Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14: 7-14)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được các việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.
Suy Niệm: Tin mừng Ga 14: 7-14
Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng đó: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy”. Nhìn Chúa Giêsu ta có thể biết Chúa Cha như thế nào: Nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với những kẽ tội lỗi…Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.
Sống với Thầy gần 3 năm, được nghe Thầy nói rất nhiều về Cha – là Đấng đã sai Ngài đến thế gian này, là Đấng mà Ngài rất mực yêu mến và luôn ước ao làm trọn thánh ý, là Đấng mà Ngài mong ước mọi người sẽ nhận biết và tôn thờ…..- thế nhưng các Tông Đồ chưa hề nhìn thấy Cha bao giờ. Vì thế, ước nguyện được nhìn thấy Cha không chỉ là của Philipphê mà là của chung các Tông Đồ : “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Cha và như thế là chúng con mãn nguyện”. Câu trả lời của Chúa Giêsucho thánh Philipphê: “ai thấy Thầy là thấy Cha” có vẻ như “trớc gước”, nhưng lại là một mạc khải quan trọng về cả Thiên Chúa Cha lẫn Chúa Con, đồng thời mở ra một hướng sống cụ thể cho cuộc đời Kitô hữu.
Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của mỗi người chúng ta, một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế mà không ít người sẵn sàng bỏ thời giờ, tiền của để đi đến nơi xẩy ra dấu lạ và mong được tận mắt nhìn thấy dấu lạ… Chúng ta cứ mãi quanh quẩn với những tầm thường của cuộc đời này, cứ mải lo lắng, kiếm tìm những thứ phù vân hão huyền, cứ mải mê tìm an nhàn sung sướng….Lúc nào chúng ta cũng cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó.
Thực sự điều chúng ta thiếu, là thiếu nhận biết về Đức Giêsu bằng cảm nghiệm thân mật. Chúng ta mới chỉ nhận ra được một Đức Giêsu bên ngoài chúng ta. Vì thế chính sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ chẳng nhận ra Đức Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa Cha.
Biết trọn vẹn Chúa Giêsu, chính là khám phá ra sự đồng nhất của Người với Chúa Cha. Nhưng nơi Đức Giêsu chúng ta không bao giờ biết đầy đủ, vì thế không bao giờ thôi khám phá về Người. Điều này đòi hỏi chúng ta học hỏi, tìm hiểu và suy niệm về Chúa Giêsu: nơi con người và công việc của Người mỗi ngày để hiểu biết về Thiên Chúa, vì ‘vô tri bất mộ’.
“Ai tin vào Thầy người ấy sẽ làm được những việc Thầy làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Chúa Giêsu nói đến sức mạnh và năng lực kì diệu Ngài sẽ ban cho kẻ tin vào Ngài. Các vị Thánh đã tin và đã làm được những phép lạ như Chúa Giêsu. Tôi có tin không? “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra như Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình”. (Ga 14,10).
Ta thấy Thánh Gioan lặp đi lặp lai từ “ở trong” để nói lên sự hiệp nhất ấy. Sứ vụ của CGS là: Ngài được Cha sai đến trần gian để thực hiện nhiệm cục cứu độ theo ý Cha và Ngài đã thực hiện điều đó không chỉ trong ý muốn, trong tình yêu mà cả trong hành động nữa bằng chính cái chết đau thương của Ngài. Vì yêu Cha nên ý Cha và ý Ngài trở thành một: “……nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”.
Chúa Giêsu luôn là biểu lộ về Cha và Ngài luôn tìm mọi cách để hiệp nhất với Cha trong ý chí cũng như trong hành động. Đó cũng là lý tưởng sống của mọi Kitô hữu chúng ta: cuộc sống của ta phải là một biểu lộ không ngừng về Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Các Thánh đã sống cách sống ấy: một nông dân đã khai trước tòa án phong thánh về nhận định của ông đối với Cha Sở xứ Ars: “ Tôi đã thấy Thiên Chúa hiện diện trong một con người”. Nhưng để sống được như vậy thì ta phải mặc lấy tâm tình của Đức Kitô là mọi suy nghĩ, hành động và ý chí đều phải quy về Cha: danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…( Kinh Lạy Cha). Sống như thế không phải là “vong thân” như lời kết án của Nietzsche, Triết gia người Đức: “Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi TC, con người càng đánh mất chính mình…vì thế, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người”.
