Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được các việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.
SUY NIỆM 1
Lịch sử cứu độ là một cuộc đối thoại triền miên giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa bầy tỏ và mời gọi con người đến chia sẻ hạnh phúc với Ngài và ở trong Ngài.
Ngài nói với con người bằng nhiều thể cách khác nhau: Ngài nói qua các kỳ công của Ngài trong thiên nhiên, qua dòng lịch sử của nhân loại, qua các tiên tri của Ngài, và sau cùng Ngài nói qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Không có ngôn ngữ nào tuyệt hảo cho bằng ngôn ngữ của tình yêu. Khi hai người yêu nhau, họ không nói nhiều với nhau, mà chỉ cần hiện diện bên nhau. Sự cảm thông của hai người vượt lên trên mọi thứ ngôn ngữ và mọi cách diễn tả.
Chúa Giêsu đến với con người bằng sự hiện diện của tình yêu. Người chia sẻ cuộc sống của con người, Người chấp nhận nổi khổ đau của con người. Người yêu thương và tha thứ cho con người đến cùng.
Sống và chết đối với Chúa Giêsu là để bầy tỏ cho con người một chân lý. Chân lý đó là: “Thiên Chúa là tình yêu”. Như thế, thấy Chúa Giêsu có nghĩa là thấy tình yêu của Thiên Chúa, thấy Thiên Chúa. Do đó không lạ gì Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.
Với các Tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu, những người đã từng sống, từng chia sẻ những nỗi vui buồn với Chúa, từng chứng kiến cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Chúa, các Tông đồ thấy Chúa Cha.
Qua cuộc sống mình, người khác có thấy Chúa không?
Người ta đã nói về thánh Gioan Vianey: Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người. Và ai thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa Cha.
Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu ý thức được sứ mạng bầy tỏ và giới thiệu Đức Kitô, bằng chính cuộc sống và con người của mình, để cho người khác, khi nhìn vào Kitô hữu, họ nhận ra Đức Kitô. Đó chính là sứ mạng truyền giáo mà mỗi người chúng ta phải chu toàn.
Lạy Cha, xin ban cho chúng con luôn có được con mắt đức tin, để chúng con không ngừng nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa qua mọi biến cố của cuộc sống thường ngày. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Tin mừng Ga 14: 7-14
Ta thấy Chúa Giêsu cho Tông đồng Philipphê: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” là một mạc khải quan trọng về cả Thiên Chúa Cha lẫn Chúa Con, đồng thời mở ra một hướng sống cụ thể cho cuộc đời Kitô hữu.
Chúa Giêsu chỉ vẽ cho các môn đệ về mối tương quan giữa Người với Thiên Chúa Cha đến mức hễ ai biết Người thì cũng biết Thiên Chúa Cha : “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy”
Chúa Cha tỏ mình ra trong Chúa Con là Đức Giêsu. Thiên Chúa không còn tỏ mình ra bằng những cuộc biểu dương huy hoàng như Thánh Kinh đã từng thuật lại. Nhưng Người tỏ mình ra và hiện diện nơi con người của Chúa Con. Chính trong Đức Kitô mà Thiên Chúa ấn định cho con người chỗ gặp gỡ với Người.
Niềm tin này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu và Chúa Cha là một. Vì thế, mọi điều Chúa Giêsu nói, mọi việc Chúa Giêsu làm khi ở trần gian này đều là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đến thế gian và mở ra cho chúng ta một con đường mới, con đường bước qua đau khổ để đến vinh quang. Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết rằng chúng ta cũng là con của Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là anh em có cùng một cha trên trời. Người cha ấy luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta.
Con luôn là biểu lộ về Cha: Thực vậy, cứ như lời Chúa Giêsu nói, ta cứ nhìn vào con người và cuộc sống của Ngài để loại suy về Thiên Chúa Cha: là Đấng đầy quyền năng ( làm phép lạ, chữa bệnh…), đầy vinh quang ( biến hình trên núi Tabore…)nhưng lại rất mực nhân từ và đầy lòng xót thương “con hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa…”. Nói tóm, Chúa Giêsu là “hiện thân” của Chúa Cha theo ý nghĩa tròn đầy nhất của hai chữ “ hiện thân” này.
Con luôn hiệp nhất với Cha: Trong Phúc Âm của mình, Thánh Gioan lặp đi lặp lai từ “ở trong” để nói lên sự hiệp nhất ấy. Sứ vụ của Chúa Giêsu là: Ngài được Cha sai đến trần gian để thực hiện nhiệm cục cứu độ theo ý Cha và Ngài đã thực hiện điều đó không chỉ trong ý muốn, trong tình yêu mà cả trong hành động nữa bằng chính cái chết đau thương của Ngài. Vì yêu Cha nên ý Cha và ý Ngài trở thành một: “…nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”.
