22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi.23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay dường như cũng muốn nhắc nhở chúng ta về sự lạc hướng ấy. Đám đông tụ tập bên Chúa Giêsu để được ăn uống thoả thích là hình ảnh của một nhân loại đang lạc hướng.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta thấy việc đám đông dân chúng đi tìm kiếm Chúa Giêsu, họ là những người đã từng chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, thế nhưng họ tìm kiếm Chúa không phải vì đã tin nhận Người hoặc để lắng nghe giáo huấn của Người, mà chỉ mong được Người cho ăn uống no nê.
Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Người đến để cho con người được sống và hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là khi nhận biết và yêu mến Người trên hết mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, và chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn vẹn.
Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh, mùa mà Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta ý thức về sức sống thần linh đang hiện diện trong tâm hồn người tín hữu. Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của người tín hữu trong trần thế này. Bôn ba về của cải vật chất nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình ảnh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không chà đạp nhân phẩm của người anh chị em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh luôn hướng dẫn và củng cố chúng con trong niềm tin ấy. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Tin Mừng Gioan Ga 6: 22-29
Những nhu cầu như ăn, uống, ngủ và giải trí là những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Mọi người luôn cố gắng tìm đủ mọi cách làm sao cho những nhu cầu đó ngày càng một gia tăng hơn trong cuộc sống. Những người đủ ăn thì cố gắng làm để ăn ngon hơn và mặc ấm hơn. Còn những người đã có những đồ ăn ngon thì muốn mặc đẹp hơn, thời trang hơn và tìm kiếm những nhu cầu giải trí nhiều hơn. Đây cũng là một điều hết sức bình thường trong cuộc sống.
Trang Tin Mừng này Chúa Giêsu muốn cảnh báo cho chúng ta về những nhu cầu này và chỉ cho chúng ta một loại lương thực không bao giờ hư mất và rất quan trọng trong đời sống thể xác cũng như thiêng liêng của chúng ta. Chúa Giêsu cảnh báo cho chúng ta về thứ lương thực thường ngày mà mọi người đang tìm kiếm như của ăn, tiền tài, danh vọng. Tuy chúng cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta nhưng chúng chỉ là những thứ chóng qua không mang lại hạnh phúc đích thực và không khéo chúng ta sẽ coi chúng là mục đích sống cuối cùng của mình trên đời này.
Chúa Giêsu Kitô luôn yêu thương chúng ta, tình thương của Ngài dành cho chúng ta hơn cả tình thương của người cha dành cho người con. Chúa Giêsu không chỉ nói cho chúng ta biết chính Ngài là bánh hằng sống đem lại hạnh phúc và sự sống đời đời, là cùng đích cuối cùng để chúng ta tìm kiếm mà Ngài còn hướng dẫn chúng ta con đường đi đến cùng đích này là hãy tin vào Đức Kitô Phục sinh. “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,29).
Ðám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.
Với phép lạ này, Chúa chỉ giúp họ khỏi đói trong vài giờ, và đây là cái đói của thân xác. Phép lạ này dù lớn, nhưng chỉ nuôi được một đám đông vài ngàn người, vẫn còn bao người trên thế giới cần được nuôi ăn. Đức Giêsu mong nuôi được nhiều người hơn, nuôi được mọi người. Không phải chỉ nuôi về thân xác, mà nhất là về tinh thần. Không phải chỉ nuôi bằng thức ăn trần thế là bánh và cá, mà nuôi bằng giáo huấn của mình, bằng chính con người mình.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua, chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại. Lúc nào cũng có bánh ăn no nê, đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy. Nhưng Chúa Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa giành độc lập. Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị. Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân (c. 27). Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban. Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu (c. 27). Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều.
Chúa Giêsu là Bánh Hằng sống. Không những Lời của Người là lương thực nuôi dưỡng tâm linh mà Người còn ban chính Thân Thể Cực Thánh của Người làm bánh dưỡng nuôi linh hồn. Khi tham dự Thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thể Chúa trong niềm tin, chúng ta cũng được mời gọi sống tình hiệp thông huynh đệ, trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người; chúng ta có nhiệm vụ làm cho cuộc sống trở nên phong phú và xây dựng hạnh phúc cho con người.
Chúa Giêsu mở đấu bài tường thuật về bánh Hằng Sống. Ta thấy được ban đầu họ khao khát tìm kiếm Chúa Giêsu, và đến với Ngài chỉ là do lợi lộc cá nhân. Liên tưởng đến cuộc sống chúng ta nhiều lúc cũng giống như họ, chỉ chạy đến Chuá khi buồn phiền hay khi gặp khó khăn, chạy đến Ngài để cầu xin ơn này đến ơn khác, chứ chưa thật sự vì lòng mến yêu Ngài. Do đó điều chúng ta cần làm là phải: ” hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát ” . Điều này đòi hỏi chúng ta hãy ý thức mỗi khi chạy đến với Chuá khổng chỉ vì phần xác mà chính là phần hồn. Tiêu biểu là bánh Hằng Sống chúng ta lãnh nhận mỗi ngày qua thánh lễ.
Ta là Bánh hằng sống, là Bánh ban xuống bởi Trời. Ta là Bánh trường sinh. Ai ăn sẽ sống muôn đời. Đây mình Ta chính là của ăn và máu Ta thật là của uống. Người ăn bánh này không còn đói khát chi. Người uống máu này sẽ được trường sinh.
Lạy Chúa Giêsu, trong từng giây phút của cuộc sống xin cho chúng con luôn ý thức được tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể và năng chạy đến với Bí tích tình yêu này. Để từ đây, trong cuộc sống chúng con luôn có hiện diện và đồng hành ở bên.
Huệ Minh