Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 19: 13-15)
Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ và đừng ngăn cấm chúng đến với Ta, vì nước Trời là của những người giống như chúng”. Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.
Suy niệm
Trang Tin Mừng hôm nay đã họa lại cảnh Chúa Giêsu và các trẻ em. Đang khi danh tiếng của Thầy Giêsu nổi bật, Thầy trở thành nhân vật quan trọng trong mắt mọi người. Vì thế, việc để các trẻ em đến quấy rầy, làm mất thời gian của Thầy là điều các môn đệ không thể chấp nhận được! Với suy nghĩ đó, các môn đệ đã ngăn cản các trẻ nhỏ đến gần Đức Giêsu, nhưng Chúa Giêsu lại phản ứng ngược lại: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.”
Chúa Giêsu muốn các môn đệ thấu hiểu điều kiện thiết yếu để thuộc về Nước Thiên Chúa và được cứu độ, Chúa đã nói với các ông: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.
Ta nên nhớ chi tiết đặt tay và cầu nguyện cho một người là nghi thức tôn giáo quen thuộc trong Do Thái giáo thời Chúa Giêsu. Những vị lãnh đạo tôn giáo và các Rabbi thường đặt tay và cầu nguyện cho những ai đến xin được chúc lành, họ cũng đặt tay trên trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng, mặc dù do phong tục người Do Thái thời đó, những trẻ nhỏ không có địa vị, không có giá trị gì, chỉ khi nào trẻ đến tuổi 12, nó mới được nhìn nhận có chỗ đứng trong cộng đoàn. Các môn đệ Chúa Giêsu lúc đó chưa thay đổi tâm thức, họ còn ngăn cản không cho người ta đem các trẻ nhỏ đến với Chúa.
Các tông đồ la rầy các trẻ em đang khi Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng có lẽ do chúng đùa nghịch, hò la, nói năng gây ồn ào làm mất bầu khí trang nghiêm. Trẻ em thường rất vô tư, đơn sơ, hồn nhiên, ngay thẳng và không hề tính toán. Tận dụng cơ hội ấy, Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy trở nên giống trẻ thơ. Chúa không đòi người lớn trở lại làm trẻ em vì đó là điều bất khả kháng nhưng mời gọi họ mang lấy tinh thần đơn sơ, hiền lành, tín thác như trẻ em. Chúng ta còn có thể học đòi nơi các trẻ em một điều khác nữa: luôn tìm đặt câu hỏi khi không hiểu.
Một đứa trẻ thường nêu vấn đề của em cho cha mẹ, anh chị và những người lớn hơn mà chúng tin là biết được câu trả lời. Trong cuộc sống, tại sao chúng ta lại không hỏi Chúa về những gì đang xảy đến cho bản thân và những người xung quanh? Thiên Chúa là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6, 4) chắc chắn sẽ cho chúng ta câu trả lời thoả đáng. Điều quan trọng là chúng ta có đủ can đảm, tự tin và sẵn sàng vâng nghe điều Chúa chỉ dạy.
Nước Thiên Chúa là một hồng ân ban một cách nhưng không, phải đón nhận với lòng đơn sơ, biết ơn và cảm phục của các trẻ thơ. Quan sát tâm hồn và cách hiện diện của các trẻ em chúng ta dễ nhận ra rằng:
Trẻ em thì không quan tâm gì về thứ hạng. Chúng chẳng cần biết đến những người quanh chúng ai lớn hơn – ai nhỏ hơn, ai lớn nhất – ai nhỏ nhất.
Trẻ em thì tin trọn vẹn và nhanh chóng. Khi chúng ta nói với đứa trẻ rằng chúng ta sẽ làm điều gì đó cho nó, và nó sẽ hy vọng cho đến khi thấy được điều chúng ta nói là thật.
Trẻ em chỉ nói những gì có ý nghĩa với chúng. Chúng thường có thói quen nói chính xác những gì chúng nghĩ. Không có vấn đề xấu hổ hoặc sợ xúc phạm khi chúng phải nói. Và chúng không nói có ẩn ý bao giờ.
