Suy Niệm Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 10: 17-27)
17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? “18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! “24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? “27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
 

Suy Niệm:
  Ngày nay người ta thường quan niệm rằng càng làm ra nhiều của cải, càng tích luỹ được nhiều tài sản, càng có nhiều khả năng mua sắm, thì càng được coi là giàu có, thành đạt. Trên tầm mức vĩ mô, một nền kinh tế mà đồng vốn được huy động, luân chuyển và tích luỹ càng nhiều, càng sản xuất nhiều sản phẩm và tiêu thụ chúng càng nhanh thì càng được coi là một nền kinh tế mạnh. Một trong những hệ quả là hố sâu cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn: một thiểu số nắm giữ được thật nhiều kiến thức, nhiều phương tiện sản xuất, và nhất là nhiều của cải và quyền lực, đại đa số chia nhau “mẩu bánh” còn lại.          Và ta thấy Trang Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện buồn của Tin Mừng. Hình ảnh người thanh niên buồn rầu bỏ đi có lẽ khiến nhiều độc giả buồn lây và tiếc nuối cho một cuộc đời và một ước mơ đẹp. Hơn nữa, biết đâu sẽ có người tự nghĩ: giá mà Chúa Giêsu đưa ra một chỉ dẫn khác, để anh có thời gian chuẩn bị rồi Chúa hãy đòi hỏi quyết liệt thì hay hơn.

          Theo Chúa Giêsu là chấp nhận từ bỏ tất cả để chỉ có một việc phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân. Theo Chúa để trở nên nghèo khó như Chúa nhưng lại trở nên hết sức giàu có vì được tất cả là anh em và được sự sống vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng mà không được gấp trăm ở đời này và đời sau được sự sống đời đời” ( Mc 10, 29-30 ).

          Lời mời gọi và đòi hỏi của Chúa Giêsu: bán của cải, phân chia cho người nghèo làm tan nát tim anh, anh đã bị xâu xé, rạn nứt trong sự tiếc nuối của cải anh đang có. Anh thanh niên không muốn trở nên hoàn thiện như Chúa mong muốn. Trở nên hoàn thiện phải từ bỏ của cải. Anh đã không làm được điều đó, dù rằng anh vẫn khao khát sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời. Anh bị ràng buộc, bị nô lệ vì tiền của.

          Chính vì vậy, anh lại thuộc thành phần như Chúa Giêsu đã từng phán dạy: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Con người sống ở gian trần, đặc biệt những Kitô hữu vẫn khao khát tìm và vào Nước Thiên Chúa. Nhưng bi kịch của anh giàu có trong Tin Mừng vẫn xảy ra với con người, với chúng ta, nhiều khi chúng ta luôn có ước vọng đạt được Nước Trời, trở nên hoàn thiện.

          Tuy nhiên, của cải, danh vọng, thú vui xác thịt, vật chất vẫn là cực thu hút chúng ta mạnh mẽ. Chúng ta luôn bị xâu xé giằng co một đàng giữa vật chất và một đàng là sự sống đời đời. Tiền của nếu làm chủ chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ không được hạnh phúc như anh nhà giàu vẫn không hạnh phúc vì anh không dám hy sinh, từ bỏ theo ý Chúa.

          Ta thấy anh thanh niên không tìm kiếm những sự chóng qua đời này hay những giá trị bình thường của cuộc sống nhưng là sự thiện hảo tuyệt đối, là hạnh phúc vĩnh cửu, điều mà Chúa Giêsu thường hay rao giảng. Đáp lại khát vọng của anh, Chúa Giêsu đã khơi mở cho anh một chân lý, đó là sự trọn hảo hay sự thiện đích thực thì thuộc về Thiên Chúa: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (c. 17). Ngài nhắc anh tuân giữ Mười điều răn của Chúa như bước căn bản của con đường nên hoàn thiện.

          Và cuối cùng, nhận thấy anh là người công chính vì đã giữ trọn lề luật, Chúa Giêsu mời anh đi bước đi quyết liệt: “anh chỉ thiếu có một điều là anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21). Như thế, Chúa Giêsu đã muốn anh vượt lên trên các giới luật để tiến đến một tình yêu dâng hiến và phục vụ, nghĩa là anh được mời gọi noi gương Ngài để trao hiến đời mình, thoát ra khỏi mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Trước lời đề nghị của Chúa, anh đã không đủ can đảm để chấp nhận những hy sinh, không thể dứt bỏ hay khước từ mọi sự vì anh ta có nhiều của cải.

          Nhưng Chúa Giêsu vẫn cho là chưa đủ: ông bà còn thiếu một điều, anh chị còn thiếu một điều, em còn thiếu một điều, nghĩa là còn bước dấn thân nữa thôi sẽ đi theo Chúa trọn vẹn. Nhưng dường như có một sơi dây đang cột chặt, không cho người thanh niên và chúng ta tiến thêm một bước nữa theo Chúa cho trọn: sợi dây hám lợi, sợi dây chức phận, sợi dây biếng nhác, sợi dây đam mê thấp hèn, sợi dây tật xấu.

          Nơi cá nhân và gia đình, chỉ mỗi chúng ta mới biết được điều mình đang thiếu là gì, khiến mình chưa trọn thuộc về Chúa. Thánh Phaolô chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm nên thánh của ngài: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Kitô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết tất cả và coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và kết hợp với Ngài” (Pl 3,7-8).

          Kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa vẫn có mọi sự ở đời này và cộng thêm sự bị bắt bớ. Ðàng rằng chỉ có Maccô thêm chữ “bị bắt bớ” này vào câu trả lời của Chúa. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt của Hội Thánh thời Marcô viết tác phẩm Tin Mừng. Nhưng ai cấm chúng ta suy nghĩ rằng: theo thánh nhân, môn đệ của Chúa ở đời này không tất nhiên phải biến mình trở thành khố rách áo ôm. Như mọi người, họ vẫn có nhà để ở, áo để mặc, cơm để ăn, họ hàng bè bạn để tương giao… và còn có hơn vì tình huynh đệ và tương trợ trong Hội Thánh; nhưng họ hãy có như không có, hưởng như không hưởng, vì họ phải sống mầu nhiệm thập giá Ðức Kitô mà viễn tượng “bị bắt bớ” luôn nhắc nhở người ta phải có tinh thần từ bỏ tuyệt đối vì Nước Trời. Và của cải là diện khó từ bỏ, đến nỗi con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Trời.

          Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của ước muốn nên thánh nơi người thanh niên khi đến hỏi Chúa con đường nên thánh. Ngài cũng không chê bỏ khát khao sống thánh thiện của các Kitô hữu hôm nay. Giữa một thế giới sa sút đạo đức mà giữ được những điều răn của Chúa dạy đã là đáng nể phục rồi! Giữa một xã hội tục hoá như hôm nay mà giữ ngày Chúa Nhật hay đọc kinh đã là lối sống đạo đức đáng trân trọng rồi!

 
Huệ Minh