Khi nghe Chúa Giêsu mạc khải về Chúa Cha, các môn đệ đã nêu ra một ước muốn không chỉ của các ông, nhưng còn là điều mơ ước của biết bao người: được tận mắt chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa Cha. Các ông vẫn chưa biết rằng “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” vì “chính Cha ở trong Thầy”. Chúa Giêsu chính là Lời, là Mạc Khải trọn vẹn của Chúa Cha. Như thế, muốn được thấy Chúa Cha thì phải đến với Chúa Giêsu. Ai không biết và yêu mến Chúa Giêsu thì không thể nhận ra dung mạo của Chúa Cha; ngược lại, ai càng gắn bó và thân thiết với Chúa Giêsu thì sẽ dàng nhìn thấy và yêu mến Chúa Cha.
Qua Chúa Giêsu, chúng ta nhận biết Chúa Cha vì Chúa Cha luôn ở trong Chúa Giêsu. Nơi Chúa Giêsu, chúng ta còn biết rằng chúng ta cũng thuộc về gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa nên Thiên Chúa cũng hiện diện trong mỗi người chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta biết yêu thương nhau. Ai tin vào Chúa Giêsu, thì cũng tin rằng Thiên Chúa cũng hiện diện nơi chúng ta vì Thiên Chúa và tất cả chúng ta là một gia đình tình yêu. Gia đình tình yêu này luôn gắn kết và chia sẻ cho nhau mọi vui buồn để rồi, tất cả chúng ta càng yêu thương nhau hơn.
Như vậy, Chúa Giêsu luôn là biểu lộ về Cha và Ngài luôn tìm mọi cách để hiệp nhất với Cha trong ý chí cũng như trong hành động. Đó cũng là lý tưởng sống của mọi Kitô hữu chúng ta: cuộc sống của ta phải là một biểu lộ không ngừng về Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Các Thánh đã sống cách sống ấy: một nông dân đã khai trước tòa án phong thánh về nhận định của ông đối với Cha Sở xứ Ars: “Tôi đã thấy Thiên Chúa hiện diện trong một con người”. Nhưng để sống được như vậy thì ta phải mặc lấy tâm tình của Đức Kitô là mọi suy nghĩ, hành động và ý chí đều phải quy về Cha: danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
Sống như thế không phải là “vong thân” như lời kết án của Nietzsche, Triết gia người Đức: “ Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi Thiên Chúa, con người càng đánh mất chính mình…vì thế, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người”. Không ai dám kết án Chúa Giêsu là vong thân khi cả cuộc đời của Ngài luôn sống và làm theo ý Chúa Cha, bởi Ngài sống và làm vì tình yêu Cha. Cũng như không ai dám kết án các linh mục, tu sĩ nam nữ đã đánh mất chính mình khi các ngài khấn giữ vâng lời, trinh khiết và khó nghèo, bởi các ngài khấn vì yêu. Và không ai dám kết án một người chồng sẵn sàng hy sinh từ bỏ những tật xấu của mình như cờ bạc, rượu chè….là một người không sống đúng với bản tính thực của mình, một kẻ “sợ vợ”, bởi anh đã hy sinh vì yêu vợ. Có chăng chỉ có các bạn bài và bạn nhậu. Và càng không có ai dám kết án cuộc đời của một Kitô hữu là vô ích, là uổng phí, khi cả đời anh đã sống vì và cho Chúa; vì và cho tha nhân.
Ta mới chỉ nhận ra được một Đức Giêsu bên ngoài chúng ta. Vì thế chính sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ chẳng nhận ra Đức Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa Cha. Biết trọn vẹn Chúa Giêsu, chính là khám phá ra sự đồng nhất của Người với Chúa Cha. Nhưng nơi Đức Giêsu chúng ta không bao giờ biết đầy đủ, vì thế không bao giờ thôi khám phá về Người. Điều này đòi hỏi chúng ta học hỏi, tìm hiểu và suy niệm về Chúa Giêsu: nơi con người và công việc của Người mỗi ngày để hiểu biết về Thiên Chúa, vì ‘vô tri bất mộ’.
Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Phi-lip-phê cũng là lời Chúa muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay: Đừng để cho các thực tại bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là một điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm kiếm dấu lạ, nhưng rồi dấu lạ xảy ra trước mắt mà lại chẳng nhìn thấy…
Trang Tin Mừng hôm nay ước mong mỗi người chúng ta luôn giữ thái độ tìm kiếm. Một sự tìm kiếm không ở đâu xa mà là trong chính cuộc sống hằng ngày, rất quen thuộc và tầm thường. Vì Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh và trong mỗi người chúng ta.
Xin Chúa cho tất cả mọi người chúng ta cảm nhận được sự hiện diện thật sự của Đấng Phục Sinh trong tâm hồn mỗi lần chúng ta hiệp lễ. Nhờ đó, chúng ta có thêm sức mạnh và tâm hồn mãi mãi được bình an để hoàn tất cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Amen.
Huệ Minh