Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 14: 1-12)
Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy”. Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: “Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ”. Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: “Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên dĩa này cho tôi”. Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục và để đầu Gioan trên dĩa đem trao cho cô gái, và nó đem đến cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.
Suy niệm
Tiểu vương Hêrôđê và Gioan Tẩy Giả là hai con người, hai tính cách đối nghịch. Đoạn Thánh Kinh mà ta đọc và suy niệm hôm nay khắc hoạ lên cho chúng ta về hai con người đó và về hai cách sống giúp chúng ta chọn lựa.
Hêrôđê là tiểu vương, vua Do Thái lúc bấy giờ. Nhưng cũng bởi bối cảnh chính trị Do Thái bị Rôma đô hộ nên càng làm cho vai trò và tính cách Hêrôđê mờ nhạt đi. Ông là vua Do Thái, nhưng thực ra quyền hành vương quốc đặt dưới sự điều khiển của quan tổng trấn. Thế nên vị thế bù nhìn của Hêrôđê càng làm cho ông yếm thế, mờ nhạt, và chẳng thể hiện vai trò gì đối với đất nước. Thêm một điều nữa về con người này, đó là trước nay theo truyền thống Do Thái, thì vua là người đại diện cho dân, vừa mang tính cách tôn giáo vì Do Thái là dân riêng của Chúa, nhưng Hêrôđê được đề cập ở đây xem ra chẳng có một chút ảnh hưởng gì lên mặt tôn giáo đối với một dân tộc mà tôn giáo thờ phượng Thiên Chúa được xem như một cột trụ cho giao ước ngàn đời và là sự trường tồn của họ. Thánh Kinh không nhắc nhở gì về vai trò này. Coi như Hêrêđê là người mất gốc tôn giáo của dân tộc vậy. Thiếu đi cá tính của một vị vua của một nước, mất luôn cả nguồn cội tôn giáo, nên biến cố ông làm phật lòng Gioan khi Gioan ngăn cản ông không được lấy Hêrôđia, là vợ của tiểu vương Philiphê, anh của ông, làm vợ mình. Điều này là loạn luân. Xét mặt tôn giáo không được phép, thế mà ông vẫn làm. Qua biến cố này càng khắc hoạ rõ nét sự phóng túng của Hêrôđê. Ông là con người tội lỗi và dâm dật. Một vị vua của một dân tộc, thế mà vì mua vui, vì một vũ nữ vui mắt mà dám hứa mất cả giang sơn vì họ thì càng làm nổi bật hình ảnh một ông vua hời hợt, không xứng đáng là người đứng đầu dân Do Thái.
Sống trong bối cảnh đó và dưới sự lãnh đạo của một ông vua như Hêrođê, thì vai trò của ngôn sứ như Gioan càng nổi bật. Gioan không chỉ là người đã chọn cho mình một đời sống tiết độ, khắc khổ, ăn chay cầu nguyện, mà còn là người đại diện cho dân với vai trò tiên tri, ngăn cản vua làm những chuyện xàm bậy. Dù Tin Mừng chỉ khắc hoạ cho chúng ta chi tiết nhỏ về cái chết của Gioan thôi, nhưng qua đó cũng cho thấy tính cách cương trực và mạnh mẽ của vị ngôn sứ này. Làm ngôn sứ cho Chúa, dù thế nào đi nữa vẫn phải cất lên tiếng nói của sự thật, nói lên tiếng nói của Chúa cho người, cho đời. Ngôn sứ không thể ngậm miệng để cho những người như Hêrôđê tung hoành, muốn làm gì thì làm. Ngôn sứ không thể ngậm miệng phù vinh cho bản thân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con sống mỗi ngày và làm chứng cho Chúa trong vai trò ngôn sứ, dám mạnh dạn cất lên tiếng nói của chúng con trước những xấu xa của thế giới hôm nay. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Suy Niệm 2
Ngày 4-8 hằng năm là lễ Thánh Gioan Tẩy giả Maria Vianney (1786-1859), cha sở họ Ars (curé d’Ars), bổn mạng các linh mục. Ngài là người sống khiêm nhường và thánh thiện khác thường.
Thánh nhân được sinh ra trong một gia đình nông dân đạo đức, luôn biết kính sợ Thiên Chúa vào năm 1786 tại Dardilly thuộc địa phận Lyon nước Pháp. Vì là Người được Thiên Chúa để ý, nên ngay từ hồi còn thơ ấu, thánh nhân đã sống một đời sống thánh thiện, tuân theo ý Chúa; ngay từ 8 tuổi, đi chăn chiên, chăn cừu, thánh Vianney đã biết làm gương dậy các bạn cùng trang lứa quỳ trước ảnh mẹ Maria lần chuỗi và suy gẫm những sự trên trời.
