Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta bảo thật các ngươi: ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy gọi đích danh từng con chiên của mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy, chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Ta bảo thật các ngươi : Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua cửa mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá hủy. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
SUY NIỆM 1
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta hiểu rằng “qua dụ ngôn về cửa chuồng chiên”, Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta hiểu rằng Người chính là cửa ân phúc của sự sống vĩnh cửu. Do đó, hết tất cả những ai đến với Chúa và đi vào “của sự sống” ấy thì sẽ đuợc sống muôn đời.
Quả vậy, khi dùng hình ảnh chiếc cửa chuồng chiên để bảo vệ đàn gia súc khỏi sự tấn công của sói dữ hay của kẻ cắp, Chúa Giêsu ám chỉ đến chính Người là cửa Giáo Hội. Là cửa Giáo Hội, Chúa không chỉ là nơi nương tựa để cho mọi Kitô hữu được bảo vệ khỏi những tấn công của satan, nhưng còn là cửa mở ra đón nhận mọi người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa, để lãnh nhận nguồn ân phúc là sự sống vĩnh cửu: “Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân”.
Là người Kitô hữu, chúng ta không những phải bước qua “cửa sự sống” để được Chúa ban sự sống và bảo vệ sự sống ấy, chúng ta còn có nhiệm vụ giới thiệu và dẫn đưa nhiều kẻ khác đến với Chúa; “cửa sự sống”, để họ cũng có thể trải nghiệm được tình thương của Đấng “đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
Lạy Chúa Giêsu, chỉ nơi Chúa chúng con mới có được sự sống sung mãn. Xin cho chúng con luôn ý thức điều này, để chúng con luôn biết sống trong sự bảo bọc và chở che của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết giới Thiệu Chúa cho những người chưa biết đến Chúa là “cửa sự sống” bằng cuộc sống tốt lành ngay chính của chúng con. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Ta thấy khởi đi từ những hình ảnh rất đời thường và quen thuộc đó, người Do Thái tự ví mình như đàn chiên và Thiên Chúa như là Mục Tử chăn dắt đàn chiên là Dân Riêng của Ngài, bởi vì chính Thiên Chúa đã khai sinh và đồng hành với dân tộc Do Thái vượt qua bao thăng trầm – thịnh suy của lịch sử dân tộc. Dân tộc Do Thái rất xem thường các dân tộc khác và họ tự hào mình là một dân tộc ưu tuyển, trổi vượt, thông minh và giàu có nhất trên thế giới bởi vì họ cho rằng chính Thiên Chúa là Mục Tử đã trực tiếp hướng dẫn, lãnh đạo dân tộc Do Thái.
Chúng ta nên biết rằng ở xứ Palestina, người ta nuôi chiên rất đông. Ban đêm, các mục tử dẫn đoàn chiên của mình vào một cái chuồng chung ở giữa đồng cỏ và chia phiên nhau canh gác ở ngay cửa ra vào. Đến sáng, từng mục tử qua cửa để vào chuồng và gọi các con chiên trong đàn mình. Chúng đã quen tiếng mục tử nên đi theo ra khỏi chuồng đến những đồng cỏ. Những tên trộm cướp không dám qua cửa vì sợ đụng người canh gác nên phải trèo rào mà vào. Chúa Giêsu chính là mục tử thật, qua cửa mà vào, để gọi và dẫn đàn chiên ra cánh đồng cỏ.
Người mục tử bao giờ cũng yêu thương con chiên, gắn bó với chúng từng giây phút, biết tên từng con một, dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi và suối nước mát. Tất cả vì đàn chiên. Đấy là hình ảnh của Đức Giêsu, vị Mục tử nhân lành, đối với từng người chúng ta. Vậy chúng ta phải là đàn chiên ngoan ngoãn, yêu mến Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, tin theo Chúa mặc dầu phải hy sinh đau khổ. Chúng ta phải biết rằng Chúa thương yêu chúng ta trước, còn ta, ta chỉ việc đáp lại tình yêu nhưng không ấy.
