Suy Niệm Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 16: 23b-28)

23 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.26Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.

GẮN KẾT VỚI CHÚA ĐỂ HƯỞNG TRỌN NIỀM VUI

Trong lúc truyện trò thân mật với các môn đệ trước khi bước vào cuộc thương khó, Đức Giêsu đã ân cần căn dặn: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15, 9-11).

Niềm vui của người kitô hữu là một cảm nghiệm chân thực khi đáp lại lời mời gọi ở lại trong tình thương của Chúa. Ở lại là gắn kết, là lắng nghe và thấu hiểu. Ở lại để chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn. Ở lại trong Chúa cũng chính là để sống mãi trong tình yêu thương. Đức Giêsu ở lại trong Chúa Cha là thi hành trọn vẹn ý muốn của Cha, là đón nhận mọi khổ đau để đưa nhân loại tiến về miền đất hoan lạc hạnh phúc.

Qua cái chết của Ðức Kitô, không chỉ các môn đệ mà còn tất cả những ai tin Ngài đều được đón nhận tước vị ấy. Và nhờ bí tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu cũng được lãnh nhận tước hiệu làm con Thiên Chúa. Ðây không phải là một tước hiệu khoác lên con người, nhưng là một tiếp xúc với sự sống Thiên Chúa. Với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, điều Kitô hữu cầu xin sẽ được nhận lời. Ðức Kitô đã đem lại cho tín hữu một giá trị mới nhưng đồng thời Ngài đòi buộc họ sống xứng đáng với giá trị ấy: “Chính Cha yêu mến chúng con bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Tin nhận và yêu mến Ðức Kitô sẽ cho phép người tín hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Như các tông đồ, Kitô hữu cũng được Chúa Giêsu chọn làm bạn tri kỷ của Ngài. Tất cả những hiểu biết về Thiên Chúa đã được gói gọn trong lời Ngài, và chẳng thể được gọi là bạn tri kỷ hoặc là kẻ yêu mến Ngài một khi lời Ngài bị đuổi đi không được đón nhận và đáp trả.

Chúa không chỉ biến ưu phiền của chúng ta thành niềm vui, Ngài còn muốn làm cho niềm vui đó nên trọn vẹn. Điều đó có thể thấy được nơi Maria Magđala, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy, hay nơi những người đã thấy Đức Kitô sống lại. Còn chúng ta, khi vẫn còn bước đi trong đức tin chứ không phải được hưởng kiến, và mới chỉ lĩnh hội được một chút gì của mầu nhiệm Thiên Chúa chứ không phải là “toàn vẹn sự thật” của Ngài, thì niềm vui có thể gọi là trọn vẹn được không? Có đấy! Hãy nghiệm lại những lời Chúa nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” và “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” Để sống trong niềm vui trọn vẹn với Thiên Chúa chúng ta hãy sống như những người con cái của Ngài, mối quan hệ mới được thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Ngài, mà niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn và không ai có thể cướp mất được. Nhân danh Ngài, chúng ta cầu xin và nhờ Ngài lời cầu xin chắc chắn được đón nhận.

Từ thời Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã diễn tả rất sống động niềm vui của ngày Chúa đến. Đó là ngày “Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ” (Is 2, 2-3). Sự hiện diện của Chúa làm náo nức lòng người. Mọi chiến binh ngừng chiến, họ lấy gươm đao vũ khí đúc thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Đức Chúa đến đem lại cảnh hòa bình thịnh vượng, mọi người không còn vung kiếm sát hại nhau. Niềm vui ơn cứu rỗi tràn đầy trong thời Thiên Sai khiến mọi tạo vật cùng cất tiếng ca: “Trời hãy reo hò, đất hãy hân hoan, các núi non hãy bật tiếng reo cười, vì Chúa đã an ủi dân Người, Người đã chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ” (Is 49, 13).