Không ai dám kết án Chúa Giêsu là vong thân khi cả cuộc đời của Ngài luôn sống và làm theo ý Chúa Cha, bởi Ngài sống và làm vì tình yêu Cha. Cũng như không ai dám kết án các linh mục, tu sĩ nam nữ đã đánh mất chính mình khi các ngài khấn giữ vâng lời, trinh khiết và khó nghèo, bởi các ngài khấn vì yêu. Và không ai dám kết án một người chồng sẵn sàng hy sinh từ bỏ những tật xấu của mình như cờ bạc, rượu chè….là một người không sống đúng với bản tính thực của mình, một kẻ “sợ vợ”, bởi anh đã hy sinh vì yêu vợ. Có chăng chỉ có các bạn bài và bạn nhậu. Và càng không có ai dám kết án cuộc đời của một Kitô hữu là vô ích, là uổng phí, khi cả đời anh đã sống vì và cho Chúa; vì và cho tha nhân.
Trong tin mừng hôm nay, Philipphê, một trong nhóm mười hai đã xin Chúa Giêsu tỏ cho thấy Thiên Chúa Cha. Chắc hẳn khi nói điều đó Philipphê đã liên tưởng đến hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng đã tỏ vinh quang Ngài trên núi Sinai, một Thiên Chúa mà Môsê chỉ được thấy phía sau lưng Ngài. Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của rất nhiều người trong chúng ta, đó là một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế, không ít người sẵn sàng hao tốn tiền bạc và thời giờ để để tìm đến những nơi xẩy ra sự lạ, đối với họ, một lần hành hương có ý nghĩa và giá trị cho cả cuộc đời.
Đáp lại yêu cầu Philipphê, Chúa Giêsu đã đưa ra một khẳng định và một câu hỏi : trước hết Ngài nêu lên một chân lý : “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”, đó là một thực tại đã quá hiển nhiên : câu hỏi tiếp sau đó như một nhắc nhở cho Philipphê : Hãy nhìn lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ. Những lời Thầy nói, những việc Thầy làm, không phải là của Thầy, mà là của Thiên Chúa Cha ở trong Thầy. Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Philipphê cũng là lời nhắc nhở chúng ta : đừng để những nét quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước mặt Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm dấu lạ, nhưng dấu lạ xẩy ra trước mắt mà chẳng nhìn thấy : hằng ngày qua lời truyền phép, Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ, nhưng đã thấy khi chúng ta tỏ thái độ cung kính tin nhận Ngài ? Trong cuộc sống biết bao lời cầu xin được dâng lên Thiên Chúa nhưng đã mấy lần chúng ta phản tỉnh để nhận ra ơn lành Ngài ban.
Với Tin Mừng hôm nay ước mong mỗi người chúng ta luôn giữ thái độ tìm kiếm. Một sự tìm kiếm không ở đâu xa mà là trong chính cuộc sống hằng ngày, rất quen thuộc và tầm thường. Vì Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh và trong mỗi người chúng ta.
Ước gì chúng ta giữ mãi thái độ tìm kiếm, một sự tìm kiếm không ở đâu xa, nhưng trong chính cuộc sống quen thuộc hằng ngày. Đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách ngạc nhiên đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa. Cầu xin cho tất cả mọi người cảm nhận được sự hiện diện thật sự của Đấng Phục Sinh trong tâm hồn mỗi lần chúng ta hiệp lễ. Nhờ đó, chúng ta có thêm sức mạnh và tâm hồn mãi mãi được bình an để hoàn tất cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.
Huệ Minh