Chính vì những quan niệm thần học như trên nên khi chúng ta đọc Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu xác tín rằng “Tôi là Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên”, điều này còn có nghĩa là Chúa Giêsu mạc khải Người là Thiên Chúa, là Mục Tử chăn dắt đàn chiên của Giao ước mới là Giáo Hội. Quả thật, Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta những hình ảnh về vị Mục Tử Giêsu rất đặc trưng, rất mới lạ, đó là người Mục Tử vâng lời Chúa Cha để tự hạ làm một con người, chia sẻ mọi vui buồn sướng khổ với nhân loại.
Đức Giêsu tự nhận mình là “Mục Tử nhân lành” không chỉ do Ngài đã “hy sinh mạng sống mình cho chiên,” nhưng còn bởi một nỗi niềm vẫn canh cánh bên lòng: “Tôi còn có những con chiên khác không thuộc về ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về.” Mong ước lớn lao nhất của Ngài là “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”
Trong cuộc đời công khai của vị Mục Tử Giêsu, Người đã làm nhiều việc lành như: giảng dạy Lời Chúa, trừ quỷ, hai lần hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, chữa lành nhiều người ốm đau, tật nguyền, làm cho kẻ điếc được nghe, người mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ chết được sống lại v.v…. Vị mục tử Giêsu ấy biết những tâm tư khắc khoải của những con chiên mang những vết thương trong tâm hồn như ông Lêvi, ông Giakêu, cô gái điếm thành Mađalêna, người phụ nữ thành Samaria v.v… và Người đã chữa lành những vết thương tâm hồn của họ.
Đức Kitô đã tỏ mình với chúng ta dưới hình dáng người chăn chiên lành, lo lắng cho con chiên của mình, và Ngài cũng là cánh cửa mở vào chuồng chiên. Vị chủ chăn nhân lành biết từng người chúng ta, và để dẫn dắt chúng ta về với Chúa Cha và đem chúng ta vào trong Ngài. Ngài đã không do dự trả một giá rất đắt, đó là chính bản thân Ngài và là cái giá cao nhất : giá của Máu.
Vị Mục Tử Giêsu của Giao ước mới cho đoàn chiên của mình ăn không phải là ngọn cỏ non trên cánh đồng xanh, nhưng là chính Thịt của Người ; và cho đoàn chiên của mình uống không phải là dòng nước mát chảy từ nguồn suối, nhưng là chính Máu Cực Thánh của Người. Quả thật, kiểu chăn chiên lạ lùng, độc nhất vô nhị của vị Mục Tử Giêsu đã làm cho Người trở thành nhịp cầu nối kết con người với Thiên Chúa. Và cuối cùng vị Mục Tử Giêsu ấy đã “Hy sinh mạng sống vì đàn chiên” bằng cái chết trên thập giá. Sự hy sinh vâng lời Chúa Cha đến độ hiến thân trên thập giá ấy, đã làm cho vị mục Tử Giêsu trở nên Đấng duy nhất đem lại ơn Phục sinh, ơn cứu độ cho nhân loại, như chính các Tông đồ đã cảm nghiệm và xác tín rằng: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).
Đức Giêsu không những xưng mình là mục tử nhân lành, Ngài còn tự cho mình là “cửachuồng chiên”. Bằng hình ảnh này, Đức Giêsu khẳng định rõ ai muốn vào Nước Trời, muốn lãnh ơn cứu độ bắt buộc phải đi qua Ngài ; muốn đến với Chúa Cha đều phải qua Ngài. Như Ngài đã từng nói : “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
Đức Kitô chính là Mục tử nhân lành của chúng ta. Chúng ta sung sướng và hãnh diện vì có vị Mục tử ở bên. Chúng ta phải đáp trả lại tình thương vô biên của Ngài và mỗi ngày phải tự hỏi mình : chúng ta có tin tưởng rằng có Đấng luôn ở bên cạnh chúng ta như vị Mục tử tốt lành để bảo vệ, giữ gìn và phù hộ chúng ta không ? Chúng ta có biết lắng nghe tiếng Ngài như đòan chiên lắng nghe tiếng chủ và đi theo Ngài như đàn chiên theo sau chủ mình không ? Chúng ta hãy luôn tin tưởng và gắn bó thân tình với Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống. Càng gặp khó khăn nguy hiểm càng phải tin tưởng và liên kết với Ngài chặt chẽ hơn vì Ngài đã khẳng định : “Phần Ta, Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10,10).
Huệ Minh