Niềm vui mong chờ Chúa đến được tiếp nối trong thời Tân Ước. Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả niềm vui phát xuất từ Thiên Chúa.Sau khi Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết Người sẽ chịu khổ hình, còn các ông sẽ bị thế gian tấn công và phải chịu chung một số phận với Thầy. Các môn đệ tỏ ra hoang mang lo lắng, Đức Giêsu liền trấn an các ông đừng sợ hãi vì có Đấng Bảo Trợ sẽ đến giúp đỡ. Đức Giêsu khuyên các ông hãy cầu xin Chúa Cha ban cho những ơn cần thiết để vượt qua cơn gian nan thử thách và tìm thấy niềm vui đích thực: “Anh em xin Chúa Cha điều gì, Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (c. 23-24).Lời khẳng định của Đức Giêsu là niềm an ủi lớn cho mỗi người chúng ta.Thiên Chúa là Cha nhân từ sẵn sàng ban nhiều ân sủng nếu cho chúng ta thực tâm cầu xin.

Chúa muốn nói đến cách cầu nguyện sâu xa và thầm kín hơn. “Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Chính Chúa Cha yêu mến anh em vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16,26-27). Chúa Giêsu ước ao cho chúng ta trở nên giống như Người, theo gương bắt chước Người để đi vào kế hoạch của Chúa Cha. Như vậy, chúng ta đã thấm nhập với Chúa Giêsu, nên một với Chúa trong đức tin và đức mến. Được như thế, Chúa Giêsu sẽ dẫn đưa chúng ta vào cuộc đối thoại thần linh với Chúa Cha, và chắc chắn sẽ được Chúa Cha yêu thương đón nhận lời chúng ta.

Chính Đức Giêsu cũng phải đối mặt với nỗi sợ hãi nhưng Người đã tìm được sự an ủi nhờ liên kết mật thiết với Chúa Cha. Hành trình lên Giêrusalem và tiến về núi Sọ là nỗi ám ảnh đè nặng trên Đức Giêsu, nhưng Người đã vượt qua tất cả nhờ sức mạnh của Thánh Thần trong Chúa Cha yêu dấu.

Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh với chúng ta về sự biến đổi mãnh liệt của các môn đệ sau biến cố Chúa Phục Sinh: “Niềm vui của Tin Mừng là niềm vui lấp đầy đời sống cộng đồng của các môn đệ, làmột niềm vui truyền giáo. Bảy mươi hai môn đệ đã cảm thấy vui mừng khi trở về từ sứ vụ truyền giáo. Chúa Giêsu đã cảm thấy điều ấy, Người vui mừng trong Chúa Thánh Thần và chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải cho những người nghèo hèn và những người bé nhỏ. Đó là điều cảm thấy bởi những người đầu tiên trở lại là những người đầy ngưỡng mộ khi nghe các Tông đồ rao giảng vào ngày lễ Ngũ Tuần. Niềm vui này là một dấu chỉ cho thấy Tin Mừng được công bố và sinh hoa trái”.

Chỉ có Chúa mới giải thoát chúng ta khỏi mọi lo lắng trần gian, khỏi mọi nỗi sợ hãi để tận hưởng niềm vui linh thánh ngọt ngào. Niềm vui ấy không phải chỉ biểu hiện qua tiếng cười nhưng còn âm vang trong giọt nước mắt, xuyên qua những thất bại. Niềm vui của Chúa không đọng lại trên những thành công nhưng chan chứa trong cả nỗi mất mát đớn đau.

Có một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta cũng phải đối mặt với gánh nặng của thân phận con người, của gia đình vợ chồng con cái làm chúng ta thất vọng chùn bước. Hãy tựa nương vào sức mạnh của tình thương và ân sủng Chúa, Người sẽ không lìa bỏ mà còn nâng đỡ để chúng ta tìm thấy niềm ủi an. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta đến tận hưởng hạnh phúc, đến để sống và sống dồi dào. Để có được niềm vui trọn vẹn, chúng ta phải sống gắn kết mật thiết với Thiên Chúa như cành nho liền với cây nho. Đi vào chiều sâu của tình yêu chúng ta mới hiểu được giá trị của đau khổ, mới dám dấn thân phục vụ và sống trọn nghĩa yêu thương.

Thật đúng như lời Chúa Giêsu nói ở trước chương này, trong dụ ngôn cây nho: “Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con, thì chúng con muốn xin gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý” (Ga 15, 7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì thì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhận lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhận lời chúng ta.

Huệ Minh