9 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
SUY NIỆM 1
Lễ thánh Matthia Tông đồ là ngày lễ đáng được ưu tiên và quan chiêm. Sự xuất hiện của Matthia làm cho chỗ khuyết do Giuđa Iscariô để lại trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
Bài Tin Mừng ngày lễ hôm nay phản ánh chính con người của thánh nhân. Tuy là người được sinh ra sau các anh em Tông đồ khác, nhưng nhân đức của thánh nhân thì không hề thua kém. Tin Mừng cho chúng ta biết thánh nhân đã sớm giác ngộ tình yêu Chúa mời gọi mình, để rồi thánh nhân luôn ấp ủ, tin yêu và hy vọng để nó trưởng thành đạt đến tầm mức viên mãn như Thầy chí thánh: sống vì yêu và chết cũng vì yêu. “Không có tình thương nào cao cả cho bằng tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”, đó là điều đơn giản khi lời nói nhưng là thách đố lớn với bất kỳ ai khi theo Chúa.
Chúng ta chọn lựa theo Chúa vì sự an toàn hay vì chúng ta cảm nhận hạnh phúc đích thật khi theo Ngài vô vị lợi? Dù là ai chúng ta cũng được mời gọi trở nên khí cụ của tình thương Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại. Khí cụ của tình thương lại được trưng diễn dưới nhiều chiều kích của đời sống con người, trên mọi bình diện của hiện sinh cuộc sống. Thế nên, chúng ta dù là sinh ra ở tầng lớp nào, cao sang hay thấp hèn, chúng ta đều phản ánh chính hình ảnh và sự thánh thiện cũng như vẻ đẹp chân, thiện, mỹ của Thiên Chúa toàn năng.
Xin cho chúng con biết noi gương thánh nhân để lại, để học lấy bài học theo Chúa Giêsu trên hành trình của người môn đệ, hầu bày tỏ chính tình thương và sự quan phòng của Ngài cho anh chị em mình. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 15: 9-17)
Cùng với Giáo Hội, hôm nay ta mừng kính Thánh Mathia tông đồ.
Sau khi Chúa về trời, các Tông Đồ đã tụ họp lại với nhau, cùng nhau cầu nguyện và đón chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Theo Tông Đồ Công Vụ (1, 15-26), các tông đồ đã đề nghị phải tìm một người để thay thế cho Giuđa. Đó phải là người đã theo Đức Kitô và làm môn đệ của Ngài.
Tuy Sách Thánh cho biết, người đưa ra ý kiến là thánh Phêrô, nhưng thánh nhân không đơn phương quyết định ai sẽ là người thay thế Giuđa. Thánh nhân đưa ý kiến, nhưng tông đồ đoàn và các môn đệ của Chúa cùng nhau tuyển chọn bằng cách đưa ra người xứng đáng để mọi người quyết định bằng rút thăm sau khi đã cầu nguyện. Trong phòng cầu nguyện lúc đó có tất cả là một trăm hai mươi người, và họ đã chọn ra hai vị có đủ điều kiện là Matthia và Giuse Barsabbas. Các tông đồ biết cả hai vị này đã từng ở với họ và theo Đức Kitô. Thế rồi họ cầu nguyện và bắt thăm chọn người Chúa muốn. Matthia đã trúng cử và nhập vào nhóm 12 tông đồ của Chúa.
Mathia theo tiếng Hybalai có nghĩa là “được trao ban”, Tin Mừng không hề nhắc đến nhưng hầu chắc ngài đã từng là một trong số bảy mươi hai người môn đệ đã theo và sống với Chúa Giêsu, từ lúc Chúa chịu phép rửa cho đến lúc Chúa lên trời và như vậy đã chứng kiến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nếu cộng đoàn đã đồng thanh chọn ngài để thế chỗ cho Giuđa, thì cũng để ngài trở nên nhân chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ðây chính là ý nghĩa của tước hiệu Tông Ðồ.
Khi nhìn lại lịch sử cũng như biến cố chọn Thánh Mathia làm tông đồ, ta thấy có những tiến trình như sau.
Ta thấy, Thánh Phêrô đưa ra điều kiện: Ngài nói: “Vậy phải làm thế này : có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” (Cv 1, 21-22). Chúng ta thấy, điều kiện mà Thánh Phêrô đưa ra rất rõ ràng. Người được bầu chọn phải là người đã từng theo Đức Giêsu từ khi chịu phép rửa cho tới khi lên trời. Nghĩa là phải hiểu về Giáo huấn và chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu làm trong suốt ba năm cuộc đời công khai. Đặc biệt, phải chứng kiến cuộc khổ nạn, sự phục sinh và lên trời của Ngài. Bởi vì người Tông đồ cần làm chứng về những điều đó.
Sau đó, ta thấy cộng đoàn đề cử: Sau khi lĩnh hội được ý của Thánh Phêrô, cộng đoàn đề cử 2 người là ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a.
