Ngày xưa, ít người tổ chức mừng sinh nhật, thậm chí rất nhiều người không nhớ đến ngày sinh nhật của mình và sinh nhật của người thân. Có nhiều lý do: có thể do phong tục; có thể do thiếu điều kiện; có thể vì thiếu quan tâm; có thể vì bận rộn công việc…Ngày hôm nay, việc mừng sinh nhật trở thành như là một phong trào nơi các học sinh, sinh viên và nhiều thành phần khác trong xã hội: chính mình tổ chức sinh nhật cho mình; bạn bè, đồng nghiệp tổ chức sinh nhật cho nhau; cha mẹ tổ chức sinh nhật cho con cái; con cái cháu chắt tổ chức sinh nhật cho ông bà cha mẹ…
Và rồi ta vẫn thấy xã hội quan tâm hơn đến việc mừng sinh nhật của các vĩ nhân, tức là những người có địa vị, có công với xã hội cũng như Giáo Hội. Người ta không những nhớ đến ngày sinh nhật của họ khi còn sống mà người ta còn mừng sinh nhật của họ khi họ đã qua đời. Phải chăng, giá trị của ngày sinh nhật không chỉ là ở nơi việc được sinh ra làm người mà quan yếu là đã đóng góp gì cho đời, cho người?
Ngày lễ sinh nhật Mẹ Maria hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta đọc lại gia phả của Chúa Giêsu. Ta thấy, trong suốt chiều dài lịch sử thấy Thiên Chúa đã tuyển chọn gia tộc cho Người cách đặc biệt.
Trong phụng vụ Giáo hội, chỉ có ba ngày lễ Sinh nhật, đó là lễ sinh nhật Đức Giêsu, lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả và lễ sinh nhật Đức Maria mà chúng ta mừng kính hôm nay. Phải chăng Giáo hội cũng dựa vào sự đóng góp của Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả đối với nhân loại để mừng sinh nhật? Hay nói cách khác, Giáo hội chú trọng vào vai trò và sứ mạng của ba vị trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa? Thật vậy, cả ba Đấng đều có những địa vị và sứ mạng đặc biệt trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa: Thánh Gioan Tẩy Giả có vai trò và sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Đức Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế.
Hình ảnh bốn phụ nữ được Kinh Thánh nói đến như là một tiên báo cách kín đáo về Đức Kitô, Đấng sẽ đến để cứu độ những người tội lỗi, và đón nhận mọi dân mọi nước vào vương quốc của Người. Việc tuyển chọn những nhân vật này không phải là điều đáng tự hào vì lý lịch của họ. Nhưng tiêu chuẩn của Thiên Chúa khác với con người. Người chọn sự yếu kém để nói lên lượng từ bi của Người.
Thiên Chúa quan phòng và tiền định mọi sự theo Thánh Ý Ngài, cuộc đời Đức Mẹ và chúng ta cũng vậy. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 28-29). Thánh Phaolô giải thích theo chuỗi liên kết lôgích: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8, 30).
Đức Maria tầm thường là người trước nhất nhận ra giá trị vô song của cuộc sống hèn mọn mình trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả… Hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Dưới tác động của Thần Khí, Ma-ri-a là người đầu tiên nhận biết giá trị đích thực của cuộc sống, của cá nhân mình trước hết rồi sau đó của toàn thể loài người… ‘đời nọ tới đời kia…’, giá trị đó phát xuất từ, và chỉ tìm thấy nơi ‘Thiên Chúa hằng thương xót’ (Lc 1:46-55). Một khi Chúa đã thương xót và cứu độ, thì bất luận kiếp sống nào của con người được sinh ra trên cõi thế cũng đều có giá trị vô song cả.
Về phần Đức Maria, Mẹ không nghĩ rằng Mẹ được vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa. Bằng chứng là Mẹ vẫn khấn giữ mình đồng trinh. Khi Thiên thần đến báo tin vui, Mẹ vẫn ngỡ ngàng vì chưa hiểu lời Thiên thần nói. Thiên Chúa không cho Mẹ biết trước, vì Thiên Chúa tôn trọng tự do của Mẹ. Nói cách khác, Đức Mẹ đã dùng tự do của mình để cộng tác đắc lực với Thiên Chúa trong việc sinh ra và nuôi nấng Đấng Cứu Thế.
Từ khi chấp nhận hai tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã chấp nhận những gian lao thử thách: mang thai trong sự hiểu nhầm của Thánh Giuse; sinh con trong hang đá nghèo nàn, lạnh lẽo; đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập (Mt 2, 13-21); khi lạc mất trẻ Giêsu ở Jêsusalem trong ba ngày (Lc 2, 41-50); khi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu trên đường đến núi Sọ; khi Đức Giêsu bị đóng đinh; khi xác Đức Giêsu được tháo xuống khỏi Thánh Giá; khi chôn xác Đức Giêsu trong mồ. Cuối cùng, để cộng tác với Đức Giêsu cứu độ nhân loại, Mẹ đã chấp nhận hy sinh đứa con yêu quý của mình.
Và như vậy, Giáo hội gọi Mẹ là Đấng đồng công cứu chuộc loài người. Mẹ đã chu toàn sứ mạng của mình một cách xuất sắc. Như vậy, Giáo hội mừng sinh nhật của Mẹ là vì Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Vì Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế. Đồng thời trong đức tin và ân sủng, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ của mỗi người kitô hữu chúng ta.
Ta vui mừng hân hoan mừng lễ Sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria: Bởi từ Mẹ mọc lên Mặt Trời công chính là Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Ngày lễ Mẹ này hoàn toàn là một sự mời gọi hãy hoan hỉ, vì do ngày Sinh nhật của Đức Maria Rất Thánh, Thiên Chúa ban cho thế giới bảo chứng cụ thể ơn Cứu độ sắp xảy đến: Nhân loại từ hàng ngàn năm đã ý thức nhiều hay ít, đã mong đợi một nhân vật nào có thể giải phóng họ khỏi khổ đau, khỏi rủi ro, lo âu, thất vọng, và ai đã tìm được những sứ giả loan báo lời trấn an và khích lệ của Thiên Chúa, có thể cảm kích nhìn thấy Thiếu Nhi Maria này. Maria là điểm hội tụ và là điểm đến của tất cả các lời hứa của Thiên Chúa vẫn ngân vang một cách huyền nhiệm tới tâm điểm của lịch sử.
Noi theo gương mẫu của Mẹ Maria, chính là bắt chước những gương sáng của Mẹ để lại. Những mẫu gương nổi trội nơi Mẹ chính là: đức tin, đức ái, lòng khiêm nhường, tinh thần ngoan ngùy với Thiên Chúa trong vai trò là Nữ Tỳ của Người.
Huệ Minh