Suy Niệm Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 10: 1-10)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta bảo thật các ngươi: ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy gọi đích danh từng con chiên của mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy, chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Ta bảo thật các ngươi : Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua cửa mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá hủy. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Suy Niệm:   Tin Mừng Ga 10: 1-10
    Đức  Giêsu tự xưng mình là cửa chuồng chiên, và Ngài hứa, ai qua cửa đó sẽ được cứu rỗi, được giải thoát khỏi tội và được biến đổi. Đức Giêsu đã đến trần gian là để cứu độ con người. Ngài thay đổi lòng người đàn bà tội lỗi để bà trở thành một người đầy nhiệt tâm với Chúa (Ga 8, 1-11). Ngài thay đổi lối sống của ông Giakêu, người thu thuế, một người bị coi là hạng tham lam của cải, trở thành một người giầu lòng bác ái (Lc19, 8). Ngài thay đổi Phaolô, một người bách hại đạo khét tiếng, trở thành một nhà truyền giáo nhiệt thành (Cv 9, 1-9). Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục thay đổi lòng người ở mọi thời đại.

Đức Giêsu chỉ có một mối bận tâm duy nhất, đó là làm cho các con chiên sống bằng sự sống của Thiên Chúa, ngày càng dồi dào phong phú hơn. Người chính là người Mục tử chân thật đã được Thiên Chúa giao phó đàn chiên cho. Cũng có những mục tử giả hiệu, chỉ tìm giết con chiên, theo sự thôi thúc của Satan, tên sát nhân. May mắn là các con chiên chân thật không nghe và đi theo các mục tử giả hiệu này, vì chúng không nhận ra lời họ nói chính là Lời Nói của vị Mục Tử tối cao..

Đức Giêsu là cửa. Người không loại trừ ai khỏi ơn cứu độ, “Người đã đến là để cho mọi người được sống dồi dào”, kể cả những người Pharisêu đang tìm cách loại trừ Người. Khi khẳng định như vậy, Người muốn cho biết rằng chỉ mình Người mới có thể thông ban ơn cứu độ. Người ta không thể đi vào cạnh tranh với Người. Người là cửa duy nhất đưa đến ơn cứu độ mà tất cả phải chấp nhận đi qua, không ai được miễn chuẩn, dù là những người có một uy quyền hay một thẩm quyền thiêng liêng trong cộng đoàn tín hữu.

Đức Giêsu tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các ông: Chính tôi là cửa cho chiên ra vào” (c. 7). Người không xác định cửa này phải chăng chỉ dành cho chiên ra vào, hay là cũng dành cho mục tử ra vào. Nhưng dựa vào câu nói tiếp theo: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp” (c. 8) và đối chiếu với dụ ngôn trên đây (10,1-5), ta hiểu là cửa này cũng để cho mục tử ra vào nữa. Như vậy, đã có những kẻ không qua cửa mà đến với đàn chiên, nhưng đã trèo qua lối khác. Những người này là ai? Phải chăng là những mêsia giả hiệu thời Đức Giêsu? hay là chính vị Thầy dạy Đường công chính của Qumran? Tuy nhiên, gần với bản văn nhất, là chính các người Pharisêu và Xađốc; giọng điệu của Đức Giêsu ở đây cũng rất gần với Mt 23..

Cửa là lối để đi vào bên trong. Ai muốn vào bên trong mà tận hưởng thì phải qua Cửa là chính Đức Giê-su. Cánh cửa của Ơn Cứu Độ luôn sẵn sàng mở ra cho bất cứ ai tin yêu, mê say mà tự nguyện “chui” vào. Vào đây để được ăn gì hay bị nhốt nhỉ ? Không, “Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”Chiên mà gặp “đồng cỏ” thì tha hồ ăn no say thỏa thích. “Đồng cỏ” tươi là chính Máu Thịt của Chủ, ăn mãi mà không chán, không hết. Càng ăn càng “khỏe mạnh” và “lớn” lên mãi, “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.Vị Mục Tử Giê-su đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, Ngài đã chấp nhận cái chết vô cùng bi thương trên Thập Giá để mở ra Cánh Cửa Cứu Độ con người. Trong Ngài những ai tin và sống đức tin thực sự sẽ được hạnh phúc sung mãn tràn đầy.

Vì yêu thương Ngài đến để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất, bất kể dân ngoại hay không cắt bì. Tại Giê-ru-sa-lem, ông Phê-rô đã minh chứng khi bị giới cắt bì chỉ trích: “Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng ngần ngại gì. Có sáu anh em đây cùng đi với tôi. Chúng tôi đã vào nhà ông Co-nê-li-ô. Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng trong nhà ông và bảo : ‘Hãy sai người đi Gia-phô mời ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô. Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.’

