Suy Niệm Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 7: 40-53)

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông nầy thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Đấng Kitô”. Người khác nữa lại nói: “Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: “Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavid, và từ làng Bêlem, quê hương của Đavid?” Vì thế,  dân chúng bất đồng ý kiến nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng-tế và biệt phái, các ông nầy hỏi họ rằng: “Tại sao các ngươi phong điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng: “chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng: “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin người ấy đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì Lề Luật”. Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, Cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào xuất phát từ Galilêa”. Sau đó ai về nhà nấy.

Suy Niệm:   Khiêm Tốn Đón Nhận Chúa Giêsu –     Tin Mừng Ga 7: 40-53
Ta thấy trong thế kỷ XX, có nhiều người đã nói về Chúa Giêsu như: nhà văn Aimatov với tác phẩm Đoạn Đầu Đài, nhà văn Dumbatze với cuốn Quy Luật Muôn Đời, hay đạo diễn Abuladze với phim Sám Hối… Tất cả các tác phẩm trên đây đều phản ánh cái nhìn và sự hiểu biết của họ về Chúa Giêsu. Và ta thấy  thánh Gioan cũng cho chúng ta biết cái nhìn của người đương thời về Chúa Giêsu. Mỗi người trong số họ đều có hiểu biết khác nhau về Người: có người biết ít, có người biết nhiều, có người biết đúng, có người biết chưa đúng,…

Trang Tin mừmg hôm nay, không thấy có sự xuất hiện của Chúa Giêsu, cũng như cũng không có cầu nào từ nào do miệng Chúa nói ra, nhưng chúng ta chỉ nghe được ở nơi, dân chúng, quân lính và vị quan chức là Nicôđêmô. Điểm đặc biệt là tất cả những gì họ nhận xét, đều đúng với sứ mạng của Chúa Giêsu, như dân chúng nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Kitô.” Các vệ binh thì trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! “. Còn Nicôđêmô phát biểu: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? ” vì ông đã thấy được sự công chính nơi Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhận lấy số phận của các ngôn sứ bị loại trừ và của tất cả những ai đang bị bỏ rơi. Ngài nhận nơi mình Ngài số phận của các quốc gia bị bách hại vì đã chiến đấu cho tự do, số phận của những người đấu tranh cho niềm tin mà bị kết án, cho dù họ bị bách hại bởi quyền lực vô thần hay bởi những tín đồ của một tôn giáo khác. Ta thấy có rất ít người bảo vệ Chúa Giêsu. Các người canh giữ đền thờ không muốn bắt Ngài, và Nicôđêmô hỗ trợ Ngài cách kín đáo, bằng cách lập luận rằng người ta không lên án ai mà chưa nghe họ bàu chữa.

Lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều vĩ nhân có tầm ảnh hưởng đến thế giới nhưng lại có xuất thân bình thường, thậm chí hèn kém so với bạn bè đồng trang lứa. Chúng ta cũng tôn thờ một Thiên Chúa đã từ bỏ vinh quang, mang lấy thân phận con người và sinh sống trong một gia đình bình dân nếu không muốn nói là khó nghèo.

Họ không tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô chỉ vì Người xuất thân từ Galilê mà theo Kinh Thánh, không có tiên tri nào xuất phát từ vùng đất đó. Chính lối mòn tư duy đã khiến họ vấp phạm. Họ không chỉ dùng truyền thống như chiếc khiên che chở cho sự chống đối của mình, mà họ còn làm nó biến dạng, trở thành thứ vũ khí để công kích Chúa Giêsu. Không dừng lại ở đó, những người Pharisêu còn phản bác cả ông Nicôđêmô – một người trong hàng ngũ của họ đã từng đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm – khi ông có ý bênh vực Người. Chính sự mù quáng bước chân vào lối mòn truyền thống đã khiến họ vấp phạm.

Nơi những người Pharisiêu, họ luôn phản bác những điều đã được thuật lại, và một mực lăng mạ những người đã nhận xét tích cực về Chúa Giêsu. Trang Tin mừng trên giúp chúng ta nhận ra những suy tư.

Kinh sư và người Parisiêu không phải là không biết Chúa Giêsu, họ biết nhưng cái biết của họ dễ làm cho họ bị phơi bày sự gian trá và mất uy thế trước mặt dân chúng, nên họ tìm cách “không biết” là tốt nhất. Những ai biết và tin vào Chúa Giêsu cũng sẽ bị ho ghét lây, và tìm cách chia rẽ, như ông Nicôđimô: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả” ( Ga 7, 53).

Trong đời sống hàng ngày, có nhiều khi chúng ta cũng đã vội vã phê phán và lên án người khác như thế. Chính sự vội vã lên án ấy, đã làm sai lạc sự thật, và đánh mất tình yêu thương đồng loại.

Ta thấy ngôn sứ Giêrêmia được Thiên Chúa truyền cho ông nói lên sự thật là tố cáo tội ác của nhà Giuđa và hình phạt sắp xảy đến cho họ. Họ không những không muốn nghe, mà còn phác họa một âm mưu để thủ tiêu Giêrêmia, vì thế Thiên Chúa đã mạc khải cho tiên tri: “Đức Chúa đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho tôi thấy âm mưu của chúng. Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: “Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!”

Vì thế chúng ta không ngạc nhiên tại sao trong trang Tin mừng hôm nay không Mừng, không vui chút nào, vì đây là những âm mưu của phái pharisiêu nay được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, khi đến trần gian, Ngài đã thực thi những giáo huấn từ nới Chúa Cha, can đảm nói lên sự thật, tẩy trừ điều bất công bất chính, và nâng đỡ những tâm hồn đau thương dập nát, ảnh hưởng của Ngài đã tác động đến nhưng người nghèo, người đau khổ. Vì thế những người pharisiêu ghen tức, họ đã bày mưu để hại, Ngài chính là Con Chiên hiền lành bị mang đi giết.

Quả thế, ta thấy Chúa Giêsu từ Thiên Chúa mà đến. Lời của Người mặc khải Chúa Cha, Lời của Người giải thoát khỏi tội lỗi và lời của Người trao ban sự sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu là nguyên nhân chia rẽ trong dân Do thái: Có người nhận Ngài là Ðấng Tiên Tri, người khác nhận là Ðức Kitô. Nhưng các thượng tế và biệt phái thì muốn bắt Người. Họ dựa vào Thánh Kinh, nhưng cắt nghĩa Thánh Kinh lệch lạc. Vì thế cố chấp và không muốn nhìn nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa. Họ không đón nhận Ngài.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa và cũng là người thật. Chúa là người như chúng ta để hòa nhất với chúng ta. Chúa là Thiên Chúa nên mới có thể dẫn chúng ta về với Thiên Chúa. Nơi con người Chúa Giêsu, thần tính được dấn ẩn sau nhân tính.

Và ta xin với Chúa cho ta khiêm tốn, mở lòng mình ra để đón nhận những lời giáo huấn của Chúa Giêsu, có như thế chúng ta mới biết được sự thật. Mà sự thật luôn ở nơi Thiên Chúa, hiện diện cách cụ thể trong con người Giêsu, gọi là Đấng Kitô.

Huệ Minh