gọi Ngài là Thày, chối từ giáo huấn và đường lối của Thiên Chúa.

Kết thúc mang màu sắc bi quan và buồn tẻ như một thất bại trong công cuộc rao giảng. Đây cũng là thách đố của niềm tin trong cuộc sống hiện tại. Theo Chúa Giêsu, dường như chúng ta mất tất cả, chẳng được lợi lộc gì : không được sống tự do thoải mái trong luân lý đạo đức… Phải đến nhà thờ ngày chủ nhật. Phải xưng tội rước lễ trong mùa Phục Sinh. Không được buôn gian bán lận, làm ăn xảo kế để thu nhanh nguồn lợi …

Chúng ta – những Kitô hữu, như đang bước trong bóng đêm một chuỗi thách đố về niềm tin, thì câu trả lời của Thánh Phêrô là tia sáng bừng lên, soi chiếu. Khi Đức Giêsu hỏi nhóm Mười Hai “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?”. Dường như Chúa Giêsu nghi ngại về niềm tin và lòng trung thành của nhóm thân tín với Ngài. Simon Phêrô đại diện trả lời thay cho nhóm “Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (c.68). Chẳng biết Phêrô được Chúa Cha mạc khải lôi kéo hay là ông đã thấm nhuần bài giảng của thày mình. Kế đó, Phêrô cũng bước thêm một bước nữa trong niềm tin. Ông đã trả lời cho chính bản thân và thay mặt cho anh em thuộc nhóm Mười Hai “ Phần chúng con, chúng con tin và nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c. 69). Tin và Biết – đó là điều kiện để trở thành môn đệ của một vị thày. Hơn nữa, đó là điều kiện tôn vinh Đấng Tạo Thành, là Thiên Chúa và là chủ tể muôn loài.

Thật vậy, Tin và Nhận Biết Chúa là một thách đố của người Kitô hữu trong xã hội vật chất ngày nay. Xin Chúa thêm ơn và ban thêm đức tin cho mỗi người chúng ta, để chúng ta sống chứng nhân cho trần gian về một Chúa Giêsu là người và là Chúa thật, hầu giúp những người chúng con gặp gỡ nhận ra sự hiện diện và đồng hành của Đức Kitô phục sinh trong Bí Tích Thánh Thể, trong lòng mỗi người, trong cuộc sống và trong thế giới hôm nay.

Huệ Minh