Suy Niệm Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 11: 45-56)

Khi ấy, trong những người đến thăm Maria, có nhiều người tin vào Chúa Giêsu. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người nầy làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá hủy nơi nầy và dân tộc ta”. Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả ! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, Không phải tự  ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối. Bởi vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế, Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không ?” Còn các thượng tế và biệt-phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

Chết Thay Cho Tội Nhân – Suy Niệm: Tin Mừng Ga 11: 45-56

   Tử thuở ban đầu, Thiên Chúa đã muốn quy tụ chúng ta thành một gia đình trong an bình và tình yêu, để mọi người là anh em với nhau chung quanh một người Cha duy nhất là Thiên Chúa hằng sống. Trong thời Cựu Ước qua miệng Ngôn Sứ Ezêkiel, Thiên Chúa nói : “Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó… và chỉ có một vua là vua tất cả” (Ed 37, 21). Điều Thiên Chúa nói là Ngài làm, đúng như lời Kinh thánh : “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ cho dân mà thôi, nhưng là để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối : “Khi Ta bị treo lên, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên với Ta”.

          Đức Giêsu Kitô “vì chúng ta chịu đóng đinh dưới thời Phongxiô Philatô, chịu chết và mai táng”. Khi tuyên xưng niềm tin này, chúng ta tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu như một biến cố lịch sử. Biến cố này, cũng như cuộc đời của Người, chúng ta biết đến nhờ nguồn mạch lịch sử chắc chắn và uy tín. Dựa trên căn bản của những nguồn này, chúng ta có thể và mong ước biết và hiểu những hoàn cảnh lịch sử chung quanh cái chết ấy, mà chúng ta tin đó là “cái giá” để cứu chuộc nhân loại ở mọi thời.

          Chúa Giêsu chết thay cho tất cả chúng ta: cho người nam cũng như cho người nữ, người già lẫn người trẻ, người giàu cũng như kẻ nghèo, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Người chết thay cho tôi và cho bạn. Nhờ thập giá, Chúa Giêsu tẩy rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. “Tội lỗi của chúng ta chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi chết với tội, chúng ta được nên công chính. Vì Người phải mang thương tích mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2,24). Qua thập giá, Chúa Giêsu quy tụ nhân loại về tôn thờ Thiên Chúa duy nhất.

          Lý do họ bắt và quyết định giết Đức Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta”. Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Đức Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.

          Thập giá hằng ngày của ta là tất cả những nỗi khổ nhục, vất vả, thất bại trong cuộc sống, là những nỗi bất hạnh, bệnh tật, gìa yếu của đời người. Chúng luôn mang tính cách tiêu cực mà chẳng ai muốn đón nhận, vì ai cũng muốn sống hạnh phúc, nhàn hạ, khoẻ mạnh, an lành. Nhưng khi ta vui lòng đón nhận chúng với tất cả niềm tin dâng về Chúa và tình yêu dành cho người anh em thì thập gía lại trở thành Thánh Giá. Từ đó thánh gía này mang lại những gía trị cứu độ lớn lao cho ta cũng như cho tất cả, vì ta đang hoàn thành nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Vì vậy mà Giáo Hội cổ võ lòng yêu mến và tôn sùng Thánh Giá.

          Chết thay có thể là một hành động do hận thù, bất công. Nhưng đối với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối. Chúa Giêsu Kitô đã trải qua kinh nghiệm này. Những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, muốn bắt Chúa phải chết thay để người Roma không đến hủy diệt dân tộc Do Thái. Nhưng trong chương trình cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận tự hiến, chịu chết thay để mọi người được sống và được sống đời đời. Trang Tin Mừng hôm nay nhắc lại cảnh đời trớ trêu của Chúa như sau: “Quí vị không nghĩ rằng, thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.

          Và rồi những ngày Chay Thánh gần qua đi và bước vào Tuần Thánh. Thầy Chí Thánh cũng đã mời gọi chúng ta vác thập gía hàng ngày của mỗi người mà bước theo Ngài. Đón nhận thập gía ấy bằng tất cả tình yêu là trở thành chứng nhân anh dũng như các Thánh Tử Đạo Việt Nam.  Theo nguyên nghĩa Hy Lạp, từ “martus” : tử đạo chính là làm chứng. Còn cốt tủy của đời làm chứng là tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa và cho tất cả anh em như Đức Giêsu, vị Tử Đạo đầu tiên đã làm nhân chứng mẫu mực cho tình yêu.

          Và rồi nhìn lại gia đình chúng ta, mỗi người sống là hiện thân của Chúa Giêsu. Chồng chết thay cho vợ khi biết khước từ những lời mời gọi xấu xa: nhậu nhẹt, cờ bạc… Vợ chết thay cho chồng khi từ bỏ một tật xấu, tập tính dịu dàng, nết na, nhân hậu… Bố mẹ chết thay cho con cái khi biết yêu thương, dạy dỗ và lắng nghe trong sự chân thành và cởi mở… Con cái chết thay cho bố mẹ khi cố gắng học hành chăm chỉ, vâng lời và hiếu kính với những bậc sinh thành… trong đời sống cá nhân, mỗi người cố từ bỏ những tính hư tật xấu: kiêu ngạo, ganh ghét, lười biếng, tham lam, nói hành nói xấu… Có như thế, thập giá của Chúa Giêsu mới trở nên hữu ích là đem lại nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.

          Tuy nhiên, Thập giá chỉ trở thành Thánh Giá nếu trên đó có Đức Giêsu bị đóng đinh, vì Ngài là Thiên Chúa chí thánh. Chỉ có Ngài có sức thánh hóa các thập gía đời ta. Muốn có Đức Giêsu gắn mình vào thập giá đó, ta phải yêu quý nó, chứ không phải chịu đựng bất đắc dĩ, vì Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa Tình Yêu. Vì yêu Chúa Cha và anh em, Ngài đã đón nhận thập gía đời mình. Ta cũng được mời gọi để yêu quý và thực hiện bằng tất cả con người, dù là những công việc có vẻ nhàm chán thường ngày cũng như những bất hạnh rủi ro …, nên như một chứng từ của tình yêu chứ không phải như một chứng từ bất đắc dĩ. Chính khi làm được điều đó, ta mới cảm thấy sức mạnh cứu độ diệu kỳ của thánh giá đời mình.

          Kinh nghiệm đau khổ cho ta thấy rằng chỉ khi biết kết hợp đau khổ đời mình với Đức Kitô, thì đau khổ sẽ được Ngài biến đổi thành niềm vui ơn cứu độ, như các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã cảm nghiệm sâu sắc về kinh nghiệm thiêng liêng đó. Vì thế chúng hãy noi theo các Thánh Tử Đạo Việt Nam, rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh và nhiệt thành cổ võ lòng yêu mến Thánh Giá Ngài.

 
Huệ Minh