Mẹ của Thánh Gioan Vianney là một phụ nữ rất sùng đạo, bà cho con trai biết đạo rất sớm. Thánh Gioan Vianney nói: “Tôi mắc nợ mẹ tôi, các nhân đức của mẹ tôi dễ dàng đi vào lòng con cái, và con cái sẵn sàng làm những gì được nhìn thấy”. Ngài có bản chất tốt, với đôi mắt xanh và tóc nâu. Về sau, ngài nói: “Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết điều xấu. Tôi quen như thế nơi tòa cáo giải, từ miệng của các hối nhân”.
Thánh nhân có lòng chạnh thương người nghèo, lưu tâm và tìm mọi cách, mọi phương thế để giúp đỡ họ. Thánh Vianney luôn kiên tâm, can đảm để vượt thắng vấn đề học hành vì Ngài không được thông minh đặc biệt như nhiều người khác. Ngài rất vất vả trên đường học vấn để tiến tới chức linh mục. Tuy nhiên, thánh Vianney luôn cậy trông, phó thác và cầu nguyện, Ngài phấn đấu, chăm chỉ học thần học. Chúa luôn ghé mắt đoái thương những tâm hồn thành tâm thiện chí và yêu thương những con người quyết tâm theo Chúa. Thánh Vianney đã được lãnh sứ vụ linh mục năm 1815. Ba năm sau vào năm 1818, thánh Vianney được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars, một giáo xứ bé nhỏ, ít giáo dân thuộc miền Dombes.
Ngài dâng mình vì vinh danh Thiên Chúa và cứu các linh hồn. Ngài chấp nhận phải thánh thiện từ nhỏ, và điều đó đã hoàn tất nơi ngài. Mọi lời ngài nói ra đều được nói bằng tâm tình sùng kính. Thành công của ngài khó ai có thể bắt chước. Ảnh hưởng của ngài không thể bỏ qua, và kết quả không thể tranh luận.
Thánh Gioan Maria Vianney đã thay đổi một giáo xứ nhỏ bé xem ra không là gì trước mắt thế gian trở nên điểm sáng cho toàn thế giới về sự thánh thiện và đạo đức của Ngài. Nơi tòa giải tội, thánh nhân đã thực thi lòng bác ái tuyệt đỉnh của Ngài, thánh nhân họa lại chính con người thật của Đức Kitô, con người đầy tình thương xót và chạnh lòng tha thứ…
Như Chúa Giêsu, Ngài đã cho nhân loại, cho những người đau khổ về phần hồn ăn. Ngài đã miệt mài với sứ vụ, nhân loại sẽ không bao giờ quên được lời của Ngài nói:” Cái chết thật vô cùng tốt đẹp khi người ta đã chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô”. Ơn gọi của thánh Vianney là do Chúa. Tất cả đều do sự chọn lựa nhưng không của Chúa. Tất cả do hồng ân của Chúa. Thánh Vianney đã sống ơn huệ tuyệt vời của Chúa và luôn sẵn sàng thông chia cho mọi người ơn huệ quí báu mà Ngài đã nhận được nơi Chúa.
Nhìn vào “cuốn tự điển cuộc sống” của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ hạnh… Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp thấy toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương… Thế nhưng, trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn tươi vui, từ ái và yêu thương đối với hết mọi người.
Hàng ngày, vào khoảng 12 giờ, cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó mãi cho đến tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vòi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm nhiều bao công việc. Thường khi ăn cơm bao giờ ngài cũng đứng, vì ngồi thì sợ sẽ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo…
Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đàng, ngài cũng ủi an thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài tàng ẩn một niềm vui không bao giờ cạn. Lúc trở lại nhà thờ ngài thường trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc rất dí dỏm, hài hước với các khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.
Đời sống thánh Gioan Maria Vianney quả là một tấm gương hy sinh vì Chúa và các linh hồn, đúng như lời thánh nhân thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn.” Hạnh phúc ấy đã đến với thánh Gioan Maria Vianney vào ngày 2 tháng 8 năm 1859. Thánh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa quảng đại quá khi con không đến với Chúa được, thì Chúa đến với con”. Ngày 4 tháng 8 năm 1859, khi vị linh mục đọc kinh cầu nguyện cho người hấp hối đến câu: “Xin các thiên thần Chúa đến rước linh hồn Gioan vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái. Ngài hưởng thọ 73 tuổi; làm cha sở họ Arc được 41 năm.
Tin thánh Gioan Maria Viannê qua đời đã lôi kéo cả một biển người đổ xô về giáo xứ Arc. Đoàn người đông đảo đã đi qua trước xác thánh nhân suốt 48 tiếng đồng hồ.
Ngày 31 tháng 5 năm 1925, thánh Gioan Maria Vianney được tuyên Hiển Thánh; và năm 1929, thánh nhân được đặt làm thánh bổn mạng các linh mục chính xứ trên toàn thế giới.
Huệ Minh