Suy Niệm Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên B

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 23: 1-12)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các luật sĩ và các người Biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm điều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi, ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
 
Suy niệm 1

Các kinh sư và những người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm”.

Chúa Giêsu không vị nể những kẻ giả hình. Các kinh sư và biệt phái rất nhiều lần bị Chúa Giêsu nêu rõ cho các môn đệ của Chúa biết phải đề phòng lối sống của họ.

Các kinh là những chuyên viên lề luật, đa số thuộc nhóm Pharisêu, là nhóm quan trọng nhất trong đời sống chính trị và tôn giáo, nhưng cũng rất có uy tính với dân.

Chúa Giêsu nhìn nhận nhóm Pharisêu là những người kế thừa ông Môsê, Chúa khuyên dân nghe theo họ khi họ dạy giáo lý chân chính của ông Môsê. Đồng thời, Chúa Giêsu luôn dạy các môn đệ và dân chúng phải cẩn thận đề phòng lối sống đạo đức giả của người kinh sư, bởi vì, cách sống đó luôn mâu thuẫn với  giáo lý mà họ dạy. Chúa Giêsu đã nói: “Anh em  phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu”, hay có lần Chúa Giêsu trích dẫn lời tiên tri Isaia để lên án về lối sống giả dối của nhóm kinh sư: “Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích”.

Lạy Chúa, Xin cho chúng con luôn luôn biết sống thật lòng với Chúa, thật lòng với Giáo Hội, cũng như thật lòng với anh chị em chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy Niệm 2

Trang Tin Mừng ta vừa nghe đây gồm hai phần: phần đầu ghi lại những lời Chúa Giêsu nhận xét về các kinh sư và những người Pharisiêu; phần sau ghi lại những lời Chúa Giêsu dạy dỗ đám đông và các môn đệ.

Ở phần đầu, Chúa Giêsu chỉ trích thái độ nói một đàng làm một nẻo của các kinh sư và những người Pharisiêu. Họ là những người có vai vế trong đạo. Họ nghiên cứu lề luật, giảng dạy lề luật, bảo vệ lề luật. Nhìn từ bên ngoài thì họ là những nhân vật đáng kính, học cao, biết nhiều, dáng vẻ nghiêm trang, đạo mạo, y phục chỉnh tề, đi đâu họ cũng ngồi chỗ quan trọng, đến đâu họ cũng chiếm vị trí ưu tiên.

Thật thế, ta thấy mà bởi lẽ họ chỉ được cái vỏ xanh tốt bên ngoài, còn bên trong thì lại cằn cỗi khô héo. Chúa Giêsu không phủ nhận vai vế của các kinh sư và những người Pharisiêu trong dân. Chúa khuyên dân chúng hãy tuân giữ những gì họ giảng dạy. Nhưng bởi họ dạy mà không làm những gì mình dạy nên Chúa Giêsu cảnh giác dân chúng đừng làm theo những gì họ làm.

Sau khi nêu rõ những thói tật của các kinh sư và những người Pharisiêu, Chúa Giêsu chuyển sang phần giáo huấn cụ thể cho dân chúng và các môn đệ. Ở phần này khi nói: “Các con đừng gọi ai là cha, cũng đừng để ai gọi mình là thầy hay là nhà lãnh đạo”, Chúa Giêsu đã dùng lối nói cường điệu để nhấn mạnh vai trò tuyệt đốì của Cha và của chính Ngài.

Khi giảng dạy như thế, Ngài không có ý phủ nhận vai trò của cha mẹ hay của thầy dạy hoặc của người lãnh đạo trên trần gian, mà Ngài chỉ muốn người ta đừng tuyệt đối hóa những vai trò đó, đến độ đặt ngang hàng hoặc cao hơn Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Cha mới là Ðấng sinh thành tối cao và chỉ có Chúa Kitô mới là Ðấng giáo hóa tối thượng, còn tất cả mọi người đều là anh chị em bình đẳng với nhau.

Ở đây, ta gặp được một quan niệm rất quen thuộc của tư tưởng Á đông: tứ hải giai huynh đệ, người trong bốn bể đều là anh em, mà đã là anh em thì không còn lên mặt lên mày, không còn tranh chấp ghế cao ghế thấp làm gì nữa. Ðã là anh em thì yêu thương phục vụ là chuyện đương nhiên phải làm: “Trong các con, ai là người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.”

