Suy Niệm: Tin Mừng Ga 12: 24-26
Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này…Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.
Chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.
Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự…
Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi… và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: “Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội”.
Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú…
Phó tế Lôrenxô chịu tử đạo tại Rôma ngày 10 tháng 8 năm 258, sau đức Xít-tô II bốn ngày. Chuyện kể rằng người phải chịu cực hình lửa thiêu trên một chiếc giường sắt sau khi người đã phân phát cho người nghèo tài sản của cộng đoàn. Ngay từ thế kỷ IV, lòng tôn kính người đã phổ biến trong Hội Thánh.
Từ thế kỷ thứ IV thánh lễ nay được mừng long trọng ngang hàng với lễ thánh Phê rô và Phao Lô. Cùng với 2 thánh tông đồ này, Thánh Lorenxo được xem như thánh quan thầy của thành phố Rô ma. Ngay ở thời trung cổ, có tất cả 34 thánh đường mang tên ngài trong thành phố này; và cả Âu Châu gần như nơi nào cũng có xương thánh hay di tích giường sắt tử hình của thánh Lorenxo.
Ngày nay thánh Lorenxo được xem như thánh quan thầy của người nghèo, vì ngài đã chăm sóc và tôn trọng họ như: “Kho tàng của Hội Thánh”. Ngài cũng là thánh quan thầy của các quản thủ thư viện, của phòng cháy chữa cháy, của những nghề đụng tới lửa, chỉ vì ngài bị thiêu trên giường sắt nung đỏ.
Qua nhiều trang Tin Mừng, ta thấy thân phận hạt lúa là một nghịch lý, nhưng lại là chân lý cơ bản cho đức tin và cuộc sống người Kitô hữu. Hạt lúa phải chết mới được sống và sống dồi dào hơn. Nếu nó được bảo vệ, được an toàn thì nó sẽ bất động và vô hiệu. Nhưng nếu nó phải chịu chôn vùi trong lòng đất lạnh, chịu mục nát như thể đã chết đi, thì sức sống tiềm tàng nơi nó mới phát triển và sinh trái dồi dào. Các vị tử đạo, và đặc biệt, thánh Lôrenxô phó tế tử đạo chúng ta mừng kính hôm nay, là nhân chứng hùng hồn cho chân lý nghịch lý này: “Máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Hội Thánh” (Tertullian); “Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất để Hội Thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào” (Kinh các thánh tử đạo Việt Nam).
Có một hạt lúa mang tên Giêsu. Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát, để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt. Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu. “Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó; còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25).
Ta thấy vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này. Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế. Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất, không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa. Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này, chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi. Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc, lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.
Chúa dạy: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”
Quy luật này phải mở mắt cho những con người ích kỷ, những người chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và vun quén cho mình. Thứ nhất, họ phải biết Thiên Chúa có mắt và vẫn đang theo dõi những việc làm của họ; họ không thể chỉ biết tận hưởng những ơn lành của Thiên Chúa mà từ chối không phục vụ và chia sẻ cho tha nhân. Dù họ có thể qua mặt Ngài trong cuộc sống đời này, họ vẫn phải đối diện với Ngài và tha nhân trong Ngày Phán Xét. Thứ hai, tha nhân không phải là những người ngu dại, họ chỉ có thể lợi dụng ít lần, nhưng không thể lợi dụng tha nhân suốt đời; người ích kỷ là người tự khai trừ mình ra khỏi đời sống của cộng đoàn.
Chúa Giêsu đưa ra chỉ thị cho những người “phục vụ” Chúa: Hãy đi theo Thầy. Người phục vụ Chúa phải bước đi trên con đường Chúa đã đi, đó là con đường yêu thương, tha thứ. Đó cũng là con đường thập giá, chấp nhận hy sinh để được “ở cùng Người” mãi mãi.
Chúa Giêsu là Thầy, Người đã thực hiện trọn vẹn vai trò người thầy bằng chính sự nhập thể và cái chết của mình. Lời giảng về hạt lúa phải gieo vào lòng đất, chịu mục nát đi mới sinh hoa kết quả trước tiên áp dụng cho Người. Thầy Giêsu đã sống điều Thầy dạy. Gương mẫu của Thầy Giêsu đã thu hút thánh Lôrenxô hiến thân phục vụ đến độ trở nên giống như Thầy, chịu mục nát đi như hạt lúa gieo vào lòng đất qua cái chết tử đạo của mình. Đúng như lời Chúa hứa: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”, thánh Lôrenxô phó tế tử đạo được Chúa Cha trọng thưởng và cho ở bên Thầy Giêsu trong vinh quang nước trời.
Là Kitô hữu, chúng ta cũng là những người “phục vụ” Chúa Kitô hiện diện nơi anh chị em, nhất là nơi những người nghèo đói, bệnh tật. Chúng ta được mời gọi phục vụ người nghèo với tinh thần bác ái Kitô giáo, vì họ chính là “tài sản của Giáo Hội” như thánh Lôrenxô đã khẳng định.
Huệ Minh