Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13: 1-9)
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Suy Niệm: Tin Mừng Lc 13: 1-9
Dụ ngôn cây vả càng làm tăng thêm lời cảnh báo về sự khẩn trương phải sám hối; và khẳng định một cách chắc chắn rằng, một cơ may mới luôn luôn được trao ban cho người có tội để mỗi người đón nhận sự sống mới nơi chính mình. Người thợ làm vườn nho trong dụ ngôn hy vọng về tất cả và chống lại tất cả, thậm chí chống lại người chủ đang có khuynh hướng áp dụng một biện pháp nghiêm khắc đối với cây vả cho đến bấy giờ vẫn không sinh hoa trái.
Để cứu chúng ta khỏi bị loại khỏi sự sống vinh quang đời đời mà Chúa Giêsu lấy cây vả không trái làm ví dụ để dạy ta đã là cây ăn trái thì phải có trái, nếu không sẽ bị hạ xuống.
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người hãy tự nhìn lại mình và hoán cải thay vì bình luận tai ương rủi ro xảy đến cho người khác. Sự kiện những người Galilê bị Philatô giết đang khi dâng lễ vật không thể không làm cho Chúa Giêsu suy nghĩ. Nhưng khác với cách phê phán của người đương thời, Ngài không xét đoán nạn nhân xem có phải họ đang lãnh lấy hậu quả tội lỗi của họ hay không. Ngài cũng không coi mọi sự dữ là do Thiên Chúa trừng phạt dù rằng Thiên Chúa có quyền làm như vậy. Chúa Giêsu nhắc lại một sự kiện khác: chuyện mười tám người bị tháp Silôa đổ xuống đè chết. Cách chết của những người này cũng thê thảm không kém những người bị Philatô giết. Tuy nhiên, trường hợp của họ có thể coi như một sự rủi ro.
Chúa Giêsu đã đến rao giảng, kêu gọi sám hối. Ngài đã sẵn sàng chết để minh chứng tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài đã để lại cho Giáo hội các bí tích để nuôi dưỡng đời sống kitô hữu, nâng đỡ khi yếu đuối, chữa lành khi vấp ngã, bị thương tích. Vậy mà có biết bao lần ta dửng dưng không quan tâm lãnh nhận các ân phúc ấy, hoặc lãnh nhận theo thói quen không với lòng ao ước xứng đáng.
Vì thế cuộc đời ta không biến đổi, không tỏa sáng nét đẹp Tin Mừng, không làm cho người xung quanh nhận biết có Chúa trong đời ta. Chúa Giêsu là người làm vườn độ lượng, tận tụy, kiên trì. Nếu không như vậy thì ta đâu có gặp lại những cơ hội đã bỏ qua: ngày hôm nay ta vẫn còn được nghe Lời Chúa, được mời gọi lãnh nhận các bí tích, được khuyến khích sống lương thiện, bác ái. Sẽ đến lúc ta không còn được hưởng sự may mắn ấy nữa. Không ai trong chúng ta biết mình sẽ kết thúc cuộc sống cách nào, lúc nào. Đừng nghĩ là còn thời gian. Thời gian được ban cho ta nhưng ta không có quyền làm chủ.
Qua các biến cố trong cuộc đời, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi con người hoán cải và trở về với Người. Thế nhưng, con người thường phớt lờ sứ điệp yêu thương ấy. Dẫu thế, giữa cuộc đời nổi trôi của ta, tiếng Chúa vẫn khẽ vang vọng, mời gọi và thôi thúc tự trong lòng ta. Tiếng gọi ấy nói lên lòng thương xót và nhẫn nại bao la của Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng không ngừng chuyển cầu cho ta trước nhan Thiên Chúa và quan phòng dẫn dắt ta như hình ảnh người làm vườn kiên nhẫn chăm bón cho cây vả không sinh trái. Ước mong trái tim chúng ta biết thổn thức để mau chóng nhìn lại bản thân, chân nhận những khuyết điểm và quyết tâm sửa đổi để được “ở lại trong tình thương của Chúa” (Ga 15, 9) – Đấng giàu lòng xót thương.
Thật vậy, trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống đạo, rất nhiều lần chúng ta có thái độ khinh miệt những người tội lỗi và hay gán cho những người ốm đau bệnh tật, hay gặp những cảnh éo le trong cuộc sống là do Chúa phạt vì những tội lỗi của họ gây nên. Điều này cũng có thể đúng, vì Chúa có thể dùng cách thức đó để thức tỉnh lương tâm của họ, nhưng hoàn toàn khởi đi từ lòng nhân từ muốn cho họ được sống. Tuy nhiên, phần chúng ta, chúng ta đừng dành quyền xét đoán đó của Thiên Chúa, mà ngược lại, chúng ta nên nhận ra tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta thì tốt hơn.
Qua khuôn mặt người làm vườn này tỏ cho chúng ta thấy gương mặt của Thiên Chúa hằng sống, đối với ngài “ sự kiên nhẫn là tên gọi khác của tình yêu”. Cần phải ghi nhớ là, sự kiên nhẫn không có nghĩa là ngài không vội vã, gấp rút. Tuy nhiên, ngài không ngừng giơ bàn tay ra cho chúng ta, bởi vì ngài không bao giờ mất can đảm về những lầm lạc liên tục của chúng ta, về những sự cằn cỗi và những quá khứ không sinh hoa trái của chúng ta.
Chính Chúa Giêsu lưu ý những người đang đối thoại với Ngài rằng hai thảm kịch đã xảy là lời cảnh báo cho chính họ: cần phải sám hối khi thời gian còn cho phép. Dụ ngôn cây vả không bạo tàn như các sự kiện vừa nêu, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể trì hoãn, không chịu hoán cải. Người ta thường mau mắn tỉnh ngộ trước những biến cố gây kinh hoàng nhưng hay trì hoãn khi cuộc sống cứ trôi đi êm ả bình an dẫu biết rằng thời gian đi không trở lại; cuộc sống có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào.
Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa như thế còn là một sự tin cậy không mệt mỏi. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không phải là dửng dưng. Ngài không chán chường về những hoa trái không chắc chắn mà chúng ta sẽ có thể mang lại; làm như điều đó rất ít quan trọng, đối với ngài. Thiên Chúa không nhìn chúng ta như là chúng ta hiện tại, nhưng như chúng ta phải là, hoặc có thể sẽ là. Ngài không bỏ rơi chúng ta cho sự tầm thường và sự nặng nề của chúng ta. Ngài không ngừng mong muốn chúng ta trổ sinh hoa trái cho Nước Trời. Sự tha thứ của Thiên Chúa làm sống lại trong chúng ta điều tốt nhất nơi con người chúng ta, bởi vì ngài đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh ngài.
Thiên Chúa Cha là Đấng công minh, đã tạo dựng muôn loài với mục đích riêng cho từng loại, nhưng tất cả muôn vật đều cùng có một đích chung là tôn vinh Thiên Chúa tùy cách của mỗi vật. Như bụi hoa thì có hoa làm rực rỡ vườn xuân; cây ăn trái thì có trái chín làm vui mắt, làm ngọt miệng; con chim để bay nhảy, để ca hót làm vui làm đẹp cho vũ trụ, con người để yêu thương nhau, giúp nhau nhận ra Thiên Chúa là Cha và cùng nhau kính mến Thiên Chúa.
Và rồi trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em chúng ta, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh em kia…
Huệ Minh