Và kế đến là việc cầu nguyện: Cộng đoàn cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Đây là bước hết sức quan trọng làm cho cuộc bầu chọn này khác với các cuộc bầu chọn thông thường khác. Cuộc bầu chọn này mang tính thần linh. Có Chúa Thánh Thần can thiệp. Chính Chúa Giêsu trước khi chọn các Tông đồ, Ngài cũng đã làm như vậy. Kinh Thánh kể, Ngài đã cầu nguyện suốt đêm (Mt 10, 1-4; Mc 3,13 -19; Lc 6,12-16).
Và sau cùng, ta thấy là tiến trình cuối để chọn ra người Tông đồ, đó là rút thăm. Trong thực tế hôm nay, có nhiều cách để bầu chọn người lãnh đạo. Cách đơn giản là giơ tay. Cách thông thường là bỏ phiếu. Nhưng dù sử dụng cách nào đi chăng nữa vẫn có yếu tố con người trong đó. Còn việc bầu chọn Thánh Mathia làm Tông đồ, mặc dầu bằng cách đơn giản nhất là rút thăm, nhưng luôn luôn vẫn có yếu tố thần linh, đó là việc của Chúa chứ không phải việc của con người.
Với tất cả những điều nhìn lại ở trên, ta thấy ta học được bài học là :
Luôn làm mọi việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt khi chọn lựa những người làm việc cho Chúa và Giáo Hội phải xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Những lúc đó phải nói được như các Tông đồ: “Thánh thần và chúng tôi quyết định” (x. Cv 15, 28).
Ắt hẳn, ta còn nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Không phải các con chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con”(Ga 9,16).
Thật vậy, trong ba năm cuộc đời công khai, chính Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ. Có khi Ngài chọn cách trực tiếp: Như khi Ngài gặp ông Philipphê và mời gọi ông “Hãy theo Ta” (x. Ga 1,43); Hay khi Ngài gặp ông Lêvi và mời gọi ông “Anh hãy theo Ta” (x. Mc 2,14). Nhưng cũng có khi Ngài mời gọi các Tông đồ đi theo Ngài qua một trung gian nào đó: Ngài mời gọi Nathanael qua trung gian ông Philipphê (x. Ga 1, 45-51); Ngài mời gọi ông Anrê qua trung gian ông Gioan (Ga 1, 35-37); Ngài mời gọi ông Simon Phêrô qua trung gian ông Anrê (x. Ga 1, 40-42). Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mọi người làm việc tông đồ qua nhiều trung gian khác nhau, có thể qua gia đình, qua thầy cô giáo, qua bạn bè, đặc biệt là Ngài mời gọi chúng ta qua trung gian Giáo Hội.
Cùng với Giáo Hội, ta hân hoan đón nhận một vị Tông Đồ mới, ‘rón rén’ bước vào tông đồ đoàn với cả niềm khiêm tốn. Chúng ta không có thông tin nào khác về Ngài ngoại trừ thông tin về việc bầu chọn.
Trong khi chúng ta cầu nguyện với thánh Matthia và cùng Ngài hân hoan với sự chọn lựa của Thánh Thần, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện cho các giám mục, linh mục, tu sĩ, cũng như Giuđa xưa, đã khước từ bổn phận mà Giáo Hội giao phó. Khiếm khuyết do bản tính con người…nhưng cũng do tính hời hợt trong việc phục vụ cộng đoàn kitô. Họ thiếu sự kết hiệp với Đức Giêsu mà hôm nay tin mừng Thánh Gioan nhắc đến.
Các thánh tông đồ xác tín rằng không thể là nhân chứng của sự phục sinh mà không tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ðược rửa tội, nghĩa là, nói như thánh Phaolô: “được mai táng với Chúa Kitô”. Ðể cũng được sống lại với Ngài, các tín hữu Kitô tham dự vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Cũng như các thánh tông đồ, các tín hữu Kitô cũng làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô bằng cái chết từng ngày của họ. Chết đi cho những khuynh hướng thấp hèn của bản thân. Chết đi những gì đi ngược lại những giá trị của Nước Trời. Có chiến đấu và chết đi từng ngày như thế, họ mới cảm nhận được sức sống của Chúa Kitô Phục Sinh bừng lên trong họ và tỏa sáng đến những người chung quanh.
Để sinh nhiều hoa trái, các tín hữu, cách đặc biệt những ai được Chúa tuyển chọn để làm người hướng đạo, cần phải mô phỏng cung cách sống của mình theo Đức Giêsu, Đấng đạt đến đỉnh cao tình yêu bằng cách chết cho người tội lỗi. Bổn phận của toàn thể Giáo Hội là cầu nguyện cho hàng linh mục, đặc biệt cho các linh mục của mình và giúp đỡ các ngài sống cuộc sống theo phong cách của những người tận hiến phục vụ, chứ không theo cách thức người đời. Đức Giêsu đă nhấn mạnh điều này: sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Người linh mục càng đầy tràn Thiên Chúa, càng sốt sắng cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, thì càng có khả năng thông ban Đức Kitô cho anh em mình.
Mừng lễ thánh Mathia tông đồ hôm nay để nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta về ơn gọi của mình. Chính Thiên Chúa đã yêu thương và ban cho chúng ta được làm con cái Ngài. Theo gương thánh nhân để lại, chúng ta hãy không ngừng cảm tạ ơn thánh Chúa ban, và hăng say làm chứng cho Tin Mừng Nước Chúa trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Huệ Minh