Cách duy nhất để đến với con chiên, đó là qua cái cửa được người giữ cửa mở ra. Đây là điểm nhấn mạnh của dụ ngôn. Chính cái cửa xác định ai là kẻ trộm, kẻ cướp, và ai là mục tử. Ai không qua cửa mà vào, nhưng lại trèo qua lối khác mà vào, tức là không đến với đàn chiên một cách chính thức, thì kẻ ấy là kẻ trộm và kẻ cướp. “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (c. 2). Trộm cướp đàn chiên là một tội rất nặng, vì tước một gia đình mất một phương tiện để sinh sống, y như cướp sự sống của họ. Do đó, đàn chiên rất quý, và cũng vì thế, cần phải có một cái ràn và một người giữ cửa để bảo vệ đàn chiên ngày cũng như đêm. Dấu chỉ một người giữ cửa, và một mục tử chân thật, là người ấy có thể tự nhiên ra vào qua cửa. Vì anh là mục tử chân thật, người giữ cửa sẻ mở cửa cho anh vào.

Đến đây, tương quan mật thiết giữa các con chiên và mục tử được nêu bật. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) trong sa mạc cho chúng ta hôm nay một khái niệm về đời sống của các chi tộc Israel ngày trước: trong xã hội ấy, quan hệ giữa mục tử và đàn chiên không phải chỉ theo kiểu kinh tế, dựa trên lợi nhuận mà mục tử có thể rút ra từ các con chiên để nuôi mình và gia đình: xén len, uống sữa, ăn thịt (nướng), bán bớt chiên khi cần tiền. Nói cách khác, đây không phải là một tương quan “sở hữu”. Đúng ra đây là một tương quan hầu như riêng tư giữa mục tử và đàn chiên. Vì anh là mục tử chân thật, chiên nghe tiếng của anh. Vì anh là mục tử chân thật, anh gọi tên từng con một (kat’ onoma). Vì anh là mục tử chân thật, anh có thể dẫn chiên ra ngoài (c. 3). Vì anh là mục tử chân thật, anh đi trước đàn chiên. Vì anh là mục tử chân thật,  chiên theo sau, vì mỗi con chiên phân biệt và nhận ra được tiếng của mục tử mình, vì anh đã nói với chúng thường xuyên. Chúng sẽ đi theo anh đến các đồng cỏ. Chiên và người sống ngày qua ngày với nhau tại những nơi hoang vắng, trong thế “diện đối diện”, không có ai khác ở quanh đó. Vì thế, mục tử biết rõ từng con chiên.

Trái lại, chiên không đi theo một người lạ, một người không phải là mục tử của chúng. Vậy tính chân thật của một mục tử được xác định bởi việc các con chiên sẵn sàng đi theo người ấy. Khi con chiên không đi theo một người, điều này chứng tỏ đấy là một người lạ; chiên chạy trốn vì không nhận ra tiếng người lạ (c. 5).

Ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.  Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giê-su chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về…Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác  nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. “Anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra”. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo.

Ngày nay, có nhiều người đã minh chứng cho chúng ta thấy những thay đổi trong cuộc đời của họ, nhờ việc họ đã bước qua “ngưỡng cửa Giêsu”, gặp gỡ Ngài và để cho Ngài bước vào biến đổ cuộc đời họ. Để bước qua “cửa Giêsu”, đòi hỏi phải từ bỏ chính mình, điều chỉnh lối suy nghĩ và hành động của mình sao cho phù hợp với thánh ý Chúa. Sự từ bỏ đó mang lại cho chúng ta sự thay đổi, khơi lên và làm lớn mạnh sức sống của ơn Chúa trong tâm hồn ta. Bước qua “ngưỡng cửu Giêsu” còn là mời gọi mỗi người chấp nhận loại bỏ tất cả những nhơ nhớp tội lỗi ra bên ngoài, để bước vào nghỉ ngơi bên Chúa, và kín múc nguồn ân sủng vô biên của Ngài..

Hôm nay chúng ta cũng cầu nguyện để Thiên Chúa ban thêm cho có những mục tử xứng đáng thay mặt Đức Giêsu, Vị Mục Tử chân thật. Để có thể là một mục tử xứng đáng, một vị lãnh đạo trong Hội Thánh cũng phải sống tư cách con chiên của Đức Giêsu, cũng ra vào qua cửa ấy và nhận được lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình.

Huệ Minh