Trẻ em có một tâm hồn vui tươi. Chúng cười một cách tự do ngay cả khi chỉ có một mình. Chúng cũng dễ quên và không bao giờ để bụng hoặc nhắc hoài về một lỗi lầm của một ai đó gây ra cho chúng.
Trẻ em biết làm thế nào để có niềm vui. Hãy xem chúng chơi với những thứ rất thường như lá cây, que kem, hay tờ giấy. Chúng dạy chúng ta rằng, niềm vui có thể được tìm ngay trong những điều đơn giản nhất.
Ta đang sống trong một thế giới mà con người dường như không còn nghe thấy và đang làm điều ngược lại với câu nói “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta” của chúa Giêsu. Thật vậy,“để trẻ nhỏ” đến với mình nghe có vẻ xa xỉ với những ông bố và những bà mẹ đang đành tâm chối bỏ món quà tặng cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho họ.
Thay vì chăm sóc bảo vệ cho sinh linh nhỏ bé trong bào thai thì họ lại tìm mọi cách để ngăn chặn sự sống và không cho một con người được quyền cất tiếng khóc chào đời. Cũng như từ xưa đến nay đã có không ít người biến những trẻ thơ thành nạn nhân của họ như khinh miệt, bóc lột sức lao động, bạo hành, và nhất là lạm dụng các em về tinh thần cũng như thể xác…rồi đẩy các em vào bước đường cùng không còn chỗ trong xã hội và thậm chí ngay trong gia đình thân yêu của mình. Các em không có được một tình thương yêu, sự chăm sóc giáo dục cũng như cho các em tất cả những quyền lợi mà các em có quyền hưởng. Họ chẳng bao giờ “để trẻ nhỏ” có cơ hội đến gần họ mà yêu thương chúng như Chúa Giêsu.
Với trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta về cách sống hiền lành, khiêm tốn đón nhận mọi người. Chúa cũng dạy chúng ta hãy nên như trẻ thơ để dễ đến với Chúa. Chúng ta tự hỏi, đều gì ngăn cản chúng ta chưa đến với Chúa trong tâm tình của trẻ thơ ? Chúng ta hãy sống Lời Chúa như trẻ thơ, hãy đặt trọn niềm tin nơi Chúa và thân thưa cùng Ngài với lời Thánh Vịnh 130: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130).
Chỉ những ai có tấm lòng như Chúa Giêsu mới cảm nhận được giá trị cao quý của sự sống và những phẩm chất tốt đẹp nơi tâm hồn những trẻ thơ. Do đó, Những đức tính của trẻ thơ đang rất cần thiết cho con người thời nay bởi vì có rất nhiều người đang sống trong lo âu sợ hãi, gian dối lừa lọc, chạy theo những đam mê lạc thú, không còn biết tin tưởng vào ai cũng như không tin có sự hiện diện của Thiên Chúa để cậy trông vào Ngài.
Hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, đừng ngăn cản chúng. Xin Chúa giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm cao cả này, với ý thức rằng ân sủng và chúc lành của Chúa là kho tàng quí giá mà chúng ta có thể trao lại cho con cái chúng ta. Ước gì đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta cũng đơn sơ trong sáng như trẻ nhỏ, để đáng được Chúa đặt tay và chúc lành cho chúng ta mỗi ngày.
Huệ Minh
Suy Niệm 2
Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện.
Tôi hình dung ra quang cảnh trên: các bà mẹ đang dẫn con thơ của mình đến… Đức Giêsu đặt tay trên má, vừa vuốt ve vừa cầu nguyện cho chúng… Trẻ em, đứa mỉm cười, đứa sợ hãi. Qua cử chỉ yêu thương đó, ơn Chúa đang đến.
Đức Giêsu yêu mến trẻ em.
Nhưng các môn đệ la rầy chúng.
