Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 25: 14-30)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đấy tớ trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi cho được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo, và thu nơi ông không phát, nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất, đây của ông, xin trả lại ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
Suy Niệm
Thiên Chúa cho ta nhiều hơn những gì ta xin. Ngài cho một cách quảng đại, không xẻn so tính toán. Và Chúa cũng dạy ta hãy cho đi như vậy. Dụ ngôn ông chủ và những nén bạc một lần nữa minh chứng cho lòng quảng đại của Thiên Chúa.
Thiên Chúa trao cho mỗi người số nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người xử dụng những nén bạc đó. Bởi thế người đã lãnh năm nén và người đã lãnh hai nén mà xử dụng tốt đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ”. Cách xử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lời. Làm cho chúng sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ: người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.
Chúng ta cũng có thể hiểu nén bạc là đức tin. Đức tin được ban cho chúng ta một cách nhưng không, nhưng không bởi vì chúng ta có được đức tin mà không do bất cứ công lao nào của chúng ta. Một niềm tin được chia sẻ là một niềm tin sống động, trái lại một niềm tin chôn cất sẽ là một niềm tin bị mai một và chết dần.
Trước khi có việc đi xa, ông chủ gọi các đầy tớ đến và trao cho họ những nén bạc. Người năm nén, người hai nén, người một nén. Với số vốn ban đầu, mỗi người đều có cách riêng làm cho nén bạc đó sinh lời. Thế nhưng trong số họ, có người không biết sinh lời đã đem chôn nén bạc xuống đất và còn phiền trách ông chủ hà khắc. Ông chủ phán xử bằng cách “ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”. Mới nghe qua câu chuyện, ta sẽ cho rằng ông chủ này thật bất công, nhưng có lẽ đó mới là ông chủ nghiêm minh và công bình.
Ông chủ này giao phó cho người đầy tớ thứ nhất năm nén bạc, người thứ hai hai nén, và người thứ ba một nén. Trong thời gian ông chủ đi vắng, ba đầy tớ này phải làm cho những tài sản này sinh lợi. Người đầy tớ thứ nhất và thứ hai, mỗi người làm lợi gấp đôi số vốn được trao ban đầu; tuy nhiên, người thứ ba, vì sợ mất trắng, nên đã chôn vùi nén bạc đã nhận trong lỗ. Đến khi chủ trở về, hai người đầy tớ đầu tiên nhận lãnh được lời khen và phần thưởng, trong khi người thứ ba, thì chỉ hoàn trả lại số tiền đã nhận, nên đã bị khiển trách và trừng phạt.
Ông chủ nói với người đầy tớ : “Khá lắm ! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,23)
Như vậy, chủ đã biết rõ tài năng của mỗi người. Chỉ còn xem ai tốt ai xấu thôi. Kẻ tốt sẽ trung thành với sự tin tưởng của chủ, anh sẽ hết lòng hết sức làm, không thắc mắc lương bao nhiêu ? không sợ lỗ lãi nhiều ít, miễn là cố gắng làm, hoàn toàn tín nhiệm vào lòng tốt của chủ, ca dao đã nói đúng : ” Kẻ có nhân mười phần chẳng khó”. Kẻ xấu, sợ khó khăn, sợ lỗ lãi, chỉ vì lười biếng hay bất phục ông chủ nên không muốn làm. Tục ngữ có câu : “Kẻ bần, trí đoản” – hạng bần tiện, trí khôn chỉ nghĩ đến những cái lợi trước mắt, những điều thiển cận, bo bo ích kỷ, không thấy được những điều cao xa hữu ích rộng lớn. Nó lười biếng, còn bất trung dám nghĩ xấu, nói đổ oan cho chủ là người keo kiệt, gặt nơi không gieo, thu nơi không vãi.
Hàng ngày chúng ta nhận lãnh từ thiên nhiên vũ trụ, từ cuộc sống nhiều hơn những gì chúng ta cho đi. Mặt trời cho ta ánh nắng ban mai ấm áp, bầu trời cho ta làn gió mát. Cỏ cây hoa lá đem đến cho ta sự tươi mới. Thời tiết tuần hoàn, vũ trụ nhịp nhàng chyển dịch đó chẳng phải là món quà vô giá mà ta nhận lãnh hàng ngày sao. Cha mẹ, gia đình, bạn hữu cho ta mối tương giao đằm thắm gần gũi. Mỗi phút giây ta sống trên đời đều gửi đến cho ta một lời nhắn nhủ thiết thân. Mỗi sớm mai thức dậy, ta có biết cám ơn cuộc đời cho ta có thêm một ngày sống để yêu thương không? Với ý nghĩa đó, hóa ra chúng ta là người rất giàu có, rất nhiều cái để cho, nhiều điều để sẻ chia với tha nhân.
