Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 8: 4-15)
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu, Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào? Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: “Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận Lời Chúa, nhưng họ không đâm rể, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đã dùng những một hình ảnh nhà nông để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời. Cùng một thứ hạt giống, cùng được gieo như nhau, nhưng gieo xuống rồi có mọc lên được hay không, trổ sinh bông hạt nhiều hay ít là tuỳ ở đất: Mảnh đất đó là sỏi đá hay gai góc, được cày bừa chăm sóc hay bị bỏ bê, sẽ đem lại kết quả khác nhau vào cuối vụ mùa. Đối với Lời Chúa cũng thế. Thiên Chúa như ông chủ hào phóng gieo Lời Ngài vào mọi mảnh đất tâm hồn, không loại trừ ai. Lời gieo vào đôi tai có trổ sinh bông hạt là hành động của đôi tay hay không là tuỳ ở người nghe, có đón nhận với tâm hồn sẵn sàng và đôi tay rộng mở để thực hành Lời Chúa.
“Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm” (Lc 8, 5-8).
Dụ ngôn “người gieo giống” là một trong bảy dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để nói về Nước Trời. Thiên Chúa chính là người gieo giống. Mỗi người là những mảnh đất. Hạt giống Nước Trời là lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Hạt giống Nước Trời được gieo vãi vào nơi: vệ đường, sỏi đá, bụi gai và đất tốt. Nhưng chỉ nơi đất tốt hạt giống mới trổ sinh bông hạt và làm cho công khó của người gieo giống không trở nên vô ích.
Mỗi Kitô hữu được mời gọi trở nên “mảnh đất tốt bền vững” cho hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết quả dù trong tâm hồn vẫn thường tồn tại những môi trường đất khác nhau, có khi là mảnh đất tốt, nhưng cũng có khi chỉ là vệ đường, sỏi đá, bụi gai. Để trở thành đất tốt đón nhận hạt giống Lời Chúa, cần có một tâm hồn khao khát lắng nghe Lời Chúa với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ mà kiên trì thực hiện; là đi con đường Chúa Giêsu đã đi : “từ bỏ mình, vác thánh giá hằng ngày theo Chúa” và sống giới răn mến Chúa – yêu người.
Mỗi khi đọc Tin mừng này mỗi người chúng ta phải tự vấn lương tâm trước Thiên Chúa :
Là hạt giống gieo trên vệ đường : nếu tâm hồn tôi là mảnh đất vệ đường, có nghĩa là mảnh đất trơ trơ, chai lì, không cuốc xới bao giờ, cũng không vun tưới đó là tôi đã hoàn toàn để cho ma quỷ làm chủ tâm hồn mình, tôi không chịu rèn luyện, không hy sinh, không cố gắng nghe theo Lời Chúa dạy qua nhiều cách khác nhau.
Là mảnh đất sỏi đá : tôi không có lập trường vững chắc, ai nói hay là ngả theo.
Là mảnh đất có nhiều gai góc : Người nhà nông chúng ta thấy rõ điều này là khi chúng ta gieo lúa thì bao giờ cỏ gai cũng mọc mau hơn là lúa. Nếu hạt giống có mọc lên được thì cũng bị gai làm chết nghẹt hoặc cây sẽ vàng, èo uột và không thể sinh hoa trái được. Đó là tâm hồn ngổn ngang đầy những tính mê nết xấu, mà ta không cố gắng diệt trừ thì Lời Chúa không thể tồn tại và có kết quả được.
Là mảnh đất tốt : may mắn cho hạt giống rơi nhằm mảnh đất tốt là tôi luôn phải cuốc xới, tưới nước, chăm bón từng ngày. Tâm hồn là mảnh đất tốt là khi nghe Lời Chúa người ấy thành tâm thiện chí tin yêu và đem ra thực hành ngay cả những khi cuộc sống của họ gặp khó khăn gian khổ, thử thách. Nhờ đó Lời Chúa sinh hoa kết qủa thật dồi dào (gấp trăm).
Một điều thật trớ trêu: đang khi Thầy loan báo cuộc khổ nạn thì trò lại tranh giành địa vị cao thấp. Cách cư xử của Chúa Giêsu thật tế nhị: Ngài không xen vào cuộc tranh luận, mà Ngài đợi về đến nhà mới hỏi. Ngài cũng chẳng nặng lời với các ông. Cách giáo dục của Chúa Giêsu cũng thật khéo léo: Ngài không dập tắt tham vọng của các môn đệ. Ngài thanh lọc và hướng tham vọng ấy lên cao hơn.
Để thay cho tham vọng thống trị, Chúa Giêsu hướng các ông đến lòng khát khao phục vụ. Thay cho tham vọng vun quén mọi sự cho bản thân, Ngài hướng các ông đến ước muốn xả thân cho người khác. Trong Nước của Chúa Giêsu, người lớn nhất là người phục vụ hết mình nhất.
Họa sĩ Van Gogh nói rằng: “Cuộc đời là thời gian gieo trồng, chứ chưa phải là mùa gặt hái”. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy Thiên Chúa, được ví như người gieo giống, đã gieo cách kiên trì, rộng rãi đến độ hoang phí các hạt giống Lời Chúa.
Chúng ta cần cày xới, vun tưới thửa đất tâm hồn chúng ta mỗi ngày bằng cách chúng ta đặt niềm tin vững chắc vào Lời Chúa, luôn cố gắng loại bỏ những đam mê, tật xấu để hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái dồi dào hầu nước Chúa mỗi ngày được lan rộng tới mọi tâm hồn.
Hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa, Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này không thể bỏ qua được.
Hôm nay chúng ta nói đến thân phận của hạt giống rơi vào bụi gai, tiêu biểu cho thái độ đón nhận Lời Chúa thường gặp nơi chúng ta. Bụi gai tượng trưng cho nỗi bận tâm về chuyện đời, về ham mê của cải, công ăn việc làm khiến cho cây Lời Chúa chết nghẹt.
Huệ Minh