Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 11: 27-28)
Khi ấy, 27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”28 Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.
Suy niệm:
Hẳn ta còn nhớ Công đồng Vaticanô II giải thích rằng: Trong thời gian Chúa đi rao giảng, Mẹ đã đón nhận những câu nói, qua đó Con của Mẹ, khi đặt Nước Trời lên trên cách suy nghĩ và mối liên hệ huyết nhục, đã tuyên bố những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (Mc 3,35; Lc 11, 27-28) điều mà chính Mẹ đã trung tín thực hành (Lc 2,19. 51) mới thật là người có phúc.
Một trong những niềm hạnh phúc và tự hào của con người là có mối dây liên hệ ruột thịt với người vĩ đại, người nổi tiếng. Đức Giêsu – người con yêu dấu của Mẹ Maria – giờ đây đang nổi tiếng và được nhiều người thán phục. Và như thế, Mẹ Maria cũng đáng được mọi người ngợi khen. Thế nhưng, hôm nay, trước lời khen ngợi của người phụ nữ đối với “người Mẹ đã cưu mang Ngài”, Đức Giêsu không nói thêm vào nhưng lại đáp: Đúng hơn phải nói rằng: “Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”.
Đám đông người Do thái đang vây quanh Chúa, họ trầm trồ thán phục vì những phép lạ phi thường và lời dạy khôn ngoan của Chúa. Những người phụ nữ mơ ước có một người con tài giỏi như Chúa. Một trong số họ không kìm được lòng ngưỡng mộ, thốt lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm” (Lc 11,27). Chúa Giêsu không phủ nhận lời chúc phúc của người phụ nữ, Ngài đã tận dụng khoảnh khắc đó để hướng đến điều căn bản của mối phúc cho tất cả những ai muốn theo Ngài: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Câu trả lời của Chúa ẩn chứa một bài học quí giá cho tất cả chúng ta. “Có nhiều cấp độ về việc thực thi ý Chúa: chịu đựng ý Chúa, chấp nhận ý Chúa, mong muốn ý Chúa, và yêu mến ý Chúa”.
Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.
Và ta thấy lời của Chúa hôm nay chính là một lời ca ngợi thân mẫu của Thầy Giêsu. Người phụ nữ chắc đã rất tâm đắc với những lời Thầy giảng, nên từ lòng ngưỡng mộ đối với Thầy, bà đã bật lên lời ngợi khen đối với người Mẹ của Thầy. Bà không ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ, những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con. Lòng dạ của Thân Mẫu Thầy đã cưu mang Thầy chín tháng. Chín tháng đủ để một thai nhi cứng cáp mà nhìn thấy ánh mặt trời. Chín tháng ấp ủ, Mẹ và Con gần gũi nhau như là một. “Và vú đã cho Thầy bú mớm.”
Không phải chỉ chín tháng cưu mang, mà còn ba năm bú mớm. Mẹ nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, sự sống của mình. Để con được lớn lên, có thể đứng đây mà giảng thuyết. Rõ ràng thân xác mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên. Mẹ vừa lo sinh, vừa lo dưỡng. Lời khen ngợi của người phụ nữ vang ra cả đám đông. Khen mẹ chính là khen con một cách gián tiếp. Phải là một người mẹ tuyệt vời mới sinh được một người con tuyệt vời đến thế! Maria có phúc vì Mẹ được chọn để sinh dưỡng Đấng Cứu Độ. Bà Êlisabét đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này (Lc 1, 42) : “Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và phúc cho hoa trái của bụng dạ em.” Như thế Mẹ có phúc vì Con có phúc.
Mẹ Maria đã chuyên cần lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành. Mẹ đã sống lời “xin vâng” một cách chân thành, chu toàn trong mọi cảnh huống, không phô trương nhưng trong sự hiến tế thầm lặng và kín đáo của từng ngày sống.
Lời chúc phúc dành cho Mẹ Maria cũng là lời chúc phúc dành cho mỗi người chúng ta khi thực thi ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Càng yêu Chúa chúng ta càng khao khát muốn đặt cả vũ trụ dưới chân Chúa Giêsu. Như vậy, lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa là hệ quả tất nhiên của một con tim say mến Chúa chân thành.
Chúa Giêsu không chê bỏ dây ruột thịt đã kết hợp Người với Mẹ Maria. Người biết phải cần đến bản tính nhân loại của Mẹ Người, nhờ đó, Người cứu độ loài người. Nhưng Người muốn cho chị này hiểu về hạnh phúc thật trước mặt Thiên Chúa, không hệ ở con ruột thịt dù nó có trong sáng cao thượng. Cũng thế, Chúa không đánh giá chúng ta theo phẩm chất trí thức dù có chói sáng, theo địa vị trong Giáo Hội, theo chức vụ lãnh nhận và theo vinh quang rạng rỡ của ta.
Mọi người, mọi thời đại, đều có thể hưởng được mối phúc thật khi họ biết khiêm tốn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Mối phúc lời Chúa này không phải là độc quyền Mẹ Maria, nhưng Mẹ đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói với các gia nhân hãy làm theo lời Chúa Giêsu truyền. Và hành động vâng phục của họ đối với lệnh Mẹ Maria “hãy làm theo lời Ngài truyền”, hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh.
Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.
Và hôm nay, ta xin Chúa cho ta biết noi gương Mẹ Maria, biết luôn mở lòng lắng nghe và thực thi lời Chúa dạy. Xin cho ta cũng biết loan báo lời Chúa cho mọi người, để ngày càng có nhiều người được nghe, được đón nhận và thực hành lời Chúa. Như thế, trong Chúa Giêsu, tất cả chúng con trở nên con của Cha trên trời, trở nên anh chị em với nhau trong đại gia đình Giáo Hội, có Mẹ Maria là khuôn mẫu của việc “lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”