Trong quan niệm Do Thái, cho dù trẻ em là một phúc lộc nhưng chính thức nó chưa được coi như có giá trị gì. Bước vào tuổi niên thiếu, lúc mười hai tuổi, tuổi theo quy định được hội đường, nó mới được coi là đáng kể.
Đó là não trạng phổ biến, nên chính các tông đồ cũng thích quát mánh ” tụi nhóc!” Đức Giêsu không chấp nhận ý kiến đó. Đối với người, một trẻ nhỏ, cũng đáng kể, vì đó là một con người.
Nhưng Đức Giêsu nói: ” Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì những ai giống như chúng mới được vào nước Trời “.
Rất sớm, các Kitô hữu tiên khởi đã giải thích lời nói trên, như một lập trường của chính Đức Giêsu ủng hộ việc các trẻ nhỏ lãnh chịu Bí tích Thanh Tẩy.
Hiện nay, đó là vấn nạn lại bắt đầu được nêu lên. Đó không phải là không có lý do, bởi vì người ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “lòng tin ” khi đón nhận các Bí tích… Vì một số cha mẹ nhận ra rằng, họ chưa có đủ Đức tin để giáo dục con cái họ bước vào nếp sống tối thiểu của Giáo hội, nhờ đó chúng được nuôi dưỡng… Thế là họ nói, hãy để cho trẻ sau này tự quyết định khi nó khôn lớn.
Dù đôi khi thái độ đó giúp ta nên thận trọng, nhưng không được quên bỏ câu nói của Đức Giêsu trong Tin Mừng. Nại cớ tôn trọng “tự do khi trẻ lớn khôn”, nhưng thực sự lại không xảy ra trường hợp, người ta thường tác động mạnh trên tự do của trẻ nhỏ nghịch chiều hướng của chúng, khi cấm trẻ nhỏ không được thi hành một số việc đạo đức mà chúng ước muốn trong lương tâm thơ nhỏ sao? Những khám phá mới đây về tâm lý học phù hợp với hướng của Đức Giêsu, khi tiết lộ ” những năm đầu tiên”: rất quan trọng trong việc định hướng cả một đời người!
Những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời.
Đức Giêsu đưa con trẻ ra làm gương mẫu cho những kẻ vị vọng.
Trước tiên, trong ý hướng đó, ta không có quyền tùy tiện loại trừ trẻ thơ ra khỏi Nước mầu nhiệm của Chúa Cha, mà chắc chắn chúng còn dễ được tiếp nhận hơn chúng ta. Rồi, cũng theo ý hướng đó, không có gì đối nghịch với nước Thiên Chúa hơn là thái độ tự mãn, cao ngạo và ưa lý sự của một số người lớn, thường muốn đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của tinh thần riêng họ. Họ coi mình là trung tâm vũ trụ. Quan niệm của họ là duy nhất đúng. Là những người nghèo khổ họ chỉ tin những gì họ hiểu.
Đức Giêsu tạ ơn Chúa Cha đã giấu mầu nhiệm Thiên Chúa đối với ” hạng người hiền triết và thông giỏi ” , mà lại mạc khải cho những “kẻ bé mọn” (Mt 11,25). Chắc chắn vì thế, mà ta cần phải đón nhận lời mời gọi trên, để chấp nhận một ” tinh thần thơ trẻ”.
Trẻ nhỏ tự nhiên dễ được đón nhận bước vào mầu nhiệm. Thế giới càng tiến về kỹ thuật, toán học, khoa học và kế hoạch.. thì lời của Đức Giêsu càng trở nên hiện thực, càng ngày càng cần phải giữ cho tâm hồn mình một góc tuổi thơ, một chút thi vị, một khoảng ngây thơ và tươi mát, một góc diệu kỳ.
Chắc chắn, ở đây không nhằm biện hộ để ta cứ sống mãi những trò trẻ con.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tinh thần thơ trẻ đích thực.
