Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 21: 34-36)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”.
Suy niệm: Tỉnh thức và cầu nguyện
Thái độ thứ nhất là chú ý tới việc quan trọng là đón Chúa đến: không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện thế gian… và bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến việc Chúa đến, dù cho có thình lình, đột ngột, họ cũng không ngỡ ngàng. “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con, vì ngày ấy sẽ ập tới mọi dân cư trên khắp mặt đất”.
Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin Mừng, không để mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, qua lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.
Đừng để cho những đam mê lạc thú bất chính, những nhu cầu của thể xác như cơm, áo, gạo, tiền… chi phối chúng ta, làm cho chúng ta quên đi cùng đích cuộc đời là được trở về Nhà Cha trên trời. Trong khi chờ đợi ngày ấy, chúng ta cần phó thác cuộc sống trong tay Chúa Quan Phòng và ưu tiên tìm kiếm Nước Trời như Lời Chúa phán: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?” (Mt 6,31). Nhưng “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Thái độ thứ hai là kiên trì trong việc cầu nguyện liên lỉ: cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài. “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người”. Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết. Ðồng thời, cầu nguyện là nhận biết mình yếu đuối và cậy trông vào ơn Chúa. Nhờ cầu nguyện, chúng ta sẽ có thái độ tỉnh thức trong đời sống thường ngày, sẽ nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống để luôn tìm đẹp lòng Chúa.
Hãy luôn cầu nguyện và không được nhàm chán hay nản chí (x. Lc 18,1). Cầu nguyện là biểu hiện đức tin một cách mạnh mẽ và sống động. Khi cầu nguyện là chúng ta tự tách lìa mình khỏi các ràng buộc của thế giới vật chất để hướng tới những sự trên trời. Nhất là cầu nguyện còn để xin ơn Chúa trợ giúp, vì xác thịt dễ bị các thú vui nhục dục lôi kéo. Chỉ khi được Chúa giúp sức, chúng ta mới hy vọng sống siêu thóat, khỏi những quyến luyến lạc thú đời này để vươn tới cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng đời sau.
Cụ thể, cầu nguyện là năng nhớ đến Chúa, dâng lên Người những lời nguyện tắt kèm theo những việc cụ thể phục vụ tha nhân. Cầu nguyện còn là năng đến nhà thờ dự lễ và rước lễ hằng ngày. Nhờ đó chúng ta sẽ có đủ ơn thánh hoá của Chúa giúp nên hoàn thiện noi gương Chúa Cha trên trời hơn (x. Mt 5,48).
Ðức Giêsu báo trước một điều bất ngờ. Ngày Con Người quang lâm và mỗi người sẽ ra trình diện. Ngày đó là ngày nào? Không ai biết được, vì chỉ có Cha mới biết. Tuy nhiên, vẫn có một điều không bất ngờ. Ðiều ta biết chắc chắn là sẽ có ngày đó cho tất cả mọi người. Ngày đó cần phải có để mọi người được thỏa mãn. Người khôn ngoan đích thực sẽ chọn ngày đó là một ngày an vui hạnh phúc. Còn người khờ dại thì ngày đó lại là ngày báo oán.
Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù tịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.
Thiên Chúa không đến để trừng phạt, nhưng để xót thương và ban ơn cứu độ cho loài người chúng ta. Tình yêu thương của Người sẽ đổ tràn trên những tâm hồn biết khiêm hạ và xót thương, như thánh Phaolô đã viết như sau: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết… Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta quang lâm”.
Phải canh thức và đề phòng: Đừng để cho những đam mê lạc thú bất chính, những tiện nghi vật chất, những nhu cầu thể xác như cơm, áo, gạo, tiền…chi phối chúng ta, làm cho chúng ta quên đi cùng đích cuộc đời là trở về Nhà Cha trên trời. Trong khi chờ đợi ngày ấy, ta cần phó thác cuộc sống của ta trong tay Chúa Quan Phòng và ưu tiên tìm kiếm Nước Trời như Lời Chúa dạy: “Vì thế, anh em đứng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? (Mt 6, 31). Nhưng “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).
Phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn: Tỉnh thức nghĩa là luôn trung tín chu toàn việc bổn phận Chúa trao. Cầu nguyện là năng nhớ đến Chúa, dâng lên Người những lời nguyện vắn tắt, kèm theo những việc tốt phục vụ tha nhân. Cầu nguyện còn là siêng năng đi dự lễ và rước lễ mỗi ngày. Nhờ đó ta sẽ có nhựa sống là Ơn Thánh hóa của Chúa thông ban, giúp ta mỗi ngày trở nên hoàn thiện giống như Chúa Cha hơn (Mt 5, 48).
Để có thể đứng vững trước mặt Chúa Giêsu trong ngày phán xét, mỗi người cần sống tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện. Sống tỉnh thức cũng là tinh thần của người môn đệ Chúa Kitô. Điều kiện để bước theo Chúa Giêsu, trở nên môn đệ của Ngài là sống tinh thần từ bỏ. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và theo Ta” (Lc 9, 23). Các thánh tử đạo Việt Nam là những môn đệ chân chính của Chúa. Các Ngài sẵn sàng từ bỏ mạng sống ngắn ngủi ở đời này để trung thành phục vụ Chúa, can đảm giữ vững đức tin, trở nên chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô.
Mỗi người chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi tình yêu của Chúa Giêsu qua việc sống tỉnh thức và cầu nguyện để được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Mỗi người Kitô hữu cần phải đốt lên ngọn lửa tình yêu, hy sinh và phục vụ ngay trong gia đình . Điều đó sẽ góp phần mạng lại hòa bình cho thế giới ngày nay với nhiều bạo lực và chiến tranh.
Trong khi hướng về ngày Chúa quang lâm, người môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức để vững bước đi trên con đường của Chúa kẻo lầm đường lạc lối. Tỉnh thức để biết phân định và lựa chọn theo tiêu chuẩn của Tin Mừng cứu độ chứ không chạy theo đám đông. Tỉnh thức để làm việc mà sinh lời những nén bạc Chúa đã trao cho, làm cho Triều Đại Thiên Chúa hiện diện thực sự trong cuộc đời của mình và nơi môi trường xung quanh.
Cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, vượt thắng mọi chướng ngại vật trên con đường theo Chúa. Xa hơn nữa, cầu nguyện là ý thức về sứ mạng và nhiệm vụ của người tín hữu trong trần thế, là cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu, xây dựng Nước Thiên Chúa nơi trần gian, làm cho ơn cứu độ của Chúa đến được với mọi người và đến thời điểm Chúa muốn, Người sẽ trở lại trong vinh quang. Được như thế, chúng ta mới thực sự ngẩng đầu lên và đứng vững trước mặt Con Người.
Hướng tới ngày Chúa Giêsu trở lại không làm cho chúng ta sợ hãi hay buồn phiền, trái lại nó khích lệ chúng ta mạnh mẽ và hăng hái hơn vì biết rằng chính chúng ta đang cộng tác với Chúa làm nên Trời Mới Đất Mới, nơi chúng ta được vui hưởng vinh quang và hạnh phúc đời đời trong Chúa Ba Ngôi.
Huệ Minh