Trong sách Công vụ tông đồ, thánh Phaolô viết “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). “Cho” với một xác quyết rằng chúng ta đã lãnh nhận rất nhiều ân sủng từ Thiên Chúa. Những ân sủng ấy dành để phục vụ mọi người chứ không phải để ích kỷ cho riêng mình. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Cho như thế không làm chúng ta nghèo nàn mất mát nhưng càng được giàu sang, được lớn lên trong tương giao với người khác.
Cho và nhận đều mang tính tuần hoàn. Điều ta cho sẽ không mất đi nhưng trở lại với những dạng thức khác mới mẻ hơn, vì rằng “trong cái mất luôn có cái được”. Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của sự nghèo khó nhưng lại rất giàu có. Gia tài của Ngài là Thiên Chúa, bạn hữu của Ngài là thiên nhiên vũ trụ, tinh tú trăng sao…Ngài đã nên thánh bằng cuộc sống nghèo nhưng vẫn tự do bát ngát, nên thánh với niềm xác tín rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Như thế, cái chúng ta cho không chỉ là của cải vật chất mà là chính con người chúng ta. Chúng ta có thể trao cho nhau những điều rất đơn giản, sự chăm sóc yêu thương, một lời nói động viên, một cái nhìn thông cảm hay một lời cám ơn, xin lỗi…
Dụ ngôn này khuyến khích chúng ta không được che giấu niềm tin và sự thuộc về Chúa Kitô của chúng ta, không được chôn vùi Lời Chúa, nhưng phải để nó lan truyền trong đời sống của chúng ta, trong những tương quan, trong những hoàn cảnh cụ thể, như là sức mạnh nâng đỡ giữa khủng hoảng, để tinh lọc, để đổi mới. Như thế thậm chí sự tha thứ, mà Thiên Chúa đã ân ban cách đặc biệt cho chúng ta trong Bí tích Hòa Giải: đừng chỉ giữ khư khư nơi bản thân chúng ta, nhưng hãy để sức mạnh của Thiên Chúa lan tỏa, một sức mạnh giúp đạp đổ những bức tường mà cái tôi của chúng ta đã dựng lên, giúp chúng ta chủ động trong các tương quan tan vỡ, để nối lại những cuộc đối thoại ở những nơi không còn sự truyền thông… Phải làm như thế. Phải làm cho những tài năng, những món quà, những ân ban mà Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta, đến được với tha nhân, lớn lên, và kết trái, cùng với chứng tá của chúng ta.
Người quản lý trung thành không chỉ biết cất giữ tài sản của chủ, mà còn biết sinh lợi nó theo ý chủ mình. Trung thành lúc này có nghĩa là khôn ngoan, tháo vát. Chúa đòi hỏi những phẩm tính ấy khi ban cho con người những ơn huệ khác nhau trong đời sống cá nhân và xã hội. Ơn huệ ấy Chúa lại không ban một lần thay tất cả, nhưng từ ơn huệ này, ta trung thành sinh lợi sẽ đưa ta đến những ơn huệ khác liên hệ. Vấn đề không phải là chuyện được giao nhiều hay ít “yến bạc,” mà là tấm lòng yêu mến và trung thành của mỗi người đối với Thiên Chúa, và với tấm lòng ấy, mỗi người sẽ sinh lợi cho Ngài như thế nào. Phần thưởng chủ dành cho tôi tớ trung tín ấy là được Chúa tín nhiệm và giao phó nhiều tài sản lớn hơn trong Nước Chúa.
Thiên Chúa đã tin cậy chúng ta, Thiên Chúa hy vọng nơi chúng ta. Và đây là điều như nhau cho tất cả. Đừng làm cho Người thất vọng! Đừng để mình bị lừa dối bởi sợ hãi, nhưng hãy đáp lại sự tin cậy bằng sự tin cậy! Đức Trinh Nữ Maria là hiện thân tiêu biểu của thái độ này với một cách thức viên mãn và đẹp đẽ nhất. Mẹ đã nhận lãnh và đón tiếp tặng phẩm tuyệt vời nhất, Đức Giêsu làm Người, và đến lượt mình Mẹ đã tặng ban cho loài người Chúa Giêsu với cả con tim quảng đại. Hãy van nài Mẹ phù giúp chúng ta trở thành “những đầy tớ tốt lành và trung tín”, để xứng đáng vào hưởng “niềm vui của Thiên Chúa chúng ta.”
Huệ Minh