Giáo phận Nha Trang – Chú Giải
Đức Giê Su và trẻ em.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1.Theo truyền thống xã hội của Do Thái thời Chúa Giê-su, những ai chưa kết hôn thì chưa hoàn toàn là một người trưởng thành, vì thế bị coi rẻ trong xã hội. Câu chuyện Chúa Giê-su thương trẻ nhỏ được kể tiếp với câu chuyện về hôn nhân để nói rằng Chúa Giê-su tôn trọng và yêu thương hết mọi người, kể cà trẻ nhỏ theo thể lý và kẻ bé mọn về tinh thần như nghèo khó dốt nát, tội lỗi….
Chi tiết này giúp cho người Tông Đồ biết quan tâm đến hết mọi người, và không bỏ rơi một hạng người nào trong xã hội, trong môi trường sống.
2.”Đặt tay”là một nghi thức thường dùng để được chữa bệnh hay tấn phong; còn trong trường hợp này,đây là cử chỉ chúc phúc xin ơn Chúa che chở trên một kẻ nào đó. Người ta đem trẻ nhỏ đến xin Chúa đặt tay trên chúng là để cầu xin ơn che chở cho trẻ nhỏ, là những kẻ cần được bảo vệ chăm sóc. Giáo dân thường đến xin linh mục chúc lành là họ tin tưởng Chúa hiện diện nơi linh mục. Những ai càng gần Chúa thì càng có thế giá để cầu xin phúc lành của Thiên-Chúa.
3.Việc “đặt tay” được dùng để mở đầu và kết thúc đoạn Tin-Mừng này có thể giúp chúng ta nhận ra rằng càng gần Chúa, nghĩa là càng sống nên giống Chúa thì càng đáng được Chúa chúc phúc.
4.Câu chuyện trong đoạn Tin-Mừng này cho thấy thái độ của Chúa Giê-su đối nghịch hẳn với thái độ của các môn đệ đối với trẻ nhỏ:
– Các môn đệ biểu lộ sự khắt khe: theo tính cách con người, chúng ta cũng thường có thái độ khắt khe đối những kẻ bé mọn: nghèo, dốt, xấu xa, tội lỗi,…
– Chúa Giê-su lại có thái độ dễ dàng; điều này cho thấy đối với trẻ em thì người vẫn cứ là sứ giả của Thiên-Chúa sai đến. Và như vậy đối tượng tình thương và ơn cứu độ của Chúa không phân biệt một ai, và như vậy làm việc Tông Đồ không được dựa vào tình cảm thích hay không thích, nhưng là vì nhu cầu phần rỗi của tha nhân mà thôi.
5. ‘Nước-Trời thuộc những ai giốngnhư chúng”:
Chúa Giê-su muốn nêu cao tính lệ thuộc của trẻ em đối với cha mẹ, để nêu gương cho những ai biết sống khiêm nhường, để hoàn toàn trông cậy vào Chúa và biết sống đơn sơ, để luôn luôn gắn bó với Chúa. đó là con đường bảo đảm vào Nước-Trời.
6. Khi đón nhận những trẻ nhỏ, Chúa Giê-su muốn liên kết và lưu tâm đến những kẻ bị khinh chê và bị bỏ rơi. Ta hãy học với Chúa: quan tâm và tôn trọng đối với những người yếu đuối, nghèo khó và bị xã hội bạc đãi. Họ là những người được Chúa yêu thương, vì là những chi thể đau yêu của nhiệm thể Chúa. họ là hiện thân của chính Chúa (Mt 25,40).
Hội Thánh ở giữa trần gian lưu tâm đến những hạng người bé nhỏ này qua những công tác từ thiện, bác ái, qua những việc phục vụ kẻ mồ côi, thiếu niên bị bạc đãi, những cô gái hoàn lương cũng như những viện dưỡng lão…bạn có nhạy cảm biết quan tâm đến những kẻ bé mọn đang sống chung quanh bạn không?
7. Hội Thánh cổ động rửa tội cho trẻ em, đã dựa vào lời Chúa nói: ‘cứ để trẻ em đến với Thầy”./.