Trong khi lên án các Kinh sư và Biệt phái về thái độ bất nhất trong lời nói và việc làm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ và dân chúng phải nhất quán trong lời nói và hành động của mình. Lời nói có khả năng thuyết phục người khác, nhưng chính hành động mới làm cho lời nói trở nên giá trị và đáng tin. Chúa Giêsu đã chứng minh điều này trong cuộc đời rao giảng của Người. Dân chúng không chỉ ngưỡng mộ, bị thu hút vì Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, mà còn dám tin tưởng và dấn thân theo Chúa bởi những hành động của Người như chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, tha tội, cho kẻ chết sống lại…

Khi Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ rằng: các con chớ cho gọi mình là Thầy, là Cha, là người chỉ đạo, Người chỉ muốn chúng ta từ bỏ nết xấu đó để ý thức lại quyền của Thiên Chúa ở trên mọi người. Có hướng về Thiên Chúa, người ta mới là anh em với nhau và Giáo hội mới là Hội Thánh. Và điều này hết mọi người phải thi hành, cả tư tế lẫn giáo dân. Có thi hành, tư tế mới giảng đạo chứ không giảng mình và mới khỏi “bó những gánh nặng mà đặt trên vai người khác, còn chính mình lại không muốn tra ngón tay lay thử”. Vì thường ách của Chúa thì nhẹ, còn gánh người ta bó mới nặng! Còn giáo dân, khi theo gương khiêm hạ của Ðức Kitô, sẽ dễ tìm thấy bình an giữa mọi người và xây dựng được cộng đoàn bác ái.   

Không ai có thể phủ nhận giá trị của lời nói. Có những lời nói hết sức cần thiết mà nếu không nói, chúng ta có thể mắc lỗi. Đó là những lời chúc mừng, những lời chia sẻ, an ủi, động viên, khích lệ, và cả những lời sửa dạy nữa. Tuy nhiên, nếu chỉ nói mà không làm hoặc làm ngược lại những điều mình nói thì không những chúng ta trở thành những kẻ nói dối, mà còn đánh mất niềm tin nơi người khác. Chính hành động sẽ minh chứng cho lời nói, bởi vì: “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Như vậy, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới sinh nhiều hoa trái thánh thiện.

Lời Chúa hôm nay chủ yếu nhắm vào các tư tế bất trung, những nhà lãnh đạo tôn giáo bất xứng. Là sứ giả của Thiên Chúa, họ có trách nhiệm chuyển thông Lời Chúa và thánh ý của ngài một cách trọn vẹn. Đồng thời, họ phải cố gắng sống đúng điều mình rao giảng, làm gương mẫu cho người khác. Thiếu trách nhiệm trong giáo huấn hay trong cách sống, họ làm cho người khác lầm lạc, thay vì đi đúng đường; họ dẫn đưa người khác đến sự xấu, thay vì phải xa tránh tội lỗi.

Và như thế, họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa, và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Cũng trong chiều hướng đó, Chúa Giêsu đã cảnh giác dân chúng về cách sống của các luật sĩ và biệt phái, là những người chỉ nói mà không làm; đặt những gánh nặng lên vai người khác, còn họ thì không hề đụng tới; họ thích khoe khoang, hay làm nổi, cho người khác để ý; họ kiêu ngạo, muốn dùng tôn giáo để thống trị, áp bức người khác.

Tâm tính “pharisieu” không chỉ ở những người Biệt Phái, mà là ở con người nhân thế mọi thời đại. Kể cả người nghèo và người giàu, người lao động bình dân hay tri thức. Trong cá tính con người đều có tính “Biệt phái”, dù là Quốc Gia nào, dân tộc nào, chúng ta đừng tường chỉ có dân tộc Dothai. Ngay cả người Kitô Hữu ngày nay vẫn có “tâm tính Pharisieu”.

Ví vậy, người bước theo Đức Kitô – Giêsu là người phải tự hạ, nghĩa là “loai bỏ” tâm tính Pharisiêu” ra khỏi tính cánh của chúng ta. Như thế, chúng ta mời bước theo Đức Kitô trên mọi nẻo đường đời.

Huệ Minh